BAN THƯỜNG VỤ TW HỘI CCBVN-BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/1998/TTLT-TCCP-CCB | Hà Nội , ngày 30 tháng 9 năm 1998 |
Căn cứ ý kiến của Thường vụ Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng số 721/CV-VPTW ngày 29/8/1996.
Căn cứ chỉ thị 487/TTg ngày 3/7/1997 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Hội Cựu chiến binh trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước.
Căn cứ vào điều lệ của Hội Cựu Chiến binh Việt Nam đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Hội thông qua ngày 16/12/1997.
Được sự nhất trí của Ban tổ chức Trung ương tại công văn số 954TC/TW ngày 15/8/1998. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Ban thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam hướng dẫn một số vấn đề về tổ chức và nội dung hoạt động của tổ chức Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước như sau:
1/ Hội Cựu chiến binh được tổ chức ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Đảng vì vậy Hội được tổ chức dựa theo hệ thống tổ chức của Đảng; tổ chức Đảng ở cơ quan đơn vị trực thuộc Đảng bộ nào thì tổ chức Hội của cơ quan đơn vị cũng trực thuộc tổ chức Hội cấp tương ứng.
2/ Tổ chức Hội Cựu chiến binh của cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Đảng uỷ và sự quản lý Nhà nước của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cùng cấp.
3/ Hội Cựu chiến binh của cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của Hội Cựu chiến binh Việt Nam và tuân theo đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, hiến pháp và pháp luật của Nhà nước và các nội dung hướng dẫn của tổ chức Hội cấp trên.
4/Cán bộ của tổ chức Hội Cựu chiến binh trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm. Các chế độ, chính sách cho cán bộ và kinh phí hoạt động của Hội trong các cơ quan nói trên do Bộ Tài chính hướng dẫn theo quy định hiện hành.
5/ Tổ chức thành lập Hội Cựu chiến binh ở cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước phải có những điều kiện sau đây:
a- Cơ quan đơn vị có từ 7 Cựu chiến binh trở lên có nguyện vọng muốn thành lập tổ chức Hội, làm đơn xin lập tổ chức Hội.
b- Được Đảng uỷ và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nhất trí tán thành. c- Được Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh cấp trên trực tiếp ra quyết định tổ chức thành lập.
II. HÌNH THỨC VÀ QUY MÔ TỔ CHỨC:
A. ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH CỦA ĐỊA PHƯƠNG:
1/ Cơ quan hành chính thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a- Tổ chức Đảng của cơ quan được xác định là Đảng bộ cơ sở, thì thành lập tổ chức cơ sở Hội.
b- ở cấp trên Đảng bộ cơ sở, về Đảng tổ chức Đảng bộ khối cơ quan tỉnh, thành phố, thì về Hội cũng thành lập tổ chức Hội khối cơ quan, trực thuộc Ban chấp hành tỉnh, thành Hội.
2/ Cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện)
Ở cấp huyện thành lập tổ chức cơ sở Hội của khối cơ quan dân chính, Đảng trong huyện trực thuộc Ban chấp hành Hội huyện.
B- ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP:
a- Về tổ chức Đảng của đơn vị xác định là tổ chức Đảng bộ cơ sở trực thuộc huyện thì về Hội cũng thành lập tổ chức cơ sở Hội trực thuộc Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện
b- Về tổ chức Đảng của đơn vị xác định là tổ chức trên cơ sở, tương đương cấp huyện trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ thì cũng thành lập tổ chức hội tương đương cấp huyện trực thuộc Ban chấp hành tỉnh, thành Hội Cựu chiến binh.
C. ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC:
a- Về tổ chức Đảng của doanh nghiệp xác định là tổ chức cơ sở trực thuộc huyện; thì Hội cũng thành lập tổ chức cơ sở trực thuộc Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện.
b- Về tổ chức Đảng của doanh nghiệp xác định là tổ chức trên cơ sở, tương đương cấp huyện trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ; thì cũng thành lập tổ chức Hội tương đương cấp huyện trực thuộc Ban chấp hành tỉnh, thành Hội Cựu chiến binh.
D. ĐỐI VỚI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP NHÀ NƯỚC CỦA TRUNG ƯƠNG:
Các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước trong các Đảng uỷ khối trực thuộc Trung ương Đảng, Ban tổ chức Trung ương Đảng nhất trí tổ chức thí điểm ở một số cơ quan, sau khi rút kinh nghiệm sẽ hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Những tổ chức Hội cơ sở có đông hội viên được thành lập các chi Hội. Chi Hội tối thiểu phải có từ 3 hội viên trở lên.
A. NHIỆM VỤ:
Tổ chức Hội trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp thực hiện 5 nhiệm vụ của Hội Cựu chiến binh Việt Nam quy định trong Điều 2 Chương II và Điều 16 Chương V của Điều lệ Hội.
B. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN:
1. Tổ chức Hội ở những cơ quan hành chính, sự nghiệp
- Tập hợp đoàn kết, giáo dục Cựu chiến binh trong cơ quan, đơn vị giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống " Bộ đội Cụ Hồ" nâng cao ý thức trách nhiệm chính trị, góp phần xây dựng và thực hiện có hiệu quả, có chất lượng các chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị.
- Tổ chức hướng dẫn hội viên chấp hành đầy đủ chức trách nhiệm vụ người cán bộ, công nhân viên chức trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp, chấp hành chế độ công tác, kỷ luật lao động, tích cực cải tiến phương pháp, tác phong công tác, nêu gương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng.
- Than gia xây dựng cơ quan trong sạch vững mạnh, bảo vệ cơ quan an toàn.
- Tham gia bồi dưỡng, truyền thụ truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên trong cơ quan, đơn vị.
- Chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên, tổ cức giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, bảo vệ những quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên khi bị xâm phạm.
2. Tổ chức Hội ở các doanh nghiệp Nhà nước
- Tập hợp đoàn kết giáo dục Cựu chiến binh trong các doanh nghiệp giữ gìn phát huy bản chất truyền thống " Bộ đội cụ Hồ", nâng cao ý thức trách nhiệm chính trị, góp phần xây dựng và thực hiện có hiệu xuất, chất lượng cao các kế hoạch lao động, sản xuất, kinh doanh, các chủ trương biện pháp đổi mới trong công tác quản lý, phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Giáo dục, hướng dẫn Hội viên thực hiện nghĩa vụ người lao động, chấp hành kỷ luật lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, nêu gương tốt trong lao động, sản xuất, kinh doanh.
- Tham gia xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, an toàn.
- Tham gia bồi dưỡng truyền thụ, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên trong doanh nghiệp.
- Chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên, tổ chức giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn; bảo vệ những quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên khi bị xâm phạm.
3. Tổ chức Hội trong các trường học.
- Góp phần thực hiện có chất lượng các nội dung chương trình giáo dục của Nhà trường, thực hiện chủ trương đổi mới trong giáo dục đào tạo, cải tiến nâng cao chất lượng dạy, học và phục vụ; thúc đẩy phong trào dạy tốt, học tốt, công tác tốt trong nhà trường.
- Phối hợp cùng với đoàn thanh niên tham gia truyền thụ bồi dưỡng thế hệ trẻ và xây dựng tổ chức đoàn thanh niên trong nhà trường, tham gia đấu tranh chống diễn biến hoà bình, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nhà trường và trên địa bàn, phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo vệ sự trong sáng, lành mạnh trong cán bộ, công nhân viên chức, trong học sinh, sinh viên.
1. Với Đảng uỷ:
Đảng uỷ là cơ quan lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của tổ chức Hội Cựu chiến binh cùng cấp. Mọi hoạt động về xây dựng tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ của Hội đều phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Đảng uỷ cơ quan, đơn vị.
2. Với Thủ trưởng:
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với tổ chức Hội tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức và hoạt động của Hội cựu chiến binh ở cơ quan, đơn vị của mình. Tổ chức Hội phải định kỳ báo cáo tình hình hoạt động, đề đạt ý kiến với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
3. Với tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên:
Tổ chức Hội cựu chiến binh có mối quan hệ phối hợp công tác để cùng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đảng uỷ và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đề ra.
4. Với tổ chức Hội Cựu chiến binh cùng cấp ở địa phương:
Có mối quan hệ phối hợp công tác để cùng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội của Đảng uỷ chính quyền và tổ chức Hội của địa phương đề ra.
1. Căn cứ vào nội dung thông tư liên tịch nêu trên Ban thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam hướng dẫn thực hiện cụ thể thủ tục thành lập và hoạt động của các tổ chức Hội Cựu chiến binh ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước.
2. Các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước có điều kiện và có nhu cầu thành lập tổ chức Hội Cựu chiến binh trong cơ quan, đơn vị sau khi được sự nhất trí của Đảng uỷ và Thủ trưởng cơ quan đơn vị, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh cấp trên trực tiếp để được sự hướng dẫn tổ chức thực hiện cụ thể các bước tiến hành.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư trên các cơ quan, đơn vị có khó khăn vưỡng mắc phản ánh về Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Ban tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để cùng phối hợp giải quyết.
Đỗ Quang Trung (Đã ký) | Trần Văn Quang (Đã ký) |
- 1Chỉ thị 487-TTg năm 1997 về tổ chức và hoạt động của Hội Cựu chiến binh trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 103/2003/TT-BTC hướng dẫn nội dung thu, chi của các tổ chức Hội Cựu Chiến binh trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
Thông tư liên tịch 05/1998/TTLT-TCCP-CCB về tổ chức và hoạt động của tổ chức Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước do Ban Tổ chức,Cán bộ Chính phủ - Ban Thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 05/1998/TTLT-TCCP-CCB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 30/09/1998
- Nơi ban hành: Ban Thường vụ TW Hội CCBVN, Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ
- Người ký: Đỗ Quang Trung, Trần Văn Quang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 2
- Ngày hiệu lực: 15/10/1998
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực