Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ
UỶ BAN PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM
TỔNG CỤC THÔNG TIN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 214-TT/LB

Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 1977 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC HỢP NHẤT TY VĂN HÓA VÀ TY THÔNG TIN THÀNH TY VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN; VÀ HỢP NHẤT CÁC TỔ CHỨC TRUYỀN THANH VÀ PHÁT THANH THÀNH MỘT ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Ngày 13 tháng 07 năm 1977, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra quyết định số 99-NQ/QHK6 phê chuẩn việc hợp nhất Bộ Văn hóa và Tổng cục Thông tin thành Bộ Văn hóa và Thông tin.

Ngày 08 tháng 07 năm 1977 Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định số 180-CP về việc chuyển nhiệm vụ và tổ chức bộ máy truyền thanh của Tổng cục Thông tin sang Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam quản lý.

Tổng cục Thông tin, Bộ Văn hóa và Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam ra thông tư liên bộ hướng dẫn việc thi hành các quyết định ấy của Quốc hội và Chính phủ trong phạm vi hợp nhất và chuyển giao. Còn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và công việc cụ thể của Ty, Sở văn hóa và thông tin thì do Bộ Văn hóa và thông tin, của đài phát thanh và đài truyền thanh thì do Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam hướng dẫn sau.

I. TỔ CHỨC VĂN HÓA, THÔNG TIN, TRUYỀN THANH TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ HUYỆN, XÃ

1. Theo tinh thần các quyết định nói trên thì: ở các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương:

a) Ty văn hóa và Ty thông tin hợp nhất thành Ty văn hóa và thông tin. Về tổ chức, Ty, Sở văn hóa và thông tin là một cơ quan, nhưng về chức năng, nhiệm vụ thì vẫn phải phân công cán bộ lãnh đạo chuyên trách và có tổ chức nghiệp vụ rõ ràng để bảo đảm cả hai mặt công tác văn hóa và thông tin đều phát triển.

Những tỉnh và thành phố trước đây đã là Ty, Sở thông tin – văn hóa hoặc Ty, Sở văn hóa – thông tin thì nay đều thống nhất tên gọi là Ty, Sở văn hóa và thông tin.

Ở cấp huyện, quận, khu phố, thị xã và ở các cơ sở xã, hợp tác xã, xí nghiệp, tiểu khu, phường…, cũng thực hiện việc hợp nhất cơ quan văn hóa và cơ quan thông tin những nơi còn tổ chức riêng theo tinh thần như ở Ty, Sở văn hóa và thông tin; và đều thống nhất tên gọi là phòng văn hóa và thông tin huyện, quận, khu phố, thị xã và ban văn hóa và thông tin xã, hợp tác xã, xí nghiệp, tiểu khu, phường…

b) Đối với các đơn vị tổ chức làm công tác truyền thanh ở các Ty thông tin, Ty, Sở thông tin – văn hóa và Ty văn hóa – thông tin và ở cấp huyện, xã:

Ở nơi đã có đài phát thanh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố thì hợp nhất với đài phát thanh, và lấy tên là đài phát thanh tỉnh, thành phố.

Ở nơi mới có đài truyền thanh thì hợp nhất với đài truyền thanh và chuyển thành một đơn vị tổ chức trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố, và lấy tên là đài truyền thanh tỉnh, thành phố.

Ở nơi chưa có đài phát thanh hoặc đài truyền thanh tỉnh, thành phố thì cũng có chuyển bộ phận truyền thanh ra khỏi Ty, Sở văn hóa và thông tin thành một đơn vị tổ chức trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và lấy tên là đài truyền thanh tỉnh, thành phố.

Đài phát thanh và đài truyền thanh vừa là tờ báo nói, vừa là cơ quan quản lý Nhà nước về sự nghiệp truyền thanh của tỉnh và thành phố, chịu sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố; đồng thời chịu sự chỉ đạo thống nhất về mặt kỹ thuật và nghiệp vụ của Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam.

Ở cấp huyện có đài truyền thanh thuộc phòng văn hóa và thông tin thì cũng chuyển thành một đơn vị tổ chức trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện và do đài phát thanh hoặc đài truyền thanh tỉnh và thành phố chỉ đạo thống nhất về mặt kỹ thuật và nghiệp vụ, và lấy tên là đài truyền thanh huyện.

Ở những huyện có đài truyền thanh còn thuộc hệ thống truyền thanh tỉnh và thành phố trực tiếp quản lý, nhưng ở trong phòng văn hóa và thông tin huyện thì cũng chuyển ra và vẫn để trực thuộc đài truyền thanh tỉnh và thành phố quản lý, Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam sẽ hướng dẫn việc tổ chức và phân cấp quản lý sau.

Ở cấp xã và hợp tác xã thì về nguyên tắc, khi có đủ tiêu chuẩn là một đài truyền thanh thì cũng chuyển thành một đơn vị tổ chức trực thuộc Ủy ban nhân dân xã và do đài truyền thanh huyện chỉ đạo thống nhất về mặt kỹ thuật và nghiệp vụ và lấy tên là đài truyền thanh xã, hợp tác xã.

Ngoài ra là các cơ sở phóng thanh, thông tin, cổ động bằng phương tiện truyền thanh thuộc các cấp văn hóa và thông tin tổ chức, quản lý và sử dụng.

Các đài truyền thanh các cấp có nhiệm vụ cung ứng vật tư, thiết bị chuyên dùng của các hoạt động này cho đến khi có quy định mới của Nhà nước về việc phân cấp quản lý các vật tư này.

2. Hiện nay, tổ chức thông tin, truyền thanh và văn hóa ở các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, có ba loại:

a) 3 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh đã có Ty, Sở văn hóa – thông tin và đài truyền thanh riêng thì vẫn để nguyên.

b) 7 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Hà Nam Ninh, Hoàng Liên Sơn, Hà Bắc, Hải Hưng, Vĩnh Phú còn Ty văn hóa riêng, Ty thông tin riêng gồm cả đài truyền thanh thì tiến hành đồng thời hai việc:

Hợp nhất Ty thông tin và Ty văn hóa thành Ty văn hóa và thông tin.

Đồng thời Ty thông tin chuyển các đơn vị tổ chức làm công tác truyền thanh hợp nhất với đài phát thanh và đài truyền thanh như trên.

c) 28 tỉnh và thành phố đã là Ty, Sở thông tin – văn hóa hoặc Ty văn hóa – thông tin mà tổ chức truyền thanh chưa tách riêng thì chỉ làm một việc là chuyển các đơn vị tổ chức làm công tác truyền thanh hợp nhất với đài phát thanh và đài truyền thanh như trên.

II. MẤY NGUYÊN TẮC CỦA VIỆC HỢP NHẤT VÀ CHUYỂN GIAO

Ty thông tin hợp nhất với Ty văn hóa là hợp nhất toàn diện cả Ty. Chuyển các đơn vị tổ chức làm công tác truyền thanh hợp nhất với đài phát thanh và đài truyền thanh là chuyển giao trọn vẹn cả đơn vị. Còn ở các đơn vị chức năng trực thuộc ty thì chỉ chuyển giao các bộ phận và cán bộ làm công việc truyền thanh, như quyến định số 180-CP đã đề ra đối với Tổng cục Thông tin.

Việc hợp nhất và chuyển giao cần bảo đảm những nguyên tắc sau đây:

1. Bảo đảm sự hoạt động liên tục, sự phát triển đồng đều của các ngành thông tin, văn hóa và truyền thanh trên cơ sở các chỉ thị, nghị quyết của trung ương Đảng và Chính phủ, của cấp ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố, các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước được giao; không để vì hợp nhất và chuyển giao mà giảm sút một mặt hoạt động nào.

2. Việc hợp nhất và chuyển giao tổ chức được thực hiện cả khối theo ngành trên cơ sở nguyên canh và đầy đủ, cụ thể từ những chỉ thị, nghị quyết; nhiệm vụ, chức năng; chỉ tiêu kế hoạch; tổ chức cán bộ; cơ sở thiết bị; ngân sách, tài sản, vật tư, v.v… thuộc khối nào giao sang khối ấy, không được tùy tiện thay đổi, không thiên vị, cục bộ; và cố gắng giải quyết gọn những việc còn lại về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công nhân, viên chức trong phạm vi quy định của Nhà nước và minh bạch, rõ ràng về tài chính, tài sản, v.v…

Khi có sự vướng mắc cụ thể thì các bên cùng bàn giải quyết.

3. Công tác tư tưởng nội bộ cần được thông suốt trên tinh thần đoàn kết nhất trí vì lợi ích chung; và công tác tổ chức thực hiện cần được chặt chẽ.

4. Toàn bộ công tác hợp nhất và chuyển giao cần được hoàn thành nhanh, gọn, tốt trong tháng 09 năm 1977.

III. NỘI DUNG CỦA VIỆC HỢP NHẤT VÀ CHUYỂN GIAO

Việc hợp nhất và chuyển giao cần tiến hành các mặt như sau:

a) Về nhiệm vụ:

-  Lãnh đạo Ty văn hóa và Ty thông tin hợp nhất lại để bàn giao với nhau về các chỉ thị, nghị quyết, chức năng, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 1977 và kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) của Đảng và Nhà nước, của Tổng cục Thông tin và Bộ Văn hóa, của tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh để thống nhất thành chức năng, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch chung của Ty văn hóa và thông tin.

-  Ty thông tin và các Ty, Sở thông tin – văn hóa hợp với đài phát thanh hoặc đài truyền thanh để chuyển giao các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, của tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, các chức năng, nhiệm vụ, phương hướng, đường lối truyền thanh hóa do Tổng cục Thông tin xác định, phương hướng tổ chức quản lý sự nghiệp truyền thanh địa phương, chỉ tiêu kế hoạch truyền thanh năm 1977 và 5 năm lần thứ hai (1976-1980) bao gồm xây dựng mới và quản lý khai thác mạng lưới truyền thanh hiện có.

Đồng thời hướng dẫn việc chuyển nhiệm vụ và tổ chức bộ máy truyền thanh của phòng văn hóa và thông tin cấp huyện và ở cơ sở.

b) Về tổ chức và cán bộ:

- Về truyền thanh, Ty thông tin và Ty, Sở văn hóa – thông tin chuyển trọn vẹn các đơn vị tổ chức làm công tác truyền thanh, kể cả cán bộ biên tập truyền thanh, phát thanh viên; và từng bộ phận và cán bộ làm công việc truyền thanh ở các đơn vị chức năng trực thuộc Ty để hợp nhất với đài truyền thanh và đài phát thanh. Ở huyện cũng chuyển cán bộ làm công tác truyền thanh ở phòng văn hóa và thông tin huyện sang hợp nhất với đài truyền thanh huyện.

- Về thông tin, toàn bộ tổ chức bộ máy của Ty thông tin còn lại hợp nhất với Ty văn hóa và thành Ty văn hóa thông tin.

Trong tổ chức cũng có bộ phận công tác kiêm nhiệm nhiều việc mà chưa tách hẳn ra được về cán bộ và phương tiện, như tổ chụp ảnh, quay phim, vừa làm ảnh, vừa quay phim điện ảnh, vừa quay phim vô tuyến truyền hình thì có thể tùy theo sự hoạt động nhiều cho bên nào thì giao cho bên ấy quản lý để phục vụ chung cho đến khi tách ra được hoặc bên kia xây dựng được tổ công tác mới. Việc này do các bên bàn bạc và sắp xếp.

- Về cán bộ, nhân viên, tổ chức bộ máy hợp nhất và chuyển giao như thế nào thì cán bộ, nhân viên theo như thế, cả số người có mặt và số chỉ tiêu biên chế đã được duyệt.

Tuy nhiên cũng có trường hợp vì nhu cầu công tác cần thiết cho bên này hoặc bên kia, hoặc do nguyện vọng của cán bộ thì các bên bàn bạc để giải quyết.

Đối với các cán bộ lãnh đạo Ty, đồng chí nào chuyên trách về truyền thanh thì về nguyên tắc cũng chuyển theo tổ chức sang đài phát thanh hoặc đài truyền thanh. Trường hợp chỉ kiêm nhiệm phụ trách truyền thanh thì Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào trình độ và khả năng của cán bộ và yêu cầu công tác của địa phương để có ý kiến đề nghị Bộ Văn hóa và thông tin, Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam ra quyết định bổ nhiệm.

Chú ý bàn giao và tiếp nhận số học sinh mà Ty đã gửi đi học ở các trường của tỉnh, hoặc trường của trung ương sau khi học xong trở về công tác tại địa phương theo tính chất nghề nghiệp đào tạo của từng ngành.

c) Về các chế độ, chính sách:

Hợp nhất và chuyển giao đều phải giao đầy đủ các văn bản, hồ sơ, tài liệu công tác và các chế độ, chính sách, thể lệ, thủ tục, v.v… có quan hệ đến sự nghiệp thông tin, văn hóa và truyền thanh, đến chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công nhân viên đã được Nhà nước quy định, như các chế độ chính sách về quản lý sự nghiệp; các quy trình, quy phạm, nội quy về xây dựng, khai thác mạng lưới truyền thanh trong ngành và ngoài ngành v.v…; cũng như chế độ nâng bậc, nâng cấp, phụ cấp lao động, trang bị phòng hộ, v.v… đã thi hành hoặc đang nghiên cứu.

d) Về tài sản, ngân sách:

Tài sản hợp nhất là toàn diện cả Ty, và chuyển giao về truyền thanh là theo từng đơn vị tổ chức, bộ phận và cán bộ, nhân viên công tác, gồm:

- Tất cả tài sản cố định của đơn vị như nhà làm việc, sinh hoạt, thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận chuyển, v.v…;

- Toàn bộ vốn lưu động và vật tư, thiết bị đang dùng và dự trữ cho sự nghiệp được chuyển giao;

- Ngân sách và các khoản kinh phí khác đã được Nhà nước xét duyệt của sự nghiệp được chuyển giao.

Tài sản từ trước đến nay vẫn dùng chung như nhà cửa, phương tiện làm việc, v.v… nếu chưa phân chia ra được thì có thể giải quyết như sau:

Nếu tài sản đó quá nhỏ hoặc chỉ có một cái không thể chia ra được thì các bên thương lượng để nhường nhau và chuyển vốn sang bên nhận, sau khi được Ủy ban tỉnh và thành phố chấp thuận để cấp vốn khác cho bên kia. Trong khi chưa giải quyết được thì tạm thời sử dụng chung cho đến khi được giải quyết. Đối với các tài sản thuộc đơn vị hạch toán đã chuyển giao thì các bộ phận hành chính, sự nghiệp ở dùng chung cần được giải quyết sớm để việc quản lý tài sản được thuận tiện.

- Các công trình đang xây dựng dở dang phải chuyển giao đầy đủ các cán bộ, nhân viên đang điều hành, cùng các hồ sơ có liên quan để sau này quyết toán, giao nhận công trình được thuận tiện.

- Trong trường hợp đài phát thanh hoặc đài truyền thanh mới chuyển thành một đơn vị tổ chức trực thuộc Ủy ban tỉnh và thành phố mà chưa có con dấu, tài khoản riêng thì một mặt đài tích cực đề nghị với Ủy ban sớm có tài khoản và con dấu riêng; mặt khác, Ty, Sở văn hóa và thông tin vẫn phải để đài dùng chung tài khoản của Ty, Sở cho khỏi ảnh hưởng đến công tác.

Trên đây chủ yếu là những nguyên tắc và nội dung của việc hợp nhất và chuyển giao ở cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Các địa phương cần vận dụng và hướng dẫn cụ thể, thiết thực vào việc hợp nhất và chuyển giao ở cấp huyện và cấp cơ sở.

IV. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH

1. Nhận được thông tư này, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triệu tập lãnh đạo các Ty thông tin, Ty, Sở thông tin – văn hóa, Ty, Sở văn hóa – thông tin. Ty văn hóa, đài phát thanh hoặc đài truyền thanh của tỉnh, thành phố và các cơ quan xung quanh tỉnh, thành phố có liên quan như tổ chức, tài chính, ngân hàng, lao động, kế hoạch, v.v… để nghiên cứu các quyết nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quyết định của Hội đồng Chính phủ đối với tổ chức thông tin, truyền thanh và văn hóa của các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, bản thông tư hướng dẫn của liên bộ và bàn kế hoạch thực hiện.

Mỗi Ty, Sở cần làm công tác tư tưởng cho cán bộ, công nhân, viên chức hiểu đúng tinh thần các quyết nghị của Quốc hội và quyết định của Chính phủ để bảo đảm đoàn kết, nhất trí giữa các ngành hợp nhất và chuyển giao, làm cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công nhân, viên chức phấn khởi tin tưởng và tích cực hoàn thành nhiệm vụ. Nếu có vấn đề gì chưa rõ thì báo cáo ngay về Bộ Văn hóa, Tổng cụ Thông tin, Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam để có biện pháp giải quyết kịp thời.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố lập một tiểu ban hợp nhất của tỉnh và thành phố bao gồm các đồng chí lãnh đạo Ty, Sở có liên quan, một số cán bộ chức năng giúp việc, đại diện Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của các bên hợp nhất và chuyển giao. Tiều ban hợp nhất này có nhiệm vụ thực hiện việc hợp nhất và chuyển giao các đơn vị thuộc cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời có nhiệm vụ hướng dẫn cấp huyện và cơ sở.

Để giúp việc hợp nhất và chuyển giao của tỉnh, thành phố được nhanh, gọn, tốt, các ngành có liên quan cần cử ra một số cán bộ chức năng như tổ chức, kế hoạch, tài vụ, kỹ thuật để xúc tiến công việc hợp nhất và chuyển giao nói trên.

Trong quá trình tiến hành, tiểu ban hợp nhất của tỉnh và thành phố có gì vướng mắc chưa giải quyết được thì trao đổi với lãnh đạo của các bên; và các đồng chí lãnh đạo của các bên phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, kịp thời, nhanh chóng cho tiểu ban hoàn thành nhiệm vụ.

Sau khi hoàn thành toàn bộ công việc hợp nhất và chuyển giao, tiểu ban hợp nhất của tỉnh và thành phố họp tổng kết, lập biên bản có sự xác nhận của các ngành hữu quan như tài chính, ngân hàng và lãnh đạo các bên. Biên bản báo cáo này gửi cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ Văn hóa và thông tin, Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam.

Công việc của địa phương hiện nay dồn dập, tình hình sản xuất rất khẩn trương nhưng việc hợp nhất và chuyển giao cũng cần được hoàn thành nhanh, gọn trong một thời gian ngắn để hoạt động của các ngành được liên tục.

Tổng cục Thông tin, Bộ Văn hóa, Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương hết sức giúp đỡ để hoàn thành tốt việc hợp nhất và chuyển giao.

Các Ty thông tin, Ty văn hóa và Ty, Sở văn hóa – thông tin, Ty, Sở thông tin – văn hóa, đài phát thanh và đài truyền thanh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ thi hành khẩn trương và nghiêm túc.

 

CHỦ NHIỆM

ỦY BAN PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM

 

 

 

 

Trần Lâm

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ VĂN HÓA

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

Cù Huy Cận

TỔNG CỤC TRƯỞNG

TỔNG CỤC THÔNG TIN

 

 

 

 

Nguyễn Minh Vỹ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 214-TT/LB năm 1977 về việc hợp nhất Ty văn hóa và Ty thông tin thành Ty văn hóa và thông tin và hợp nhất các tổ chức truyền thanh và phát thanh thành một đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương do Tổng cục thông tin- Bộ Văn hóa- Ủy ban Phát thanh và truyền hình ban hành

  • Số hiệu: 214-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 05/08/1977
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Uỷ ban phát thanh và truyền hình Việt Nam, Tổng cục thông tin
  • Người ký: Nguyễn Minh Vỹ, Cù Huy Cận, Trần Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 20/08/1977
  • Ngày hết hiệu lực: 20/12/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản