Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-TT/LB

Hà Nội , ngày 04 tháng 10 năm 1986

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ Y TẾ - TÀI CHÍNH SỐ 22-TT/LB NGÀY 4-10-1986 VỀ SỬA ĐỔI CHẾ ĐỘ CHỈ TIÊU CHO CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH Y KHOA

Để phù hợp với tình hình giá cả hiện nay, Liên Bộ Y tế - Tài chính sửa đổi mức chi tiêu cho công tác giám định y khoa và mức thù lao cho cán bộ kiêm nhiệm công tác giám định như sau:

I. ĐỊNH MỨC KINH PHÍ CHI TIÊU CHO MỘT LẦN GIÁM ĐỊNH Y KHOA

1. Đối tượng được giám định:

- Công nhân viên chức Nhà nước bị mất sức lao động, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thương binh, bệnh binh được Hội đồng giám định y khoa khám và lập hồ sơ giám định tỷ lệ mất sức lao động, tỷ lệ thương tật.

- Các xã viên hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp bị mất sức lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cần được giám định do hợp tác xã giới thiệu đến.

2. Định mức chi giám định y khoa bình quân cho đối tượng nói trên là 25đ/1 lần/người để chi các khoản về nghiệp vụ giám định như:

a) Chi về chụp X quang như chi về tiền mua phim X quang; còn chi về hoá chất rửa phim và hoá chất xét nghiệm sẽ tính vào định mức chi giường bệnh.

b) Chi về văn phòng phẩm, bưu phí, sổ sách giám định, in giấy tờ hồ sơ về giám định như phiếu khám bệnh, bệnh án, biên bản giám định, phiếu xét nghiệm...

c) Chi về nước uống, báo chí cho đối tượng được giám định, xà phòng cho giám định viên.

d) Chi về thù lao cho giám định viên kiêm nhiệm và uỷ viên chính sách (quy định cụ thể ở phần III dưới đây).

II. CÁC KHOẢN CHI KHÁC

(Không tính vào định mức chi giám định y khoa) gồm :

1. Chi về lương, phụ cấp, trợ cấp cho các biên chế chuyên trách công tác ở các tổ, phòng giám định y khoa thuộc Phòng, Y tế quận, huyện, Sở Y tế hoặc các bệnh viện huyện, quận, khu vực, bệnh viện tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương. Các khoản chi này được xác định theo số biên chế được duyệt và cấp phát ngoài định mức chi bình quân giường bệnh.

2. Chi về công tác phí như xăng, xe, tập huấn cho công tác giám định y khoa, chi về mua sắm tài sản, sửa chữa nhà cửa, trang bị phương tiện làm việc phục vụ cho công tác giám định, hàng năm phải có dự toán và được xét, cấp ngoài định mức chi bình quân giường bệnh.

III. MỨC THÙ LAO HÀNG THÁNG CHO CÁN BỘ KIÊM NHIỆM CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH Y KHOA

A. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG, BAO GỒM:

1. Cán bộ chuyên môn y tế:

a) Các cán bộ chuyên môn y tế thuộc biên chế của Phòng Y tế, Sở Y tế, các bệnh viện quận, huyện, tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, các phòng khám khu vực, ngoài công tác chính của mình tại các đơn vị nói trên phải kiêm nhiệm làm thêm công việc của giám định y khoa như Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng trực tiếp khám giám định tại các chuyên khoa nội, ngoại, tai mũi họng, mắt X quang, tâm thần, thần kinh, bệnh nghề nghiệp, v.v... các kỹ thuật viên chiếu chụp X quang, xét nghiệm viên,...

b) Về mức định suất được hưởng: Có 3 mức định suất:

- Mức 5 định suất áp dụng cho các tổ và Hội đồng Giám định y khoa khám được dưới 1000 lượt/người/năm, trong đó có 3 định suất cho cán bộ chuyên môn trung cao cấp và 2 định suất cho kỹ thuật viên.

- Mức 8 định suất áp dụng cho các Hội đồng khám được từ 1000 đến 3000 lượt/người/năm, trong đó có 5 định suất cho cán bộ chuyên môn trung cao cấp và 3 định suất cho kỹ thuật viên.

- Mức 11 định suất áp dụng cho các Hội đồng khám được từ trên 3000 đến 5000 lượt/người/năm, trong đó có 1 định suất cho cán bộ chuyên môn trung cao cấp và 4 định suất cho kỹ thuật viên.

Trường hợp ở địa phương có số lượng người khám trên 5000 lượt/người/năm thì cứ 1000 lượt người khám được tăng thêm 1 định suất, nhưng không vượt quá 14 định suất được hưởng.

2. Cán bộ các ngành là uỷ viên chính sách:

Cán bộ của các ngành Thương binh xã hội, Công đoàn, Lao động là uỷ viên chính sách thường xuyên tham gia trong các phiên họp, các buổi khám giám định của Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh, thành phố.

B. MỨC THÙ LAO

1. Đối với cán bộ kiêm nhiệm là bác sĩ, dược sĩ cao cấp 40đ/người/tháng.

2. Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng và uỷ viên chính sách: 40 đ/ người/ tháng.

3. Đối với cán bộ kiêm nhiệm là y sĩ, dược sĩ, y tá trung cấp, kỹ thuật viên trung cấp 25 đ/người/tháng.

4. Đối với cán bộ kiêm nhiệm là y tá, kỹ thuật viên sơ cấp 20 đ/người/ tháng.

Mức thù lao này còn được tính cộng thêm khoản phần trăm phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng theo Quyết định số 86-CT ngày 4-4-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và được tính trả hàng tháng cho cán bộ thuộc đối tượng nói trên.

IV. MỨC THU LỆ PHÍ GIÁM ĐỊNH Y KHOA

Để tạo thêm nguồn kinh phí cho công tác giám định y khoa, Liên bộ tạm thời quy định mức thu lệ phí giám định y khoa như sau:

1. Công nhân, viên chức Nhà nước bị mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được cơ quan, xí nghiệp giới thiệu đến Hội đồng giám định y khoa khám và lập hồ sơ giám định lần đầu phải nộp khoản lệ phí giám định là 25 đ/lần/người. Khoản chi này được trừ vào lợi nhuận để lại trước khi phân phối cho các quỹ xí nghiệp (đối với đơn vị sản xuất, kinh doanh (hoặc quyết toán vào chi ngân sách (mục VI chi về công tác xã hội đối với cơ quan hành chính sự nghiệp).

2. Xã viên hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp bị mất sức lao động, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hợp tác xã giới thiệu đến Hội đồng giám định y khoa khám và lập hồ sơ giám định phải nộp khoản lệ phí giám định là 25đ/lần/người. Khoản chi này do hợp tác xã đài thọ.

V. CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ KINH PHÍ CHI TIÊU CHO CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH Y KHOA

1. Đối với Hội đồng giám định y khoa gắn liền với bệnh viện, các khoản thu lệ phí giám định đều do bệnh viện thu, các khoản chi cho công tác giám định nêu ở phần I và phần II đều do bệnh viện tiến hành lập, dự toán, được Sở Y tế cấp phát quyết toán và theo dõi quản lý riêng.

Đối với Hội đồng giám định y khoa trực thuộc Phòng Y tế, Sở Y tế, các khoản thu lệ phí giám định do Phòng Y tế và Sở Y tế thu và lập dự toán thu, chi toàn bộ và quyết toán riêng khoản kinh phí này.

2. Căn cứ vào kế hoạch giám định, định mức chi, mức thu lệ phí... Hội đồng giám định y khoa quận, huyện, khu vực (ở những nơi đã thành lập Hội đồng giám định y khoa quận, huyện) tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương phải lập dự toán thu, chi hàng quý, năm gửi bệnh viện để tổng hợp cùng với dự toán chi của bệnh viện gửi Sở Y tế, Sở Tài chính xét cấp kinh phí.

3. Cơ quan Tài chính căn cứ vào dự toán thu, chi giám định y khoa được duyệt, tiến hành cấp phát kinh phí hàng quý cho bệnh viện hoặc cho Hội đồng giám định y khoa để bảo đảm nhu cầu chi tiêu cho công tác giám định y khoa.

4. Các khoản thu về lệ phí giám định y khoa được giữ lại ở bệnh viện quận, huyện (ở nơi đã thành lập Hội đồng giám định y khoa quận, huyện) và bệnh viện tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương (nơi gắn liền với bệnh viện) hoặc Hội đồng giám định y khoa thuộc Phòng Y tế, Sở Y tế và trừ vào khoản kinh phí cấp phát hàng năm (ngân sách chỉ cấp phần chênh lệch) để bổ sung thêm vào kinh phí chi tiêu cho công tác này. Các bệnh viện và Hội đồng giám định y khoa phải mở tài khoản và sổ sách theo dõi, quản lý cho chặt chẽ và chi tiêu theo đúng chế độ chính sách hiện hành và theo định mức chi được duyệt.

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này thi hành từ ngày 1-10-1986, các văn bản trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Lý Tài Luận

(Đã ký)

Phạm Song

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 22-TT/LB năm 1986 sửa đổi chế độ chi tiêu cho công tác giám định y khoa do Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 22-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 04/10/1986
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Y tế
  • Người ký: Lý Tài Luận, Phạm Song
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: 01/10/1986
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/1987
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản