Hệ thống pháp luật

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35-TT/LB

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 1995

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH-GD&ĐT SỐ 35-TT/LB NGÀY 25/4/1995 HƯỚNG DẪN VỀ BẢO HIỂM TOÀN DIỆN ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN

Trong quá trình thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn học sinh theo Quyết định số 115/HĐBT ngày 29/9/1986 của Hội đồng Bộ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính đã có sự phối hợp chặt chẽ và đạt được kết quả tốt. Thông qua việc trả tiền bảo hiểm đã bù đắp kịp thời hậu quả tài chính do tai nạn bất ngờ xảy ra đối với học sinh, sinh viên, nhờ đó giúp cho học sinh, sinh viên và gia đình có điều kiện nhanh chóng khắc phục hậu quả tai nạn, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên sớm trở lại học tập bình thường. Tuy nhiên, phạm vi bảo hiểm mới chỉ giới hạn ở những rủi ro tai nạn bất ngờ gây nên, chưa đáp ứng được nhu cầu góp phần chăm lo sức khoẻ toàn diện cho học sinh, sinh viên cũng như trợ gíúp cho gia đình trong trường hợp con em họ bị ốm đau, bệnh tật phải nằm viện điều trị hoặc giải phẫu tại bệnh viện.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, tạo điều kiện tăng cường công tác chăm lo sức khoẻ cho học sinh, sinh viên và để thực hiện Quyết định số 241/TTg ngày 24/5/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng học phí, trong đó cho phép tất cả các trường đều được thu tiền bảo hiểm tai nạn thân thể học sinh, Liên Bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số nội dung làm cơ sở mở rộng phạm vi bảo hiểm, và thực hiện chế độ bảo hiểm toàn diện đối với học sinh, sinh viên như sau:

I. NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

1. Về nguyên tắc việc tham gia bảo hiểm toàn diện đối với học sinh, sinh viên được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Nhưng vì lợi ích của học sinh, sinh viên, gia đình, nhà trường và Xã hội nên Nhà nước khuyến khích tất cả các học sinh, sinh viên đang theo học các loại hình trường lớp ở tất cả các cấp và bậc học từ mẫu giáo, phổ thông, dạy nghề, trung hoặc chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học tham gía bảo hiểm.

2. Mọi công ty bảo hiểm của Việt nam đều được quyền triển khai nghiệp vụ bảo hiểm toàn diện cho học sinh theo qui tắc chung thống nhất của Nhà nước. Các công ty bảo hiểm trên cùng địa bàn có thể thoả thuận với nhau về phạm vi hoạt động để không vì khai thác nghiệp vụ này mà cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý thị trường bảo hiểm.

3. Chế độ bảo hiểm toàn diện học sinh, sinh viên do các công ty bảo hiểm xây dựng trên cơ sở các Quy tắc bảo hiểm tai nạn thân thể học sinh ban hành kèm theo Quyết định số 256/TC/BH ngày 27/7/1991, Qui tắc bảo hiểm trợ cấp nằm viện và phẫu thuật ban hành kèm theo Quyết định số 466/TC/BH ngày 2/7/1993 và Qui tắc bảo hiểm sinh mạng cá nhân ban hành kèm theo Quyết định số 349/TC/BH ngày 10/8/1992 của Bộ Tài chính.

4. Phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm thực hiện theo quy định chung và áp dụng thống nhất một mức đối với một trường.

5. Khoản thu bảo hiểm không phải là khoản thu của ngành Giáo dục và Đào tạo, mà là khoản thu hộ cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CÔNG TY BẢO HIỂM VÀ CÁC TRƯỜNG

1. Các công ty bảo hiểm có trách nhiệm:

a. Triển khai tới các trường và các cơ quan khác có liên quan những quy định của Nhà nước về nội dung, phạm vi bảo hiểm toàn diện học sinh, sinh viên, quyền lợi của người mua bảo hiểm, thủ tục bảo hiểm và trả tiền bảo hiểm.

b. Cung cấp cho các trường các văn bản pháp lý và các quy tắc bảo hiểm có liên quan đến chế độ bảo hiểm toàn diện học sinh, sinh viên.

c. Tổ chức mạng lưới cộng tác viên rộng rãi, thuận tiện cho việc thu và chuyển phí bảo hiểm.

d. Thanh toán tiền hoa hồng cho các trường hoặc cộng tác viên theo mức quy định của Bộ Tài chính ngay khi nhận được phí bảo hiểm.

e. Trả tiền bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn cho học sinh, sinh viên khi xảy ra trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.

2. Các trường có trách nhiệm:

a. Phối hợp với các công ty bảo hiểm phổ biến chế độ bảo hiểm toàn diện học sinh, sinh viên cho học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh của trường, vận động học sinh, sinh viên và gia đình tham gia bảo hiểm toàn diện học sinh, sinh viên.

b. Giới thiệu cán bộ làm cộng tác viên cho công ty bảo hiểm. Cộng tác viên có trách nhiệm lập danh sách học sinh, sinh viên và thu phí bảo hiểm của học sinh, sinh viên theo những thoả thuận với công ty bảo hiểm.

c. Chỉ đạo các bộ phận chức năng cà cộng tác viên hướng dẫn cho học sinh, sinh viên kê khai trung thực và đầy đủ các khoản mục quy định trong giấy yêu cầu bảo hiểm, ký hợp đồng bảo hiểm và chuyển phí bảo hiểm thu được cho công ty bảo hiểm theo đúng quy định.

d. Khi học sinh, sinh viên của trường bị tai nạn, ốm đau, điều trị nằm viện, phẫu thuật, chết..... thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm, đôn đốc các bộ phận chức năng và cộng tác viên nhanh chóng làm thủ tục cần thiết theo mẫu hướng dẫn của công ty bảo hiểm để gíúp học sinh, sinh víên hoặc gia đình học sinh, sinh viên sớm nhận được tiền bảo hiểm.

III.TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các trường và các công ty bảo hiểm cần tăng cường phối hợp để quán triệt trong học sinh, sinh viên và gia đình về lợi ích, ý nghĩa nhân đạo của hoạt động bảo hiểm, tiến tới xây dựng nề nếp, tập quán tham gia bảo hiểm của mọi công dân. Cần công bố công khai các quy trình, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm, trách nhiệm và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc chăm lo sức khoẻ và thực hiện chế độ bảo hiểm toàn diện học sinh, sinh viên.

2. Các công ty bảo hiểm cần phối hợp với ngành giáo dục và các ngành chức năng thực hiện tốt các biện pháp đề phòng và hạn chế tai nạn học sinh, sinh viên. Hàng năm phối hợp với ngành giáo dục khen thưởng kịp thời các trường, lớp có thành tích suất sắc trong công tác bảo hiểm toàn diện học sinh, sinh viên cũng như làm tốt công tác đề phòng và hạn chế tai nạn trong học sinh, sinh viên.

3. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

4. Trong qúa trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, các trường và các công ty bảo hiểm cần phản ánh về Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu giải quyết.

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

Trần Chí Đáo

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

thông tư liên bộ 35-TT/LB năm 1995 về bảo hiểm toàn diện đối với học sinh, sinh viên do Bộ Tài chính-Bộ giáo dục và đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 35-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 25/04/1995
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng, Trần Chí Đáo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 25/04/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 11/08/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản