BỘ NGOẠI THƯƠNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 176-A-NT-BĐ | Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 1964 |
QUY ĐỊNH THỦ TỤC XUẤT NHẬP KHẨU BƯU PHẨM VÀ BƯU KIỆN
Trước đây Sở Hải quan trung ương và Tổng cục Bưu điện đã ban hành các Thông tư số 562-HQ-BĐ ngày 04-3-1955 và số 2647-HQ-BĐ ngày 21-12-1959 quy định thủ tục xuất nhập khẩu bưu phẩm, bưu kiện. Bộ Thương nghiệp cũng đã ra Nghị định số 221-NĐ ngày 06-7-1956 quy định các loại hàng cấm xuất khẩu và cấm nhập khẩu bằng đường bưu điện.
Các văn bản nói trên ban hành đã lâu có những điểm thiếu cụ thể nên đã gây nhiều khó khăn, lúng túng cho các cấp hải quan và bưu điện truyền thanh trong việc thi hành.
Căn cứ vào “Điều lệ hải quan” ban hành theo Nghị định số 03-CP ngày 27-02-1960 của Hội đồng Chính phủ, liên Bộ Ngoại thương- Tổng cục Bưu điện và truyền thanh nhận thấy cần có một thông tư nhằm hệ thống hóa các văn bản nói trên và bổ sung một số điểm cho thích hợp với hoàn cảnh hiện nay.
I. NGUYÊN TẮC CHUNG
1. Hàng hóa (kể cả ấn loát phẩm, mẫu hàng, vật phẩm quảng cáo, quà biếu) gửi từ trong nước ra (xuất khẩu) hay từ nước ngoài vào (nhập khẩu) dưới hình thức bưu phẩm, bưu kiện đều phải tuân theo thể lệ quản lý ngoại thương và phải làm thủ tục hải quan tại các bưu cục ngoại dịch hoặc Sở Bưu điện Hải-phòng.
Các giấy tờ giao dịch, các thư từ, bưu thiếp có tính chất trao đổi tin tức được miễn làm thủ tục nói trên.
2. Tại các bưu cục ngoại dịch và Sở Bưu điện Hải-phòng khi có hàng hóa xuất nhập khẩu kể cả hàng tái xuất hay tái nhập, bưu điện phải báo cáo cho hải quan biết để làm mọi thủ tục xuất nhập. Các bưu cục trên chỉ phát hay chuyển các bưu phẩm, bưu kiện đã làm xong mọi thủ tục hải quan cần thiết.
Nhân viên hải quan chỉ được mở các bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu khi có nhân viên bưu điện chứng kiến.
3. Đối với các bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu thì chỉ làm thủ tục hải quan một lần.
Nếu trong quá trình vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu phải qua nhiều bưu cục có tổ chức hải quan thì thủ tục hải quan chỉ làm tại bưu cục đầu tiên (nếu là xuất khẩu) hoặc bưu cục cuối cùng (nếu là nhập khẩu).
Trên các bưu phẩm đựng hàng hóa, phải dán lá nhãn xanh BV57 có ghi tên hàng, trọng lượng, trị giá và tên nước sản xuất. Đối với các sách báo gửi vài ba quyển hay vài ba tờ thì không cần dán lá nhãn xanh.
4. Hải quan có thể mở vắng mặt người gửi hay người nhận để kiểm hóa trong các trường hợp sau:
a) Bưu phẩm không đóng kín có dán lá nhãn xanh hoặc không dán lá nhãn xanh nhưng nghi hoặc có triệu chứng đựng hàng hóa;
b) Bưu phẩm đóng kín dán lá nhãn xanh có ghi chữ “được phép mở vắng mặt người gửi hoặc người nhận”;
c) Bưu kiện.
Đối với các bưu phẩm đóng kín dán lá nhãn xanh không có ghi chữ “được phép mở vắng mặt người gửi hay người nhận” hoặc các bưu phẩm đóng kín (kể cả thư từ) không dán lá nhãn xanh, nghi có đựng hàng hóa thì bưu cục ngoại dịch hoặc Sở Bưu điện Hải-phòng báo cho người gửi hoặc người nhận đến mở để làm thủ tục hải quan.
5. Các hàng hóa và vật phẩm cấm xuất hoặc cấm nhập đều bị trả lại cho người gửi hoặc bị tịch thu theo điều 31 của điều lệ hải quan.
Trong trường hợp này người giử phải chịu mọi khoản cước phí nếu có.
Để bảo đảm các nguyên tắc trên tại mỗi bưu cục ngoại dịch và Sở Bưu điện Hải-phòng đều phải có bộ phận hải quan.
Các hàng hóa xuất khẩu dưới hình thức bưu phẩm, bưu kiện phải thuộc loại hàng không ghi vào bảng hàng cấm xuất khẩu và xuất khẩu có điều kiện quy định trong bảng phụ lục số 1 đính theo thông tư này và không thuộc loại hàng cấm nhập ở nước nhận hàng.
A. Bưu phẩm, bưu kiện ký gửi tại bưu cục ngoại dịch và Sở Bưu điện Hải-phòng có tổ chức hải quan:
1. Người gửi bưu phẩm, bưu kiện phải:
a) Dán lá nhãn BV57 trên bưu phẩm;
b) Xuất trình với cơ quan hải quan các giấy tờ cần thiết như giấy phép xuất nhập khẩu của Bộ Ngoại thương và các giấy phép hoặc giấy chứng nhận khác (nếu có) quy định trong phần B bảng phụ lục 1:
c) Làm ba tờ khai hải quan BK26.
Các sách báo gửi vài ba quyển hay vài ba tờ được miễn làm tờ khai.
2. Nhân viên hải quan kiểm tra các giấy tờ nếu thấy hợp lệ và nếu hàng thuộc loại được phép xuất thì kiểm hóa, đóng dấu lên các tờ khai hải quan và giao cho người gửi để làm thủ tục bưu điện.
3. Nhân viên bưu điện soát lại các giấy tờ, lá nhãn BV57 (đối với bưu phẩm) nếu thấy hợp lệ thì làm thủ tục chấp nhận và buộc vào giấy tờ có liên quan đến hàng hóa và bưu phẩm hoặc đính theo phiếu gửi BK21 để chuyển đi.
B. Bưu phẩm, bưu kiện ký gửi tại các bưu cục không có tổ chức hải quan:
1. Người gửi bưu phẩm, bưu kiện phải dán lá nhãn BV57 trên bưu phẩm, xuất trình với nhân viên bưu điện các giấy tờ cần thiết quy định ở phần A trên. Nhưng riêng đối với các hàng hóa phải kiểm dịch thì không bắt buộc phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy này sẽ do cơ quan kiểm dịch ở bưu cục ngoại dịch hoặc ở Sở Bưu điện Hải-phòng cấp.
2. Nhân viên bưu điện kiểm tra các giấy tờ, nếu thấy hợp lệ và nếu là hàng thuộc loại được phép xuất khẩu, thì làm thủ tục chấp nhận và buộc các giấy tờ có liên quan đến hàng hóa vào bưu phẩm hoặc đính theo phiếu ký gửi BV21 để chuyển về bưu cục ngoại dịch hoặc Sở Bưu điện Hải-phòng.
3. Tại bưu cục ngoại dịch hoặc tại Sở Bưu điện Hải-phòng, nhân viên hải quan và nhân viên bưu điện mở các bưu phẩm được mở vắng mặt người gửi và các bưu kiện như đã quy định ở điểm 4 phần 1 trên. Cơ quan hải quan làm thủ tục kiểm hóa, nếu thấy hợp lệ thì ký nhận và đóng dấu trên các tờ khai hải quan và chuyển tiếp bưu phẩm, bưu kiện.
4. Người gửi có thể gửi bưu phẩm đóng kín nếu có ghi chữ “được phép mở vắng mặt người gửi hay người nhận”.
Nếu người gửi không muốn ghi chữ trên thì phải đến bưu cục có tổ chức hải quan để ký gửi.
5. Nếu nhận được các bưu phẩm đóng kín nghi có đựng hàng hóa nhưng không dán lá nhãn BV57 hoặc các bưu phẩm đóng kín dán lá nhãn không có ghi chữ “được phép mở vắng mặt người gửi hoặc người nhận” do các nơi khác gửi đến thì bưu cục ngoại dịch hoặc Sở Bưu điện Hải-phòng báo cho người gửi đến để mở cho hải quan kiểm hóa. Nếu hàng hóa thiếu các giấy tờ cần thiết thì hải quan báo cho người gửi mang hoặc gửi đến các giấy tờ đó.
Các hàng hóa được nhập khẩu dưới hình thức bưu phẩm, bưu kiện phải thuộc loại hàng không ghi vào bảng hàng cấm nhập khẩu và nhập khẩu có điều kiện quy định trong bảng phụ lục số 2 đính theo thông tư này.
A. Tại bưu cục ngoại dịch và Sở Bưu điện Hải-phòng:
1. Đối với bưu phẩm, bưu kiện phát tại bưu cục ngoại dịch và sở Bưu điện Hải-phòng:
a) Bưu phẩm, bưu kiện được nhân viên bưu điện và hải quan hoặc người nhận mở ra để kiểm hoá theo những trường hợp đã quy định ở điểm 4 phần 1 trên.
b) Người nhận bưu phẩm, bưu kiện phải xuất trình các giấy tờ cần thiết quy định ở phần B bảng phụ lục số 2, phải trả đủ mọi khoản thuế nếu có cho hải quan và mọi khoản cước phí (trong đó có cước xuất trình hải quan) cho nhân viên bưu điện để bưu điện làm thủ tục phát.
2. Đối với bưu phẩm, bưu kiện phát tại bưu cục khác.
a) Hải quan báo cho người nhận phải gửi các giấy tờ cần thiết nếu thiếu.
b) Sau khi kiểm hoá và tính thuế, hải quan và bưu kiện đóng gói lại cẩn thận các bưu phẩm, bưu kiện và gắn dấu xi hoặc cặp chì chắc chắn. Dấu xi hay chì phải có ký hiệu chữ hoặc số phải nổi rõ trên dấu đảm bảo bưu phẩm, bưu kiện, nếu bị mở ra thì nhất định có để lại dấu suy suyển.
c) Nếu là hàng phải chịu thuế hải quan thì hải quan lập bốn giấy báo thuế, một bản lưu ở hải quan, ba bản gửi kèm theo bưu phẩm hoặc phiếu BK21 cùng với hai bản giấy trả thủ tục phí cho cơ quan bưu điện.
Trên bưu phẩm, bưu kiện và phiếu BK21, nếu là hàng phải trả thuế, hải quan đóng dấu “thuế hải quan”, nếu là hàng phải trả thuế hàng hóa, đóng dấu “thuế hàng hoá”, nếu là hàng miễn thuế, đóng dấu “được miễn thuế”.
Tuy nhiên đối với các sách báo gửi vài quyển hay vài tờ thường được miễn thuế thì không cần đóng dấu miễn thuế.
d) Các bưu phẩm, bưu kiện được các bưu cục ngoại dịch chuyển về các Sở, Ty Bưu điện nơi người nhận ở (không chuyển thẳng về các Phòng, Chi nhánh Bưu điện).
B. Tại các bưu cụ không có tổ chức hải quan:
1. Khi nhận được các bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu gửi về các Sở, Ty Bưu điện phải kiểm tra các dấu xi, cặp chì, nếu thấy suy suyển thì lập biên bản chứng nhận, nếu thấy nguyên vẹn thì mời người nhận đến lĩnh hoặc chuyển về bưu cục cuối cùng (nơi ở của người nhận) để phát cho người nhận, kèm theo ba bản giấy báo thuế trường hợp bưu phẩm, bưu kiện phải trả thuế hải quan.
Người nhận phải trả thuế hải quan (nếu có) và các cước phí bưu điện trước khi nhận bưu phẩm, bưu kiện. Bưu điện giao cho người nhận một bản giấy báo thuế.
Trường hợp bưu phẩm, bưu kiện phải trả thuế hàng hóa thì bưu điện chỉ phát bưu phẩm, bưu kiện sau khi người nhận đã trả xong thuế hàng hóa cho cơ quan tài chính đã được bưu điện báo trước. Trường hợp người nhận phải bán bớt hàng cho mậu dịch vì hàng thuộc diện quản lý của Nhà nước thì bưu điện mời người có hàng đến, giới thiệu với mậu dịch thu mua trước khi phát bưu phẩm, bưu kiện cho người nhận.
2. Bưu cục thu thuế hải quan xong phải chuyển toàn bộ thuế bằng thư chuyển tiền về Sở, Ty Bưu điện cấp trên, kèm theo hai bản giấy báo thuế.
Sau khi soát lại việc thu thuế, Sở, Ty Bưu điện khấu trừ thủ tục phí 3% vào số tiền thuế đã thu hộ như đã quy định trong quyết định số 94-BCT-QĐ ngày 26-3-1955 của Bộ Công thương, chuyển số tiền thuế còn lại cho hải quan ngoại dịch bằng thư chuyển tiền có cước (cước thu chuyển tiền tính trong tiền thuế) kèm theo, bản giấy báo thuế và một bản giấy trả thủ tục phí.
Trường hợp các Sở, Ty Bưu điện chậm thanh toán thuế thì chậm nhất trong vòng ba tháng hải quan bưu cục ngoại dịch nhắc nhở và phản ảnh cho Tổng cục Bưu điện và truyền thanh biết.
3. Bưu phẩm, bưu kiện không phát được phải chuyển tiếp đi nơi khác hoặc chuyển hoàn người gửi thì bưu cục nhận gửi trả về Sở, Ty cấp trên kèm theo tất cả các giấy tờ có liên quan. Sở, Ty chuyển tiếp bưu phẩm, bưu kiện đi Sở, Ty khác trong nước và báo cho hải quan bưu cục ngoại dịch biết. Trường hợp chuyển tiếp ra nước ngoài hoặc chuyển hoàn người gửi thì báo cho hải quan bưu cục ngoại dịch biết, đồng thời gửi trả các giấy tờ có liên quan về việc thu thuế.
IV. QUAN HỆ PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA CƠ QUAN BƯU ĐIỆN TRUYỀN THANH VÀ CƠ QUAN HẢI QUAN
Cơ quan bưu điện và cơ quan hải quan phải phối hợp chặt chẽ với nhau để thi hành đúng đắn thể lệ bưu điện và thủ tục hải quan nhằm bảo đảm thực hiện tốt chính sách quản lý ngoại thương.
Tại các bưu cục ngoại dịch và Sở Bưu điện Hải-phòng, cơ quan bưu điện cần giúp đỡ cán bộ hải quan mọi điều kiện thuận tiện để làm nhiệm vụ như bố trí nơi làm việc cho cán bộ hải quan đảm nhiệm việc đóng gói, đóng dấu xi; cặp chì các bưu phẩm, bưu kiện.
Nhân viên của hai ngành phải chứng kiến việc đóng, mở bưu phẩm, bưu kiện xuất, nhập khẩu; khi kiểm hoá phải đo, cân một cách chính xác. Nhân viên bưu điện không được chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu chưa làm đủ thủ tục hải quan.
Các Sở, Ty Bưu điện có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các bưu cục thuộc quyền mình thu hộ thuế hải quan kịp thời và thanh toán đầy đủ.
Nhân viên bưu điện và hải quan có trách nhiệm hướng dẫn nhân dân đóng gói, bao bì cẩn thận, tránh hư hỏng đổ vỡ dọc đường, hướng dẫn khai báo đầy đủ loại hàng, số lượng, trọng lượng, trị giá, phải nêu cao tinh thần phục vụ; cảnh giác chính trị, và tác phong liêm chính để chuyển, phát an toàn và nhanh chóng các bưu phẩm,bưu kiện và phát hiện kịp thời những hành động phạm pháp.
Thông tư này thay thế các văn bản về thủ tục xuất nhập khẩu bưu phẩm, bưu kiện do ngành hải quan và ngành bưu điện đã ban hành từ trước đến nay và bắt đầu thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 1965.
Cục Bưu chính và phát hành báo chí và Cục Hải quan sẽ có chỉ thị hướng dẫn các đơn vị trực thuộc về biện pháp thực hiện từng mặt công tác cũng như về lề lối làm việc để đảm bảo thi hành tốt thông tư này.
Trong quá trình thi hành thông tư này nếu gặp phải khó khăn trở ngại gì, yêu cầu các Sở, Ty Bưu điện và Phân, Chi Cục Hải quan báo cáo ngay cho Cục Bưu chính và phát hành báo chí và Cục Hải quan để trình liên Bộ giải quyết nếu cần.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
(ban hành kèm theo Thông tư liên Bộ số 176-A-NT-BĐ ngày 23-12-1964)
A. Đồ vật cấm xuất khẩu:
1. Các thứ vũ khí, các loại đạn, quân trang và các chất nổ, dễ cháy hay nguy hiểm, có thể làm hư hỏng bưu phẩm, bưu kiện.
2. Các chất có hại cho vệ sinh chung (như xương người chết, vi trùng v.v…) trừ vi trùng do các cơ quan khoa học gửi cho nhau.
3. Các chất hôi thối hay đồ hôi thối (như thịt tươi, cá tươi, xương xúc vật còn tươi, hoa quả gửi đi xa v.v…)
4. Súc vật sống trừ ong, đỉa, tằm do các cơ quan khoa học gửi cho nhau.
5. Mực bí mật, bản viết tốc ký mật mã bằng chữ hay số.
6. Vàng bạc, bạch kim; đá quý, các loại tiền tệ, hối phiếu, đồ dùng làm bạc giả.
7. Tem thư chưa dùng trừ tem của cơ quan xuất nhập khẩu sách báo hoặc cơ quan có thẩm quyền khác gửi đi.
8. Sách báo phản động; đồ vật có tính chất khiêu dâm hoặc có hại cho thuần phong, mỹ tục.
9. Thuốc phiện và các chất khác làm cho thần kinh say mê.
10. Các hoá chất mạnh, các chất độc có thể làm chết người hay súc vật.
11. Sắt, đồng, chì, thiếc, kẽm, gang, thép, tôn, đuya-ra, cờ-rôm (lưu ty, kền, wolfram, manganèse, antimoine) (cán thành lá, đúc thành thoi, hay kéo thành dây).
12. Thủy ngân.
13. Các loại kim khí và hợp kim khác.
14. Những sơ đồ, hoành đồ và những tài liệu khác có tính chất quân sự.
15. Đồ vật có tính chất cổ tích.
16. Trừ các cơ quan mậu dịch không ai được gửi các loại sau đây: thuốc lá, cà-phê, chè, thuốc lào, thóc, gạo, các loại đỗ, cá khô, cá mực, sắn khô, khoai khô, lạc, thịt, mỡ, hạt tiêu, đinh hương, sa nhân, bạch đầu khấu, quế, sơn, hồi, chẩu, thảo quả, các thứ hạt có dầu, bông, giấy đánh máy, máy chữ và phụ tùng, máy điện thoại, điện tín và phụ tùng, máy thu thanh và phát thanh (vô tuyến điện) và phụ tùng.
Tuy nhiên nếu số lượng ít có hoá đơn của mậu dịch hay hợp tác thì có thể gửi: Cà-phê 0kg200, chè 0kg500, thuốc lá, thuốc lào 0kg500; thóc gạo, các loại đỗ, cá khô, cá mực, sắn khô, khoai khô, lạc, thịt khô hay ướp, mắm, mỡ chín: 1kilô.
Nếu ở địa phương nào có biện pháp quản lý riêng về mặt hàng nào đó, thì theo điều kiện quản lý của địa phương ấy mà giải quyết cho gửi.
Trường hợp hàng hoá ký gửi ở địa phương khác đi qua các địa phương trên thì theo thể lệ chung.
17. Các loại hàng do nước nhập cấm nhập (xem bảng kê đồ vật cấm nhập của mỗi nước)
18. Các loại bưu phẩm hoặc bưu kiện mà nước ta chưa ký hiệp định bưu chính trao đổi với nước nhận hoặc kích thước, trọng lượng không đúng thể lệ quy định, hoặc đúng các loại hàng cấm xuất khẩu.
B. Đồ vật xuất khẩu có điều kiện:
a) Phải có giấy phép của Bộ Ngoại thương nước Việt-Nam dân chủ cộng hòa:
Các hàng hóa có tính chất buôn bán.
b) Phải có giấy phép của Cục Hải quan.
1. Quà biếu trị giá trên 50 đồng;
2. Quà biếu của mỗi hộ tư nhân gửi trên một lần trong 6 tháng, mặc dầu trị giá từ 50 đồng trở xuống.
3. Quà biếu do các vị lãnh đạo Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể, các đoàn ngoại giao, các chuyên gia gửi được miễn giấy phép nhưng phải có giấy giới thiệu của các cơ quan, đoàn thể sở quan.
c) Phải có giấy phép của các cơ quan Văn hoá nước Việt-nam dân chủ cộng hòa:
1. Tranh ảnh, tượng, các loại sách, báo, phim ảnh đã chụp nhưng chưa rửa, phim chiếu bóng, đĩa hát, các đồ dùng về sân khấu, không phải là mỹ phẩm, các sản phẩm văn nghệ khác;
2. Các loại đồ chơi trẻ em.
d) Phải có giấy phép của Bộ Y tế nước Việt-nam dân chủ cộng hoà:
Dược liệu có chất thuốc phiện.
e) Phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch y tế của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà:
Chăn màn cũ, quần áo cũ, giầy dép cũ.
g) Phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch nông nghiệp của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa:
Thực vật, sản phẩm thực vật có khả năng mang sâu bệnh, cỏ dại thuộc đối tượng kiểm dịch.
h) Phải có giấy phép của Bộ Công an nước Việt-nam dân chủ cộng hòa:
Súng đạn săn.
(Ban hành kèm theo Thông tư liên Bộ số 176-A-NT-BĐ ngày 23-12-1964)
A. Đồ vật cấm nhập khẩu
1. Các vũ khí, các loại đạn; quân trang và các chất nổ, dễ cháy hay nguy hiểm có thể làm hư hỏng bưu phẩm, bưu kiện.
2. Các chất có hại cho vệ sinh chung (như xương người chết, vi trùng v.v…) trừ vi trùng do các cơ quan nghiên cứu khoa học gửi cho nhau.
3. Các chất hôi thối hay đồ đồ hôi thối (như thịt tươi, cá tươi, xương súc vật còn tươi, hoa quả gửi đi xa v.v…)
4. Súc vật sống trừ ong, đỉa, tằm do các cơ quan nghiên cứu khoa học gửi cho nhau.
5. Mực bí mật, bản viết tốc ký, mật mã bằng chữ hay số.
6. Vàng bạc, bạch kim, đá quý, các loại tiền tệ, hối phiếu, đồ dùng làm bạc giả.
7. Tem thư chưa dùng trừ tem gửi cho cơ quan xuất nhập khẩu sách báo hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
8. Sách báo phản động, đồ vật có tính chất khiêu dâm hoặc có hại cho thuần phong, mỹ tục;
9. Thuốc phiện và các chất khác làm cho thần kinh say mê.
10. Các hoá chất mạnh, các chất độc có thể làm chết người hay súc vật.
11. Hành khô, tỏi khô.
12. Các loại rau tươi và khô, kể cả măng, mộc nhĩ, nấm hương.
13. Trứng gà, vịt (tươi hay muối).
14. Trứng cá, trứng cáy.
15. Hạt dưa, hạt dẻ.
16. Nước mắm, mắm cáy, mắm tôm, mắm tép, mắm rươi.
17. Sắn, củ đậu, củ dong, củ mài.
18. Vừng, lạc.
19. Cải chua, trám, ớt, ô mai.
20. Cam, chanh, dấm thanh
21. Mật mía, nước mật, nước đường.
22. Mật ong.
23. Cà-phê nguyên chất hay pha các loại.
24. Thuốc lào.
25. Trầu vỏ.
26. Cau tươi, cau khô.
27. Cua, cáy, rạm ướp muối, tươi.
28. Cá khô, tôm khô, tép khô, mực khô.
29. Các vị thuốc nam.
30. Quế các loại
31. Hồi.
32. Các thứ hạt ép dầu, thầu dầu, chẩu, dọc.
33. Rơm, cỏ để nhồi đệm.
34. Củ nâu.
35. Đồ làm giấy.
36. Sắn thuyền.
37. Chổi các loại
38. Mo nang, lá dong, bẹ mo.
39. Mũ nón, áo tơi, quạt bằng lá, sơn sống, nhựa chanh, nhưa thông.
40. Lá nón, lá cọ, gianh lợp lá, cỏ guột.
41. Củi.
42. Than củi.
43. Bương, tre, nứa, mây, song.
44. Các vị thuốc nam lấy ở động vật, muối.
45. Các vị thuốc nam lấy ở khoáng vật: đá, vàng sống, chu sa, hồng hoàng.
46. Sáp ong.
47. Các thứ lá, vỏ, rễ cây, hạt để nhuộm, lá sòi, vỏ vẹt, chàm.
48. Pháo.
49. Chăn bông.
50. Võng.
51. Chăn bằng bông gạo.
52. Trừ các cơ quan mậu dịch không ai được nhập các loại sau đây: Thuốc lá, cà-phê, chè, thuốc lào, thóc, gạo, các loại đỗ, cá khô, cá mực, sắn khô, khoai khô, lạc, thịt, mỡ, hạt tiêu, đinh hương, sa nhân, bạch đầu khấu, quế, sơn, hồi chẩu, thảo quả, các thứ hạt có dầu, bông, giấy đánh máy chữ và phụ tùng, máy điện thoại, điện tín và phụ tùng, máy thu thanh và phát thanh (vô tuyến điện) và phụ tùng.
Tuy nhiên nếu số lượng ít thì có thể nhận: thuốc lá, thuốc lào 0kg500, cá khô, cà-phê 0kg200, chè 0kg500, thóc, gạo, các loại đỗ, cá khô, cá mực, sắn khô, khoai khô, lạc, thịt khô hay ướp mặn, mỡ chín: 1 kilô.
53. Các loại bưu phẩm, bưu kiện mà nước gửi chưa ký hiệp định bưu chính trao đổi với nước ta hoặc kích thước, trọng lượng không đúng thể lệ quy định, hoặc đúng các hàng hóa cấm nhập khẩu.
B. Đồ vật nhập khẩu có điều kiện:
a) Phải có giấy phép của Bộ Ngoại thương nước Việt-nam dân chủ cộng hoà: Các hàng hoá có tính chất buôn bán.
b) Phải có giấy phép của Cục Hải quan.
1. Quà biếu trị giá trên 50 đồng;
2. Quà biếu của mỗi hộ tư nhân nhận trên một lần trong 6 tháng, mặc dầu trị giá từ 50 đồng trở xuống.
Quà biếu do các vị lãnh đạo Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể, các đoàn ngoại giao; các chuyên gia nhận được miễn giấy phép nhưng phải có giấy giới thiệu của cơ quan; đoàn thể sở quan.
c) Phải có giấy phép của các cơ quan Văn hóa nước Việt-nam dân chủ cộng hòa:
1. Tranh ảnh, tượng; các loại sách báo, phim chiếu bóng, đĩa hát; các đồ dùng về sân khấu không phải là mỹ phẩm, các sản phẩm văn nghệ khác;
2. Các loại đồ chơi trẻ em.
d) Phải có giấy phép của Bộ Y tế nước Việt-nam dân chủ cộng hòa:
Dược liệu có tính chất thuốc phiện.
đ) Phải có giấy phép chứng nhận kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch y tế của nước gửi:
Chăn màn cũ, quần áo cũ; giầy dép cũ.
e) Phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch nông nghiệp của nước gửi: thực vật, sản phẩm thực vật, có khả năng mang sâu bệnh, cỏ dại thuộc đối tượng kiểm dịch.
g) Phải có giấy phép của Bộ Công an nước Việt-nam dân chủ cộng hòa: Súng đạn săn.
Thông tư liên bộ 176-A-NT-BĐ năm 1964 về thủ tục xuất nhập khẩu bưu phẩm và bưu kiện do Liên bộ Bộ Ngoại thương và Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh ban hành.
- Số hiệu: 176-A-NT-BĐ
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 23/12/1964
- Nơi ban hành: Bộ Ngoại thương, Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh
- Người ký: Nghiêm Bá Đức, Ngô Huy Văn
- Ngày công báo: 31/12/1964
- Số công báo: Số 49
- Ngày hiệu lực: 07/01/1965
- Ngày hết hiệu lực: 17/06/1981
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực