Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP-BỘ VĂN HOÁ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 203-TTLB

Hà Nội , ngày 30 tháng 12 năm 1985

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA VĂN HOÁ - NÔNG NGHIỆP SỐ 203 - TTLB NGÀY 30 - 12 – 1985 HƯỚNG DẪN VỀ CHẾ ĐỘ THÙ LAO HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ THÔNG TIN KHÔNG CHUYÊN NGHIỆP TRONG CÁC HỢP TÁC XÃ - TẬP ĐOÀN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP.

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết, Đại hội Đảng lần thứ V, được sự quan tâm của các cấp uỷ và chính quyền địa phương, phong trào hoạt động văn hoá thông tin ở cơ sở đã có tác dụng góp phần cổ vũ động viên sản xuất nông nghiệp.

Đến nay cơ chế quản lý trong các hợp tác xã nông nghiệp đã có nhiều đổi mới theo hướng xoá bỏ tập trung quan liêu bao cấp, tạo cho cơ sở quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh, để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Nhưng hiện nay hoạt động văn hoá thông tin ở cơ sở phát triển chưa đồng đều, chất lượng chưa cao, nội dung chưa phong phú, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thuộc về chế độ đãi ngộ hoạt động cho những người làm công tác văn hoá thông tin chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Để khắc phục tình trạng trên, quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8, khoá V, và thi hành Nghị quyết số 159 - HĐBT ngày 19 - 12 - 1983 của Hội đồng Bộ trưởng về công tác văn hoá thông tin trong thời gian trước mắt, nhằm đẩy mạnh mọi mặt hoạt động của công tác Văn hoá thông tin để phục vụ tốt hơn nữa phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp, liên Bộ Văn hoá - Nông nghiệp thống nhất hướng dẫn việc thực hiện chế độ trả thù lao hoạt động văn hoá thông tin ở hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG.

Hoạt động Văn hoá thông tin phải được ghi trong kế hoạch kinh tế, xã hội của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, để có cơ sở đầu tư chi phí và trả thù lao.

Trong phân công lao động của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp phải bảo đảm cho những cán bộ, xã viên làm công tác văn hoá thông tin vừa có điều kiện hoàn thành nghĩa vụ, quyền lợi của người lao động trong hợp tác xã, vừa có điều kiện thuận lợi để làm tốt công tác văn hoá thông tin do hợp tác xã giao.

Công tác văn hoá, thông tin là những hoạt động có yếu tố nghệ thuật, mang tính đặc thù khác với lao động giản đơn, nên cần được quan tâm đúng mức và hưởng thù lao cao hơn lao động giản đơn trong cùng một hợp tác xã, theo nguyên tắc phân phối theo lao động.

II. ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG THÙ LAO.

Đối tượng được hưởng thù lao hoạt động văn hoá thông tin bao gồm những người là cán bộ, xã viên được hợp tác xã, tập đoàn sản xuất giao nhiệm vụ làm công tác thông tin cổ động, văn hoá, văn nghệ, nhà văn hoá, câu lạc bộ, nhà truyền thống, thư viện, nếp sống mới...ở hợp tác xã, tập đoàn sản xuất để phục vụ chỉ đạo sản xuất và nâng cao đời sống tinh thần cho xã viên.

III. CHẾ ĐỘ THÙ LAO ĐƯỢC HƯỞNG

1. Căn cứ vào khả năng thu nhập thực tế của mỗi địa phương, ngoài phần được hưởng theo chế độ khoán sản phẩm do anh chị em trực tiếp lao động sản xuất, còn được hợp tác xã, tập đoàn sản xuất trích quỹ công ích trả thêm khoản thù lao hoạt động văn hoá thông tin tương xứng với thời gian, hiệu quả của nhiệm vụ được giao. Nói chung thu nhập ngày công làm văn hoá thông tin cần định bằng hoặc cao hơn thu nhập ngày công của lao động làm ở bậc công việc nông nghiệp loại khá (tức là cao hơn bậc cơ bản một bậc) và chia làm 3 bậc như sau:

a) Bậc 1. áp dụng cho những cán bộ, xã viên hoạt động trong các đội văn nghệ, thông tin cổ động thường xuyên đảm nhiệm những vai chính, chủ chốt của các chương trình tiết mục, vở diễn hoặc đảm nhiệm nhiều việc trong các khâu chủ chốt của hoạt động văn hoá thông tin, được hưởng thù lao ngày công làm các việc nói trên cao hơn mức thu nhập ngày công thực tế của lao động làm ở bậc công việc nông nghiệp loại khá của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất từ 15 đến 20%.

b) Bậc 2: áp dụng cho những cán bộ, xã viên đảm nhiệm những vai phụ trong hoạt động biểu diễn văn nghệ, thông tin cổ động, nhạc công, kẻ vẽ, thuyết minh hoặc đảm nhiệm một phần việc chủ chốt của hoạt động văn hoá thông tin, được hưởng thù lao ngày công làm việc nói trên cao hơn mức thu nhập ngày công thực tế của lao động làm ở bậc công việc loại khá của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất từ 5 đến 10%.

c) Bậc 3: áp dụng cho những cán bộ, xã viên làm công tác thư viện, nếp sống mới, nhà truyền thống, nhà văn hoá, câu lạc bộ, trạm thông tin, và các phần việc phục vụ cho những buổi biểu diễn văn nghệ, hoạt động tuyên truyền... được hưởng thù lao ngày công làm các việc nói trên bằng mức thu nhập ngày công thực tế của lao động làm ở bậc công việc nông nghiệp loại khá của hợp tác xã và tập đoàn sản xuất.

Hàng năm, các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất cần căn cứ vào nhu cầu, khả năng hoạt động Văn hoá thông tin nhằm phục vụ chỉ đạo sản xuất và nâng cao đời sống tinh thần ở địa phương mình mà đề ra kế hoạch cụ thể cho mỗi loại hoạt động, quy định rõ mục tiêu, nhu cầu chi phí vật chất, tiền công cho mỗi loại hoạt động, do quỹ công ích đài thọ và giao khoán cho các tổ chức văn hoá, văn nghệ, thông tin thực hiện các kế hoạch đó. Việc tính ngày làm việc cho người hoạt động công tác văn hoá thông tin, phải dựa vào kế hoạch để trả công theo ba bậc nói trên. Đối với những cán bộ, xã viên hoạt động không được đủ ngày, đủ buổi, thì có thể tính theo giờ để quy ra ngày làm việc, do hợp tác xã, tập đoàn bàn bạc với cán bộ, xã viên tham gia các hoạt động đó mà quy định cho thoả đáng.

2. Chế độ thù lao sau buổi biểu diễn:

a) Sau mỗi buổi diễn văn nghệ, thông tin cổ động, đều được hưởng chế độ thù lao bồi dưỡng. Mức thù lao này bồi dưỡng tại chỗ, hay cho hưởng công lao động của từng người trực tiếp tham gia, do khả năng và điều kiện cụ thể của mỗi cơ sở, mà Ban Văn hoá thông tin xã cùng Ban chủ nhiệm hợp tác xã thống nhất quy định cho phù hợp, nhưng không được tính trừ vào phần thù lao được hưởng đã quy định tại điều 1 nói trên.

b) Trường hợp các cấp, các ngành, các địa phương khác có yêu cầu biểu diễn, được hợp tác xã cử các đội văn nghệ thông tin đi phục vụ, thì khoản bồi dưỡng sau buổi biểu diễn do đơn vị mời đài thọ trực tiếp. Còn các khoản chi phí khác do đơn vị mời thanh toán với hợp tác xã có đội văn nghệ thông tin đến phục vụ. Khoản chi phí này nhập vào quỹ công ích để đến cuối vụ, cuối năm hợp tác xã trả công cho anh chị em làm công tác văn hoá thông tin theo các bậc đã quy định tại điều 1.

c) Các đội văn nghệ thông tin ở các xã có biên giới với Trung Quốc, hoạt động theo cơ chế "B dân quân" thì ngoài các mức thù lao hoạt động nói trong điểm 1 và 2 còn được cấp tỉnh, huyện, xã trích ngân sách hoặc quỹ quốc phòng của địa phương để chi thêm mức bồi dưỡng hoạt động cho các đội viên văn nghệ thông tin.

d) Qua mỗi đợt hoạt động văn nghệ thông tin và các mặt hoạt động khác của đội văn hoá thông tin ở cơ sở, tập thể đội hoặc cá nhân có thành tích hoạt động xuất sắc, cần được biểu dương khen thưởng kịp thời, bằng các hình thức thưởng:

- Tuỳ theo thành tích mà đề nghị thưởng giấy khen, bằng khen, huy chương chiến sĩ văn hoá hoặc huân chương.

- Khen thưởng bằng hiện vật hoặc bằng tiền.

e) Đối với những hợp tác xã, tập đoàn sản xuất có đội văn nghệ thông tin mạnh, mà khả năng và điều kiện bảo đảm diễn xuất tốt, có nội dung nghệ thuật đã được cấp có thẩm quyền ở địa phương duyệt, thì được tổ chức hoạt động với hình thức kinh doanh dịch vụ, để tăng thu cho hợp tác xã và được trích phần trăm của mức thu để trả thù lao hoạt động; quy chế hoạt động này do Ban Văn hoá thông tin xã, cùng Ban chủ nhiệm hợp tác xã thống nhất quy định cho phù hợp ở địa phương.

g) Những địa phương trình độ sản xuất còn ở mức thấp chưa tổ chức thành hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, chưa có quỹ công ích, mà có phong trào hoạt động văn hoá thông tin, thì trích một phần ngân sách của xã để chi, ngoài ra có thể vận dụng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tổ chức vận động nhân dân đóng góp ủng hộ để khuyến khích động viên hoạt động văn hoá thông tin.

3. Chế độ thù lao trách nhiệm:

Đội trưởng, phó đội trưởng các đội văn nghệ, thông tin cổ động là người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp các mặt hoạt động văn hoá - thông tin cơ sở. Ngoài nghĩa vụ và quyền lợi lao động như một xã viên, còn phải mất nhiều thời gian xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động văn hoá thông tin do hợp tác xã giao, nên ngoài mức hưởng thù lao quy định ở điểm a, b, c, điều 1, đến cuối vụ hoặc cuối năm còn được phụ cấp thù lao trách nhiệm.

- Đội trưởng được hưởng thêm 10% (mười phần trăm) của tổng số thù lao thực tế đã hoạt động.

- Phó đội trưởng được hưởng thêm 5% (năm phần trăm) của tổng số thù lao thực tế đã hoạt động.

4. Chế độ thù lao chức nghiệp đã được đào tạo.

Đối với những cán bộ, xã viên đã có bằng tốt nghiệp đại học, trung học về nghiệp vụ văn hoá thông tin hiện đang làm công tác thư viện, văn hoá quần chúng, âm nhạc, mỹ thuật v.v... của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, thì được hưởng thù lao như cán bộ kỹ thuật nông nghiệp.

5. Chế độ thù lao khi cử đi học nghiệp vụ, tập huấn công tác, hội họp, hội diễn.

Những cán bộ, xã viên làm công tác văn hoá thông tin được cử đi học nghiệp vụ, đi tập huấn, công tác, hội họp, hội diễn v.v... về hoạt động văn hoá thông tin, do cấp huyện, tỉnh, thành phố hoặc Trung ương tổ chức triệu tập, được hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đài thọ tiền tàu xe, công tác phí, như cán bộ, xã viên đi học, đi công tác và hội họp về quản lý và kỹ thuật của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Căn cứ vào các điều khoản chung quy định trong Thông tư này, các địa phương, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp cần vận dụng thực hiện cho sát với yêu cầu thực tế của cơ sở, nhưng không được trái với những quy định cơ bản đã nêu trong Thông tư.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1986 và thi hành thống nhất trong các xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp trong cả nước. Các văn bản về chế độ thù lao hoạt động văn hoá thông tin không chuyên nghiệp ở cơ sở trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình vận dụng thực hiện, có vướng mắc khó khăn trở ngại gì, các địa phương kịp thời báo cáo về Bộ Văn hoá và Bộ Nông nghiệp để nghiên cứu giải quyết;

Nguyễn Ngọc Trìu

(Đã ký)

Nguyễn Văn Hiếu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ số 203-TTLB năm 1985 chế độ thù lao hoạt động văn hoá thông tin không chuyên nghiệp trong các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp do Bộ Văn hóa - Nông nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 203-TTLB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 30/12/1985
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp, Bộ Văn hoá
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Trìu, Nguyễn Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản