Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG-BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/1998/TT-LTBLĐTBXH-BTC-BKHĐT

Hà Nội , ngày 31 tháng 1 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI BỘ TÀI CHÍNH - BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 01/1998/TT-LT BLĐTBXH - BTC - BKHĐT NGÀY 31 THÁNG 01 NĂM 1998 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 81/CP NGÀY 23/11/1995 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI TÀN TẬT

Thi hành Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ luật lao động về lao động là người tàn tật", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG.

1. Người tàn tật quy định tại Điều 1 Nghị định số 81/CP là người mà khả năng lao động bị suy giảm từ 21% trở lên do tàn tật, được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền xác nhận.

2. Cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật quy định tại Điều 2, Điều 3 của Nghị định số 81/CP có đủ các điều kiện quy định tại mục II của Thông tư này.

3. Cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi hình thức sở hữu có nghĩa vụ và quyền lợi quy định tại Điều 13, 14, 15 của Nghị định số 81/CP.

II. ĐIỀU KIỆN CỦA CƠ SỞ DẠY NGHỀ, CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH DÀNH RIÊNG CHO NGƯỜI TÀN TẬT.

1. Điều kiện của cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật:

Cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, bao gồm: các trường, trung tâm dạy nghề do Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức kinh tế xã hội hoặc cá nhân lập ra theo quy định của pháp luật, để giúp người tàn tật học nghề, nâng cao tay nghề gắn bó với tạo việc làm, nếu có đủ các điều kiện sau đây được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Thông tư này:

a. Cơ sở thường xuyên có ít nhất 70% số học viên là người tàn tật;

b. Có phòng học, thiết bị, phương tiện giảng dạy lý thuyết, cơ sở hướng dẫn thực hành phù hợp với người tàn tật, bảo đảm an toàn vệ sinh;

c. Có chương trình, giáo trình giảng dạy phù hợp tình trạng khuyết tật của người tàn tật;

d. Người dạy nghề phải có các điều kiện dưới đây:

- Người dạy lý thuyết tối thiểu phải có bằng tốt nghiệp trung học kỹ thuật, nghiệp vụ, có chứng chỉ sư phạm, bồi dưỡng về tâm lý người tàn tật. Các văn bằng chứng chỉ do ngành giáo dục đào tạo cấp.

- Người hướng dẫn thực hành phải có trình độ tay nghề cao hơn ít nhất một bậc so với yêu cầu giảng dạy, có khả năng thực hành nghề thành thạo, hướng dẫn được người tàn tật.

e. Cơ sở phải có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập và giấy phép hoạt động dạy nghề của cơ quan có thẩm quyền cấp, ghi rõ nhiệm vụ của trường, trung tâm dạy nghề cho người tàn tật.

2. Điều kiện của cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật:

Cơ sở sản xuất kinh doanh dành cho người tàn tật quy định tại Điều 3, của Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ bao gồm: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hợp tác xã, tổ hợp do người tàn tật lập ra, hoặc được các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội hay cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật, nhằm mục đích tạo việc làm, cải thiện đời sống, phục hồi chức năng cho người tàn tật, nếu có đủ các điều kiện sau đây được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Thông tư này:

a. Được thành lập theo quy định của Pháp luật và có tư cách pháp nhân;

b. Trong một cơ sở phải có từ 10 lao động trở lên, trong đó có trên 51% số lao động là người tàn tật;

c. Điều lệ hoặc quy chế hoạt động của cơ sở phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, sức khoẻ của người tàn tật; phải có điều khoản cam kết đảm bảo việc làm và lợi ích của người tàn tật; ghi nhận phần tiền vốn Nhà nước hỗ trợ giao cho cơ sở quản lý, sử dụng vào mục đích chung và được coi là phần vốn góp của Nhà nước dành cho người tàn tật làm việc tại cơ sở. Người tàn tật được hưởng lợi nhuận từ phần vốn này như các phần vốn góp khác tại cơ sở;

d. Ban quản lý điều hành phải có người tàn tật tham gia là trưởng hoặc là phó của cơ sở;

e. Thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về chế độ kế toán, về đăng ký thuế và nộp thuế theo quy định;

f. Được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định hoặc uỷ quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định công nhận là "Cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật".

III. LẬP QUỸ, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ QUỸ VIỆC LÀM DÀNH CHO NGƯỜI TÀN TẬT Ở TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm lập quỹ việc làm dành cho người tàn tật theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Nghị định số 81/CP, để giúp đỡ người tàn tật phục hồi chức năng lao động, học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế nhận người tàn tật vào học nghề, làm việc đạt tỷ lệ cao.

1. Quỹ việc làm dành cho người tàn tật được hình thành từ các nguồn dưới đây:

- Từ Ngân sách địa phương: Nguồn vốn dành cho người tàn tật hàng năm theo quy định của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.

- Từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (thuộc Ngân sách Trung ương): Hàng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định về nhu cầu vốn vay và vốn cấp hỗ trợ, làm nguồn bổ sung Quỹ việc làm dành cho người tàn tật ở những địa phương khó khăn về Ngân sách có nguồn thu ít hoặc có tỷ lệ người tàn tật quá cao.

- Khoản nộp hàng tháng của các doanh nghiệp không nhận đủ số người tàn tật vào làm việc theo quy định tại Điều 14, 15 của Nghị định số 81/CP và Điểm B2 Mục VI của Thông tư này.

- Nguồn tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

- Các nguồn thu khác.

2. Quỹ việc làm dành cho người tàn tật được sử dụng như sau:

a. Vốn cấp hỗ trợ cho:

- Các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật để xây dựng, sửa chữa nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị kỹ thuật, duy trì dạy nghề và phát triển sản xuất.

- Các doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế nhận người tàn tật vào làm việc đạt tỷ lệ từ 31% trở lên so với tổng số lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.

- Người tàn tật bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên học nghề tại các cơ sở dạy nghề thuộc Nhà nước quản lý không được cấp kinh phí đào tạo hàng năm.

b. Cho vay với lãi xuất thấp theo quy định của Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đối với các đối tượng sau:

- Cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật.

- Cá nhân và nhóm lao động là người tàn tật.

- Các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế nhận người tàn tật vào học nghề, làm việc với tỷ lệ lao động là người tàn tật từ 31% trở lên.

c. Hỗ trợ các hoạt động phục hồi chức năng lao động cho người tàn tật.

3. Quản lý quỹ.

- Quỹ việc làm dành cho người tàn tật do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm chủ tài khoản hoặc có thể uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá; số dư Quỹ được chuyển sang năm sau để sử dụng. Những địa phương có số dư lớn nhưng nhu cầu chi nhỏ có trách nhiệm điều hoà cho các địa phương có nhu cầu chi lớn mà nguồn thu hạn chế theo Quyết định điều hoà của Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội - Kế hoạch và Đầu tư (sẽ có hướng dẫn cụ thể riêng).

- Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân trong việc tổ chức thu, cấp phát các khoản chi theo quy định hiện hành của Nhà nước quy định tại Thông tư này và định kỳ (quý, năm) báo cáo Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội về số thu, số chi và tồn dư Quỹ.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng khác của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh, dạy nghề riêng cho người tàn tật và các đơn vị thuộc đối tượng sử dụng Quỹ việc làm cho người tàn tật về thủ rục xin cấp vốn, vay vốn và chịu trách nhiệm thẩm định dự án để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định cho vay hay cấp vốn hỗ trợ.

IV. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TÀN TẬT.

Người tàn tật trong quá trình học nghề, tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm được hưởng các chế độ như sau:

1. Người tàn tật học nghề, bổ túc nghề tại các cơ sở dạy nghề do Nhà nước quản lý theo Điều 12 của Nghị định số 81/CP:

- Được giảm 50% học phí đối với người tàn tật bị suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 40%.

- Được miễn nộp học phí đối với người tàn tật bị suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; Trong thời gian học nghề, bổ túc nghề tại các cơ sở đào tạo chính quy, nếu không hưởng lương, không có sinh hoạt phí hoặc không đủ điều kiện được hưởng học bổng thì được hưởng trợ cấp xã hội với mức 100.000đ/tháng theo hướng dẫn của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Giáo dục và Đào tạo.

- Đối với người tàn tật thuộc đối tượng có công với cách mạng hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Thông tư số 07/TT-TB ngày 27 tháng 5 năm 1996 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thi hành Nghị định 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ.

2. Người tàn tật khi học nghề, bổ túc nghề tại các cơ sở dạy nghề của Nhà nước quản lý, nhưng không được Nhà nước cấp kinh phí đào tạo thì được xét cấp hỗ trợ kinh phí để học nghề, mức cấp bằng 50% số tiền học phí phải trả cho nơi dạy nghề theo hợp đồng học nghề và khung giá quy định của Nhà nước, từ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật.

3. Người tàn tật tìm kiếm việc làm thông qua các Trung tâm dịch vụ việc làm được miễn lệ phí giới thiệu việc làm.

4. Cá nhân hoặc nhóm lao động là người tàn tật, tự tạo việc làm có nhu cầu về vốn để sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, được xem xét vay vốn với lãi xuất thấp từ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật.

5. Đối với người tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt được xét miễn, giảm thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

V. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CƠ SỞ DẠY NGHỀ, CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH DÀNH RIÊNG CHO NGƯỜI TÀN TẬT.

Cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật (sau 12 tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động), cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật (sau 6 tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động) có đủ các điều kiện nêu tại Mục II của Thông tư này được hưởng các chính sách quy định dưới đây:

1. Được cấp vốn hỗ trợ từ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 81/CP:

- Cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật khi có dự án xin hỗ trợ, được xem xét cấp hỗ trợ một phần kinh phí cho việc đào tạo, đào tạo lại; đổi mới, bổ sung trang thiết bị, mở rộng cơ sở, duy trì và phát triển sản xuất, dạy nghề thu hút thêm người tàn tật vào học nghề và làm việc hoặc để tạo lập cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu.

- Những cơ sở dạy nghề có tổ chức sản xuất gắn với thực hành, nâng cao tay nghề, tạo việc làm cho người tàn tật, nếu có đủ các điều kiện quy định tại Mục II, điểm 2 nói trên thì được hưởng những chính sách quy định tại Thông tư này như đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật.

- Mức cấp hỗ trợ: Đối với cơ sở dạy nghề căn cứ dự án phát triển dạy nghề và số lượng người tàn tật được đào tạo hàng năm. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh căn cứ vào dự án sản xuất kinh doanh, danh sách lao động là người tàn tật đang làm việc tại cơ sở. Mức cấp bình quân không quá 1 triệu đồng cho một lao động là người tàn tật.

- Các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật có tổ chức dạy nghề, nâng cao tay nghề cho người tàn tật tại cơ sở, hoặc gửi người tàn tật đi học nghề tại các trường, trung tâm dạy nghề không được Nhà nước cấp kinh phí đào tạo, thì được xét hỗ trợ một phần kinh phí (tuỳ theo dự án ngành nghề hoặc hợp đồng học nghề mà cơ sở ký với nơi dạy nghề) do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt và đề nghị.

2. Được xét vay vốn từ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 81/CP:

Các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật được xét vay vốn để duy trì, mở rộng dạy nghề, sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, thu hút thêm người tàn tật vào học nghề và lao động sản xuất.

Mức, thời hạn và lãi xuất vay, theo quy định hiện hành về cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.

3. Chính sách thuế.

- Các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật được miễn các loại thuế theo quy định tại Thông tư số 23 TC/TCT ngày 26/04/1996 và Thông tư số 32 TC/TCT ngày 06/07/1996 của Bộ Tài chính.

Tiền thuế được miễn là tiền của Nhà nước gián tiếp bù đắp cho những chi phí của cơ sở do năng suất lao động của người tàn tật thấp, hạn chế so với người bình thường. Tiền này phải được dùng vào mục đích sau:

+ Bù đắp chi phí sản xuất, dạy nghề, bao gồm cả tiền công, tiền lương cho những người tàn tật có thu nhập thấp.

+ Cải tiến, đổi mới công cụ lao động, dụng cụ học nghề phù hợp với từng dạng tật, cải thiện điều kiện lao động, an toàn lao động, tổ chức dạy nghề, nâng cao tay nghề cho người tàn tật tại cơ sở.

+ Chi phí cho các hoạt động phục hồi chức năng lao động cho người tàn tật và những chi phí khác.

- Hàng năm cơ sở dạy nghề, sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật phải báo cáo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan tài chính địa phương phần tiền thuế được miễn, số tiền đã sử dụng và số tiền để lại đưa vào quỹ phát triển sản xuất, dạy nghề của cơ sở.

4. Chính sách - chế độ ưu đãi khác theo Điều 9 và Điều 11 của Nghị định số 81/CP:

Cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật được Nhà nước bảo trợ và khuyến khích phát triển; được ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi để lập cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh; giúp đỡ đầu tư kỹ thuật, cải tiến đổi mới công nghệ, dành mặt hàng phù hợp, cho vay vốn lãi suất thấp và các ưu đãi khác trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Các nguồn vốn do Nhà nước đầu tư, nguồn do tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước trợ giúp là tài sản của Nhà nước, giao cho cơ sở dạy nghề, sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật quản lý và sử dụng theo đúng nội dung mục đích quy định tại Thông tư này. Những cơ sở dạy nghề, sản xuất kinh doanh không do Nhà nước thành lập và quản lý (cơ sở ngoài quốc doanh) khi không còn nhiệm vụ dạy nghề hoặc không còn được công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật thì cơ sở phải hoàn trả toàn bộ tài sản thuộc tiền vốn cấp và hỗ trợ của Nhà nước để nộp vào Quỹ việc làm cho người tàn tật ở địa phương.

VI. QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA CƠ SỞ DẠY NGHỀ VÀ DOANH NGHIỆP KHÁC THUỘC MỌI THÀNH PHẦN KINH TẾ NHẬN NGƯỜI TÀN TẬT VÀO HỌC NGHỀ, LÀM VIỆC THEO QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 13, 14, 15 CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 81/CP NHƯ SAU:

A. ĐỐI VỚI CƠ SỞ DẠY NGHỀ:

1. Những nơi nhận người tàn tật vào học nghề, đào tạo lại, nâng cao tay nghề được giảm thuế doanh thu từ dạy nghề theo quy định tại Thông tư số 32 TC/TCT ngày 06/07/1996 của Bộ Tài chính;

2. Những nơi dạy nghề, có dự án dạy nghề cho người tàn tật, nếu thu hút ít nhất 31% số học viên là người tàn tật vào học trong trường, lớp hoặc khoá đào tạo thì được vay để mua sắm đồ dùng, trang thiết bị phục vụ dạy và học từ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật. Mức, thời hạn và lãi xuất vay, áp dụng như đối với cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật.

B. ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP:

1. Các doanh nghiệp sau đây phải nhận một tỷ lệ lao động là người tàn tật vào làm việc theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 81/CP:

- Doanh nghiệp Nhà nước;

- Doanh nghiệp tư nhân;

- Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn;

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

- Doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp;

- Doanh nghiệp của các đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội;

- Hợp tác xã, tổ hợp tác.

a. Phải nhận 2% đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất, điện năng, luyện kim, hoá chất, địa chất, đo đạc bản đồ, dầu khí, khai thác mỏ, khai thác thuỷ sản, xây dựng cơ bản, vận tải.

b. Phải nhận 3% đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề còn lại.

Tỷ lệ người tàn tật mà doanh nghiệp phải nhận là tỷ số giữa người tàn tật trên tổng số lao động có mặt bình quân tháng của doanh nghiệp. Khi sử dụng lao động là người tàn tật, các doanh nghiệp phải sắp xếp việc làm phù hợp với khả năng, tình trạng khuyết tật của từng người.

2. Nếu doanh nghiệp chưa nhận hoặc nhận không đủ tỷ lệ lao động là người tàn tật theo quy định trên, thì hàng tháng doanh nghiệp phải nộp vào Quỹ việc làm dành cho người tàn tật một số tiền tương ứng với mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước nhân với số người tàn tật mà doanh nghiệp nhận thiếu.

Doanh nghiệp hoặc bộ phận của doanh nghiệp đóng ở địa phương nào thì nộp tiền tại địa phương đó.

Hàng quý doanh nghiệp phải nộp tiền vào Quỹ việc làm dành cho người tàn tật, chậm nhất đến ngày 25 tháng 12 của năm thực hiện phải nộp đủ số tiền phải nộp trong năm. Nếu nộp không đủ, không đúng hạn, Sở Tài chính - Vật giá phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thông qua Ngân hàng nơi doanh nghiệp có tài khoản tiền gửi để thu hộ số tiền vào tài khoản của Quỹ việc làm dành cho người tàn tật. Những doanh nghiệp cố tình không thực hiện sẽ bị phạt theo Pháp lệnh xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Những doanh nghiệp nhận lao động là người tàn tật đạt tỷ lệ từ 31% trở lên, khi gặp khó khăn, nếu có nhu cầu hỗ trợ vốn hoặc vay vốn thì được xét cấp vốn hỗ trợ hoặc cho vay vốn từ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật. Mức vốn cấp, vốn vay do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định theo quy định tại Thông tư này.

Khi doanh nghiệp có tỷ lệ lao động là người tàn tật dưới 31% thì không còn được hưởng những quyền lợi nêu trên, phần tiền vốn đã cấp hỗ trợ, doanh nghiệp phải trả lại, nộp vào Quỹ việc làm dành cho người tàn tật.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Người tàn tật thuộc đối tượng được hưởng chế độ quy định tại Thông tư này phải có giấy xác nhận của Hội đồng giám định Y khoa về tình trạng tàn tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do tàn tật (hồ sơ, thủ tục giám định y khoa, áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư Liên bộ số 34/TT-LB ngày 29 tháng 12 năm 1993 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế). Đối với thương binh, bệnh binh phải có giấy chứng nhận thương binh hoặc giấy chứng nhận bệnh binh. Riêng người tàn tật do điếc, câm, bị mù, cụt hoặc liệt chân tay, thiểu năng trí tuệ (đần độn) và có thân hình dị dạng đặc biệt, nếu chưa qua Hội đồng giám định Y khoa, thì phải có giấy xác nhận của phòng Y tế huyện, quận, thị xã.

2. Cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ các điều kiện quy định tại Điểm 2, Mục II Thông tư này và các cơ sở dạy nghề, sản xuất kinh doanh nhận người tàn tật vào học nghề, lao động đạt tỷ lệ từ 31% trở lên, để được hưởng chế độ ưu đãi theo Nghị định số 81/CP và Thông tư này, phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định công nhận là "Cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật", hay chứng nhận là "cơ sở có người tàn tật tham gia đạt tỷ lệ từ 31% trở lên"; cơ sở gửi hồ sơ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để kiểm tra thẩm định.

Hồ sơ gồm có:

- Đơn xin được công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật, hay chứng nhận là cơ sở có người tàn tật tham gia đạt tỷ lệ từ 31% trở lên;

- Bản sao quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập và giấy phép kinh doanh (hay giấy phép hoạt động dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề) có chứng nhận của Công chứng Nhà nước;

- Điều lệ hoặc quy chế hoạt động của cơ sở;

- Danh sách ban quản lý và điều hành;

- Danh sách thành viên (theo mẫu) có xác nhận của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, quận, thị xã.

3. Các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng được hưởng chính sách, chế độ quy định tại Nghị định số 81/CP và Thông tư này muốn được cấp kinh phí, vốn hỗ trợ hoặc được vay vốn phải có hồ sơ, dự án gửi về Sở lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính - Vật giá để kiểm tra, thẩm định (bao gồm cả các cá nhân người tàn tật có nhu cầu vay vốn hoặc xin cấp kinh phí học nghề).

a. Hồ sơ, dự án gồm có:

- Tờ trình (đơn) xin cấp vốn hoặc xin vay vốn;

- Dự án xin cấp vốn, kinh phí hoặc dự án xin vay vốn;

- Danh sách học viên, lao động tại cơ sở. Người tàn tật tại cơ sở, có xác nhận của phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, quận, thị xã (ghi rõ năm sinh, số thẻ thương binh, tàn tật).

- Đối với cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật phải nộp kèm bản sao quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập do cấp có thẩm quyền ký. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật phải nộp kèm theo bản sao quyết định công nhận là "cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật", hay giấy chứng nhận" Cơ sở có người tàn tật tham gia đạt tỷ lệ từ 31% trở lên" và bản sao giấy đăng ký kinh doanh có chứng nhận của công chứng Nhà nước.

Dự án xin cấp vốn và dự án xin vay vốn phải làm riêng. Chủ dự án là người phụ trách cơ sở, chịu trách nhiệm về sự đúng đắn của các nội dung được đề cập trong dự án, phải quản lý vốn cấp và hoàn trả đủ vốn vay, lãi suất vay đúng quy định.

b. Người tàn tật học nghề phải làm đơn xin cấp kinh phí học nghề kèm theo hợp đồng học nghề đã ký, có xác nhận của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, quận, thị xã.

4. Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, quận, thị xã có trách nhiệm:

- Nắm số lao động là người tàn tật có nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm và đang làm việc tại các doanh nghiệp; đề xuất với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân huyện, quận, tạo điều kiện thuận lợi để người tàn tật học nghề, tạo việc làm và lập cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật.

- Xác nhận và đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ đối với người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn khi học nghề, tạo việc làm. Kiểm tra, xác nhận danh sách lao động là người tàn tật học nghề và làm việc tại các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn huyện, quận, thị xã.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm:

a. Chủ trì, phối hợp cùng với Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch, theo dõi, quản lý, sử dụng Quỹ việc làm dành cho người tàn tật tại địa phương; hướng dẫn các cơ sở, đối tượng xây dựng dự án, kiểm tra thẩm định và xác nhận về mục tiêu, tính khả thi của từng dự án, xác nhận bản danh sách người tàn tật học nghề và làm việc tại cơ sở, xét duyệt kinh phí dạy nghề cho cơ sở hoặc cá nhân người tàn tật.

b. Tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định đối với các dự án xin cấp vốn, vay vốn, duyệt kinh phí dạy nghề từ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật. Nếu nhu cầu của dự án lớn hơn khả năng của Quỹ thì có công văn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị Liên Bộ lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư cấp bổ sung vốn cho Quỹ việc làm dành cho người tàn tật tại địa phương.

Báo cáo tổng hợp về vốn cấp, vốn vay đã được phê duyệt, biểu cân đối thu - chi của Quỹ, công văn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về việc bổ sung vốn kèm theo hồ sơ dự án xin cấp vốn của cơ sở và các tài liệu liên quan khác về Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi tổng hợp trong kế hoạch hàng năm.

c. Tổ chức hướng dẫn, thực hiện các chính sách, chế độ đối với lao động là người tàn tật thuộc địa phương quản lý. Kiểm tra xác định số lao động là người tàn tật mà các doanh nghiệp phải nhận theo tỷ lệ quy định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định đối với từng doanh nghiệp.

d. Hướng dẫn, giúp đỡ việc thành lập các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật. Kiểm tra, thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định hoặc ra quyết định công nhận nếu được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố uỷ quyền công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật và chứng nhận cho những cơ sở dạy nghề, sản xuất kinh doanh có người tàn tật đạt tỷ lệ từ 31% trở lên. Hàng năm tổ chức kiểm tra nếu cơ sở nào không đủ điều kiện là cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật hay những cơ sở có tỷ lệ người tàn tật không đủ 31% thì cho thời gian 3 tháng để củng cố. Nếu vẫn không đủ điều kiện thì báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét quyết định hoặc được uỷ quyền quyết định cơ sở không còn được hưởng chính sách, chế độ của cơ sở dạy nghề, sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật hay cơ sở được hưởng chính sách theo Thông tư này.

6. Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm:

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc xác định, thẩm tra các dự án cấp vốn hỗ trợ từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét, quyết định; duyệt dự án kinh phí dạy nghề từ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật; thẩm tra báo cáo quyết toán kinh phí thuộc nguồn Quỹ việc làm do Ngân sách Trung ương hỗ trợ; duyệt quyết toán các khoản kinh phí hỗ trợ, cho vay từ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật ở địa phương.

7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Và Đầu tư chịu trách nhiệm:

a. Đề xuất nhu cầu vốn vay và vốn cấp hỗ trợ làm nguồn vốn bổ sung vào Quỹ việc làm dành cho người tàn tật cho các địa phương, tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt trong chương trình Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm hàng năm.

b. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối lại nhu cầu cấp vốn hỗ trợ, vốn vay để dự kiến phân bổ kế hoạch cho địa phương. Trên cơ sở thống nhất của Liên bộ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định để Bộ Tài chính làm thủ tục chuyển vốn từ Ngân sách Trung ương về quỹ việc làm dành cho người tàn tật của các địa phương được hỗ trợ.

c. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với lao động là người tàn tật, các cơ sở dạy nghề, sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật, các cơ sở có trách nhiệm nhận lao động là người tàn tật và những cơ sở có trách nhiệm đóng góp xây dựng Quỹ, việc thu và sử dụng Quỹ việc làm cho người tàn tật ở các địa phương.

d. Xem xét thủ tục, nội dung các dự án xin cấp vốn theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố để làm thủ tục chuyển vốn theo trình tự quy định trên.

e. Báo cáo định kỳ sáu tháng và hàng năm với Chính phủ về lĩnh vực này.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về liên Bộ để nghiên cứu giải quyết.

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

Trần Xuân Giá

(Đã ký)

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 01/1998/TT-LTBLĐTBXH-BTC-BKHĐT hướng dẫn Nghị định 81/CP về lao động là người tàn tật do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 01/1998/TT-LTBLĐTBXH-BTC-BKHĐT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 31/01/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng, Trần Đình Hoan, Trần Xuân Giá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản