Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2005/TTLT-BTP-BNV

Hà Nội , ngày 24 tháng 1 năm 2005

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TƯ PHÁP - BỘ NỘI VỤ SỐ 01/2005/TTLT/BTP-BNV NGÀY 24 THÁNG 01 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 122/2004/NĐ-CP NGÀY 18/5/2004 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ, CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Thi hành Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi là Nghị định 122/2004/NĐ-CP), liên Bộ Tư pháp, Nội vụ hướng dẫn một số điểm về tổ chức pháp chế Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn của địa phương và doanh nghiệp nhà nước như sau:

I. VỀ XÂY DỰNG, CỦNG CỐ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

1. Tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

a. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đã thành lập tổ chức pháp chế trước thời điểm Nghị định số 122/2004/NĐ-CP có hiệu lực phải tiến hành rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế ở Bộ, ngành mình để kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP.

b. Các cơ quan thuộc Chính phủ hoạt động sự nghiệp, thì tuỳ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan và yêu cầu, khối lượng công tác pháp chế, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập Phòng, Ban pháp chế hoặc phân công đầu mối đảm nhiệm công tác pháp chế.

c. Đối với các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ thì căn cứ vào yêu cầu, khối lượng công tác pháp chế, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thành lập tổ chức pháp chế chuyên trách hoặc phân công đầu mối đảm nhiệm công tác pháp chế. Trường hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Tổng cục, Cục do Thủ tướng Chính phủ quy định thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thành lập tổ chức pháp chế sau khi đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

2. Tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh).

Ngoại trừ Sở Tư pháp, các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và yêu cầu, khối lượng công tác pháp chế trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập Phòng pháp chế hoặc phân công đầu mối đảm nhiệm công tác pháp chế và bố trí công chức pháp chế chuyên trách của cơ quan.

3. Tổ chức pháp chế ở các doanh nghiệp nhà nước

a. Các Tổng công ty được thành lập theo Quyết định số 91/TTg ngày 7 tháng 3 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt khác có Phòng, Ban pháp chế.

b. Các doanh nghiệp nhà nước khác, căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế mà thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách hoặc thuê cố vấn pháp lý.

II. ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ CỦA CÔNG CHỨC LÀM CÔNG TÁC PHÁP CHẾ

1. Kể từ thời điểm Nghị định số 122/2004/NĐ-CP có hiệu lực, việc tuyển dụng mới công chức làm công tác pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải đáp ứng đầy đủ Điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Khoản 1, Điều 11 của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP và các quy định hiện hành khác.

Trong trường hợp công chức làm công tác pháp chế đã có bằng cử nhân luật, nhưng chưa có kiến thức chuyên ngành thuộc lĩnh vực mình công tác thì hàng năm Bộ, ngành có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao để đạt yêu cầu kiến thức về chuyên ngành.

Trong trường hợp công chức làm công tác pháp chế đã có bằng cử nhân chuyên ngành, nhưng chưa có kiến thức pháp lý, thì hàng năm Bộ, ngành lập kế hoạch và phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức việc đào tạo cử nhân luật hoặc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp lý (chậm nhất sau 3 năm làm công tác pháp chế thì phải có chứng chỉ của các cơ sở đào tạo luật).

2. Kể từ thời điểm Nghị định số 122/2004/NĐ-CP có hiệu lực, việc bổ nhiệm lần đầu, bổ nhiệm lại người đứng đầu tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ngoài việc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2, Điều 11 của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP và các điều kiện, tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật còn phải là người có kinh nghiệm trong công tác pháp chế hoặc đã từng chủ trì soạn thảo các đề án xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Đối với công chức làm công tác pháp chế, người đứng đầu tổ chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm trước thời điểm Nghị định số 122/2004/NĐ-CP có hiệu lực mà chưa đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 11 của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP thì Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên ngành.

4. Khi thực hiện Điều 10 của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước có thể vận dụng tiêu chuẩn nghiệp vụ của công chức làm công tác pháp chế quy định tại mục 1 Phần II của Thông tư này để lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách cho doanh nghiệp mình.

III. THỜI HẠN, TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG, CỦNG CỐ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế theo quy định của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá về tổ chức và đội ngũ công chức, cán bộ làm công tác pháp chế. Đồng thời xúc tiến việc kiện toàn, củng cố tổ chức pháp chế của Bộ, ngành mình theo đúng quy định của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP và Thông tư này. Công việc trên cần phải hoàn thành trong Quý II năm 2005.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước do Bộ, ngành, địa phương nào quản lý thì Bộ, ngành, địa phương đó chỉ đạo việc kiện toàn và củng cố tổ chức pháp chế ở các doanh nghiệp đó.

Thông tư này có hiệu lực sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các Tổng công ty 91 trong Quý I năm 2005 báo cáo tình hình xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế ở Bộ, ngành mình và định kỳ hàng năm báo cáo về tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế do mình quản lý về Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đỗ Quang Trung

(Đã ký)

Uông Chu Lưu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 01/2005/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn Nghị định 122/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước do Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 01/2005/TTLT-BTP-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 24/01/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp
  • Người ký: Đỗ Quang Trung, Uông Chu Lưu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 5 đến số 6
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản