BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 17-TT/LB | Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 1965 |
Kính gửi: các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh
Để thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với hoạt động của các Ban đại biểu, Ban bảo vệ dân phố và tạo điều kiện thuận lợi cho các Ban đại biểu, Ban bảo vệ dân phố làm công tác đạt nhiều kết quả hơn nữa trong tình hình, nhiệm vụ mới hiện nay, căn cứ vào những quy định của Chính phủ đối với các cán bộ không thoát ly sản xuất ở cơ sở, Liên bộ Nội vụ - Tài chính – Y tế hướng dẫn một số điểm sau đây:
- Các phòng khám bệnh cần chú ý sắp xếp cho anh chị em được khám nhanh chóng để anh chị em khỏi mất nhiều thì giờ sản xuất và có thì giờ về phục vụ công tác;
- Theo khả năng sẵn có, các phòng khám bệnh cấp phát cho cán bộ Ban đại biểu, Ban bảo vệ dân phố một số loại thuốc thông thường, còn những loại thuốc phải ghi đơn mua ngoài thì do cán bộ Ban đại biểu, Ban bảo vệ dân phố tự lo liệu;
- Trường hợp cán bộ Ban đại biểu, Ban bảo vệ dân phố ốm đau được giới thiệu vào nằm bệnh viện, bệnh xá; các bệnh viện, bệnh xá cần chú ý sắp xếp để anh chị em đó được vào điều trị. Đối với anh chị em mà gia đình túng thiếu có chứng nhận của Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố thì được ưu tiên xét giảm hoặc miễn viện phí. Ví dụ: nếu đối tượng là nhân dân được giảm một phần ba viện phí thì cán bộ Ban đại biểu, Ban bảo vệ dân phố được giảm hai phần ba. Nếu đối tượng là nhân dân được giảm hai phần ba viện phí thì cán bộ Ban đại biểu, Ban bảo vệ dân phố được miễn hẳn.
Chi phí trên tính vào kinh phí xã hội của địa phương.
Đối với anh chị em gặp khó khăn thì được xét trợ cấp khó khăn. Khoản trợ cấp này tính vào kinh phí xã hội của địa phương. Việc trợ cấp khó khăn cho cán bộ Ban đại biểu, Ban bảo vệ dân phố phải thiết thực, có khó khăn thực sự mới trợ cấp, không đặt thành chế độ trợ cấp thường xuyên.
Tiêu chuẩn để xét trợ cấp khó khăn cho cán bộ Ban đại biểu, Ban bảo vệ dân phố áp dụng như tiêu chuẩn đối với nhân dân, nhưng được ưu tiên nâng lên một mức. Ví dụ: nếu thuộc đối tượng được trợ cấp ở mức 15 đồng thì được nâng lên mức 25 đồng v.v…
Trường hợp thật cần thiết phải yêu cầu anh chị em đó nghỉ sản xuất để đi làm những việc trên, phải do Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố quyết định, nhưng tổng số ngày nghỉ sản xuất của cán bộ cả hai Ban đại biểu và Ban bảo vệ dân phố tối đa không được quá 20 ngày trong một năm.
Những ngày phải nghỉ sản xuất như trên, cán bộ Ban đại biểu, Ban bảo vệ dân phố được hưởng thù lao mỗi người không quá 1đ20 một ngày; và mỗi khi được huy động làm công tác gì thì trích kinh phí về công việc ấy để trả thù lao, không lập thành dự trù kinh phí riêng về khoản thù lao này.
Chi phí trên tính vào kinh phí hành chính của thành phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố.
Thông tư này thi hành kể từ ngày ký. Nhận được thông tư này, các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh hướng dẫn cho các cấp trực thuộc thi hành.
BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
Thông tư liên bộ 17-TT/LB năm 1965 hướng dẫn một số điểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các Ban đại biểu và Ban bảo vệ dân phố do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính - Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 17-TT/LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 13/08/1965
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế
- Người ký: Đinh Thị Cẩn, Trịnh Văn Bính, Ung Văn Khiêm
- Ngày công báo: 01/09/1965
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 13/08/1965
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định