Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/TTLN | Hà Nội , ngày 10 tháng 8 năm 1996 |
Bộ luật dân sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ tám, thông qua ngày 28/10/1995 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/1996. Đây là văn bản pháp luật lớn điều chỉnh các quan hệ dân sự trong phạm vi rộng. Kể từ ngày 1/7/1996 Bộ luật dân sự thay thế các văn bản pháp luật về dân sự đã được ban hành và có hiệu lực từ trước đến nay; ngoài ra có một số lĩnh vực hay một số quan hệ dân sự mà từ trước đến nay chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh, nay Bộ luật dân sự đã có quy định bảo đảm một hệ thống các quy phạm pháp luật dân sự thống nhất, là cơ sở thuận lợi cho việc thi hành và áp dụng pháp luật.
Thực hiện Nghị quyết đã được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ tám, thông qua ngày 28/10/1995 về việc thi hành Bộ luật dân sự (sau đây gọi tắt là Nghị quyết), Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật dân sự trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự như sau:
1. Theo quy định tại khoản 1 Nghị quyết thì Bộ luật dân sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28/10/1995 có hiệu lực từ ngày 1/7/1996.
Như vậy, kể từ ngày 1/7/1996 các quan hệ dân sự đều phải tuân theo các quy định của Bộ luật dân sự, do đó, đối với các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch dân sự xác lập từ ngày 1/7/1996 phải áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.
2. Theo Nghị quyết thì các quy định của Bộ luật dân sự cũng được áp dụng để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ một số loại giao dịch dân sự xác lập trước ngày 1/7/1996, cụ thể là:
a) Điểm a khoản 3 Nghị quyết quy định là đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực hiện vẫn đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự, thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự; do đó, nếu có tranh chấp phát sinh từ những giao dịch dân sự loại này, phải áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.
Ví dụ: Ngày 5/9/1995 A vay B 2.000.000 đồng với thời hạn vay là 1 năm, lãi suất là 1,2% một tháng. Khi vay, A cầm cố với B chiếc máy khâu của mình trị giá 4.500.000 đồng và việc cầm cố này được ghi rõ trong hợp đồng vay nợ, có xác nhận của Công chứng nhà nước. Ngày 10/5/1996 A lại vay B thêm 1.000.000 đồng với thời hạn vay là 1 năm, lãi suất 1,2% một tháng và cũng trên cơ sở cầm cố máy khâu theo lần vay thứ nhất. Hợp đồng vay nợ và cầm cố máy khâu lần này cũng có xác nhận của Công chứng nhà nước. Từ tháng 5/1996 A không trả lãi cho B như đã thoả thuận trong hai hợp đồng vay nợ nói trên. Giả sử, đến ngày 5/9/1996 là hạn trả khoản nợ 2.000.000 đồng mà A không trả được nợ, nên B khởi kiện ra Toà án yêu cầu A phải trả nợ, nếu không trả được khoản nợ 2.000.000 đồng thì phải phát mại máy khâu đã cầm cố để B thu hồi cả hai khoản nợ là 3.000.0000 đồng và số tiền lãi của 3.000.000 đồng từ tháng 5 năm 1996 là 3.000.000 đồng x 1,2% x 4 = 144.000 đồng. Tổng cộng số tiền mà B yêu cầu A phải trả là 3.144.000 đồng. Nội dung và hình thức của hai hợp đồng vay nợ có cầm cố tài sản giữa A và B đều phù hợp với nội dung hợp đồng vay nợ được quy định tại các Điều từ 467 đến 475 và cầm cố tài sản được quy định tại các Điều từ 329 đến 343 Bộ luật dân sự; do đó, khi giải quyết tranh chấp này phải áp dụng các quy định tương ứng được quy định tại các điều nói trên của Bộ luật dân sự, chứ không áp dụng các quy định của Pháp lệnh Hợp đồng dân sự (văn bản pháp luật có hiệu lực vào thời điểm A và B xác lập hợp đồng vay nợ).
Để áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự trong các trường hợp tương tự, cần chú ý xác định là giao dịch dân sự đó phải có nội dung và hình thức hoàn toàn phù hợp với các quy định của Bộ luật dân sự; nếu không hoàn toàn phù hợp thì không áp dụng.
b) Điểm c khoản 3 Nghị quyết quy định là đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực và phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm xác lập mà nay vi phạm điều cấm hoặc trái với đạo đức xã hội theo quy định của Bộ luật dân sự, thì các bên phải tự huỷ bỏ giao dịch dân sự đó; nếu các bên không tự huỷ bỏ thì bị coi là vô hiệu. Như vậy, khi giải quyết các tranh chấp dân sự nói chung, cần chú ý xem các giao dịch dân sự đó có vi phạm điều cấm hoặc trái với đạo đức xã hội theo quy định của Bộ luật dân sự hay không? Nếu có vi phạm điều cấm hoặc trái đạo đức xã hội theo quy định của Bộ luật dân sự thì tuyên bố huỷ bỏ giao dịch đó.
Ví dụ: Anh K là người mắc bệnh tâm thần không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (mất năng lực hành vi dân sự). Chị D là vợ của anh K có đủ năng lực hành vi dân sự và điều kiện làm người giám hộ, song do tư tưởng phong kiến, lạc hậu, gia đình anh K không để chị D làm người giám hộ cho anh K mà cử anh M (anh ruột của anh K) làm người giám hộ từ tháng 6-1995. Do pháp luật có hiệu lực trước ngày 1/7/1996 không quy định về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự, do đó, việc gia đình anh K cử anh M làm người giám hộ cho anh K là phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm cử giám hộ (tháng 6/1995). Tháng 5/1996 có tranh chấp thừa kế giữa anh em của anh K tại Toà án, Toà án đã thụ lý vụ án để giải quyết vẫn để anh M đại diện cho anh K tham gia tố tụng, vì cho rằng quyền lợi của anh K và anh M không mâu thuẫn với nhau. Giả sử vụ án chia thừa kế chưa được giải quyết xong, thì từ ngày 1/7/1996 Toà án phải căn cứ vào Điều 71 Bộ luật dân sự để huỷ việc cử anh M là người giám hộ của anh K và yêu cầu chị D làm người giám hộ của anh K nếu chị D có đủ điều kiện và chị D phải đại diện cho anh K tham gia tố tụng trong vụ án chia thừa kế đó.
Khi tuyên bố huỷ các giao dịch loại này cần lưu ý rằng Toà án không giải quyết lại những phần giao dịch đã thực hiện xong trước ngày 1/7/1996. Trong trường hợp có tranh chấp về nghĩa vụ phát sinh từ việc thực hiện giao dịch đó trước ngày 1/7/1996 thì áp dụng quy định của pháp luật có hiệu lực trước ngày 1/7/1996 để giải quyết, đối với phần giao dịch chưa thực hiện hoặc thực hiện từ ngày 1/7/1996 thì áp dụng quy định tại Điều 146 Bộ luật dân sự để giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu.
c) Theo quy định tại khoản 5 Nghị quyết thì những quy định của Bộ luật dân sự về chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực áp dụng kể từ ngày Luật đất đai năm 1993 có hiệu lực. Luật đất đai này có hiệu lực từ này 15/10/1993. Như vậy, khi có tranh chấp phát sinh từ việc chuyển quyền sử dụng đất, thì cần xác định thời điểm xác lập việc chuyển quyền sử dụng đất đó, nếu việc chuyển quyền sử dụng đất được xác lập từ ngày 15/10/1993, thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.
Khi giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp quyền sử dụng đất xác lập trong giai đoạn từ 15/10/1993 đến hết 30/6/1996 cần chú ý là thời hiệu khởi kiện đối với những tranh chấp này là ba năm kể từ ngày có vi phạm theo quy định tại Điều 56 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự.
Ví dụ: Ngày 25/12/1993 A thuê đất của B. Ngày 20/2/1994 A vi phạm hợp đồng do không trả tiền thuê đất. Vì hai bên lập hợp đồng thuê đất theo quy định của Pháp lệnh Hợp đồng dân sự, do đó, B có quyền kiện A trong thời hạn là 3 năm (từ ngày 20/2/1994 đến ngày 20/2/1997) và sau ngày 20/2/1997 B không còn quyền kiện A nữa.
Theo quy định tại khoản 2 Nghị quyết thì Pháp lệnh Hợp đồng dân sự ngày 29/4/1991, Pháp lệnh nhà ở ngày 26/3/1991, Pháp lệnh thừa kế ngày 30/8/1990, Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngày 28/1/1989, Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả ngày 2/12/1994, Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam ngày 2/12/1994 hết hiệu lực kể từ ngày 1/7/1996. Nghị quyết cũng quy định là trong những trường hợp cụ thể, quy định của các Pháp lệnh nói trên được áp dụng để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ những giao dịch dân sự được xác lập trước ngày 1/7/1996.
1. Điểm b khoản 3 Nghị quyết quy định là đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà nội dung và hình thức khác với quy định của Bộ luật dân sự, nhưng không vi phạm điều cấm hoặc không trái đạo đức xã hội theo quy định của Bộ luật dân sự, thì được thực hiện theo quy định của pháp luật khi giao dịch dân sự đó được xác lập. Như vậy, đối với tranh chấp phát sinh từ những giao dịch dân sự này cũng được áp dụng pháp luật có hiệu lực trước ngày 1/7/1996 để giải quyết.
Ví dụ: A vay B một khoản tiền và có thế chấp căn nhà ở thuộc sở hữu của A, thời hạn thế chấp là 1 năm kể từ ngày 5/10/1995 (trước ngày 1/7/1996), hợp đồng thế chấp được cơ quan nhà nước chứng thực. Giả sử ngày 5/7/1996 có xảy ra tranh chấp về việc A vi phạm hợp đồng vay nợ và thế chấp tài sản, B kiện A ra trước Toà án, yêu cầu huỷ hợp đồng vay nợ và xử lý tài sản thế chấp. Tuy về nội dung và hình thức hợp đồng vay nợ và thế chấp tài sản giữa A với B đều không vi phạm điều cấm hoặc không trái đạo đức xã hội theo quy định của Bộ luật dân sự, nhưng ngoài việc xác nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền vào hợp đồng thế chấp, Bộ luật dân sự còn quy định "Việc thế chấp phải được đăng ký, nếu bất động sản có đăng ký quyền sở hữu" (khoản 2 Điều 347). Do Pháp lệnh Hợp đồng dân sự không có quy định này, nên A và B đã không đăng ký việc thế chấp nhà ở của A. Như vậy, hợp đồng vay nợ có thế chấp nhà ở giữa A và B về hình thức không hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự; do đó, không áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết tranh chấp như đã hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Phần I Thông tư này, mà phải áp dụng các quy định của Pháp lệnh Hợp đồng dân sự để giải quyết tranh chấp.
2. Điểm d khoản 3 Nghị quyết quy định là đối với các giao dịch dân sự được xác lập và thực hiện xong trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà có tranh chấp xảy ra, thì áp dụng quy định của pháp luật có hiệu lực trước đây để giải quyết. Quy định này có nghĩa là áp dụng các quy định của pháp luật có hiệu lực vào thời điểm giao dịch dân sự được xác lập để giải quyết tranh chấp, mặc dù vào thời điểm xét xử, các quy định đó không còn hiệu lực pháp luật.
Ví dụ: Khoản 5 Điều 25 Pháp lệnh Nhà ở về quyền và nghĩa vụ của bên thuê nhà ở có quy định là bên thuê nhà ở được công nhận quyền sở hữu đối với phần diện tích nhà ở đã tự làm thêm nếu được sự đồng ý bằng văn bản của bên cho thuê và được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy phép. Quy định này chỉ có hiệu lực đến ngày 30/6/1996 vì từ ngày 1/7/1996 Pháp lệnh Nhà ở hết hiệu lực, còn Bộ luật dân sự thì không quy định quyền này. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền này và sau ngày 1/7/1996 đương sự nộp đơn yêu cầu Toà án giải quyết, cần xem xét một thực tế là việc xây dựng thêm của người thuê nhà được thực hiện xong vào năm 1995 có đầy đủ các yếu tố quy định tại khoản 5 Điều 25 Pháp lệnh Nhà ở, nên cần áp dụng khoản 5 Điều 25 Pháp lệnh Nhà ở để công nhận quyền sở hữu của người thuê đối với diện tích nhà ở đã làm thêm đó, mặc dù vào thời điểm xét xử quy định này không còn hiệu lực pháp luật.
3. Theo quy định tại khoản 4 Nghị quyết, thì:
a) Đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập từ ngày 1/7/1991 đến ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực, thì thực hiện theo Pháp lệnh Nhà ở và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Như vậy, đối với các tranh chấp phát sinh từ những giao dịch dân sự loại này cần áp dụng Pháp lệnh Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Nhà ở có liên quan để giải quyết như đã giải quyết từ trước đến nay, kể cả trường hợp giao dịch thuê nhà ở có trước 1/7/1991, nhưng các bên đã ký kết lại hợp đồng thuê nhà (theo thoả thuận mới của các bên hoặc theo quyết định của Toà án hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền) trong giai đoạn từ 1/7/1991 đến hết ngày 30/6/1996.
b) Đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 thì sẽ được thực hiện theo quy định của Quốc hội. Mục đích chủ yếu của quy định này là bảo đảm cho việc giải quyết một số tồn đọng liên quan tới việc thực hiện chính sách cải tạo nhà cửa và chính sách quản lý nhà cho thuê trước ngày 1/7/1991; do đó, kể từ ngày 1/7/1996 Toà án các cấp tạm thời không thụ lý các tranh chấp nhà cửa có liên quan tới việc thực hiện chính sách cải tạo nhà cửa của Nhà nước trước đây, kể cả trường hợp nhà do cơ quan, tổ chức mượn của tư nhân, tổ chức, đoàn, hội tôn giáo... làm trụ sở, cơ sở phục vụ lợi ích công cộng hay bố trí chỗ ở cho cán bộ, nhân viên... và các tranh chấp hợp đồng thuê nhà ở xác lập trước ngày 1/7/1991 (trừ trường hợp hai bên đã ký lại hợp đồng thuê nhà ở sau ngày 30/6/1991). Đối với những vụ án về những loại tranh chấp nói trên đã được thụ lý mà chưa giải quyết xong (cụ thể là: Toà án cấp sơ thẩm chưa ra bản án, quyết định giải quyết tranh chấp; bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, nhưng Toà án cấp phúc thẩm chưa ra bản án, quyết định giải quyết tranh chấp; bản án, quyết định dã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm, nhưng Toà án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm chưa ra bản án, quyết định giải quyết tranh chấp), thì Toà án đang giải quyết vụ án căn cứ vào khoản 4 Nghị quyết ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án và giải thích cho đương sự rõ là khi có quy định của Quốc hội về vấn đề này, Toà án sẽ giải quyết theo các quy định đó. Đối với các loại tranh chấp khác phát sinh từ các giao dịch khác về nhà ở như mua bán nhà ở, ở nhờ, đòi bồi thường thiệt hại về nhà ở... được xác lập trước ngày 1/7/1991, nhưng không có liên quan tới việc thực hiện chính sách cải tạo nhà cửa hoặc cho thuê nhà, thì Toà án vẫn thụ lý để giải quyết theo các quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm xác lập giao dịch dân sự đó.
4. Đối với các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất xác lập trước ngày 15/10/1993 thì theo tinh thần quy định của Hiến pháp năm 1980 (đất đai thuộc sở hữu toàn dân), áp dụng các quy định của Luật đất đai năm 1987 và Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 3/5/1990 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục quản lý ruộng đất (nay là Tổng cục địa chính) "Hướng dẫn giải quyết tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất" để giải quyết. Khi thụ lý các tranh chấp này cần chú ý là hết ngày 15/10/1996 các đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết các tranh chấp phát sinh trước ngày 15/10/1993 nữa.
III. VIỆC ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỜI HIỆU
1. Tại điểm a khoản 6 Nghị quyết có quy định là đối với các giáo dục dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây có quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, thì áp dụng các quy định về thời hiệu của các văn bản pháp luật đó. Như vậy cần chú ý các điểm sau đây:
a) Theo quy định tại Điều 56 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự thì: "Trong thời hạn ba năm, kể từ thời điểm xảy ra vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền khởi kiện trước Toà án, nếu pháp luật không có quy định khác. Quá thời hạn này, bên bị vi phạm mất quyền khởi kiện". Bộ luật dân sự không có quy định về thời hiệu khởi kiện đối với vi phạm hợp đồng dân sự, do đó, các hợp đồng dân sự được xác lập từ ngày 1/7/1996 mà có vi phạm, thì bên bị vi phạm không bị hạn chế thời gian khởi kiện trước Toà án, nếu pháp luật không có quy định khác.
b) Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kề thì trong thời hạn ba năm kể từ thời điểm mở thừa kế, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán từ các khoản chi từ di sản. Quy định này chỉ áp dụng đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 1/7/1996. Đối với các trường hợp thừa kế mở từ ngày 1/7/1996 thì người có quyền nói trên không bị hạn chế thời gian khởi kiện trước Toà án, vì Bộ luật dân sự không có quy định, do đó, họ có quyền khởi kiện bất cứ lúc nào sau thời điểm mở thừa kế, kể cả trường hợp di sản đã được chia, nếu pháp luật không có quy định khác.
c) Theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế, đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này, thì thời hạn mười năm để người thừa kế thực hiện quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác, được tính từ ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế (ngày 10/9/1990). Như vậy, các việc thừa kế đã mở trước ngày 30/8/1990 người thừa kế có quyền khởi kiện đến hết ngày 9/9/2000. Sau ngày 9/9/2000 đương sự không có quyền khởi kiện đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày 30/8/1990.
2. Điểm b khoản 6 Nghị quyết quy định là đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây không quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trữ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu và thời điểm bắt đầu thời hiệu được tính từ ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực.
Ví dụ 1: Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật dân sự thì thời hạn yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 140), do bị nhầm lẫn (Điều 141), do bị lừa dối, đe doạ (Điều 142), do người xác lập không nhận thức được hành vi của mình (Điều 143) là một năm, kể từ ngày giao dịch đó được xác lập. Vì Pháp lệnh Hợp đồng dân sự không quy định thời hiệu một năm này, do đó, đối với các giao dịch dân sự tương ứng xác lập trước ngày 1/7/1996 cũng áp dụng thời hiệu một năm này, nghĩa là thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố các giao dịch đó là vô hiệu là một năm và được tính từ ngày 1/7/1996 đến hết ngày 30/6/1997. Đối với các loại giao dịch dân sự vô hiệu do những nguyên nhân khác thì không áp dụng thời hiệu một năm theo quy định tại khoản 1 Điều 145 Bộ luật dân sự.
Ví dụ 2: Khoản 1 Điều 255 Bộ luật dân sự quy định: "Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản, thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này" (nghĩa là trừ tài sản thuộc sở hữu toàn dân). Vì trước ngày 1/7/1996 không có văn bản pháp luật nào quy định về thời hiệu này, do đó, người đã chiếm hữu, được lợi về tài sản trong các trường hợp này trước ngày 1/7/1996 không được tính thời hiệu từ ngày họ chiếm hữu, mà phải tính từ ngày 1/7/1996, nghĩa là họ chỉ được trở thành chủ sở hữu tài sản đó sau ngày 30/6/2006 (đối với động sản) hoặc sau ngày 30/6/2026 (đối với bất động sản), nếu sau này pháp luật không có quy định khác.
Trên đây là những vấn đề cơ bản trong việc áp dụng pháp luật khi Bộ luật dân sự có hiệu lực pháp luật từ ngày 1/7/1996. Các vấn đề về áp dụng các quy định cụ thể của Bộ luật dân sự sẽ được nghiên cứu và hướng dẫn tiếp trong quá trình thi hành Bộ luật dân sự. Trong quá trình áp dụng Bộ luật dân sự cũng như Thông tư này, nếu gặp khó khăn, vướng mắc gì, các Toà án, Việm kiểm sát các cấp có thể làm công văn trao đổi để các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương phối hợp nghiên cứu và hướng dẫn.
Nguyễn Thị Tuyết (Đã ký) | Trịnh Hồng Dương (Đã ký) |
- 1Chỉ thị 29/2005/CT-TTg thực hiện Nghị quyết 45/2005/QH11 về thi hành Bộ Luật Dân sự do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật dân sự do Quốc hội khóa IX ban hành tại kỳ họp thứ 8
- 3Thông tư liên tịch 04/TTLN năm 1990 về việc giải quyết các tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất đai do Tổng cục Quản lý ruộng đất - Toà án nhân dân tối cao ban hành
Thông tư liên tịch 03/TTLN năm 1996 hướng dẫn áp dụng pháp luật theo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật dân sự do Tòa án Tối cao - Viện Kiểm Sát Tối cao ban hành
- Số hiệu: 03/TTLN
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 10/08/1996
- Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: Nguyễn Thị Tuyết, Trịnh Hồng Dương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra