- 1Thông tư liên tịch 01/2007/TTLT-BCA-BNG sửa đổi Thông tư liên tịch 04/2002/TTLT/BCA-BNG hướng dẫn Nghị định 21/2001/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Công an - Bộ Ngoại giao cùng ban hành
- 2Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BCA-BNG sửa đổi Thông tư liên tịch 04/2002/TTLT-BCA-BNG và 05/2009/TTLT-BCA-BNG trong lĩnh vực xuất nhập cảnh do Bộ Công an - Bộ Ngoại giao ban hành
BỘ CÔNG AN-BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2002/TTLT/BCA-BNG | Hà Nội , ngày 29 tháng 1 năm 2002 |
Thực hiện Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28-5-2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định), Bộ Công an và Bộ Ngoại giao hướng dẫn như sau:
I- VIỆC MỜI, ĐÓN, BẢO LÃNH NGƯỜI NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM
1- Đối với người nước ngoài thuộc diện làm thủ tục tại Bộ Ngoại giao
a) Cơ quan, tổ chức được giao chủ trì đón khách nước ngoài vào Việt Nam theo lời mời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, khách mời cấp tương đương của các vị có hàm Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi công văn thông báo danh sách và chương trình hoạt động của khách tới Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh, đồng gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an; nếu yêu cầu cấp thị thực cho khách tại cửa khẩu quốc tế, thì công văn cần nêu rõ cửa khẩu và thời gian khách nhập cảnh để Cục Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện.
Cục Lãnh sự hoặc Sở ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh thông báo cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài được uỷ quyền thực hiện chức năng lãnh sự (sau đây gọi là cơ quan đại diện Việt Nam) cấp thị thực cho khách (nếu thuộc diện phải cấp thị thực).
b) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác của nước ngoài được uỷ quyền thực hiện chức năng lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hiệp quốc, tổ chức quốc tế liên Chính phủ đặt tại Việt Nam (sau đây gọi là cơ quan đại diện nước ngoài) có nhu cầu thay đổi thành viên hoặc mời người nước ngoài vào làm việc với cơ quan đại diện, thì gửi công hàm tới Cục Lãnh sự hoặc Sở ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh. Công hàm cần nêu rõ: họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, quốc tịch, số hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, thời gian cư trú tại Việt Nam, nơi nhận thị thực của người được mời.
Cục Lãnh sự, Sở ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh có công văn thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh về việc cơ quan đại diện nước ngoài thay đổi thành viên hoặc mời người vào làm việc. Sau 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn thông báo, nếu Cục Quản lý xuất nhập cảnh không có ý kiến, thì Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh thông báo cơ quan đại diện Việt Nam cấp thị thực cho khách.
Trường hợp khách có nhu cầu xin cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế, Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh có công văn đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh giải quyết. Cục Quản lý xuất nhập cảnh có công văn trả lời trong thời hạn 2 ngày làm việc.
c) Thành viên cơ quan đại diện nước ngoài có nhu cầu mời khách vào thăm, cơ quan đại diện mà người đó là thành viên làm thủ tục theo quy định tại điểm 1b mục này.
d) Cơ quan, tổ chức đề nghị thông báo cơ quan đại diện Việt Nam cấp thị thực cho khách phải thanh toán với Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh cước phí theo biểu giá của ngành bưu điện.
2- Đối với người nước ngoài thuộc diện làm thủ tục tại Bộ Công an
a) Các cơ quan, tổ chức có nhu cầu mời người nước ngoài vào Việt Nam không thuộc diện làm thủ tục tại Bộ Ngoại giao quy định tại điểm 1 mục này, gửi công văn đề nghị tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh; nếu đề nghị cấp thị thực cho khách tại cửa khẩu quốc tế, thì công văn cần nêu rõ cửa khẩu và thời gian khách nhập cảnh, lý do đề nghị cấp thị thực tại cửa khẩu.
Các tổ chức quy định tại các điểm d, đ, g, h khoản 1 Điều 4 của Nghị định, trước khi làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh phải nộp hồ sơ chứng minh tư cách pháp nhân tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Hồ sơ gồm:
- Giấy phép hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập tổ chức;
- Văn bản đăng ký hoạt động của tổ chức, có xác nhận đồng ý của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức đặt trụ sở;
- Văn bản giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức.
Việc nộp hồ sơ nêu trên chỉ thực hiện một lần. Khi có sự thay đổi nội dung trong hồ sơ, thì tổ chức đó có văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh để bổ sung hồ sơ.
b) Cá nhân có nhu cầu mời người nước ngoài vào thăm, nộp đơn tại Cục quản lý xuất nhập cảnh. Đơn phải có xác nhận theo quy định sau đây:
- Nếu người mời là công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, thì đơn phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân phường, xã nơi cư trú.
- Nếu người mời là người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên, thì đơn phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
c) Cục Quản lý xuất nhập cảnh có văn bản trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được công văn hoặc đơn đề nghị; trường hợp phát hiện người nước ngoài thuộc diện chưa được nhập cảnh Việt Nam, thì nêu rõ tại văn bản trả lời để cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh biết.
d) Việc thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam cấp thị thực cho người nước ngoài (trừ các trường hợp được miễn thị thực, nhận thị thực tại cửa khẩu) do Cục Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị thông báo phải thanh toán với Cục Quản lý xuất nhập cảnh cước phí theo biểu giá của ngành bưu điện.
II- VIỆC CẤP, BỔ SUNG, SỬA ĐỔI THỊ THỰC TẠI CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM
1- Việc cấp thị thực
a) Người nước ngoài xin thị thực nộp tại cơ quan đại diện Việt Nam một đơn (theo mẫu quy định) kèm hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (sau đây gọi chung là hộ chiếu). Thời hạn giá trị còn lại của hộ chiếu phải dài hơn ít nhất một tháng so với thời hạn giá trị của thị thực xin cấp. Nếu xin cấp thị thực rời thì trong đơn nêu rõ lý do, mục đích xin cấp thị thực rời.
Người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu về thăm thân nhân mà không có hộ chiếu, nếu mang giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp có giá trị xuất, nhập cảnh và mẫu giấy tờ đó đã được thông báo chính thức cho Việt Nam qua đường ngoại giao, cũng làm thủ tục theo quy định tại điểm này.
b) Cơ quan đại diện Việt Nam cấp thị thực như sau:
- Đối với người không có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mời đón, thì xét cấp thị thực một lần, thời hạn 15 ngày. Việc xét cấp thị thực được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận đơn, hộ chiếu.
- Đối với người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài có nhu cầu về thăm thân nhân, nếu có bằng chứng đã nhập cảnh Việt Nam lần trước cách thời điểm xin nhập cảnh không quá 36 tháng, thì cơ quan đại diện Việt Nam xét cấp thị thực có giá trị một lần không quá 3 tháng. Việc xét cấp thị thực được thực hiện trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi nhận đơn, hộ chiếu.
- Đối với người đã có thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục Lãnh sự hoặc Sở ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh về việc cho nhập cảnh, thì trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi nhận đơn, hộ chiếu của khách, cơ quan đại diện Việt Nam cấp thị thực theo nội dung đã được thông báo.
Trường hợp cơ quan đại diện Việt Nam phát hiện người xin thị thực có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc có hoạt động phương hại đến an ninh quốc gia mà cơ quan chức năng ở trong nước chưa phát hiện được, thì người đứng đầu cơ quan đại diện cần kịp thời trao đổi lại với cơ quan đã thông báo cấp thị thực để xem xét, quyết định.
c) Đối với người Việt Nam ở nước ngoài không có hộ chiếu, mang giấy tờ nêu tại điểm 1a mục này, nếu được chấp thuận nhập cảnh, thì cơ quan đại diện Việt Nam cấp thị thực rời.
2- Việc sửa đổi thị thực, chuyển thị thực sang hộ chiếu mới
a) Đối với trường hợp đề nghị sửa đổi thị thực đã cấp do bị lỗi kỹ thuật, cơ quan đại diện giải quyết ngay trong ngày làm việc.
b) Đối với trường hợp đề nghị chuyển thị thực còn giá trị sử dụng từ hộ chiếu cũ sang hộ chiếu mới, cơ quan đại diện Việt Nam thực hiện như sau:
- Nếu thị thực do cơ quan đại diện Việt Nam cấp thì đối chiếu với hồ sơ cấp thị thực để giải quyết;
- Nếu thị thực do cơ quan chức năng khác của Việt Nam cấp, cơ quan đại diện trao đổi với cơ quan chức năng đó để giải quyết.
Việc giải quyết chuyển thị thực được thực hiện trong thời hạn 2 ngày làm việc. Đối với trường hợp được chấp thuận, cơ quan đại diện Việt Nam cấp thị thực vào hộ chiếu mới của khách với thời hạn giá trị, số lần nhập cảnh và ký hiệu như thị thực đã cấp ở hộ chiếu cũ.
c) Đối với trường hợp đề nghị sửa đổi loại thị thực (số lần nhập cảnh), thời hạn thị thực hoặc mục đích nhập cảnh, thì thủ tục và trình tự giải quyết như đối với trường hợp xin thị thực nhập cảnh nêu tại Mục I Thông tư này.
Người đề nghị sửa đổi thị thực nộp tại cơ quan đại diện Việt Nam một đơn theo mẫu quy định. Đối với trường hợp được chấp thuận, cơ quan đại diện Việt Nam cấp thị thực mới phù hợp với nội dung được chấp thuận.
III- VIỆC CẤP CHỨNG NHẬN TẠM TRÚ TẠI CỬA KHẨU QUỐC TẾ VÀ VIỆC KHAI BÁO TẠM TRÚ
1- Việc cấp chứng nhận tạm trú.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài tại cửa khẩu quốc tế như sau:
a) Đối với người mang thị thực, thì cấp chứng nhận tạm trú đến hết thời hạn của thị thực. Nếu ở thời điểm người đó nhập cảnh mà thời hạn của thị thực còn giá trị không quá 15 ngày, thì cấp chứng nhận tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
b) Đối với người được miễn thị thực.
- Đối với quan chức, viên chức Ban thư ký ASEAN, thì cấp chứng nhận tạm trú 30 ngày.
c) Đối với người nước ngoài mang thẻ tạm trú, thẻ thường trú còn giá trị sử dụng, thì không cấp chứng nhận tạm trú.
2- Việc khai báo tạm trú.
a) Thủ tục khai báo tạm trú của người nước ngoài với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh gồm:
- Xuất trình hộ chiếu, tờ khai nhập xuất cảnh, chứng nhận tạm trú và thị thực (nếu thuộc diện phải có thị thực) ;
- Khai vào phiếu khai báo tạm trú theo mẫu do Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh ban hành.
b) Người nước ngoài nghỉ qua đêm tại khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ của tổ chức, cá nhân, khu nhà ở dành riêng cho người nước ngoài (sau đây gọi là cơ sở có người nước ngoài tạm trú) thực hiện việc khai báo tạm trú thông qua chủ cơ sở đó. Chủ cơ sở có người nước ngoài tạm trú có trách nhiệm:
- Hướng dẫn người nước ngoài làm thủ tục khai báo tạm trú nêu tại điểm 2a trên đây.
- Lập danh sách người nước ngoài khai báo tạm trú và nộp tại công an phường xã sở tại. Đối với cơ sở có người nước ngoài tạm trú đã nối mạng máy tính với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Phòng Quản lý xuất nhập cảnh), thì truyền ngay nội dung khai báo tạm trú của người nước ngoài về Phòng Quản lý xuất nhập cảnh và thông báo số lượng người nước ngoài tạm trú cho công an phường xã sở tại biết.
Mẫu danh sách người nước ngoài khai báo tạm trú do Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh ban hành.
- Lưu giữ phiếu khai báo tạm trú và danh sách người nước ngoài khai báo tạm trú tại cơ sở của mình để xuất trình với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi có yêu cầu. Thời gian lưu giữ phiếu khai báo tạm trú và danh sách người nước ngoài khai báo tạm trú ít nhất 6 tháng.
c) Người nước ngoài nghỉ qua đêm tại nhà riêng của thân nhân, phải trực tiếp hoặc thông qua chủ nhà thực hiện việc khai báo tạm trú tại công an phường, xã sở tại.
d) Những quy định tại điểm 2 mục này không áp dụng đối với việc nghỉ qua đêm tại trụ sở cơ quan đại diện nước ngoài hoặc nhà riêng của thành viên cơ quan đại diện nước ngoài.
1- Đối với người nước ngoài thuộc diện làm thủ tục tại Bộ Ngoại giao
a) Người nước ngoài là khách mời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ: khách mời cấp tương đương của các vị có hàm Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành viên cơ quan đại diện nước ngoài và thân nhân, người giúp việc cùng đi; khách vào làm việc với cơ quan đại diện nước ngoài hoặc vào thăm thành viên cơ quan đại diện có nhu cầu xin cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực, cấp, gia hạn chứng nhận tạm trú, thì cơ quan đón tiếp thực hiện như sau:
- Nếu khách có nhu cầu cấp, gia hạn chứng nhận tạm trú, thì gửi văn bản đề nghị tới Vụ lễ tân - Bộ Ngoại giao hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao uỷ quyền.
- Nếu khách có nhu cầu cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực, thì gửi văn bản đề nghị tới Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh.
Việc xem xét, giải quyết các đề nghị nói trên được thực hiện trong thời hạn 5 ngày làm việc.
b) Thành viên cơ quan đại diện nước ngoài và thân nhân, người giúp việc cùng đi được Vụ Lễ tân, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao uỷ quyền cấp thẻ tạm trú. Cơ quan đại diện nước ngoài gửi công hàm đề nghị cấp thẻ tạm trú tới một trong các cơ quan nói trên kèm theo tờ khai có ảnh của người đề nghị cấp thẻ.
Sau khi cấp thẻ tạm trú, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan cấp thẻ lập danh sách với các chi tiết nhân thân, kèm ảnh của người được cấp thẻ và gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
c) Trường hợp người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam xin chuyển đổi mục đích tạm trú để làm việc với cương vị là thành viên cơ quan đại diện nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài gửi công hàm kèm theo đơn và hộ chiếu của người đó tới Vụ Lễ tân, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao uỷ quyền. Công hàm cần nêu rõ: họ tên, ngày tháng, năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu, nghề nghiệp, địa chỉ và mục đích tạm trú của người xin chuyển đổi mục đích tạm trú.
Vụ Lễ tân, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao uỷ quyền có văn bản trao đổi với Cục Quản lý xuất nhập cảnh để thống nhất cách giải quyết. Đối với người được chấp thuận chuyển đổi mục đích, Vụ Lễ tan, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao uỷ quyền cấp thẻ tạm trú phù hợp với mục đích chuyển đổi.
2- Đối với người nước ngoài thuộc diện làm thủ tục tại Bộ Công an
a) Người nước ngoài xin cấp, gia hạn chứng nhận tạm trú, cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực phải thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh để làm thủ tục với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài gửi văn bản đề nghị kèm theo hộ chiếu của khách tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.
Trường hợp người nước ngoài xin cấp, gia hạn chứng nhận tạm trú để giải quyết việc riêng của cá nhân người đó,thì có thể trực tiếp nộp đơn tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.
b) Người nước ngoài xin chuyển đổi mục đích tạm trú tại Việt Nam phải thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh để làm thủ tục với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh việc chuyển đổi mục đích của người nước ngoài gửi văn bản đề nghị kèm theo hộ chiếu của khách tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng quản lý xuất nhập cảnh.
Việc xem xét, giải quyết yêu cầu nêu trên được thực hiện trong thời hạn 5 ngày làm việc. Đối với người nước ngoài được chấp thuận chuyển đổi mục đích tạm trú, Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú phù hợp với mục đích chuyển đổi.
c) Trường hợp người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam xin chuyển đổi mục đích để làm thuê cho cơ quan đại diện nước ngoài (trừ trường hợp làm thành viên của cơ quan đại diện), cơ quan đại diện nước ngoài có công hàm kèm theo hộ chiếu của người đó gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, nêu rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu của khách, mục đích và địa chỉ đang tạm trú tại Việt Nam, lý do xin chuyển đổi mục đích.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh có công văn gửi Vụ Lễ tân hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh để thống nhất giải quyết. Đối với người nước ngoài được chấp thuận chuyển đổi mục đích tạm trú. Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú phù hợp với mục đích chuyển đổi.
V- KÝ HIỆU CỦA THỊ THỰC VÀ THẺ TẠM TRÚ
1- Thị thực có các ký hiệu sau đây:
A1- Cấp cho thành viên chính thức các đoàn khách mời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và khách mời cấp tương đương của các vị có hàm Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thân nhân, người giúp việc cùng đi.
A2- Cấp cho thành viên cơ quan đại diện nước ngoài và thân nhân, người giúp việc cùng đi.
A3- Cấp cho người vào làm việc với cơ quan đại diện nước ngoài hoặc vào thăm thành viên cơ quan đại diện nước ngoài.
B1- Cấp cho người vào làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan Trung ương của các tổ chức nhân dân, đoàn thể quần chúng.
B2- Cấp cho người vào thực hiện dự án đầu tư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép.
B3- Cấp cho người vào làm việc với các doanh nghiệp của Việt Nam.
B4- Cấp cho người vào làm việc tại Văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức kinh tế, văn hoá và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài; tổ chức phi Chính phủ có trụ sở đặt tại Việt Nam.
C1- Cấp cho người vào Việt Nam du lịch.
C2- Cấp cho người vào Việt Nam với mục đích khác.
D- Cấp cho người vào Việt Nam không có cơ quan, tổ chức cá nhân mời đón.
Thị thực ký hiệu D có giá trị 15 ngày; thị thực ký hiệu khác có giá trị từ 30 ngày trở lên.
2- Thẻ tạm trú có các ký hiệu sau đây:
A- Cấp cho thành viên cơ quan đại diện nước ngoài và thân nhân, người giúp việc cùng đi.
B1- Cấp cho người nước ngoài làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan Trung ương của các tổ chức nhân dân, đoàn thể quần chúng.
B2- Cáp cho người nước ngoài làm việc tại dự án đầu tư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép.
B3- Cấp cho người nước ngoài làm việc với doanh nghiệp của Việt Nam.
B4- Cấp cho người nước ngoài thuộc biên chế của văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức kinh tế, văn hoá và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài; tổ chức phi Chính phủ có trụ sở đặt tại Việt Nam.
C- Cấp cho người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam với mục đích khác.
VI- VIỆC GIẢI QUYẾT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI THƯỜNG TRÚ
1- Người nước ngoài thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 13 của Nghị định xin thường trú tại Việt Nam, phải nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Hồ sơ gồm:
- 2 đơn xin thường trú theo mẫu do Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh ban hành, kèm theo 4 ảnh;
- 2 bản tự khai lý lịch;
- 2 bản chụp hộ chiếu;
- Các giấy tờ, tài liệu liên quan (nếu có).
Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Công an có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người xin thường trú biết quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, thì thông báo công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó xin thường trú để chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện việc cấp thẻ thường trú.
2- Người nước ngoài thuộc diện quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị dịnh xin thường trú tại Việt Nam, phải nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nơi người đó xin thường trú. Hồ sơ gồm:
- 2 đơn xin thường trú theo mẫu do Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh ban hành kèm theo 4 ảnh.
- 2 bản lý lịch tư pháp có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân hoặc của nước mà người đó có nơi thường trú.
- Công hàm của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân đề nghị giải quyết cho người đó được thường trú tại Việt Nam;
- Giấy tờ chứng minh là vợ, chồng, con, cha, mẹ của công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam.
- 2 bản chụp hộ chiếu;
- Các giấy tờ, tài liệu liên quan (nếu có).
Các giấy tờ nêu tại điểm này (trừ đơn xin thường trú, công hàm, hộ chiếu) phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng hoặc hợp pháp hoá theo quy định.
Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thẩm tra, xác minh và báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định. Trường hợp xét thấy cần phải thẩm tra bổ sung thì thời gian có thể được kéo dài thêm nhưng không quá 3 tháng.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người xin thường trú biết quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an; nếu được Bộ trưởng Bộ Công an chấp thuận, thì thông báo công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó xin thường trú để chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện việc cấp thẻ thường trú.
1- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Phòng Quản lý xuất nhập cảnh) cấp thẻ thường trú trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Thẻ thường trú được cấp riêng cho từng người, kể cả người dưới 14 tuổi. Mẫu thẻ thường trú do Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh ban hành.
Trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, người nước ngoài được chấp thuận cho thường trú tại Việt Nam phải đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nơi thường trú để nhận thẻ thường trú. Quá thời hạn nói trên, người được chấp thuận cho thường trú không đến nhận thẻ mà không có lý do chính đáng, thì thẻ thường trú mặc nhiên hết giá trị.
2- Người nước ngoài đã được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp giấy chứng nhận thường trú trước thời điểm ban hành thông tư này, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ban hành Thông tư, phải đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nơi thường trú để đổi thẻ thường trú.
3- Định kỳ 3 năm một lần, người được cấp thẻ thường trú phải mang theo thẻ đến trình diện tại cơ quan cấp thẻ để được đổi thẻ mới. Nếu không trình diện theo quy định, thì có thể bị thu hồi thẻ thường trú.
4- Trường hợp có nhu cầu thay đổi nội dung ghi trong thẻ thường trú, người thường trú phải nộp đơn tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nơi thường trú.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Phòng Quản lý xuất nhập cảnh) có trách nhiệm báo cáo Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, quyết định Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có văn bản trả lời. Đối với trường hợp được chấp thuận thay đổi nội dung ghi trong thẻ thường trú, công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Phòng Quản lý xuất nhập cảnh) thực hiện việc cấp thẻ mới trong thời gian không quá 5 ngày làm việc.
5- Người không quốc tịch nếu được cấp thẻ thường trú, thì được sử dụng thẻ này để xuất, nhập cảnh Việt Nam.
1- Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm:
- Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, đón, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam và người nước ngoài thực hiện Thông tư này.
- Ban hành văn bản hướng dẫn lực lượng kiểm soát nhập xuất cảnh ở cửa khẩu quốc tế và công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; ban hành quy trình, biểu mẫu giải quyết việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài thuộc diện làm thủ tục tại Bộ Công an.
- Kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao những vấn đề về an ninh quốc gia có liên quan và những vi phạm pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự để xử lý về mặt ngoại giao.
- Quản lý và cung cấp kịp thời ấn phẩm trắng thị thực cho Cục lãnh sự, theo kế hoạch đã được dự trù trước.
2- Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ đặc điểm của địa phương, quy định cụ thể việc chuyển danh sách tạm trú của người nước ngoài từ công an phường, xã về Phòng quản lý xuất nhập cảnh bằng biện pháp nhanh nhất.
3- Cục Lãnh sự có trách nhiệm:
- Hướng dẫn cơ quan đại diện Việt Nam, cơ quan đại diện nước ngoài và cơ quan liên quan thực hiện thông tư này.
- Ban hành quy trình, biểu mẫu giải quyết việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thuộc diện làm thủ tục tại Bộ Ngoại giao.
- Định kỳ hàng quý thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh tình hình nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài thuộc diện làm thủ tục tại Bộ Ngoại giao để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
4- Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì, phối hợp với Cục trưởng Cục lãnh sự thống nhất ban hành các loại mẫu giấy tờ sau:
a) Đơn xin thị thực;
b) Mẫu thị thực;
c) Mẫu thẻ tạm trú.
5- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao hướng dẫn cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện thông tư này.
6- Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định, hướng dẫn liên tịch trước đây của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Nguyễn Văn Hưởng (Đã ký) | Nguyễn Văn Ngạnh (Đã ký) |
- 1Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000
- 2Công văn 379/NG-LS của Bộ Ngoại giao về việc thủ tục xin thị thực cho khách nước ngoài vào Việt Nam
- 3Thông tư 110/2021/TT-BCA bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, liên tịch ban hành
- 4Quyết định 721/QĐ-BCA năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an kỳ 2019-2023
- 1Thông tư liên tịch 01/2007/TTLT-BCA-BNG sửa đổi Thông tư liên tịch 04/2002/TTLT/BCA-BNG hướng dẫn Nghị định 21/2001/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Công an - Bộ Ngoại giao cùng ban hành
- 2Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BCA-BNG sửa đổi Thông tư liên tịch 04/2002/TTLT-BCA-BNG và 05/2009/TTLT-BCA-BNG trong lĩnh vực xuất nhập cảnh do Bộ Công an - Bộ Ngoại giao ban hành
- 3Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BCA năm 2014 hợp nhất Thông tư liên tịch thực hiện Nghị định 21/2001/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh nhập, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Công an ban hành
- 4Thông tư 110/2021/TT-BCA bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, liên tịch ban hành
- 5Quyết định 721/QĐ-BCA năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an kỳ 2019-2023
Thông tư liên tịch 04/2002/TTLT/BCA-BNG hướng dẫn Nghị định 21/2001/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ công an-Bộ Ngoại giao ban hành
- Số hiệu: 04/2002/TTLT/BCA-BNG
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 29/01/2002
- Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Ngoại giao
- Người ký: Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Văn Ngạnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 11 đến số 12
- Ngày hiệu lực: 13/02/2002
- Ngày hết hiệu lực: 15/11/2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực