BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 45-TT-LB | Hà Nội , ngày 18 tháng 12 năm 1962 |
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ - BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Kính gửi: | - Các ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố |
Trong Thông tư số 52-TT-LB ngày 22-8-1956, liên Bộ Thương binh – Tài chính có quy định kinh phí làm chân tay giả do Bộ Thương binh (sau này là Bộ Nội vụ) đài thọ. Đến nay quy định này không còn thích hợp với việc phân cấp quản lý công tác thương binh liệt sĩ nói chung, và việc phân cấp cho các địa phương quản lý việc cấp phát chân tay giả nói riêng, vì vậy liên Bộ sửa đổi lại thể thức thanh toán phí tổn làm chân tay giả cho thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, kể từ ngày 01-01-1963, như sau:
a) Đối với thương binh, quân dân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, đã về địa phương sản xuất hay an dưỡng.
Mỗi khoản phí tổn như: tiền làm chân tay giả, tiền sửa chữa chân tay giả, tiền đóng giày, đóng nạng, tiền ăn và đi đường (lượt đi và về) tiền ăn trong thời gian làm chân tay giả ở xưởng… do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố đài thọ (ghi vào Ngân sách địa phương, phần chi về công tác thương binh liệt sĩ).
b) Đối với thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, công tác ở cơ quan, xí nghiệp.
- Nếu là cơ quan hành chính, sự nghiệp ở Trung ương cũng như địa phương, thì cơ quan dự trù kinh phí và đài thọ các khoản phí tổn về làm và sửa chữa chân tay giả, tiền đóng giày và đóng nạng, tiền đi đường cho anh em;
- Nếu là cơ quan kinh doanh (như doanh, xí nghiệp, công nông, lâm trường…) thì cơ quan ứng trước trả các khoản phí tổn như trên, rồi lập bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán với cơ quan tài chính địa phương (kể cả doanh, xí nghiệp của địa phương và doanh, xí nghiệp của Trung ương đóng ở địa phương đó);
- Riêng tiền ăn ở xưởng do anh chị em tự thanh toán;
c) Đối với thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, còn tại ngũ.
Bộ Nội vụ đài thọ các khoản phí tổn về làm và sửa chữa chân tay giả, về đóng giày và nạng, cho anh em, và trực tiếp thanh toán với xưởng chân tay giả. Tiền đi đường do đơn vị cấp, tiền ăn ở xưởng do anh chị em tự thanh toán.
d) Đối với thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, ở các Trại thương binh.
Trại thương binh đài thọ các khoản phí tổn và trực tiếp thanh toán với xưởng chân tay giả. Tiền ăn ở xưởng do anh chị em tự thanh toán.
Kinh phí về làm chân tay giả, vv…ghi vào loại 2 khoản 40 hàng 3 mục 6.
2. Thể thức thanh toán và giới thiệu đến xưởng chân tay giả:
Để khỏi đọng vốn sản xuất của xưởng chân tay giả, từ ngày 01-01-1963 trở đi, sẽ thực hiện chế độ trả tiền ngay các địa phương, các cơ quan, xí nghiệp, khi giới thiệu anh chị em đến làm chân tay giả ở xưởng, phải ứng trước và chuyển tiền phí tổn đến xưởng bằng phiếu chuyển tiền thu. Sau khi làm xong chân tay giả, xưởng sẽ tính tổng số phí tổn rồi thanh toán với địa phương, cơ quan, xí nghiệp, đã giới thiệu anh em (nếu thừa thì trả lại, nếu thiếu thì đòi thêm).
Các địa phương, cơ quan, xí nghiệp phải đảm bảo việc giới thiệu anh em đến làm chân tay giả đã được duyệt. Anh em đến xưởng mang đầy đủ các giấy tờ như: phiếu làm chân tay giả, giấy giới thiệu của địa phương hay cơ quan, xí nghiệp, giấy chứng nhận làm chân tay giả do xưởng cấp (đối với những anh em đã được làm chân tay giả nay phải làm lại chân tay giả mới), giấy chứng nhận thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, và anh em phải mang cả chân tay giả cũ trả lại xưởng để sử dụng các nguyên liệu cũ.
Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn cụ thể thêm, về việc lập dự trù và thanh toán tiền chân tay giả, sau khi đã thống nhất ý kiến với Bộ Y tế và xưởng chân tay giả.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Thông tư liên bộ 45-TT-LB năm 1962 về thể thức thanh toán phí tổn làm chân tay giả cho thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 45-TT-LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 18/12/1962
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
- Người ký: Tô Quang Đẩu, Trịnh Văn Bính
- Ngày công báo: 31/12/1962
- Số công báo: Số 48
- Ngày hiệu lực: 02/01/1963
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định