Hệ thống pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ NỘI VỤ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 01/2011/TTLT-TANDTC-BQP-BNV

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2011

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LỆNH THẨM PHÁN VÀ HỘI THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN; PHÁP LỆNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH THẨM PHÁN VÀ HỘI THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân;

Căn cứ Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân như sau:

Chương I

TIÊU CHUẨN THẨM PHÁN

Điều 1. Tiêu chuẩn chung của Thẩm phán

Tiêu chuẩn chung của Thẩm phán theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân, bao gồm:

1. Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa phải là:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không có bất kỳ hành vi nào gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

b) Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của cơ quan, tổ chức.

c) Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.

d) Kiên quyết đấu tranh với những người, những hành vi gây phương hại đến Đảng, đến Tổ quốc và nhân dân, bảo vệ công lý; có tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình.

đ) Không thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I của Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”.

e) Không làm những việc quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân.

f) Chưa bao giờ bị kết án (kể cả trường hợp đã được xóa án tích).

2. “Có trình độ cử nhân luật” là phải có bằng tốt nghiệp đại học về chuyên ngành luật do các trường đại học trong nước có chức năng đào tạo về chuyên ngành luật theo quy định của pháp luật; nếu văn bằng cử nhân luật do cơ sở đào tạo của nước ngoài cấp thì văn bằng đó phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.

3. “Đã được đào tạo về nghiệp vụ xét xử” là phải có chứng chỉ về đào tạo nghiệp vụ xét xử do cơ sở trong nước có chức năng đào tạo về nghiệp vụ xét xử theo quy định của pháp luật; nếu chứng chỉ do cơ sở đào tạo của nước ngoài cấp thì chứng chỉ đó phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.

4. “Thời gian làm công tác pháp luật” là thời gian công tác liên tục kể từ khi được xếp vào một ngạch công chức theo quy định của pháp luật, bao gồm: Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên ngành Tòa án; Kiểm tra viên, Điều tra viên, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát; Trinh sát viên trung cấp trở lên, Cảnh sát viên trung cấp trở lên của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Trinh sát viên trung cấp trở lên của lực lượng An ninh nhân dân và Điều tra viên trong lực lượng Công an nhân dân; cán bộ điều tra, bảo vệ an ninh trong Quân đội; Chuyên viên, Chấp hành viên, Công chứng viên, Thanh tra viên, cán bộ pháp chế, giảng viên về chuyên ngành luật; thời gian được bầu hoặc cử làm Hội thẩm, thời gian làm luật sư cũng được coi là “thời gian làm công tác pháp luật”.

5. “Có năng lực làm công tác xét xử” là phải nắm bắt và áp dụng được các quy định của pháp luật trong công tác xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án; hoàn thành công việc được giao có chất lượng, hiệu quả và bảo đảm thời gian quy định theo đánh giá, nhận xét của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức hoặc có những bài viết, công trình nghiên cứu chuyên sâu về pháp luật có giá trị được công bố hoặc được áp dụng vào thực tiễn.

6. “Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao” là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, ngoài thể lực cần thiết, còn bao gồm yếu tố ngoại hình đó là không có dị tật, dị hình ảnh hưởng trực tiếp đến tư thế, tác phong hoặc việc thực hiện nhiệm vụ của người Thẩm phán.

7. Đối với người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật, nhưng chưa có quyết định giải quyết cuối cùng của người hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì chưa có đủ điều kiện để có thể được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán.

Điều 2. Tiêu chuẩn Thẩm phán trong trường hợp đặc biệt

Theo quy định tại Điều 23 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân) thì đối với người chưa có đủ thời gian làm công tác pháp luật, chưa được đào tạo về nghiệp vụ xét xử, nhưng có đủ các tiêu chuẩn khác theo quy định của Pháp lệnh, thì chỉ có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trong trường hợp đặc biệt và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến công tác tại ngành Tòa án nhân dân. Trường hợp đặc biệt, là trường hợp nếu người đó được bổ nhiệm làm Thẩm phán thì sẽ bổ nhiệm họ giữ chức vụ Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp đó.

Chương II

HỘI ĐỒNG TUYỂN CHỌN THẨM PHÁN

Điều 3. Cơ chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán

Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán hoạt động theo Quy chế làm việc của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán do Tòa án nhân dân tối cao ban hành sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 4. Việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán

1. Thay đổi ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương:

Khi cần có sự thay đổi đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành trung ương Hội luật gia Việt Nam làm ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương thì cơ quan, tổ chức này phải có văn bản gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kèm theo lý lịch trích ngang của người được đề cử mới; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm tờ trình (kèm theo văn bản của cơ quan, tổ chức có đại diện cần thay đổi và lý lịch trích ngang của người được đề cử mới) đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cử ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương.

2. Thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân:

a) Đối với các thành viên đương nhiên:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân) thì Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân, do đó, khi có sự thay đổi hoặc phân công lại giữa Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về việc làm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân, thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao biết về sự thay đổi hoặc phân công lại đó.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân) thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh là thành viên đương nhiên của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân, do đó, người nào được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc được giao quyền Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thì người đó đương nhiên là ủy viên của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân, mà không cần phải có quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cử làm ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân.

b) Khi có sự thay đổi người đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành Hội luật gia cấp tỉnh làm ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân thì cơ quan, tổ chức này phải có văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh kèm theo lý lịch trích ngang của người được đề cử mới; Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có văn bản (kèm theo văn bản của cơ quan, tổ chức có đại diện cần thay đổi và lý lịch trích ngang của người được đề cử mới) đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định cử ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân.

3. Thay đổi ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự:

Khi cần có sự thay đổi đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành trung ương Hội luật gia Việt Nam làm ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự thì cơ quan, tổ chức này phải có văn bản gửi Chánh án Tòa án quân sự trung ương kèm theo lý lịch trích ngang của người được đề cử mới; Chánh án Tòa án quân sự trung ương có văn bản (kèm theo văn bản của cơ quan, tổ chức có đại diện cần thay đổi và lý lịch trích ngang của người được đề cử mới) đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định cử ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự.

Điều 5. Kinh phí hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán

1. Kinh phí hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương được dự toán trong kinh phí hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao.

2. Kinh phí hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân được dự toán trong kinh phí hoạt động của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tùy theo điều kiện của từng địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động cho Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân từ ngân sách địa phương.

3. Kinh phí hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự được dự toán trong kinh phí hoạt động của Tòa án quân sự trung ương. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động cho Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự từ ngân sách của Bộ Quốc phòng.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CHUẨN BỊ NHÂN SỰ, CHUẨN BỊ HỒ SƠ VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG TUYỂN CHỌN VÀ BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM, CÁCH CHỨC THẨM PHÁN

Điều 6. Trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị hồ sơ và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tuyển chọn và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương

1. Trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị hồ sơ đối với người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm; những trường hợp đề nghị miễn nhiệm hoặc cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương, cũng như giúp việc cho Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương trong công tác tuyển chọn và đề nghị Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương do Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao đảm nhiệm.

2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác tuyển chọn và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

a) Trước khi trình Chủ tịch nước: Những khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn này do Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành xác minh, làm rõ và kết luận theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; bổ sung đầy đủ các tài liệu này vào trong hồ sơ đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương.

b) Sau khi đã trình Chủ tịch nước: Những khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn này do Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương có trách nhiệm chỉ đạo xử lý, giải trình và báo cáo Chủ tịch nước. Trong trường hợp cần thiết hoặc khi Chủ tịch nước yêu cầu thì Tòa án nhân dân tối cao và Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với người được đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương.

Điều 7. Trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị hồ sơ và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tuyển chọn và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân

1. Trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị hồ sơ đối với người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm; những trường hợp đề nghị miễn nhiệm hoặc cách chức Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đảm nhiệm. Phòng Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh là đơn vị tham mưu giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong việc chuẩn bị nhân sự và hồ sơ đối với người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm; những trường hợp đề nghị miễn nhiệm hoặc cách chức Thẩm phán, cũng như giúp việc cho Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân trong công tác tuyển chọn và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân.

2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác tuyển chọn và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân

a) Trước khi trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Những khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn này do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành xác minh, làm rõ và kết luận theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; bổ sung đầy đủ các tài liệu này vào trong hồ sơ đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân.

b) Sau khi đã trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Những khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn này do Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân chỉ đạo xử lý, giải trình và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Trong trường hợp cần thiết hoặc khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu thì Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phối hợp xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với người được đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân.

Điều 8. Trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị hồ sơ và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tuyển chọn và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự

1. Trách nhiệm chuẩn bị nhân sự và hồ sơ đối với người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm; những trường hợp đề nghị miễn nhiệm hoặc cách chức Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự, cũng như giúp việc cho Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự trong công tác tuyển chọn và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự do Phòng Tổ chức - Cán bộ Tòa án quân sự trung ương đảm nhiệm.

2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác tuyển chọn và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự

a) Trước khi trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Những khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn này do Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương chỉ đạo phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành xác minh, làm rõ và kết luận theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; bổ sung đầy đủ các tài liệu này vào trong hồ sơ đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự. Trong trường hợp cần thiết hoặc khi Chánh án Tòa án quân sự trung ương yêu cầu thì Phòng Tổ chức - Cán bộ Tòa án quân sự trung ương và Tòa án quân sự quân khu và tương đương phối hợp xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với người được đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự.

b) Sau khi đã trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Những khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn này do Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự chỉ đạo xử lý, giải trình và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Trong trường hợp cần thiết hoặc khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu thì Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án quân sự trung ương phối hợp xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với người được đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự.

Chương IV

CHUẨN BỊ NHÂN SỰ, HỒ SƠ TUYỂN CHỌN VÀ BỔ NHIỆM THẨM PHÁN

Điều 9. Chuẩn bị nhân sự

Việc chuẩn bị nhân sự để đề nghị Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán xem xét, tuyển chọn được thực hiện theo các bước sau đây:

1. Đối với nhân sự trong ngành Tòa án nhân dân

Bước 1: Căn cứ nhu cầu công tác, trên cơ sở đề nghị của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân cấp huyện, Phòng Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh lập tờ trình Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân cấp tỉnh về chủ trương, số lượng và dự kiến các phương án phân công công tác đối với người được giới thiệu đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp.

Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh thống nhất danh sách những người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp.

Bước 2: Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác. Cách thức lấy ý kiến được thực hiện như sau:

- Về đối tượng tham gia lấy ý kiến: Là toàn thể cán bộ, công chức của Tòa án nơi người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán đang công tác, nếu Tòa án đó có số lượng cán bộ, công chức dưới 70 người; nếu Tòa án đó có số lượng cán bộ, công chức từ 70 người trở lên thì đối tượng tham gia lấy ý kiến bao gồm các Thẩm phán, những người có chức vụ từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên.

- Về hình thức lấy ý kiến: Việc lấy ý kiến được thực hiện tại hội nghị (hoặc hội nghị đại biểu) cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị nơi người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán đang công tác bằng hình thức bỏ phiếu kín.

- Về trình tự lấy ý kiến:

+ Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh khai mạc, tuyên bố lý do, thành phần hội nghị và nêu nhu cầu bổ nhiệm Thẩm phán;

+ Trực tiếp hoặc ủy quyền cho Trưởng phòng Phòng Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh thông báo danh sách người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp do tập thể lãnh đạo, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân cấp tỉnh thống nhất, giới thiệu; phổ biến tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm phán; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; đọc bản nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán công tác; dự kiến phân công công tác sau khi được bổ nhiệm.

+ Hướng dẫn việc ghi phiếu và phát phiếu.

+ Những người tham gia lấy ý kiến ghi phiếu và bỏ phiếu.

+ Kiểm tra tổng số phiếu phát ra, thu vào và tiến hành niêm phong phiếu tại cuộc họp theo quy định.

Bước 3: Tập thể lãnh đạo, Trưởng phòng Phòng Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiến hành kiểm phiếu và lập biên bản kiểm phiếu; trên cơ sở kết quả phiếu lấy ý kiến, tập thể lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự (bằng phiếu kín). Về nguyên tắc, nhân sự được đề nghị bổ nhiệm phải được đa số các thành viên trong tập thể lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh tán thành.

Bước 4: Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo lập hồ sơ của những người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán.

2. Đối với nhân sự ngoài ngành Tòa án nhân dân

Bước 1: Người hiện đang công tác trong các cơ quan, tổ chức ngoài ngành Tòa án nhân dân được lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh tòa hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giới thiệu để đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp.

Tập thể lãnh đạo, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân cấp tỉnh thảo luận, thống nhất về chủ trương và chỉ đạo tiến hành một số công việc sau:

- Gặp người được giới thiệu đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác;

- Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và thường vụ cấp ủy cơ quan nơi người được giới thiệu đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp công tác về chủ trương điều động;

- Lấy nhận xét, đánh giá bằng văn bản của tập thể lãnh đạo và thường vụ cấp ủy cơ quan nơi người được giới thiệu đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp công tác;

- Xác minh lý lịch của người được giới thiệu đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp.

Bước 2: Tập thể lãnh đạo, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân cấp tỉnh thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự dự kiến đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp (bằng phiếu kín).

Trường hợp cơ quan cấp trên có dự kiến điều động, bổ nhiệm Thẩm phán từ nguồn nhân sự bên ngoài (ngoài ngành Tòa án hoặc từ Tòa án cấp trên xuống) thì trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi tiếp nhận cán bộ về dự kiến điều động, bổ nhiệm Thẩm phán (nếu Tòa án dự kiến tiếp nhận không chủ động đề nghị).

Bước 3: Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo lập hồ sơ của những người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán.

3. Việc chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị thủ tục, hồ sơ đối với người được giới thiệu đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự được thực hiện như quy trình chuẩn bị nhân sự theo hướng dẫn trên, đồng thời được thực hiện theo quy trình công tác cán bộ trong Quân đội.

Điều 10. Hồ sơ cá nhân đề nghị tuyển chọn để bổ nhiệm Thẩm phán

Hồ sơ cá nhân đề nghị tuyển chọn để bổ nhiệm Thẩm phán gồm có các tài liệu sau đây:

1. Đơn tình nguyện làm Thẩm phán (theo Mẫu số 1 tại Phụ lục của Thông tư liên tịch này);

2. Sơ yếu lý lịch (có dán ảnh 4x6), có xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ (theo Mẫu 2C-BNV/2008 ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ);

3. Bản kê khai tài sản, thu nhập (theo Mẫu 1 ban hành kèm theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập);

4. Các bản sao (có chứng thực hợp pháp) bằng tốt nghiệp đại học về chuyên ngành luật, chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ xét xử, các văn bằng, chứng chỉ về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước và các văn bằng, chứng chỉ khác liên quan đến việc tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán (nếu có);

5. Bản tự kiểm điểm của người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán (theo Mẫu số 2 tại Phụ lục của Thông tư liên tịch này);

6. Bản nhận xét, đánh giá của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức về quá trình công tác, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống của người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán;

7. Biên bản và kết quả phiếu lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị, tổ chức đối với người được giới thiệu đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán.

Điều 11. Hồ sơ cá nhân đề nghị tuyển chọn để bổ nhiệm lại Thẩm phán

Hồ sơ cá nhân đề nghị tuyển chọn để bổ nhiệm lại Thẩm phán gồm có các tài liệu sau đây:

1. Đơn tình nguyện làm Thẩm phán (theo Mẫu số 1A-đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương và Mẫu số 1B-đối với Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp tại Phụ lục của Thông tư liên tịch này);

2. Bản tự kiểm điểm về quá trình công tác trong nhiệm kỳ Thẩm phán (theo Mẫu số 3 tại Phụ lục của Thông tư liên tịch này);

3. Bản nhận xét, đánh giá của thủ trưởng cơ quan, đơn vị về quá trình công tác, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống của người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm lại Thẩm phán;

4. Bổ sung sơ yếu lý lịch (có dán ảnh 4x6) trong nhiệm kỳ Thẩm phán, có xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ (theo Mẫu 4a-BNV/2007 ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-BNV ngày 18/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ);

5. Bản kê khai tài sản, thu nhập trong nhiệm kỳ Thẩm phán (theo Mẫu số 01A ban hành kèm theo Thông tư số 01/2007/TT-TTCP ngày 22/01/2010 của Thanh tra Chính phủ về mẫu Bản kê khai tài sản, thu nhập bổ sung).

Điều 12. Hồ sơ trình Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán

Hồ sơ trình Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán gồm có các tài liệu sau đây:

1. Văn bản đề nghị tuyển chọn để bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại Thẩm phán của người có thẩm quyền.

2. Hồ sơ cá nhân theo quy định tại Điều 10 hoặc Điều 11 của Thông tư liên tịch này. Hồ sơ cá nhân đề nghị tuyển chọn để bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán được lập thành 02 bản chính. Kèm theo hồ sơ là hai ảnh (3x4) để cấp Giấy chứng minh Thẩm phán (nếu được bổ nhiệm).

3. Danh sách trích ngang đề nghị tuyển chọn để bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán.

4. Các tài liệu khác có liên quan đến việc tuyển chọn để bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán (nếu có).

Điều 13. Chuyển hồ sơ đề nghị tuyển chọn để bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán đến các thành viên của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán

Sau khi lập xong hồ sơ theo quy định tại Điều 12 của Thông tư liên tịch này, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức - Cán bộ Tòa án quân sự trung ương báo cáo Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán biết để quyết định mở phiên họp Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán. Căn cứ ý kiến của Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức - Cán bộ Tòa án quân sự trung ương sao hồ sơ được quy định tại Điều 12 của Thông tư liên tịch này và gửi đến các thành viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán.

Điều 14. Hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán

Hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán gồm có các tài liệu sau đây:

1. Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán về việc đề nghị bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại Thẩm phán;

2. Biên bản phiên họp của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán;

3. Hồ sơ được quy định tại Điều 12 của Thông tư liên tịch này.

Chương V

THỦ TỤC, HỒ SƠ MIỄN NHIỆM, CÁCH CHỨC THẨM PHÁN

Điều 15. Các trường hợp đương nhiên được miễn nhiệm chức danh Thẩm phán

1. Khi Thẩm phán được nghỉ hưu hoặc thôi việc;

2. Thẩm phán chuyển công tác sang các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác ngoài ngành Tòa án theo sự điều động của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Đối với các trường hợp này, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Tòa án quân sự trung ương báo cáo bằng văn bản cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, kèm theo bản sao quyết định nghỉ hưu, thôi việc hoặc điều động công tác đối với Thẩm phán đó, để rút tên trong danh sách Thẩm phán.

Điều 16. Trường hợp đương nhiên bị mất chức danh Thẩm phán

Đối với trường hợp Thẩm phán đương nhiên bị mất chức danh Thẩm phán quy định tại khoản 1 Điều 30 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân, thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Tòa án quân sự trung ương báo cáo bằng văn bản cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, kèm theo bản sao bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đối với Thẩm phán đó, để xóa tên trong danh sách Thẩm phán.

Điều 17. Hồ sơ đề nghị xem xét việc miễn nhiệm chức danh Thẩm phán

Thẩm phán có thể được miễn nhiệm chức danh Thẩm phán theo quy định tại khoản 2 Điều 29 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân. Hồ sơ đề nghị xem xét việc miễn nhiệm chức danh Thẩm phán gồm có các tài liệu sau đây:

1. Đơn xin miễn nhiệm Thẩm phán, trong đó nêu rõ lý do của việc xin miễn nhiệm Thẩm phán;

2. Các tài liệu chứng minh lý do xin miễn nhiệm Thẩm phán như giấy xác nhận do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp về tình trạng sức khỏe, bệnh tật; giấy xác nhận hoàn cảnh gia đình … (nếu có);

3. Ý kiến bằng văn bản của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp sử dụng Thẩm phán về tình trạng sức khỏe, bệnh tật hoặc hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác của Thẩm phán mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Điều 18. Hồ sơ đề nghị xem xét việc cách chức chức danh Thẩm phán

Thẩm phán có thể bị cách chức chức danh Thẩm phán khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 30 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân. Hồ sơ đề nghị xem xét việc cách chức chức danh Thẩm phán gồm có các tài liệu sau đây:

1. Bản tự kiểm điểm của Thẩm phán có một trong các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 30 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân. Trong trường hợp Thẩm phán không chịu làm bản tự kiểm điểm thì phải có báo cáo bằng văn bản của Chánh án Tòa án nơi Thẩm phán đó công tác;

2. Biên bản họp xét kỷ luật đối với Thẩm phán có hành vi vi phạm kỷ luật của Hội đồng kỷ luật;

3. Các tài liệu chứng minh hành vi vi phạm của Thẩm phán (nếu có);

4. Quyết định kỷ luật của người hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với Thẩm phán (nếu có).

Điều 19. Hồ sơ trình Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán xem xét việc miễn nhiệm hoặc cách chức chức danh Thẩm phán

Hồ sơ trình Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán xem xét việc miễn nhiệm hoặc cách chức chức danh Thẩm phán gồm có các tài liệu sau đây:

1. Văn bản đề nghị xem xét việc miễn nhiệm hoặc cách chức chức danh Thẩm phán của người có thẩm quyền.

2. Hồ sơ theo quy định tại Điều 17 hoặc Điều 18 của Thông tư liên tịch này. Hồ sơ đề nghị xem xét việc miễn nhiệm hoặc cách chức chức danh Thẩm phán được lập thành 02 bản chính.

3. Các tài liệu khác có liên quan đến việc miễn nhiệm hoặc cách chức chức danh Thẩm phán (nếu có).

Điều 20. Chuyển hồ sơ đề nghị xem xét việc miễn nhiệm hoặc cách chức chức danh Thẩm phán đến các thành viên của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán

Sau khi lập xong hồ sơ theo quy định tại Điều 19 của Thông tư liên tịch này, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức - Cán bộ Tòa án quân sự trung ương báo cáo Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán biết để quyết định mở phiên họp Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán. Căn cứ ý kiến của Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức - Cán bộ Tòa án quân sự trung ương sao hồ sơ được quy định tại Điều 19 của Thông tư liên tịch này và gửi đến các thành viên của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán.

Điều 21. Hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm hoặc cách chức chức danh Thẩm phán

Hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm hoặc cách chức chức danh Thẩm phán gồm có các tài liệu sau đây:

1. Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán về việc đề nghị miễn nhiệm hoặc cách chức chức danh Thẩm phán;

2. Biên bản phiên họp của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán;

3. Hồ sơ được quy định tại Điều 19 của Thông tư liên tịch này.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

2. Thông tư liên tịch này thay thế Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT/TANDTC-BQP-BNV-UBTWMTTQVN ngày 01 tháng 4 năm 2003 của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc Hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần được giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung, đề nghị phản ánh bằng văn bản đến Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ để trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ

THỨ TRƯỞNG




Văn Tất Thu

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG

THỨ TRƯỞNG



Trung tướng

Nguyễn Thành Cung

KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN




Trần Văn Tú

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 01/2011/TTLT-TANDTC-BQP-BNV hướng dẫn Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân; Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân sửa đổi do Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Quốc phòng - Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 01/2011/TTLT-TANDTC-BQP-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 20/10/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký: Trần Văn Tú, Văn Tất Thu, Nguyễn Thành Cung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 587 đến số 588
  • Ngày hiệu lực: 04/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản