BỘ NỘI THƯƠNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 21-LB-NH-NT-TC | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 1962 |
Trước tiên liên Bộ thấy cần thiết nhắc lại một số điểm như sau:
Ngân hàng cho các đơn vị Mậu dịch quốc doanh có hạch toán kinh tế độc lập vay luân chuyển và dự trữ hàng hóa theo đúng kế hoạch đã được Bộ hoặc Sở, Ty thương nghiệp duyệt, Ngân hàng cho vay về hàng hóa và vốn Ngân hàng cho vay phải có vật tư hàng hóa đảm bảo. Các đơn vị mậu dịch quốc doanh phải sử dụng tốt vốn Nhà nước cấp và vốn vay của Ngân hàng, phải sử dụng tốt các loại vốn đúng theo định mức đã duyệt. Trên cơ sở sử dụng và vận dụng vốn tốt, các đơn vị thương nghiệp phải hoàn thành kế hoạch kinh doanh và kế hoạch tài vụ, đảm bảo làm đầy đủ nhiệm vụ đối với Ngân sách Nhà nước, đảm bảo hoàn trả lại vốn vay Ngân hàng. Về phía Tài chính và Ngân hàng, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành mình và căn cứ vào nguyên tắc tài chính và tín dụng, phải phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm tăng cường giám đốc và phục vụ tốt các tổ chức thương nghiệp đầy đủ vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thương nghiệp hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh và kế hoạch tài vụ, thực hiện tốt chế độ hạch toán kinh tế.
Về nội dung công tác cho vay thương nghiệp quốc doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành biện pháp “Cho vay luân chuyển và dự trữ hàng hóa theo tài khoản cho vay đặc biệt” và sẽ có thông tư giải thích cụ thể sau. Nhưng để kịp thời giải quyết những mắc mứu hiện nay, Liên Bộ quy định biện pháp giải quyết về nguyên tắc một số điểm cụ thể liên quan giữa công tác cho vay thương nghiệp của Ngân hàng với nhiệm vụ nộp Ngân sách Nhà nước và đảm bảo vốn kinh doanh của các đơn vị mậu dịch quốc doanh có hạch toán kinh tế độc lập, nhằm giúp đỡ các địa phương giải quyết một số mắc mứu còn tồn tại hiện nay.
Phí lưu thông, thuế và lãi bán hàng trên doanh số bán hàng thể hiện chênh lệch giữa giá bán và giá mua hàng hóa. Ngân hàng không cho vay các loại này mà, mà theo từng thời gian quy định 03 ngày, 05 ngày hoặc 10 ngày một lần, ngân hàng sẽ cho các đơn vị thương nghiệp trích các khoản này và chuyển sang tài khoản tiền gửi của đơn vị để sử dụng. Mỗi lần nhận được tiền trích thì đơn vị thương nghiệp phải nộp ngay thuế và lãi bán hàng cho ngân sách theo tỉ lệ kế hoạch vì thuế và lãi đã quy định. Số tiền được trích là căn cứ vào số tiền bán hàng đã thực tế nộp vào Ngân hàng trong thời gian đó và căn cứ vào tỉ lệ gộp kế hoạch về phí lưu thông, thuế lãi bán hàng của đơn vị đã được Bộ hoặc Sở, Ty chủ quản của đơn vị duyệt. Tỷ lệ gộp kế hoạch về phí, thuế, lãi này, Bộ hoặc Sở, Ty thương nghiệp thường duyệt bình quân chung cho cả năm hoặc theo từng quý. Để cho số tiền được trích tương đối phù hợp với nhu cầu về phí thuế, lãi của đơn vị Mậu dịch theo từng tháng, các đơn vị Mậu dịch nên căn cứ vào tỉ lệ gộp bình quân của từng quý đã được duyệt mà xây dựng tỷ tỷ lệ gộp kế hoạch về phí thuế, lãi từng tháng cho thích hợp và xin trích theo tỉ lệ kế hoạch từng tháng.
Trong quá trình cho trích theo tỉ lệ gộp kế hoạch về phí lưu thông, thuế và lãi bán hàng như vậy có thể chưa sát, nên đơn vị lên xong bảng tổng kết tài sản và bảng phân tích lỗ lãi hàng tháng thì ngân hàng sẽ căn cứ vào tỷ lệ gộp thực tế (gồm tỉ lệ phí lưu thông, tỉ lệ thuế và tỉ lệ lãi bán hàng thực tế) phản ánh trên bảng phân tích lỗ lãi và căn cứ vào số tiền bán hàng đã nộp vào Ngân hàng mà tính toán lại để hoặc cho trích thêm (trường hợp trích chưa đủ vì tỉ lệ thực tế cao hơn tỉ lệ kế hoạch), hoặc rút bớt tiền từ tài khoản tiền gửi của đơn vị về (trường hợp đã cho trích quá vì tỷ lệ thực tế thấp hơn tỉ lệ kế hoạch). Ngân hàng không cho trích theo số tuyệt đối về phần phí lưu thông, thuế doanh thu và lãi bán hàng thể hiện trên bảng phân tích lỗ lãi của đơn vị, vì doanh số bán hàng thể hiện trên các bảng này thường không khớp với số tiền bán hàng thực tế đã nộp vào Ngân hàng.
Trong khi cho trích số tiền chênh lệch giữa giá bán và giá mua như trên, có mấy vấn đề cần phải tích cực giải quyết.
a) Tất cả số tiền bán hàng của các đơn vị thương nghiệp đều phải nộp hết vào Ngân hàng, nhất thiết không được dùng tiền bán hàng để tọa chi vào việc khác kể cả tọa chi để thu mua và trả các chi phí khác. Đối với các đơn vị thương nghiệp ở quá xa các Chi điếm ngân hàng, thật cần thiết phải tọa chi thì phải có kế hoạch thống nhất với Ngân hàng, hàng tháng được tọa chi một số tiền nhất định là bao nhiêu. Số tiền tọa chi này được coi như đơn vị bán hàng đã nộp tiền vào Ngân hàng và cũng được coi như Ngân hàng đã cho vay. Trong tháng, các cửa hàng đó chỉ được tọa chi trong phạm vi số tiền đã quy định và cuối tháng phải thanh toán với Ngân hàng báo cáo rõ số tiền đó đã sử dụng về thu mua bao nhiêu, về phí bao nhiêu. Phần sử dụng về thu mua. Ngân hàng sẽ cho vay như thường lệ, còn phần sử dụng về phí, Ngân hàng sẽ khấu trừ vào phí được trích. Phần cho vay sử dụng về phí này, Ngân hàng không tính lãi. Đối với những đơn vị tọa chi vô nguyên tắc thì phải chịu trách nhiệm về kỷ luật tín dụng, số tiền tọa chi vô nguyên tắc đó sẽ bị xử lý coi như nợ quá hạn.
b) Trong khi chờ đợi tiến hành hạch toán kinh tế độc lập đến các cửa hàng huyện, thì hiện nay các cửa hàng Mậu dịch quốc doanh hàng ngày phải nộp hết tiền bán hàng vào các chi điếm Ngân hàng và các Chi điếm Ngân hàng phải chuyển tiền ngay về cho các Công ty chủ quản ở tỉnh. Đối với các huyện ở xa tỉnh thì cần tổ chức chuyển tiền bán hàng bằng điện hàng ngày. Chi phí về chuyển tiền bằng điện do Ngân hàng chịu coi như chi về nghiệp vụ.
c) Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh toán qua Ngân hàng. Các đơn vị thương nghiệp phải ký kết hợp đồng cụ thể với các đơn vị khách hàng khác cũng như giữa cấp I và cấp II với nhau; phải chấp hành đúng thể lệ thanh toán qua Ngân hàng của Hội đồng Chính phủ; phải chấp hành đúng đắn kỷ luật thanh toán và Ngân hàng phải tăng cường hơn nữa chức năng thanh toán của mình đảm bảo đúng thời hạn thời gian “Nhờ thu nhận trả” để thúc đẩy vốn của ngành thương nghiệp luân chuyển nhanh chóng, giải phóng vốn nằm đọng trong khâu thanh toán.
Về vấn đề cho vay tọa chi và chuyển tiền bán hàng bằng điện ở các cửa hàng lên Công ty thì các Cục Tài vụ kế toán của Bộ Nội thương và Ngân hàng sẽ bàn biện pháp cụ thể thi hành.
2. Vấn đề nộp Ngân sách các khoản chênh lệch tăng giá, chênh lệch hàng gia công:
a) Chênh lệch tăng giá: Khi Nhà nước có chủ trương tăng giá một số loại hàng, thì các đơn vị thương nghiệp phải kiểm kê lại các loại hàng đó hiện có ở kho và trị giá lại theo giá mới. Về nguyên tắc thì Tài chính không tích lũy thêm phần tăng giá của những mặt hàng được tăng giá mà số lượng dự trữ đã được quy định khi duyệt mức dự trữ tồn kho bình quân. Để tiện việc thanh toán, trong trường hợp này Ngân hàng sẽ cho vay cả 100% phần tăng giá để đơn vị nộp cho Ngân sách nhưng đồng thời Ngân sách sẽ cấp lại cho đơn vị một số vốn theo tỷ lệ Ngân sách tham gia vào tồn kho và phần còn lại sẽ chuyển cho Ngân hàng coi như cấp thêm vốn lưu động cho Ngân hàng.
Trường hợp khi tăng giá mà số lượng các mặt hàng tăng giá được kiểm kê lại trong kho cao hơn số lượng được dự trữ bình quân theo định mức và vẫn nằm trong kế hoạch dự trữ thì phần trong định mức được xử lý như trường hợp trên còn phần tăng giá của số mặt hàng dự trữ trên định mức, Ngân hàng sẽ cho đơn vị thương nghiệp vay để nộp cho Ngân sách. Ví dụ: số lượng xe đạp được dự trữ theo định mức bình quân là 100 chiếc, chênh lệch tăng giá 1 chiếc là 30 đ. Kiểm kê tồn kho khi có chủ trương tăng giá trong kho có 120 chiếc xe đạp, số lượng xe đạp này vẫn nằm trong kế hoạch dự trữ trong thời gian đó. Như vậy, số tiền chênh lệch tăng giá là 30đ x 120 = 3600đ. Số tiền tăng giá trong phạm vi định mức là: 30đ x 100 = 3.000đ. Số tiền tăng giá theo số lượng vượt định mức là: 30 x 20 = 600đ. Nếu tỉ lệ tham gia vốn tồn kho tài chính 30%. Ngân hàng 70%, thì tiến hành cho vay và thanh toán như sau:
Ngân hàng cho đơn vị vay. 3.600đ nộp Ngân sách, đồng thời Ngân sách cấp thêm vốn dự trữ cho đơn vị: 3.000 x 30% = 900đ và chuyển thêm vốn lưu động cho Ngân hàng: 3.000đ – 900đ = 2.100đ đồng thời đơn vị cũng trả lại nợ cho Ngân hàng số tiền 900đ đó.
Phần còn lại, Ngân sách sẽ thực thu 600đ.
Để tiện việc cho vay và nộp Ngân sách ở các địa phương mỗi khi có quyết định của Nhà nước tăng giá thì liên Bộ sẽ họp bàn và có kế hoạch hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thi hành.
Còn đối với các số tiền chênh lệch tăng giá trong năm nay hiện các đơn vị thương nghiệp chưa nộp được cho Ngân sách thì Ngân hàng sẽ cho các đơn vị thương nghiệp vay số tiền chênh lệch đó để nộp Ngân sách. Sau đó, tài chính sẽ cấp lại cho Thương nghiệp 30% (để Thương nghiệp trả lại cho Ngân hàng) và chuyển cho Ngân hàng 70% số tiền chênh lệch tăng giá của những mặt hàng được tăng giá này theo thực tế có trong tồn kho cuối ngày 31-12-1962. Ví dụ: cuối ngày 31-12-1962 trong tồn kho của đơn vị có 100 xe đạp (loại hàng đã được tăng giá), chênh lệch tăng giá mỗi chiếc là 30 đồng. Tổng số tăng giá là 3.000đ, thì Tài chính sẽ cấp 900đ (30%) cho đơn vị Thương nghiệp và 2.100đ cho Ngân hàng để bổ sung vốn lưu động.
b) Chênh lệch hàng gia công:
Về nguyên tắc, Ngân hàng cho vay phần chênh lệch hàng gia công coi như cho vay hàng tồn kho đối với những mặt hàng bán được và dự trữ vừa phải theo kế hoạch, còn đối với những mặt hàng gia công đã có ở kho nhưng dự trữ quá nhiều vượt kế hoạch hoặc xét thấy không bán được thì Ngân hàng không cho vay phần chênh lệch gia công của những mặt hàng này. Khi quyết định những mặt hàng không bán được, thì phải có sự thống nhất giữa Tài chính thương nghiệp và Ngân hàng. Hiện nay Bộ Nội thương đã có chỉ thị cho các cơ sở nhất thiết không được gia công sản xuất hoặc mua vào những hàng xét thấy không bán được và Ngân hàng Trung ương cũng đã có Chỉ thị cho các Ngân hàng địa phương phải kiểm soát chặt chẽ khâu gia công, không cho vay các khoản chi phí gia công đối với những mặt hàng xét thấy khó bán, cho nên bắt đầu từ tháng 12-1962 trở đi, Ngân hàng sẽ cho thương nghiệp vay số tiền chênh lệch hàng gia công phát sinh từ 12-1962 trở đi để nộp cho Ngân sách.
Còn đối với các khoản tiền chênh lệch hàng gia công đến cuối tháng 11-1962 mà thương nghiệp chưa nộp được cho Ngân sách thì phải giải quyết hàng ứ đọng ở từng xí nghiệp để xác nhận vốn tài chính phải cấp và Ngân hàng cho vay để xí nghiệp thanh toán chênh lệch gia công với Ngân sách.
3. Vấn đề bù lỗ, bù các khoản chênh lệch giảm giá, hoàn trả lại lợi nhuận nộp thừa:
Để giúp các đơn vị thương nghiệp có đủ vốn kinh doanh thường xuyên, sau mỗi tháng, mỗi quý khi đơn vị lên xong bảng cân đối kế toán hoặc bảng tổng kết tài sản thì Ty, Sở Tài chính, Ty, Sở thương nghiệp sơ bộ xác định mức phải bù và thoái thu, nếu đơn vị kinh doanh bị lỗ, hoặc có những khoản chênh lệch giảm giá, hoặc có những khoản lợi nhuận nộp thừa cho Ngân sách… và các Sở và Ty Tài chính trực tiếp cấp bù lỗ, cấp giảm giá và hoàn trả lại lợi nhuận nộp thừa ngay cho các đơn vị đó chậm nhất là sau 5 ngày khi nhận được các bảng cân đối và tổng kết đó. Chờ khi xét duyệt lại, nếu phát hiện những khoản chưa đúng thì sẽ điều chỉnh sau. Những số tiền được cấp bù này, đơn vị thương nghiệp sẽ hoàn trả lại Ngân hàng.
4. Vấn đề giải quyết nợ vay Ngân hàng thiếu vật tư đảm bảo:
Cho vay có vật tư đảm bảo là một trong những nguyên tắc cơ bản của tín dụng xã hội chủ nghĩa, các đơn vị thương nghiệp phải sử dụng vốn tốt phải chấp hành đúng các chế độ tài chính để đảm bảo tốt nguyên tắc này. Hàng tháng, hàng quý, Ngân hàng sẽ căn cứ vào bảng cân đối kế toán và bảng tổng kết tài sản của đơn vị thương nghiệp để tính toán tồn kho đảm bảo dư nợ Ngân hàng. Khi gặp tình trạng nợ vay Ngân hàng thiếu vật tư đảm bảo thì Ngân hàng phải cùng đơn vị vay tìm ra nguyên nhân và đề ra biện pháp giải quyết để thu hồi nợ thiếu vật tư đảm bảo về.
Thông thường các đơn vị vay thiếu vật tư đảm bảo là do mấy nguyên nhân chính sau đây:
1. Sử dụng vốn lưu động hàng hóa vào vốn phi hàng hóa, vốn cố định hoặc vốn chuyên dùng.
2. Tài sản bị mất mát,hư hỏng, các khoản tiền ứng cho nông dân, ứng cho cán bộ công nhân viên có tính chất nợ khó đòi…
3. Vốn lưu động hàng hóa bị khách hàng chiếm dụng thành nợ dây dưa.
4. Hàng hóa ứ đọng bán chậm - mất kém phẩm chất không được giải quyết.
5. Lỗ chưa được bù hoặc nộp lợi nhuận thừa chưa được hoàn lại.
Tùy theo từng nguyên nhân mà thảo luận biện pháp thu hồi nợ về. Gặp nguyên nhân thứ nhất, ngoài việc chịu kỷ luật tín dụng thì đơn vị và đặc biệt người ra lệnh để làm những việc đó phải chịu kỷ luật trước Bộ Nội thương. Đơn vị phải thuyết minh cụ thể vấn đề xảy ra trình Bộ Nội thương để Bộ Nội thương cùng Bộ Tài chính nghiên cứu giải quyết hoặc trình lên Hội đồng Chính phủ giải quyết. Gặp những nguyên nhân 2, 3, 4 thì phải khẩn trương và tích cực lập hội đồng xử lý theo đúng điều lệ giải quyết tài sản tổn thất đã được quy định. Đối với nguyên nhân thứ 5, thì giải quyết theo điều 3 đã nói trên…
Tùy từng trường hợp mà quy định thời hạn phải thu hồi về, nhưng tối đa không quá 6 tháng.
Mỗi khi tính toán đảm bảo, Ngân hàng và đơn vị vay phải cùng lập biên bản nêu rõ các số liệu tính toán, phân tích các nguyên nhân thiếu đảm bảo và biện pháp cùng thời gian giải quyết.
Khi xảy ra thiếu vật tư đảm bảo, thì Ngân hàng cần xét tài khoản tiền gửi của đơn vị, nếu tài khoản tiền gửi của đơn vị có thừa thì trao đổi với đơn vị trích một số tiền để trả một phần nợ thiếu vật tư đảm bảo, phần còn lại sẽ chuyển sang nợ quá hạn và xử lý như những điều đã nói trên.
Tùy theo hoàn cảnh cụ thể theo đề nghị của đơn vị vay, nhất là đối với các đơn vị hoạt động kinh doanh và tài vụ tốt. Ban lãnh đạo Ngân hàng địa phương có thể tạm hoãn chuyển sang NỢ quá hạn số tiền nào đó nếu xét đơn vị có thể thanh toán được mau chóng nhưng nhiều nhất cũng không được hoãn quá một tháng.
5. Vấn đề thực hiện kế hoạch mua vào bán ra và dự trữ tồn kho đúng kế hoạch:
Các đơn vị thương nghiệp không được mua vào hoặc gia công những mặt hàng ứ đọng khó bán – Ngân hàng cũng sẽ không cho các đơn vị thương nghiệp vay để mua các mặt hàng này; do đó khi cho vay Ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ các loại hàng mua vào và các loại hàng gia công.
Các đơn vị thương nghiệp cần đẩy mạnh mua vào bán ra, giữ đúng mức dự trữ tồn kho đã được duyệt. Ngân hàng không tham gia vốn vào phần tồn kho vượt kế hoạch. Khi phải dự trữ tồn kho vượt kế hoạch vì những trường hợp đặc biệt, đột xuất, có lý do khách quan được xác minh thì Ngân hàng sẽ cho vay phần vượt kế hoạch đó theo nhu cầu tạm thời; Đơn vị phải đẩy mạnh bán ra để sau thời gian quy định rút mức tồn kho xuống theo đúng kế hoạch. Đối với các đơn vị thương nghiệp thuần túy bán lẻ thì nhất thiết không được dự trữ tồn kho vượt kế hoạch. Đối với các Công ty bán buôn, đối với các đơn vị thu mua thì Ngân hàng cho vay thỏa mãn thu mua các mặt hàng nông sản, thực phẩm, nhưng tồn kho cũng phải dự trữ theo đúng kế hoạch. Những đơn vị này khi cần thiết phải dự trữ tồn kho vượt kế hoạch ngoài (những lý do khách quan cụ thể) thì phải báo cáo xin Bộ Nội thương xét duyệt và các Ngân hàng địa phương phải xin ý kiến Ngân hàng Trung ương mới được cho vay.
Các đơn vị thương nghiệp có hạch toán kinh tế độc lập phải thường xuyên lên bảng cân đối kế toán hàng tháng, bảng tổng kết tài sản hàng quý và các bảng quyết toán tài sản hàng năm theo đúng thời hạn Nhà nước quy định. Việc lên các bảng này đúng hạn định là rất quan trọng đối với công tác chỉ đạo kinh doanh và chỉ đạo tài vụ của thương nghiệp, đối với công tác thu ngân sách và đối với công tác tín dụng của ngân hàng đồng thời cũng là một trong những kỷ luật về chế độ hạch toán kinh tế của Nhà nước. Do đó, để thúc đẩy các đơn vị hạch toán kinh tế chấp hành tốt chế độ này, từ nay về sau, nếu đơn vị nào đến hạn mà chưa lên được các bảng đó thì Bộ Nội thương và Bộ Tài chính sẽ không tiếp tục cấp vốn thêm khi cần thiết cũng như Ngân hàng sẽ không tiếp tục cho vay kinh doanh. Tuy nhiên trước khi chấp hành quyết định này, Ngân hàng địa phương sẽ cùng với đơn vị thương nghiệp vay vốn thảo luận cụ thể tùy theo hoàn cảnh và trình độ của đơn vị vay vốn mà quy định một thời gian có thể trong khoảng 3 tháng, đơn vị phải tiến lên lập đúng kỳ hạn các bảng đó. Nếu quá thời hạn quy định, đơn vị vay vốn không lên kịp thời các bảng đó, thì Ngân hàng sẽ không có điều kiện tiếp tục cho vay.
Mối liên quan giữa Tài chính, Ngân hàng, Thương nghiệp trong công tác kinh doanh và tài vụ của các đơn vị Mậu dịch quốc doanh rất mật thiết và nói chung đều đã có những chế độ, nguyên tắc, thể lệ của Nhà nước quy định.
Trên đây liên Bộ chỉ nêu lên và giải quyết một số mắc mứu hiện nay giữa các đơn vị Tài chính, Ngân hàng và Thương nghiệp ở các địa phương.
Liên bộ mong các ông Giám đốc Sở, Trưởng Ty Tài chính, Thương nghiệp và các ông Trưởng Chi nhánh Ngân hàng các khu, tỉnh, thành nghiên cứu thi hành. Thông tư liên bộ này phải được phổ biến đến tận các Ty, và Phòng tài chính, các Công ty và cửa hàng Mậu dịch Quốc doanh, các Chi nhánh và Chi điếm Ngân hàng.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG
Trịnh Văn Bính | KT. TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Trần Dương | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Đào |
Thông tư liên bộ 21-LB-NH-NT-TC năm 1962 giải quyết một số vấn đề liên quan giữa công tác cho vay thương nghiệp của Ngân hàng với nhiệm vụ nộp Ngân sách Nhà nước và đảm bảo vốn kinh doanh của các đơn vị Mậu dịch Quốc doanh do Liên bộ Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Nội thương ban hành.
- Số hiệu: 21-LB-NH-NT-TC
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 12/12/1962
- Nơi ban hành: Bộ Nội thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Nguyễn Văn Đào, Trần Dương, Trịnh Văn Bính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 48
- Ngày hiệu lực: 27/12/1962
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định