Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG,
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG VIỆT NAM

******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2006/TTLT-BLĐTBXH-TLĐLĐVN

Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2006 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH KHOẢN 3, ĐIỀU 1 NGHỊ ĐỊNH SỐ 145/2004/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 7 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VIỆC THAM GIA Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ ĐẠI DIỆN NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG VỚI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC Ở CẤP TỈNH TRONG QUAN HỆ LAO ĐỘNG  

Căn cứ Khoản 3, Điều 1 của Nghị định số 145/2004/NĐ-CP ngày 14/7/2004 của Chính phủ, sau khi có sự nhất trí của Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn về việc tham gia ý kiến của đại diện lao động và đại diện người sử dụng lao động với cơ quan nhà nước về chính sách pháp luật lao động ở Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương.

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

a. Thông tư này quy định nội dung, hình thức và trách nhiệm của Liên đoàn lao động Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện người sử dụng lao động trong việc tham gia ý kiến với cơ quan nhà nước (sau đây gọi tắt là các bên) về chính sách, pháp luật và những vấn đề có liên quan đến quan hệ lao động ở Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh).

b. Đại diện các bên ở cấp Tỉnh bao gồm:

- Cơ quan Nhà nước là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;

- Đại diện người lao động là Liên đoàn lao động tỉnh;

- Đại diện người sử dụng lao động là Chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã cấp Tỉnh.

2. Nguyên tắc tham gia ý kiến

Tham gia ý kiến của các bên dựa trên nguyên tắc: hợp tác, dân chủ, bình đẳng khách quan và tôn trọng ý kiến, quyền lợi của các bên nhằm xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, góp phần phát triển nền kinh tế, ổn định xã hội.

3. Nội dung tham gia ý kiến

a) Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về lao động;

b) Xây dựng chính sách về lao động và quan hệ lao động;

c) Tổ chức thực hiện chính sách về lao động;

d) Các biện pháp giải quyết tranh chấp lao động, đình công và giải quyết phát sinh trong tranh chấp lao động;

e) Những vấn đề khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các bên theo quy định của pháp luật.

II. HÌNH THỨC THAM GIA Ý KIẾN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN

1. Tham gia ý kiến bằng văn bản

a) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lao động và lấy ý kiến các bên liên quan theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

b) Liên đoàn lao động, Chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện hoặc đại diện của Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Tỉnh, tổ chức lấy ý kiến các thành viên, tổ chức của mình về các vấn đề liên quan đến chính sách lao động ở địa phương theo điểm 3, phần I Thông tư này để tham gia ý kiến với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và báo cáo với tổ chức của mình ở cấp Trung ương.

c) Trường hợp có ý kiến khác nhau, bên có ý kiến khác có quyền bảo lưu ý kiến và cơ quan chủ trì có trách nhiệm báo cáo với cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để có quyết định cuối cùng.

2. Hội nghị các bên

Hội nghị tổ chức theo hai hình thức

- Hội Nghị định kỳ.

- Hội nghị đột xuất.

a) Hội Nghị định kỳ

- Thành phần hội nghị gồm đại diện các bên; Khi cần thiết có thể mời đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Được tổ chức 6 tháng một lần, sau khi hội nghị các bên ở cấp trung ương tổ chức.

- Nội dung hội nghị gồm các vấn đề:

+ Xây dựng kế hoạch phối hợp hàng năm giữa các bên về vấn đề lao động;

+ Đánh giá kết quả việc thực hiện chương trình, kế hoạch đã đề ra;

+ Đề xuất với cơ quan nhà nước những vấn đề thuộc nội dung quy định tại điểm 3 phần I Thông tư này.

b) Hội nghị đột xuất:

- Được tổ chức theo đề nghị của một trong các bên hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để giải quyết hoặc bàn biện pháp giải quyết kịp thời vụ việc liên quan đến chính sách, pháp luật lao động hoặc giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động tại địa phương.

- Hội nghị đột xuất được tổ chức chậm nhất sau 3 ngày kể từ ngày cơ quan được giao chủ trì hội nghị nhận được yêu cầu của một trong các bên đề nghị tổ chức hội nghị.

c) Kết quả hội Nghị định kỳ và đột xuất được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo UBND Tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và gửi cho các bên để thực hiện.

3. Trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp tổ chức lấy ý kiến các bên về những vấn đề liên quan đến chính sách lao động ở địa phương theo điểm 3 phần I của Thông tư này hoặc do các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương yêu cầu;

b) Dự kiến chương trình phối hợp hành động và tổ chức triển khai thực hiện chương trình hành động;

c) Tổ chức và chủ trì hội nghị định kỳ, đột xuất;

d) Tổ chức và phối hợp với các bên thực hiện pháp luật lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động tại địa phương;

đ) Chủ trì, phối hợp với các bên tổng hợp, đánh giá tình hình, đề xuất các giải pháp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động, đình công trong địa bàn;

e) Tham gia vào các hoạt động các bên khác về lao động.

4. Trách nhiệm của Liên đoàn lao động cấp tỉnh.

a) Tổ chức lấy ý kiến các thành viên, tổ chức của mình về các vấn đề liên quan đến chính sách lao động ở địa phương theo điểm 3, phần I Thông tư này hoặc do cơ quan có thẩm quyền ở trung ương yêu cầu;

b) Dự kiến chương trình phối hợp hành động và triển khai thực hiện chương trình hành động;

c) Tham gia hội nghị định kỳ, đột xuất; báo cáo kết quả hội nghị gửi Tổng liên đoàn lao động Việt Nam;

d) Phối hợp với các bên thực hiện pháp luật lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động tại địa phương;

đ) Đánh giá tình hình, đề xuất các giải pháp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động, đình công tại địa phương;

e) Tham gia vào các hoạt động các bên khác về lao động.

5. Trách nhiệm của chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện hoặc đại diện của Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh.

a) Tổ chức lấy ý kiến các thành viên, tổ chức của mình về các vấn đề liên quan đến chính sách lao động ở địa phương theo điểm 3, phần I Thông tư này hoặc do cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương yêu cầu;

b) Dự kiến chương trình phối hợp hành động và triển khai thực hiện chương trình hành động.

c) Tham gia hội nghị định kỳ, đột xuất; báo cáo kết quả hội nghị gửi Phòng Thưong mại công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;

d) Phối hợp với các bên thực hiện pháp luật lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động tại địa phương;

đ) Tổng hợp, đánh giá tình hình, đề xuất các giải pháp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động, đình công tại địa phương;

g) Tham gia vào các hoạt động các bên khác về lao động. 

III. KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

2. UBND cấp Tỉnh có trách nhiệm tạo kiện để các bên làm tốt chức năng đại diện theo quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để có hướng dẫn, bổ sung kịp thời./

 

CHỦ TỊCH
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
 
 

  
Cù Thị Hậu

BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
 
 
 
 
Nguyễn Thị Hằng

 

Nơi nhận:
- VP Chủ tịch nước
- VP Quốc hội
- VPTƯ Đảng
- Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ
- Văn phòng Chính phủ
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản QPPL)
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- Tòa án NDTC, Viện KSNDTC
- Cơ quan TW các tổ chức chính trị xã hội
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Phòng Thương mại công nghiệp VN, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam
- Sở LĐTBXH, Liên đoàn lao động , Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương
- Các Vụ, Cục, Ban, Viện thuộc Bộ LĐTBXH
- Công báo (02 bản)
- Các đơn vị thuộc Bộ
- Lưu Văn thư, Vụ Pháp chế Bộ LĐTBXH, Tổng liên đoàn LĐVN,
Phòng Thương mại CNVN, Liên minh Hợp tác xã VN.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 04/2006/TTLT-BLĐTBXH-TLĐLĐVN hướng dẫn khoản 3, điều 1 nghị định 145/2004/NĐ-CP về việc tham gia ý kiến của đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động với cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh trong quan hệ lao động do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Tồng liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 04/2006/TTLT-BLĐTBXH-TLĐLĐVN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 21/06/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Cù Thị Hậu, Nguyễn Thị Hằng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1 đến số 2
  • Ngày hiệu lực: 16/07/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản