Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36-TT-LB

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 1956 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

BỔ SUNG CHẾ ĐỘ CẤP PHÁT CHĂN, MÀN, ÁO RÉT QUẦN ÁO VÀ PHỤ CẤP CON CHO ANH CHỊ EM CÁN BỘ MIỀN NAM

Trong thời gian qua, việc cấp phát chăn, màn, áo rét cho anh chị em miền Nam thi hành không thống nhất, cũng như phụ cấp con cho cán bộ miền Nam chưa quy định cụ thể.
Thi hành chỉ thị số 4881-CN ngày 27-10-1956 của Thủ tướng phủ và theo đề nghị của Ban quan hệ Bắc Nam trung ương (cv số 613- MN ngày 11-10-1956).
Liên Bộ Nội vụ, Lao động, Tài chính bổ sung những điểm sau đây:

I . – CẤP PHÁT:

1) Tiêu chuẩn chăn, màn, áo rét :

Anh chị em cán bộ, nhân viên, công nhân miền Nam ra miền Bắc được lĩnh ở cửa khẩu :

- 1 chăn bông (hoặc 2 chăn sợi).

- 1 màn.

- 1 áo vệ sinh Trung quốc hay 1 áo len.

Nếu chưa lĩnh một thứ trong ba thứ kể trên, hay chưa lĩnh đúng tiêu chuẩn thì nay được cấp phát cho đủ kỳ này. Sau đó sẽ do anh em tự sắm lấy.

Ví dụ :

Chưa lĩnh một màn thì nay lĩnh một màn.

Chỉ lĩnh một chăn sợi thì nay lãnh thêm một chăn sợi.

Chưa lĩnh một áo vệ sinh Trung quốc hay một áo len (hoặc 10 cuốn len và 3.000 đ công đan hoặc 1 áo cánh bông mỏng) mà năm ngóai không có truy lĩnh thì nay được lĩnh một áo bông của Mậu dịch giá tiền là 19.000 đ.

Những anh chị em vượt tuyến, ra sau, hay do đối phương trao trả ở miền Bắc, bộ đội miền Nam phục viên, thanh niên xung phong miền Nam, chưa được lĩnh những thứ kể trên hay lĩnh còn thiếu thì nay cũng được truy lĩnh như anh chị em tập kết.

Riêng đối với anh chị em cán bộ miền Nam tập kết, hiện nay công tác ở các cơ quan, công trường, xí nghiệp, khi ra cửa khẩu vì lý do nào đó mà chưa lĩnh một bộ quần áo (vải xanh hoặc ka-ki) thì nay được phát một bộ : áo sơ mi, quần tây : 5m20 vải xanh và tiền công may 5.000 đ.

2) Những trường hợp cụ thể :

Đối với anh chị em đã hưởng chế độ cấp phát ở Liên khu 5.

a) Về áo trấn thủ : Cán bộ trong biên chế từ cấp huyện trở lên ở Liên khu 5 (4 tỉnh tự do Nam, Ngãi, Bình, Phú) có hưởng chế độ cấp phát chăn, màn, áo trấn thủ dùng trong 3 năm. Năm ngoái có phát thêm áo trấn thủ 6.800 đ, anh chị em nào chưa lĩnh 6.800 đ thì nay được lĩnh thêm một áo bông hay 19.000 đ (không truy lĩnh áo trấn thủ nữa ). Trừ những người nào theo tiêu chuẩn được truy lĩnh áo trấn thủ mà đã được bình nghị lĩnh áo rét năm 1955 (10.000 đ) thì nay không truy lĩnh nữa.

b) Vải hạ bán niên 1954 : Chưa lĩnh vải hạ bán niên 1954 thì được truy lĩnh 5m20 vải ka-ki và 8.000 đ tiền công may. Trường hợp đã lĩnh một phần vải theo số tháng làm việc ở Liên khu 5 thì nay được truy lĩnh thêm về những tháng chưa lĩnh theo quy cách tạm suất :

(3.500 x 5m20) + 8.000 đ

6 x số tháng chưa lĩnh

Thanh niên xung phong, bộ đội miền Nam phục viên cũng được truy lĩnh như trên.

3) Vải thượng bán niên năm 1955 :

Anh chị em cán bộ miền Nam nói chung trong biên chế từ cấp huyện trở lên nếu ai chưa lĩnh vải hạ bán niên 1954 và thượng bán niên 1955 thì nay được truy lĩnh 5m20 ka-ki và tiền công may 8.000 đ.

4) Áo rét :

Trong mùa rét năm 1955 những anh chị em chưa đủ áo rét được bình nghị trợ cấp 1 áo bông. Năm nay, sẽ quy định cụ thể như sau :

a) Những anh chị em nào mới lĩnh 1 áo vệ sinh Trung quốc hoặc áo len (hoặc 10 cuốn len và 3.000 đ công đan, hoặc phụ nữ lĩnh một áo cánh bông mỏng) ở cửa khẩu thì nay được lĩnh 1 áo bông của Mậu dịch hay một số tiền là 19.000 đ.

b) Những anh chị em nào đã lĩnh 1 áo vệ sinh Trung quốc hay áo len ở cửa khẩu và truy lĩnh 6.800 đ áo trấn thủ rồi thì nay không được cấp nữa (trường hợp của anh chị em ở 4 tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú).

c) Những anh chị em nào đã lĩnh 1 áo vệ sinh Trung quốc hay áo len ở cửa khẩu và năm 1955 đã lĩnh 10.000 đ nay cũng không được cấp áo rét nữa.

Chế độ cấp phát chăn màn áo rét ở điều 1, 2, 3 và việc cấp phát áo bông nói ở điều 4 áp dụng chung đối với cán bộ tập kết vượt tuyến, trao trả ra sau mà khi đến cửa khẩu chưa nhận đầy đủ.

5) Trường hợp bị mất mát thiếu thốn :

Đối với những anh chị em trước đã được cấp phát chăn, màn áo rét rồi, nay vì bị mất mát, hư hỏng không còn dùng được hay vì một lý do nào khác mà hiện nay còn thiếu thì cơ quan cùng với công đoàn xét và cấp những món đã thiếu. Thiếu món nào cấp món đó theo giá Mậu dịch địa phương. Phải mua sắm không được dùng số tiền cấp phát vào việc khác. Cần giải thích rõ đây là một sự chiếu cố của Chính phủ cho những người thiếu, anh em đã có rồi không nên so bì.

6) Đặc biệt kỳ này đối với những anh chị em miền Nam hiện nay đang làm công tác ở công, nông trường, vì tính chất nặng nhọc quần áo mau hư hỏng (kể cả những người ở công, nông trường đi an dưỡng hay nằm bệnh viện ) thì cơ quan quản lý và công đoàn kiểm tra lại nếu người nào không đủ hai bộ quần áo để  thay đổi thì thiếu cái nào cấp cái ấy cho có đủ hai bộ để mặc trong mùa rét năm nay, về sau anh chị em sẽ mua sắm lấy. Tiêu chuẩn bằng vải xanh công nhân hay một thứ vải khác trị giá tương đương, tính chung một bộ là 5m20 và 5.000 đồng tiền công may.

Trong khi thi hành, cơ quan quản lý và công đòan cần giải thích cho anh chị em tránh tư tưởng hẹp hòi, khắt khe và tránh tư tưởng bình quân muốn ai cũng được cấp.

Việc cấp phát quần áo nói ở mục này cũng áp dụng cho những anh chị em miền Nam từ khi ra Bắc đến nay nằm bệnh viện hoặc ốm đau chưa phân phối công tác được hưởng theo chế độ sinh hoạt phí 22.000 đồng một tháng.

Trường hợp này cũng áp dụng cho những anh chị em miền Nam ở công, nông trường mới về cơ quan mà thiếu quần áo.

7) Thể thức cấp phát :

Các cơ quan, công trường, nông trường, xí nghiệp, bệnh viện, điều dưỡng đường, an dưỡng đường, trường học sẽ :

a) Căn cứ vào phiếu cấp phát, giấy chứng nhận hoặc lời tự khai của anh chị em đó, cấp phát những thứ còn thiếu nói ở điều 1, 2, 3, 4.

b) Đối với trường hợp nói ở điều 5, 6 thì nên dựa vào ý kiến công đòan để xét trợ cấp.

c) Việc cấp phát thêm số áo rét, chăn, màn áp dụng cho tất cả anh chị em miền Nam công tác ở cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường… không phân biệt trong biên chế hay ngoài biên chế.

d) Việc cấp phát áo rét, chăn, màn cho anh chị em miền Nam cần làm gấp để kịp thời chống rét. Phải làm xong trước cuối tháng 11 năm 1956.

8) Thể thức thanh tóan :

- Các cơ quan Trung ương làm dự tóan, do Bộ Tài chính  (Vụ Sự nghiệp và Vụ Hành chính phí ) cấp phát.

- Ở các khu và các tỉnh thì các cơ quan khu và tỉnh làm dự tóan do khu và công ty Tài chính cấp phát.

- Các nông trường, xí nghiệp thì cấp phát ngay cho anh chị em ghi vào tài khoản “ứng cho công quỹ ” để cuối năm thanh tóan vào phần lợi nhuận.

- Các công trường thì xét cấp phát và thanh tóan như các khỏan chi khác.

Việc cấp phát áo rét chăn màn cho các cháu học sinh miền Nam sẽ quy định riêng trong thông tư Liên Bộ Giáo dục – Tài chính. Khoản chi này ghi vào mục trợ cấp.

II PHỤ CẤP CON :

Tất cả anh chị em miền Nam, không phân biệt tập kết, vượt tuyến trao trả, hiện nay công tác ở các cơ quan, công trường, nông trường, xí nghiệp đều được phụ cấp con :20 cân mỗi cháu. Các cháu mới sinh ở miền Bắc cũng được phụ cấp con 20 cân.

Những anh chị em miền Nam công tác ở các cơ quan, công trường, xí nghiệp mà có vợ hay chồng miền Bắc đẻ con đều được phụ cấp 20 cân mỗi cháu.

Phụ cấp này cũng tăng 50%, 30% , 20% nếu các cháu ở Hà Nội, Gia Lâm hay ngoại thành Hà Nội.

Những anh chị em miền Nam công tác ở các cơ quan, xí nghiệp không phân biệt trong biên chế hay ngoài biên chế từ trước đến nay chưa được phụ cấp con, nay được hưởng kể từ ngày 1-11-1956.

Đề nghị các cơ quan, các ngành phổ biến nhanh chóng Thông tư này đến tận cơ sở, theo dõi, đôn đốc, liên lạc với cơ quan Mậu dịch mua sắm ngay, làm sao cho việc cấp phát đến tận tay anh chị em miền Nam, càng sớm càng tốt, và trong khi thực hiện có gặp những điểm gì trở ngại, hoặc phát hiện điều gì mới, cần phản ảnh cho Liên Bộ biết để giải quyết.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG





Nguyễn Văn Tạo

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Phạm Văn Bạch

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 36-TT-LB năm 1956 bổ sung chế độ cấp phát chăn, màn, áo rét quần áo và phụ cấp con cho anh chị em cán bộ miền Nam do Bộ Nội vụ - Bộ Lao động - Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 36-TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 08/11/1956
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo, Trịnh Văn Bính, Phạm Văn Bạch
  • Ngày công báo: 28/11/1956
  • Số công báo: Số 38
  • Ngày hiệu lực: 23/11/1956
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản