Hệ thống pháp luật

BỘ ĐẠI HỌC VÀTRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP-BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-TT/LB

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 1971 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC KHÁM SỨC KHỎE ĐỂ TUYỂN HỌC SINH, NGHIÊN CỨU SINH VÀO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP TRONG NƯỚC, ĐI HỌC Ở NGOÀI NƯỚC, VÀ VỀ VIỆC QUẢN LÝ SỨC KHOẺ CỦA HỌC SINH

Trau dồi sức khỏe cho học sinh các trường đại học, sau đại học và trung học chuyên nghiệp, để đảm bảo cho học sinh có đủ sức khoẻ theo học và phục vụ lâu dài sau khi tốt nghiệp, là một mặt công tác quan trọng suốt quá trình đào tạo. Cho nên, trong công tác tuyển sinh chẳng những phải đảm bảo các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, văn hóa, mà còn phải có tổ chức và biện pháp để bảo đảm tiêu chuẩn sức khỏe.

Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và Bộ Y tế đã có một số văn bản quy định về tiêu chuẩn sức khỏe: quyết định số 12-QĐ ngày 11-7-1968, công văn số 1937-BYT-II ngày 5-5-1961 và công văn số 1069-BYT-CB ngày 6-5-1968. Chấp hành các quy định đó, các Sở, Ty y tế, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn trong việc khám tuyển, khám nhận và khám kiểm tra sức khỏe lên lớp hàng năm được tương đối tốt.

Nhưng những quy định trên, qua thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu về nội dung, cũng như như biện pháp thực hiện. Liên Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp – Y tế ban hành thông tư này để việc khám tuyển, khám nhận, quản lý sức khỏe học sinh được thống nhất và có nề nếp hơn.

A. TIÊU CHUẨN TẠM THỜI VỀ SỨC KHỎE CHUNG

Có bản kèm theo gồm 2 mục trong đó có 130 khoản về tiêu chuẩn.(*)

B. MỘT SỐ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

Muốn đảm bảo chất lượng của việc xác định mức độ sức khỏe phải có cơ sở kỹ thuật và thời gian theo dõi để chẩn đoán chính xác, nên liên Bộ quy định một số biện pháp sau đây :

I. KHÁM SỨC KHỎE TUYỂN SINH

Việc khám sức khỏe tuyển sinh phải do các cơ sở chữa bệnh phụ trách và đồng chí bệnh viện trưởng đích thân chỉ đạo, cụ thể như sau:

1. Học sinh dự tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp trong nước do y, bác sĩ của bệnh viện đa khoa tuyến huyện trở lên khám sức khỏe và được đồng chí bác sĩ bệnh viện trưởng bệnh viện đó xét duyệt.

2. Học sinh dự tuyển vào các trường đại học, sau đại học trong nước, ngoài nước do bác sĩ bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, thành phố trở lên khám sức khỏe và được bác sĩ bệnh viện trưởng bệnh viện đó xét duyệt.

3. Trong việc khám sức khỏe của học sinh đi học nước ngoài (trung học, đại học, sau đại học) nhất thiết phải chụp X quang phổi, có phim kèm theo với giấy khám sức khỏe; phải khám đầy đủ những yêu cầu quy định trong mẫu giấy khám sức khỏe và phải được tẩy giun, nếu học sinh nào có sán thì cũng phải cho tẩy sán trước khi đi học ở nước ngoài. Cuối cùng đồng chí bác sĩ phó Ty y tế hay phó giám đốc phụ trách công tác điều trị là ủy viên Ban tuyển sinh tỉnh, thành xét duyệt lại.

4. Nếu gặp những bệnh khó chẩn đoán thì phải gửi học sinh về bệnh viện tuyến trên khám hoặc hội chẩn, được bác sĩ bệnh viện trưởng bệnh viện đó xét duyệt.

5. Gặp những bệnh chưa đủ thời gian theo dõi, kết luận ngay được, học sinh tạm thời coi như chưa đủ tiêu chuẩn sức khỏe để theo học, bệnh viện được quy định khám sức khỏe có nhiệm vụ tiếp tục theo dõi bệnh tật một cách tích cực để có kết luận chính xác.

6. Sau khi khám sức khỏe tuyển học sinh xong, các Sở, Ty y tế có nhiệm vụ báo cáo kết quả lên Bộ Y tế và Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp (có mẫu báo cáo số 1 kèm theo) (*).

II. KHÁM SỨC KHỎE NHẬN  HỌC SINH

1. Các trường đại học và trung học chuyên nghiệp có trách nhiệm tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe cho học sinh đã trúng tuyển, để có kết luận đủ tiêu chuẩn theo học hay chưa đủ tiêu chuẩn theo học.

2. Nếu gặp những bệnh khó chẩn đoán thì phải giới thiệu học sinh đến bệnh viện tỉnh, thành phố trở lên khám hoặc hội chẩn, xác định bệnh tật, lập hồ sơ đầy đủ đưa ra hội đồng sức khỏe nhà trường quyết định.

3. Mỗi trường được tổ chức một hội đồng sức khỏe giúp hiệu trưởng chỉ đạo và thực hiện công tác quản lý sức khỏe của học sinh và cán bộ. Thành phần và nhiệm vụ của hội đồng sẽ có văn bản hướng dẫn sau.

4. Khám nhận học sinh xong, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp báo cáo lên Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và Bộ chủ quản về tình hình sức khỏe học sinh được nhận và không được nhận vào học. Các trường trung học chuyên nghiệp địa phương báo cáo đến Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố và Bộ chủ quản về tình hình trên (có mẫu báo cáo số I kèm theo) (*).

III. QUẢN LÝ SỨC KHỎE HỌC SINH TRONG NHỮNG NĂM HỌC TẠI TRƯỜNG

Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp đã có chỉ thị số 3001-VP/YT ngày 30-10-1969 về chế độ quản lý sức khỏe học sinh và cán bộ. Nay quy định thêm:

1. Khám kiểm tra sức khỏe nhận học sinh trong năm thứ nhất, khi khám sức khỏe nhận học sinh chưa có thể phát hiện đầy đủ ngay tình hình bệnh tật, nên các trường có trách nhiệm theo dõi thật chặt chẽ, kịp thời phát hiện học sinh bị bệnh tật và có biện pháp tích cực điều trị. Nếu gặp những bệnh khó chẩn đoán thì phải giới thiệu đến bệnh viện tỉnh, thành phố trở lên khám hoặc hội chẩn xác định. Chậm nhất cuối năm học phải cố gắng kết luận chính xác và trên cơ sở bệnh tật đã kết luận đó mà đối chiếu tiêu chuẩn để xét cho học sinh, cho thôi học hay cá biệt tiếp tục theo dõi.

2. Những năm học sau, mục đích của kiểm tra sức khỏe học sinh chủ yếu là để chủ động tìm biện pháp chăm lo sức khỏe và phát hiện những bệnh mới phát sinh, hoặc bệnh cũ mà năm đầu chưa tái phát. Học sinh có bệnh trong những năm này sau khi đã điều trị thật tích cực hai hoặc ba tháng trong một năm nhưng chưa khỏi được và nếu bệnh đó xét chưa đủ tiêu chuẩn theo học thì cho nghỉ lưu ban để chữa bệnh. Nếu xét bệnh đó còn có khả năng phải chữa lâu dài, và thực chất khi ra trường cũng không công tác được trong ngành học sinh đang theo học thì cho thôi học.

3.Việc cho học sinh thôi học vì không đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhất thiết phải có ý kiến của hội đồng sức khỏe nhà trường. Trên cơ sở đó, hiệu trưởng báo cáo xin ý kiến cấp trên rồi mới quyết định. Đối với các trường đại học và trung học chuyên nghiệp do Trung ương quản lý thì xin ý kiến của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và Bộ chủ quản , còn đối với các trường trung học chuyên nghiệp do địa phương quản lý thì xin ý kiến của Bộ chủ quản và Ủy ban hành chính địa phương (có mẫu báo cáo số III kèm theo) (*) .

C. NHỮNG ĐIỂM CHÚ Ý TRONG KHI THỰC HIỆN

1. Đây là bản tiêu chuẩn chung. Các trường, các ngành căn cứ vào tiêu chuẩn này và yêu cầu riêng để xây dựng thêm những tiêu chuẩn riêng biệt về sức khỏe của ngành mình cho thích hợp, rồi báo cáo về liên Bộ để liên Bộ nghiên cứu ban hành. Trong khi vận dụng, từng ngành cần nắm chắc nguyên tắc chung để đối chiếu giải quyết cụ thể.

2. Các nữ học sinh không nên chửa đẻ trong thời gian học tập tại trường, nhất là đối với nữ học sinh là học sinh phổ thông. Nếu có người vì chửa đẻ mà không hoàn thành kế hoạch học tập, thì nhà trường xét cụ thể theo loại học sinh (nữ cán bộ hiếm con, nữ học sinh là người dân tộc ít người và người kinh ở lâu, dài năm vùng dân tộc) mà quyết định cho lưu ban một năm nữa để nuôi con và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, ngoài quy chế ấn định lưu ban của học sinh nói chung theo điều 23, chương II của quy chế quản lý học sinh ban hành quyết định số 09 ngày 03-5-1968.

3. Khi có đề nghị của địa phương hay của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, thì các giáo sư, chủ nhiệm khoa ở bệnh viện trung ương có trách nhiệm chẩn đoán, quyết định những bệnh tật của học sinh – mà các bác sĩ bệnh viện của địa phương và trung ương chưa chẩn đoán, quyết định được, hoặc chẩn đoán chưa nhất trí - đối chiếu với tiêu chuẩn, có kết luận cho học sinh đủ sức khỏe đi học các trường đại học, sau đại học và trung học trong nước, ngoài nước.

4. Học sinh mắc nhiều bệnh mãn tính ở mức độ nhẹ, hoặc có những bệnh mãn tính chưa ghi trong bản tiêu chuẩn sức khỏe, nhưng hay tái phát từ bệnh này sang bệnh khác, làm cơ thể suy nhược không hoàn thành kế hoạch học tập, cũng có thể xét cho thôi học.

5. Đối với những học sinh mắc bệnh nhẹ, có thể chữa khỏi được trong thời gian ngắn, thì các bệnh viện địa phương tổ chức điều trị để học sinh kịp thời có đủ tiêu chuẩn theo học.

6. Giấy khám sức khỏe cho học sinh các trường đại học và trung học chuyên nghiệp trong nước, ngoài nước phải làm đúng mẫu kèm theo.(*)

7. Khi khám xét cần kết hợp chặt chẽ quá trình thực tế trong lao động, học tập với khoa học kỹ thuật, cân nhắc cho đúng mức, tránh ngại khó, buông lỏng, hoặc khắt khe gây ảnh hưởng không tốt cho công tác đào tạo và thiệt thòi cho học sinh.

8. Nếu có học sinh khiếu nại về sức khỏe thì gửi ra Hội đồng giám thị y khoa địa phương giải quyết.

9. Thông tư này thi hành cho học sinh hệ tập trung dài hạn và chuyên tu từ năm học 1971-1972 trở đi. Những văn bản về tiêu chuẩn sức khỏe ban hành trước đây đều hết hiệu lực.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ

THỨ TRƯỞNG
 


 
Hoàng Đình Cầu

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG
 


 
Hoàng Xuân Tùy

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 20-TT/LB năm 1971 về việc khám sức khỏe để tuyển học sinh, nghiên cứu sinh vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp trong nước, đi học ở ngoài nước, và về việc quản lý sức khoẻ của học sinh do Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp - Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 20-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 16/10/1971
  • Nơi ban hành: Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Y tế
  • Người ký: Hoàng Đình Cầu, Hoàng Xuân Tùy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 05/09/1971
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản