Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2004/TTLT/BXD-BNV

Hà Nội , ngày 16 tháng 1 năm 2004

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ XÂY DỰNG - BỘ NỘI VỤ SỐ 01/2004/TTLT/BXD-BNV NGÀY 16 THÁNG 1 NĂM 2004 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN CHUYÊN MÔN GIÚP ỦY BAN NHÂN DÂN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH XÂY DỰNG TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 9 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Liên bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành Xây dựng tại địa phương như sau:

I. CƠ QUAN CHUYÊN MÔN GIÚP UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH XÂY DỰNG

1. Ví trị và chức năng

1.1. Các cơ quan chuyên môn (sau đây gọi chung là Sở) là cơ quan tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) quản lý nhà nước ngành xây dựng tại địa phương gồm:

Sở Xây dựng ở các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

Sở Giao thông - Công chính ở các thành phố trực thuộc Trung ương.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

1.2. Các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành xây dựng tại địa phương gồm: xây dựng; vật liệu xây dựng; nhà ở và công sở; kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; hạ tầng kỹ thuật đô thị (hè, đường đô thị, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, công viên cây xanh, rác thải đô thị, nghĩa trang, bãi đỗ xe trong đô thị).

1.3. Chức năng cụ thể của các Sở như sau:

1.3.1. Tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

- Sở Xây dựng tham mưu và giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: xây dựng; vật liệu xây dựng; nhà ở và công sở;

- Sở Giao thông - Công chính tham mưu và giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị;

- Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu và giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn;

1.3.2. Tại các thành phố trực thuộc Trung ương khác.

- Sở Xây dựng tham mưu và giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Xây dựng; vật liệu xây dựng; nhà ở và công sở; kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn;

- Sở Giao thông - Công chính tham mưu và giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức quản lý nhà nước về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị.

1.3.3. Tại các tỉnh còn lại.

Sở Xây dựng tham mưu và giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực nêu tại điểm 1.2 trên đây.

1.4. Các Sở chịu sự quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Uỷ ban nhân dân tỉnh, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Xây dựng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn

2.1. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về các lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật;

2.2. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh qui hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các chương trình, dự án, công trình xây dựng quan trọng thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển ngành, chuyên ngành cả nước; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

2.3. Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và tổng hợp tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chế độ, chính sách, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, phổ biến thông tin, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực quản lý của Sở;

2.4. Về quản lý xây dựng:

2.4.1. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định việc phân công, phân cấp và ủy quyền quản lý đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh theo quy định của pháp luật;

Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh về phân công, phân cấp và ủy quyền quản lý đầu tư xây dựng;

2.4.2. Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình theo phân cấp và phân công của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao;

Thẩm định và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng công trình do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao;

2.4.3. Hướng dẫn, kiểm tra công tác đấu thầu trong xây dựng (tư vấn, xây lắp, giám sát) đối với các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh theo quy định của pháp luật;

2.4.4. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định việc phân cấp quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh;

Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của địa phương.

Theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình quản lý chất lượng công trình của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trên địa bàn;

Tổ chức thực hiện việc giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định các sự cố công trình xây dựng của địa phương theo phân cấp và phân công của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

2.4.5. Cấp, thu hồi các loại chứng chỉ, giấy phép theo quy định của pháp luật; cấp, thu hồi giấy phép xây dựng theo ủy quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh; hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã trong việc cấp, thu hồi giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã.

2.4.6. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề; tổng hợp tình hình, năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh;

2.4.7. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng, lưu trữ hồ sơ tài liệu khảo sát, thiết kế xây dựng và hồ sơ hoàn công công trình xây dựng của tỉnh theo quy định của pháp luật;

2.4.8. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành bộ đơn giá xây dựng cơ bản tại địa phương; thông báo giá vật tư, vật liệu xây dựng đến chân công trình;

Trình Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung hoặc cho phép áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật mới hoặc đặc thù cho các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh;

2.5. Về quản lý vật liệu xây dựng:

2.5.1. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh các cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng;

2.5.2. Theo dõi, tổng hợp tình hình đầu tư, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn;

2.5.3. Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vật liệu hợp chuẩn trong các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh;

2.6. Về quản lý nhà ở và công sở:

2.6.1. Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về nhà ở và công sở;

2.6.2. Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và tổng hợp tình hình đầu tư phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà ở và công sở trên địa bàn; hướng dẫn việc thực hiện thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, chế độ bảo hành, bảo trì nhà công vụ, công sở của các cơ quan, tổ chức địa phương;

2.6.3. Tổ chức thực hiện việc điều tra, thống kê về hiện trạng nhà ở, công sở, tổng hợp tình hình đăng ký, chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở và quyền quản lý sử dụng công sở trên địa bàn;

2.6.4. Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển thị trường nhà ở;

2.7. Về quản lý kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn;

2.7.1. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh việc phân công, phân cấp quản lý kiến trúc, qui hoạch xây dựng đô thị, qui hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, qui hoạch xây dựng khác thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương;

2.7.2. Chủ trì thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền hoặc chuẩn bị hồ sơ để Uỷ ban nhân dân tỉnh trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt các đề án phân loại và công nhận loại đô thị, các đồ án qui hoạch xây dựng vùng trong tỉnh, qui hoạch xây dựng đô thị và các đồ án quy hoạch xây dựng khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định các đồ án do Sở chủ trì thực hiện;

Phê duyệt các đồ án qui hoạch xây dựng chi tiết theo ủy quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

Hướng dẫn, kiểm tra Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã, trong việc tổ chức lập thẩm định, phê duyệt và quản lý các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn trên địa bàn huyện, xã theo phân cấp, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy hoạch xây dựng chung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

2.7.3. Quản lý và chịu trách nhiệm về kiến trúc, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt tại địa phương, gồm: tổ chức công bố quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; tổ chức quản lý các mốc giới, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng: cung cấp thông tin về kiến trúc, quy hoạch xây dựng; giới thiệu địa điểm, thẩm định phương án kiến trúc cho các dự án đầu tư xây dựng;

2.7.4. Hướng dẫn, kiểm tra việc khai thác, sử dụng đất xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn theo quy hoạch xây dựng được duyệt; giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý quy hoạch xây dựng hai bên đường giao thông (gồm quốc lộ, đường liên tỉnh, đường liên huyện, liên xã, đường sắt) theo quy định của pháp luật;

2.7.5. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về điều kiện hành nghề kiến trúc sư và quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc trên địa bàn;

2.8. Về quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị:

2.8.1. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định việc phân cấp quản lý khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh;

2.8.2. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực, khuyến khích và xã hội hóa việc đầu tư phát triển, quản lý vận hành, khai thác và cung cấp các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị;

2.8.3. Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình quản lý đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn theo phân công của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

2.8.4. Chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ về quản lý đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định của pháp luật và phân công của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

2.8.5. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện vệ sinh, môi trường đô thị trên địa bàn;

2.8.6. Chủ trì thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh các loại đơn giá, phí, giá dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định của pháp luật.

2.9. Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các tổ chức dịch vụ công thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở; quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp thuộc Sở;

2.10. Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân, các hội và tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật;

2.11. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện hợp tác quốc tế; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ tư liệu về các lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật;

2.12. Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành Xây dựng;

2.13. Thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật;

2.14. Báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ về các lĩnh vực được phân công cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luât;

2.15. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng tại địa phương;

2.16. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

2.17. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

3. Tổ chức và biên chế

3.1. Tổ chức của Sở gồm:

- Giám đốc Sở và các Phó Giám đốc

- Các tổ chức giúp việc Giám đốc Sở

- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

3.2. Giám đốc Sở là người đứng đầu Sở, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về các hoạt động của Sở, Phó giám đốc Sở là người giúp Giám đốc Sở phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở về nhiệm vụ được phân công theo quy định của Pháp luật. Số lượng Phó Giám đốc Sở không quá 3 người.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức Giám đốc, Phó giám đốc Sở do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo các quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý cán bộ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ do Bộ Xây dựng ban hành.

Việc khen thưởng, kỷ luật Giám đốc, Phó Giám đốc Sở thực hiện theo quy định của pháp luật.

3.3. Các tổ chức giúp việc Giám đốc Sở

3.3.1. Các tổ chức giúp việc Giám đốc Sở Xây dựng gồm có:

- Văn phòng

- Thanh tra

- Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ.

Số lượng các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở không quá 5 phòng đối với các tỉnh có đô thị đến loại 3; không quá 6 phòng đối với các tỉnh có đô thị loại 2 và các thành phố trực thuộc Trung ương.

3.3.2. Các tổ chức giúp việc Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

- Văn phòng,

- Thanh tra,

- Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ.

Số lượng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở không quá 5 phòng.

3.3.3. Đối với Sở Giao Thông - Công chính, ngoài các tổ chức giúp việc Giám đốc Sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, điều hành chung trong các lĩnh vực được giao, còn có các tổ chức chuyên môn riêng giúp Giám đốc Sở thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị.

3.3.4. Giám đốc Sở Xây dựng (Sở Giao thông - Công chính, Sở quy hoạch - kiến trúc) phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cụ thể cơ cấu các phòng chuyên môn, nghiệp vụ trên nguyên tắc bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và rõ trách nhiệm trên các lĩnh vực công tác của Sở; không chồng chéo nhiệm vụ; phù hợp với tính chất, đặc điểm và khối lượng công việc thực tế ở địa phương; bảo đảm đơn giản về thủ tục hành chính và thuận tiện trong việc giải quyết công việc cho tổ chức và công dân.

3.4. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.

Căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể và yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng tại địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở theo quy định của pháp luật.

3.5. Giám đốc Sở quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức thuộc Sở theo quy định của pháp luật.

3.6. Biên chế của Sở do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở và Giám đốc Sở Nội vụ. Việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức của sở phải căn cứ chức danh chuyên môn, tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật.

II. CƠ QUAN CHUYÊN MÔN GIÚP UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH (GỌI CHUNG LÀ CẤP HUYỆN) QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH XÂY DỰNG

1. Nhiệm vụ

1.1. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm năm, hàng năm; các chương trình, dự án đầu tư xây dựng, phát triển vật liệu xây dựng, phát triển nhà, hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư do Uỷ ban nhân dân cấp huyện giao;

1.2. Hướng dẫn việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, tuyên truyền, phổ biến thông tin, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực quản lý của ngành xây dựng;

1.3. Trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn; quy hoạch vật liệu xây dựng;

1.4. Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng các công trình theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và các quy định của pháp luật về quản lý kiến trúc, quy hoạch; cung cấp thông tin về kiến trúc, quy hoạch xây dựng, quản lý các mốc giới, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng trên địa bàn theo phân cấp;

1.5. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra việc xây dựng theo giấy phép trên địa bàn theo sự phân công, phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh; phát hiện, báo cáo để Uỷ bân nhân dân cấp huyện xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật trong xây dựng và quản lý đô thị theo quy định của pháp luật;

1.6. Theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc quản lý, khai thác sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, điểm dân cư nông thôn trên địa bàn theo phân công, phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

1.7. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về nhà ở và công sở; quản lý quỹ nhà ở và quyền quản lý sử dụng công sở trên địa bàn theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

Tổ chức thực hiện việc điều tra, thống kê về hiện trạng nhà ở, công sở, tổng hợp tình hợp tình hình đăng ký, chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở và quyền quản lý sử dụng công sở trên địa bàn;

1.8. Giúp và chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ về quản lý đầu tư xây dựng theo phân công, phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

1.9. Quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu khảo sát, thiết kế xây dựng và hồ sơ hoàn công công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật;

1.10. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ngành Xây dựng;

1.11. Tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất với Uỷ ban nhân dân cấp Huyện, Sở Xây dựng và Sở Giao thông - Công chính, Sở Quy hoạch, kiến trúc (nếu có) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao trong các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng;

2. Tổ chức và biên chế

Phòng chuyên môn thực hiện chức năng giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước ngành Xây dựng có biên chế các cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác quản lý xây dựng; phân công trưởng phòng hoặc 1 phó trưởng phòng phụ trách công tác quản lý xây dựng;

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng phương án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định mô hình tổ chức quản lý nhà nước ngành Xây dựng cấp huyện theo quy định của pháp luật, phù hợp với đặc điểm, tình hình và yêu cầu của công tác quản lý ngành Xây dựng tại địa phương.

III. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA UỶ BAN NHAN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH XÂY DỰNG

Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) có các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước ngành xây dựng trong phạm vi xã như sau:

1. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật ngành xây dựng cho nhân dân trên địa bàn xã;

2. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật ngành Xây dựng theo thẩm quyền;

3. Tổ chức lập quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

4. Quản lý các mốc giới, chỉ giới xây dựng và trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật trong xây dựng và quản lý đô thị; thực hiện việc hòa giải, giải quyết các khiếu nại, tranh chấp đối với các hoạt động xây dựng theo quy định của phápluật;

5. Tổ chức thực hiện việc xây dựng, cải tạo, duy tu, bảo trì các công trình trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện;

6. Quản lý, lưu trữ các hồ sơ, tài liệu khảo sát, thiết kế, hồ sơ hoàn công công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của xã;

7. Cấp, thu hồi giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở những điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật; xác nhận hồ sơ để cấp có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật;

8. Tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất với Uỷ ban nhân dân cấp huyện về tình hình các hoạt động xây dựng trên địa bàn xã.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thực hiện sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo và thay thế Thông tư Liên Bộ số 1012/TT-LB ngày 25/12/1996; Thông tư liên tịch số 702/1997/TTLT-BXD-BTCCBCP ngày 25/10/1997 của Liên Bộ Xây dựng - Ban tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ). Các quy định và hướng dẫn trước đây khác với Thông tư này đều bãi bỏ.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Thông tư này quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, biên chế của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông - công chính; cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện, nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ nghiên cứu giải quyết.

Đỗ Quang Trung

(Đã ký)

Nguyễn Hồng Quân

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 01/2004/TTLT/BXD-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước ngành xây dựng tại địa phương do Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 01/2004/TTLT/BXD-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 16/01/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng
  • Người ký: Đỗ Quang Trung, Nguyễn Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 19/02/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 20/01/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản