BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ-BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/1999/TTLT-BVGCP-BCN | Hà Nội , ngày 10 tháng 2 năm 1999 |
Thực hiện văn bản số 1303/CP-KTTH ngày 03/11/1998 của Chính phủ quy định giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ dân nông thôn, Liên bộ Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Công nghiệp hướng dẫn thực hiện giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ dân nông thôn như sau:
1/ Giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ sử dụng điện ở nông thôn (sau đây gọi tắt là hộ dân nông thôn) được đặt trong tổng thể việc điều chỉnh hệ thống giá điện chung cả nước.
2/ Giá bán điện hướng dẫn dưới đây áp dụng ở những nơi có lưới điện quốc gia.
3/ Nhà nước khuyến khích đa dạng hoá các hình thức đầu tư, quản lý bán điện từ công tơ tổng đến hộ dân nông thôn theo thông tư hướng dẫn này.
4/ Tuyệt đối không được áp dụng hình thức khoán cho cai thầu tư nhân.
II/ ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG GIÁ BÁN ĐIỆN TIÊU DÙNG SINH HOẠT ĐẾN HỘ DÂN NÔNG THÔN
1/ Giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ dân nông thôn áp dụng cho các mô hình quản lý điện nông thôn do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chọn tuỳ theo đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương, các mô hình đó là: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã dịch vụ, ban điện xã và Điện lực các tỉnh, thành phố thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (gọi tắt là tổ chức quản lý điện nông thôn).
2/ Giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ dân nông thôn:
2.1. Giá trần bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ dân nông thôn tại xã, thôn được áp dụng thống nhất là: 700đ/kwh.
2.2. Đối với những nơi (thôn, xã) hiện có mức giá điện bán đến hộ dân nông thôn thấp hơn mức giá trần 700đ/kwh thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp với ngành Điện tiếp tục chỉ đạo các tổ chức quản lý điện nông thôn bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn giữ như mức giá bán hiện hành, tuyệt đối không được điều chỉnh tăng giá bán.
2.3. Đối với những nơi giá điện bán đến hộ dân nông thôn hiện cao hơn mức giá trần 700đ/kwh thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành Tài chính Vật giá, Công nghiệp và tổ chức quản lý điện nông thôn phối hợp với Điện lực tỉnh, thành phố tìm biện pháp về kỹ thuật (cải tạo nâng cấp lưới điện, thay thế công tơ không đủ tiêu chuẩn, cân pha,...) và tổ chức quản lý (xoá bỏ cai thầu tư nhân, áp dụng mô hình quản lý phủ hợp: ban điện xã, hợp tác xã, doanh nghiệp quản lý điện nông thôn,...) để giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí vận hành bảo đảm thực hiện giá bán điện đến hộ dân nông thôn bằng mức giá trần 700 đ/kwh.
Trường hợp cá biệt sau khi đã thực hiện các biện pháp nêu trên nhưng vẫn không bảo đảm đưa giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt xuống ngang mức giá trần (700đ/kwh) thì tổ chức quản lý điện phải báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định mức giá bán điện đến hộ dân nông thôn cho hợp lý. Các tổ chức quản lý điện có trách nhiện thực hiện đúng mức giá do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đã phê duyệt và có biện pháp phấn đấu sớm đưa mức giá bán điện cao hơn mức giá trần về mức giá trần.
Mức giá này cũng áp dụng đối với các tổ chức quản lý điện nông thôn (ngoài Điện lực tỉnh, thành phố thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam) tham gia đầu tư phát triển mới lưới điện nông thôn. Trường hợp cá biệt phải bán với giá cao hơn mức giá trần thì thực hiện theo quy định ở tiết 2.3 điểm 2 mục II nêu trên.
2.5. Đối với những nơi hộ dân nông thôn đã ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với ngành điện theo biểu giá quy định của Nhà nước trước khi có văn bản số 1303/CP-KTTH, ngày 03/11/1998 của Chính phủ thì vẫn thực hiện theo mức giá đang bán.
3/ Giá bán điện phục vụ cho các mục đích hoạt động khác:
Các tổ chức quản lý điện nông thôn (kể cả Điện lực tỉnh và thành phố thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam) bán điện phục vụ mục địch hoạt động khác như sản xuất, xay xát, chế biến lương thực, kinh doanh dịch vụ, v.v. áp dụng giá bán theo 3 trường hợp sau:
* Đối với lưới điện do Điện lực tỉnh, thành phố thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam quản lý bán điện phục vụ các mục đích khác nêu trên theo mức giá quy định tại biểu giá của Nhà nước trong từng thời kỳ.
* Đối với lưới điện do tổ chức quản lý điện nông thôn bán điện phục vụ sinh hoạt (ngoài Tổng Công ty Điện lực Việt Nam) đến hộ dân nông thôn với mức giá thấp hơn hoặc bằng 700đ/kwh thì cũng áp dụng giá bán điện cho các mục đích khác theo mức giá quy định tại biểu giá của Nhà nước trong từng thời kỳ.
* Đối với lưới điện do tổ chức quản lý điện nông thôn bán điện phục vụ sinh hoạt đến hộ dân nông thôn cao hơn mức giá 700đ/kwh thì các tổ chức quản lý điện phải báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định mức giá bán điện phục vụ các mục đích khác như sản xuất, xay xát, chế biến lương thực, kinh doanh theo nguyên tắc từng bước thực hiện được mức giá quy định của Nhà nước trong từng thời kỳ. Các tổ chức quản lý điện có trách nhiệm thực hiện đúng mức giá của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đã phê duyệt.
4. Hộ sử dụng điện khi dùng cho nhiều mục đích khác nhau, cần có công tơ đo đếm điện riêng cho từng mục đích để áp dụng mức giá cho hợp lý. Trường hợp chưa tách được công tơ đo đếm điện riêng thì hai bên mua và bán điện căn cứ vào công suất và thời gian sử dụng của phụ tải để thoả thuận tỷ lệ áp giá bán điện cho hợp lý.
III/ CƠ CẤU VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH GIÁ ĐIỆN BÁN ĐẾN HỘ DÂN NÔNG THÔN:
1/ Cơ cấu giá bán điện và phương pháp tính giá bán điện đến hộ dân nông thôn bao gồm các khoản mục sau:
1.1. Giá mua điện theo mức giá bán buôn ở công tơ tổng đặt tại trạm biến áp của thôn, xã do Nhà nước quy định. Đối với một số thôn, xã không có trạm biến áp phải mua nhờ qua cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị bộ đội để phục vụ tiêu dùng sinh hoạt của hộ dân nông thôn thì lượng điện này được mua theo giá bán buôn tại công tơ tổng đặt ở máy biến áp theo giá quy định của Nhà nước trong từng thời kỳ.
1.2. Chi phí tổn thất điện năng từ công tơ tổng đặt tại trạm biến áp thôn, xã đến hộ dân nông thôn.
Hiện nay chi phí này đang chiếm tỷ trọng lớn. Các tổ chức quản lý điện nông thôn cần quản lý chặt chẽ, thực hiện các biện pháp giảm tổn thất điện năng: hộ sử dụng điện phải có công tơ đo đếm điện chính xác do cơ quan chuyên môn kiểm định, kẹp chì, niêm phong và phù hợp với phụ tải sử dụng điện. Tăng cường củng cố lưới điện, thường xuyên phát quang hành lang lưới điện, bảo đảm chất lượng và an toàn. Không tính vào chi phí tổn thất điện năng lượng điện phục vụ công cộng và các mục đích khác tại thôn, xã mà không thu tiền điện (ánh sáng công cộng, trạm xã, trường học, UBND xã, v.v.)
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nội quy, quy định trong sử dụng điện. Tuyết đối không được dùng hình thức khoán sử dụng điện.
1.3. Chi phí tiền công cho nhân viên quản lý điện xã, thôn:
Căn cứ vào mức thu nhập trong thôn, xã và kết quả quản lý, vận hành lưới điện của các tổ chức quản lý điện để xác định tiền công và mức thu nhập của nhân viên quản lý điện cho phù hợp.
1.4. Chi phí khấu hao trạm và đường dây: Hệ thống lưới điện ở nông thôn được hình thành từ nhiều nguồn vốn (Ngân sách Trung ương, địa phương, hợp tác xã, vốn vay hoặc do nhân dân đóng góp). Vì vậy, việc tính khấu hao cần hợp lý nhằm bảo đảm giá bán điện không được vượt mức giá trần 700đ/kwh. Trường hợp phải hoàn trả vốn vay dẫn đến giá bán điện cao hơn mức giá trần thì phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt và thông báo công khai đến hộ sử dụng điện.
1.5. Chi phí sửa chữa:
- Chi phí sửa chữa thường xuyên (sửa chữa nhỏ) dựa vào yêu cầu thực tế để tính cho hợp lý.
- Chi phi sửa chữa lớn (đại tu lưới điện) được tính vào giá điện nhưng không được vượt mức giá trần (700đ/kwh) bán đến hộ dân nông thôn. Nếu vượt quá giá trần thì tổ chức quản lý điện nông thôn báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố để huy động các nguồn vốn: khấu hao cơ bản (nếu có), vốn ngân sách địa phương hoặc huy động đóng góp của hộ sử dụng điện.
1.6. Chi phí quản lý: là chi phí mua văn phòng phẩm, dụng cụ và chi phí cần thiết khác phục vụ quá trình vận hành mua bán điện.
1.7. Trường hợp tài sản lưới điện được hình thành từ vốn vay thì tính chi phí trả lãi vay vào giá bán điện.
2/ Việc tính thuế giá trị giá tăng đối với các mức giá điện bán đến hộ dân nông thôn của các tổ chức quản lý điện nông thôn thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
IV/ TỔ CHỨC QUẢN LÝ BÁN ĐIỆN ĐẾN HỘ DÂN NÔNG THÔN
1/ Các tổ chức quản lý điện nông thôn (kể cả điện lực tỉnh, thành phố) thực hiện việc tổ chức quản lý và bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn theo mức giá tại điểm 2,3 mục II nêu trên.
2/ Các tổ chức quản lý điện nông thôn phải xây dựng phương án giá trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt và thông báo công khai đến hộ sử dụng điện biết và thực hiện.
3/ Các tổ chức quản lý điện nông thôn phải thực hiện thống kê và hạch toán rõ ràng, công khai theo đúng chế độ thống kê, kế toán của Nhà nước.
V/ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ ĐIỆN NÔNG THÔN:
1/ Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố:
1.1. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể tại địa phương để chọn các mô hình quản lý và bán điện đến hộ dân nông thôn (ngoài Điện lực tỉnh, thành phố thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam). Các mô hình quản lý điện nông thôn được thành lập theo nguyên tắc bảo đảm hoạt động có hiệu quả, an toàn, chất lượng và đặc biệt chú trọng tới mức giá bán điện đến hộ dân nông thôn.
1.2. Chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan thuộc tỉnh, thành phố phối hợp với Điện lực tỉnh, thành phố thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên quản lý, vận hành lưới điện nông thôn.
1.3. Giao trách nhiệm cho các cấp chính quyền địa phương (huyện, xã) phối hợp với tổ chức quản lý điện nông thôn, điện lực các tỉnh, thành phố trong việc bảo vệ tài sản, chống trộm cắp điện và phát quang hành lang lưới điện.
1.4. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương như: Sở Công nghiệp, Sở Tài chính vật giá, Thanh tra Nhà nước địa phương thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tổ chức bán điện đến hộ dân nông thôn, đặc biệt là việc chống tổn thất điện năng và mức giá bán điện.
2/ Tổng Công ty Điện lực Việt Nam:
2.1. Chỉ đạo Điện lực các tỉnh, thành phố quản lý, vận hành và bán điện đến hộ dân nông thôn theo mức giá tại điểm 2, 3 mục II của thông tư hướng dẫn này đối với lưới điện do Điện lực tỉnh, thành phố thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam quản lý.
2.2. Chỉ đạo các Công ty Điện lực phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố triển khai thực hiện thông tư này.
2.3. Có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức quản lý điện nông thôn trong việc đào tạo nhân viên vận hành, quản lý lưới điện và tổ chức bán điện đến hộ dân nông thôn. Chi phí này được hạch toán vào chi phí đào tạo của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam.
2.4. Hướng dẫn tổ chức quản lý điện nông thôn xây dựng nội quy quản lý và quy trình vận hành, sửa chữa lưới điện bảo đảm an toàn và hiệu quả.
2.5. Các Công ty Điện lực và Điện lực tỉnh, thành phố thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố trong việc kiểm tra tình hình quản lý, vận hành lưới điện nông thôn, quản lý bán điện và giá điện đến hộ dân nông thôn.
1/ Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ thông tư Liên bộ số 18/TT-LB ngày 03 tháng 08 năm 1992 của Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công nghiệp) - Uỷ ban Vật giá Nhà nước (nay là Ban Vật giá Chính phủ).
2/ Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và các tổ chức quản lý, vận hành lưới điện ở nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3/ Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Công nghiệp chỉ đạo và giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thông tư này và tiếp tục theo dõi, tổng kết để bổ sung điều chỉnh cho phù hợp.
Trong quá trình thực hiện có vướng mặc, đề nghị phản ánh về Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Công nghiệp để kịp thời xử lý.
Lê Văn Tân (Đã ký) | Thái Phụng Nê (Đã ký) |
- 1Thông tư 11/2006/TT-BCN hướng dẫn thực hiện giá bán điện do Bộ Công nghiệp ban hành
- 2Quyết định 46/2006/QĐ-BCN công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công nghiệp ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- 3Thông tư liên tịch 02/2000/TTLT-BVGCP-BCN bổ sung Thông tư liên tịch 01/1999/TTLT/BVGCP-BCN hướng dẫn giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ dân nông thôn do Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Công nghiệp ban hành
Thông tư liên tịch 01/1999/TTLT-BVGCP-BCN hướng dẫn giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ dân nông thôn do Ban Vật giá Chính phủ - Bộ Công nghiệp ban hành
- Số hiệu: 01/1999/TTLT-BVGCP-BCN
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 10/02/1999
- Nơi ban hành: Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Công nghiệp
- Người ký: Lê Văn Tân, Thái Phụng Nê
- Ngày công báo: 08/04/1999
- Số công báo: Số 13
- Ngày hiệu lực: 25/02/1999
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực