BỘ NỘI VỤ-BỘ VĂN HOÁ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 855-TT/LB | Hà Nội , ngày 12 tháng 5 năm 1984 |
Trong những năm qua, nhất là từ sau ngày miền Nam giải phóng, đế quốc Mỹ, bọn bành trướng, bá quyền Trung Quốc và các bọn phản động tay sai khác đã tăng cường những hoạt động phá hoại trên mặt trận tư tưởng và văn hoá ở nước ta. Chúng đã lén lút đưa vào nhiều loại văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ như sách, báo, nhạc, tranh ảnh, phim chiếu bóng, băng ghi hình, nhạc, thiếp, v.v... sao chép lại các loại văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới còn rơi rớt lại, phục hồi văn hoá và lối sống lạc hậu, tuyên truyền mê tín, dị đoan lợi dụng chính sách tự do, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta để chống lại ta. Mục đích của chúng là phá hoạt nhân sinh quan, thế giới quan, đạo đức phong cách tốt đẹp của nhân dân ta hòng làm tê liệt ý chí đấu tranh cách mạng, chia rẽ nội bộ, giảm lòng tin vào Đảng, Nhà nước, phá hoại nếp sống mới xã hội chủ nghĩa, nhất là đối với tầng lớp thanh, thiếu niên của ta.
Nghị quyết số 3 ngày 25-10-1982 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: "Kẻ địch lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, tiêu cực phát triển, tăng cường phá hoại chính trị, tư tưởng và văn hoá, ráo riết hoạt động chiến tranh tâm lý, xuyên tạc, đả kích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoạt động văn hoá phản động, đồi truỵ, gieo rắc lối sống sa đoạ, lạc hậu, nhất là trong thanh niên".
"Cuộc đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc xây dựng nền kinh tế mới, nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa phải gắn liền với cuộc đấu tranh chống chiến tranh tâm lý, chống địch phá hoại tư tưởng, chống văn hoá phản động, đồi truỵ của địch".
Công tác đấu tranh của ta trên lĩnh vực này tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng không ít nơi tổ chức đấu tranh còn nhiều sơ hở và thiếu sót, hữu khuynh, thiếu kiên quyết, chưa liên tục và không triệt để.
Cuộc đấu tranh chống văn hoá nô dịch phản động, làm thất bại âm mưu của bọn bành trướng, bá quyền Trung Quốc, của đế quốc Mỹ và bọn phản động tay sai là một cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt và phức tạp, là cuộc vận động quần chúng sâu rộng, lâu dài, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của các ngành, các cấp. Ngành văn hoá và công an là hai lực lượng chủ chốt, phục vụ các cấp uỷ Đảng chỉ đạo chặt chẽ và huy động các ngành cùng tham gia làm tốt công tác này như các ngành tuyên huấn, giáo dục, hải quan, bưu điện, kiểm sát, toà án và đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh... Cuộc đấu tranh phải nhằm đạt được kết quả mà Nghị quyết số 3 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: "phải đẩy mạnh phong trào quần chúng xây dựng nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa, đấu tranh xoá bỏ lối sống không lành mạnh, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, quét sạch tàn dư tư tưởng văn hoá lạc hậu, phản động của xã hội phong kiến, của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Phải phát hiện, truy tìm tận gốc và trừng trị nghiêm khắc bọn hoạt động chiến tranh tâm lý, bọn tuyên truyền văn hoá phản động, đồi truỵ, chặn đứng các nguồn văn hoá phản động, đồi truỵ của bọn phản cách mạng lén lút đưa vào nước ta".
Để thực hiện nghiêm chỉnh và đạt hiệu quả cao Nghị quyết số 3 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 159-HĐBT ngày 19-12-1983 của Hội đồng Bộ trưởng về công tác văn hoá, thông tin trong thời gian trước mắt, liên Bộ Văn hoá - Nội vụ ra Thông tư hướng dẫn những biện pháp nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu của kẻ địch trong lĩnh vực này.
I- XÁC ĐỊNH LOẠI VĂN HOÁ PHẨM CÓ NỘI DUNG PHẢN ĐỘNG, ĐỒI TRUỴ
Tất cả các loại văn hoá phẩm có nội dung trái với 5 điều kỷ luật tuyên truyền về báo chí và xuất bản đều bị nghiêm cấm, không được nhập vào Việt Nam dưới bất cứ hình thức nào. Ngoài những cơ quan chuyên môn được Nhà nước cho phép và phải có quy chế sử dụng chặt chẽ, không một tổ chức hay cá nhân nào được làm ra, sao chép, tàng trữ và lưu hành với bất cứ mục đích gì.
1- Các loại văn hoá phẩm có nội dung phản động:
a) Tuyên truyền chống lại đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở nước ta, chia rẽ nhân dân và chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang, kích động tư tưởng bất mãn đối với Đảng và Nhà nước.
b) Tuyên truyền gây thù hằn dân tộc, chia rẽ khối đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương, chia rẽ giữa Việt Nam với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác.
c) Tuyên truyền chiến tranh, chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, chống các phong trào đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới.
2- Các loại văn hoá phẩm có nội dung đồi truỵ:
a) Tuyên truyền cho lối sống đồi bại, dâm loạn, du đãng, trác tác, và những hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc ta và đi ngược lại nếp sống mới xã hội chủ nghĩa đang được hình thành ở nước ta.
b) Tuyên truyền mê tín, dị đoan.
II- HÌNH THỨC VÀ BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH
Sở Văn hoá thông tin và công an các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương phải:
1- Có kế hoạch cụ thể về công tác này, báo cáo với tỉnh uỷ, thành uỷ và đặc khu uỷ và tổ chức các đợt tuyên truyền trong quần chúng, nhất là trong thanh, thiếu niên, làm cho mọi ngành, mọi người thấy rõ âm mưu thâm độc của địch và tác hại của loại văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ, phát động nhân dân tự giác đem nộp các loại văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ, vạch mặt và xử lý nghiêm minh bọn buôn bán, tàng trữ, cố tình vi phạm pháp luật.
2- Phối hợp với các ngành tổ chức các đợt kiểm tra hành chính để phát hiện và truy quét liên tục, tận gốc các ổ tàng trữ, xâm nhập và lưu hành... các loại văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ. Kịp thời đưa ra truy tố trước pháp luật những vụ vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
3- Kiện toàn các tổ chức chuyên trách quản lý xuất nhập khẩu văn hoá phẩm của các Sở Văn hoá thông tin và công an, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành hải quan, bưu điện, hàng không dân dụng, giao thông vận tải... kiểm tra chặt chẽ các cửa khẩu biên giới, sân bay, hải cảng, bưu cục ngoại dịch để kịp thời phát hiện và thu giữ các loại văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ từ nước ngoài đưa vào hoặc từ trong nước gửi ra nước ngoài.
4- Phối hợp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, các ngành, các cá nhân tại địa phương chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của Nhà nước trong việc đăng ký và sử dụng các loại máy chiếu phim, máy video cat-set, phim chiếu bóng, băng ghi hình. Nghiêm cấm các tổ chức hoặc cá nhân sử dụng các loại văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ vào mục đích kinh doanh kiếm lời, ai vi phạm sẽ bị xử lý theo luật lệ hiện hành.
1- Đối với người có hành động vi phạm:
a) Đối với những người hoặc tổ chức có hành động xâm nhập, làm ra, sao chép, tàng trữ và lưu hành các loại văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ nhằm mục đích chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa gây hậu quả nghiêm trọng, ngành văn hoá và công an cần lập hồ sơ đầy đủ cung cấp cho ngành kiểm sát và toà án xét xử kịp thời.
b) Đối với những người buôn bán, tàng trữ văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ không vì mục đích phản cách mạng, chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì cảnh cáo, phạt tiền, xử phạt hành chính, đưa ra đấu tranh công khai trước nhân dân. Trường hợp tái phạm thì đưa ra truy tố trước pháp luật.
2- Đối với các hiện vật thu giữ:
a) Các loại văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ thu được đều do Sở Văn hoá thông tin và công an giữ sẽ giải quyết như sau:
- Đối với các loại sách, báo phản động gửi ngay về Bộ Văn hoá, Bộ Nội vụ mỗi nơi hai bản (nếu chỉ có một bản do Sở Văn hoá quản lý thì gửi về Bộ Văn hoá, hoặc do công an quản lý thì gửi về Bộ Nội vụ).
- Các loại sách, báo, tranh, ảnh đồi truỵ thì lập biên bản và cho tiêu huỷ ngay trước một hội đồng do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quyết định.
- Các loại phim chiếu bóng, băng ghi hình, băng cát-sét phản động, đồi truỵ phải lập biên bản, niêm phong và gửi ngay về Bộ Văn hoá và Bộ Nội vụ mỗi thứ một bản để xem xét việc xoá hoặc tiêu huỷ. Trong khi chờ ý kiến quyết định của cấp trên, các loại văn hoá phẩm nói trên được tập trung tại các Sở Văn hoá thông tin và công an, tuyệt đối không được sử dụng dưới bất cứ hình thức nào.
- Đối với các văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ thu được mà là tang vật của vụ án đang đấu tranh thì phải quản lý theo đúng chế độ quản lý tang vật, sau khi xử lý vụ án thì sẽ giải quyết theo quy định trên.
b) Các dụng cụ và phương tiện dùng vào các hoạt động truyền bá văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ sẽ giải quyết theo quyết định xử lý đối với người vi phạm.
IV- TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
Sở Văn hoá thông tin và công an các tỉnh, thành phố và đặc khu cùng phối hợp nghiên cứu đánh giá tình hình, vạch kế hoạch cụ thể trong các đợt truy quét văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ ở địa phương. Cần phải phân công một số cán bộ chuyên trách công tác này theo chức năng của mỗi ngành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một đồng chí trong Ban giám đốc Sở Văn hoá thông tin và công an.
Ngành văn hoá cần tiến hành các công việc sau đây:
- Lên danh mục các loại văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ; từng thời kỳ có bổ sung và thông báo cho nhân dân biết.
- Nắm lại các cơ sở kinh doanh văn hoá, có quy chế và kế hoạch kiểm tra về văn hoá như in băng, cát-sét, các cửa hàng mua bán văn hoá phẩm. Quản lý chặt chẽ việc phát hành phim, chiếu phim, sản xuất và sử dụng băng ghi hình.
- Các địa phương có cửa khẩu đều cần phải thành lập phòng hoặc tổ chuyên trách quản lý xuất nhập khẩu văn hoá phẩm, chọn cử những cán bộ có năng lực đảm nhiệm công tác này. Các cán bộ làm nhiệm vụ ở các cửa khẩu được trang bị quần áo theo mẫu thống nhất. Các phòng, tổ cần được trang bị các phương tiện kỹ thuật để kiểm tra, thu lệ phí, kiểm tra văn hoá phẩm.
Lực lượng công an tiến hành điều tra nghiên cứu phát hiện kẻ địch và phần tử xấu phá hoại tư tưởng, văn hoá, phát hiện nơi sản xuất, tàng trữ, lưu hành, sử dụng các loại văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ.
- Kiểm tra, kiểm soát ở các cửa khẩu biên giới, sân bay, bến cảng, bưu cục ngoại dịch để phát hiện các loại văn hoá phẩm phản động đồi truỵ.
- Phối hợp với ngành văn hoá tổ chức các đợt kiểm tra các cơ sở kinh doanh về văn hoá.
Ngành văn hoá và công an từ Trung ương đến địa phương cần tiến hành ngay việc kiểm tra tình hình lưu trữ và có biện pháp giải quyết các loại văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ và các hiện vật khác đã thu được qua các đợt kiểm tra từ trước tới nay.
Sở Văn hoá thông tin và công an định kỳ 6 tháng, 1 năm làm báo cáo sơ kết, tổng kết công tác đấu tranh chống truyền bá văn hóa phẩm phản động, đồi truỵ gửi về Bộ Văn hoá và Bộ Nội vụ.
Bộ Văn hoá và Bộ Nội vụ sẽ có văn bản cụ thể hoá nhiệm vụ công tác của từng ngành để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư này.
Nhận được thông tư này, các đồng chí Giám đốc các Sở Văn hoá thông tin và công an báo cáo ngay với cấp uỷ và Uỷ ban nhân dân địa phương để có kế hoạch triển khai thực hiện.
Trần Đông (Đã ký) | Trần Văn Phác (Đã ký) |
Thông tư liên Bộ 855-TT/LB năm 1984 về công tác đấu tranh chống các hoạt động xâm nhập, làm ra, sao chép, tàng trữ và lưu hành các loại văn hoá phẩm phản động, đồi trụy do Bộ Nội vụ; Bộ Văn hoá ban hành
- Số hiệu: 855-TT/LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 12/05/1984
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Văn hoá
- Người ký: Trần Đông, Trần Văn Phác
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 14
- Ngày hiệu lực: 27/05/1984
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định