Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ-BỘ VĂN HOÁ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 17-LB-NV-VH | Hà Nội, ngày 02 tháng 08 năm 1963 |
Kính gửi: Các ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh.
Phủ Thủ tướng đã ra Chỉ thị số 23-TTg ngày 15-4-1963 quy định một số nguyên tắc hướng dẫn việc sửa đổi và đặt tên phố, vườn hoa, quảng trường, tên xã, thôn và thị trấn. Sau khi trao đổi ý kiến với Viện sử học, liên Bộ ra thông tư này nhằm giải thích và quy định những thể thức thi hành chỉ thị nói trên của Phủ Thủ tướng.
I. NGUYÊN TẮC SỬA ĐỔI VÀ ĐẶT TÊN PHỐ, VƯỜN HOA, QUẢNG TRƯỜNG, TÊN XÃ, THÔN VÀ THỊ TRẤN
A. ĐỐI VỚI TÊN PHỐ, VƯỜN HOA, QUẢNG TRƯỜNG:
Từ nay, ở miền Bắc, nên thống nhất dùng danh từ “phố” để chỉ các phố nhỏ và phố lớn, kể cả các phố có nhiều công thự và biệt thự, hai bên hè có trồng cây và nhiều nơi gọi là “đại lộ”. Danh từ “đường” dùng để chỉ những mạch giao thông, hai bên có ít nhà, có nhiều vườn hoa, hay hồ ao, nối liền nội thành với ngoại thành, với tỉnh lân cận, hay nối liền hai khu vực dân cư của thành phố, danh từ “ngõ” dùng để chỉ một đoạn đường ngắn, hẹp, nối liền hai phố, hoặc không có lối ra (ngõ cụt). Dùng danh từ “vườn hoa” để thay cho “công viên”. “Quảng trường” dùng để chỉ những khoảng đất rộng ở giữa thành phố, nơi gặp nhau của nhiều đường, phố lớn.
Cần tránh xáo trộn trong việc sửa đổi tên phố, vườn hoa, quảng trường: các tên có ý nghĩa truyền thống và tên các nhân vật, sự kiện lịch sử dùng đã hợp lý thì để nguyên, chỉ cần nghiên cứu sửa đổi các tên bất hợp lý một cách rõ rệt, nhất là tên của bọn thực dân, đế quốc, của bọn Việt gian, của giai cấp bóc lột, của các vua quan mà công lao hay sự nghiệp không đáng kể, của bọn phong kiến Trung quốc sang cai trị nước ta thời kỳ Bắc thuộc.
Các phố mang tên các lãnh tụ của Đảng, các chiến sĩ cách mạng đã mất và có công lao với sự nghiệp cách mạng của dân tộc hay đã hy sinh một cách anh dũng thì cần để nguyên. Còn tên các chiến sĩ cách mạng hiện còn sống thì nói chung nên sửa đổi và thay thế bằng những tên khác.
Đối với các phố mang tên nhân vật lịch sử hiện đại đã mất mà công, tội đối với nhân dân chưa xác định được dứt khoát thì việc sửa đổi tên cần nghiên cứu thận trọng.
Đối với các phố lớn, vườn hoa lớn và quảng trường, thì dùng tên các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, sự kiện lịch sử trong và ngoài nước có ý nghĩa lớn, hoặc tên các lãnh tụ của phong trào cách mạng thế giới, đối với các phố, vườn hoa loại vừa và các đường thì dùng tên các nhân vật, sự kiện lịch sử kém quan trọng hơn. Các phố nhỏ và các ngõ thì mang tên các nhân vật, sự kiện lịch sử ít quan trọng hơn nữa.
Để giúp đỡ các Ủy ban hành chính thành phố, thị xã, thị trấn trong việc đặt tên các phố, quảng trường, vườn hoa, Viện sử học Việt Nam đã lập danh sách một số cá nhân vật và sự kiện lịch sử trong và ngoài nước. Các Sở, Ty văn hóa sẽ dựa vào bản danh sách đó, gửi kèm theo thông tư này để lập bản danh sách dùng cho địa phương, cần thêm vào danh sách tên những danh nhân và sự kiện lịch sử có nhiều ý nghĩa với địa phương, tên những tỉnh hoặc thành phố miền Nam mà địa phương đã kết nghĩa.
Đối với tên các nhân vật thần thoại hoặc truyền thuyết đã trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc, hoặc tượng trưng cho tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân ta chống ngoại xâm thì cần duy trì.
Trong việc đặt tên các phố, cần chú ý dùng tên phụ nữ, người miền Nam, người các dân tộc, người đã có công phát minh và truyền bá các nghề.
Đối với các quảng trường, vườn hoa thì dùng tên các chiến công lớn, các sự kiện và địa điểm lịch sử quan trọng, các cuộc cách mạng và khởi nghĩa, các lãnh tụ đã mất của phong trào công nhân quốc tế, các danh nhân văn hóa lớn của dân tộc và của thế giới, không nên dùng các tên có tính chất khẩu hiệu, trừ những tên nói lên nguyện vọng độc lập và thống nhất của nhân dân ta, hoặc có ý nghĩa với nhân dân địa phương.
Cần khôi phục lại các tên có ý nghĩa truyền thống mà nhân dân đã quen dùng trước kia.
Đối với các phố mới và dài, cùng một quang cảnh từ đầu đến cuối, thì không nên cắt thành nhiều đoạn, gọi bằng nhiều tên khác nhau.
Từ nay trở đi, việc đặt tên các phố, vườn hoa, quảng trường mới xây dựng tại các thành phố trực thuộc Trung ương phải được Ủy ban phụ trách xét duyệt của Trung ương phê chuẩn.
B. ĐỐI VỚI TÊN XÃ, THÔN, BẢN, XÓM.
Những tên xã đặt bằng cách ghép chữ mới vào một chữ tên của huyện thì nói chung vẫn giữ nguyên. Nhưng, nếu tên cũ của một số xã do có ý nghĩa truyền thống, hoặc có ý nghĩa kinh tế, chính trị hay lịch sử quan trọng thì nhất thiết phải khôi phục lại. Thí dụ: các xã Cổ Loa, Tiên Điền, Võ Liệt, Lam Sơn, v.v… Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nghiên cứu khôi phục lại tên các xã này.
Không dùng tên nhân vật, kể cả những người đã mất, để đặt tên xã, thôn, bản, xóm. Cần sửa đổi tên các xã, thôn, bản, xóm mang tên các anh hùng dân tộc, các lãnh tụ, các chiến sĩ cách mạng như xã Lê Lợi, Quang Trung, Xuân Khu, Trường Chinh, Quốc Việt, Quốc Trị, xóm La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, v.v… và thay thế bằng những tên cũ mà nhân dân đã quen dùng trước kia. Trường hợp đặc biệt, nếu muốn giữ tên lãnh tụ của Đảng hay chiến sĩ cách mạng còn sống thì phải trình Hội đồng Chính phủ quyết định.
Cần sửa đổi các tên xã trùng nhau cùng trong một tỉnh, các tên có tính chất khẩu hiệu một cách quá rõ rệt mà hiện nay không còn thích hợp nữa, thí dụ: các xã Khởi Nghĩa, Kháng Chiến, Đồng Ý, Tranh Đấu, Xung Phong, Hy Sinh, Nhất Trí, Tiến Tới v.v… các tên xã miền núi đặt theo tiếng phổ thông mà nhân dân các dân tộc khó gọi, và thay thế những tên cần sửa đổi đó bằng những tên có ý nghĩa truyền thống, hoặc đã quen gọi trước kia.
Trường hợp một xã quá lớn phải chia thành hai, ba xã thì nên khôi phục lại các tên cũ của các xã, thôn đã có trước kia.
Trường hợp một xã hiện nay gồm hai hay ba xã cũ hợp lại thì nên chọn trong số các tên của các xã cũ đó, lấy một tên có ý nghĩa lịch sử nhất, hoặc ghép một chữ của các tên xã cũ thành tên xã mới.
Đối với các tên thôn, bản, xóm, nói chung cần khôi phục lại các tên cũ mà nhân dân đã quen gọi trước kia, trừ những tên của bọn địa chủ, phong kiến thì cần bỏ.
Trường hợp chia thôn, bản cũ hay xóm cũ thành một số thôn, bản mới hay xóm mới thì có thể ghép một chữ mới vào tên gốc của thôn, bản hay xóm cũ để đặt tên cho thôn, bản hay xóm mới.
A. NGUYÊN TẮC TIẾN HÀNH.
- Việc sửa đổi và đặt tên phố, quảng trường, vườn hoa ở các thành phố trực thuộc Trung ương do Ủy ban hành chính thành phố nghiên cứu và đưa trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định và Ủy ban phụ trách xét duyệt của Trung ương phê chuẩn trước khi thi hành.
- Ở các thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn, việc sửa đổi và đặt tên phố, vườn hoa, quảng trường do Hội đồng nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn quyết định và Ủy ban hành chính tỉnh phê chuẩn.
- Việc sửa đổi tên xã, thị trấn do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu và đưa trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng trước khi thi hành, phải được Bộ Nội vụ phê chuẩn.
Việc sửa đổi và khôi phục lại tên thôn, bản, xóm do các Ủy ban hành chính huyện nghiên cứu trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê chuẩn và báo cáo với Bộ Nội vụ.
B. Kế hoạch cụ thể.
Để tiến hành việc sửa đổi tên phố, vườn hoa, quảng trường tên xã, thôn và thị trấn, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng cần thành lập một bộ phận chuyên trách gồm có cán bộ của Ủy ban hành chính và cán bộ của Sở, Ty văn hóa để nghiên cứu việc thực hiện công tác này, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một Ủy viên Ủy ban hành chính.
Để đảm bảo tiến hành công tác này một cách thận trọng, nghiêm túc và hoàn thành trước ngày 30-12-1963, như chỉ thị của Phủ Thủ tướng đã quy định, đồng thời để chuẩn bị và tạo điều kiện cho Ủy ban phụ trách xét duyệt của Trung ương và Bộ Nội vụ phê chuẩn được tốt, việc sửa đổi tên phố, vườn hoa, quảng trường, tên xã, thôn và thị trấn của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần làm theo các bước công tác sau đây:
Bước 1. Từ nay đến ngày 15-9-1963, thẩm tra lại các tên phố, vườn hoa, quảng trường, các tên xã, thôn, bản, xóm và thị trấn, phân loại những tên cần duy trì và những tên cần sửa đổi và nghiên cứu đề xuất các tên dùng để thay thế.
Sau khi đã có dự kiến sửa đổi các tên phố, vườn hoa, quảng trường, các tên xã và thị trấn, và trước khi đưa ra Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thảo luận, Ủy ban hành chính cần cử cán bộ đến trao đổi với Bộ Nội vụ để chuẩn bị cho việc phê chuẩn sau này của Ủy ban phụ trách xét duyệt của Trung ương và của Bộ Nội vụ.
Đối với các tỉnh trong khu tự trị, thì trước khi trao đổi với Bộ Nội vụ, phải báo cáo và xin ý kiến của Ủy ban hành chính khu.
Bước 2. Từ 15-9 đến hết tháng 10-1963:
1. Về việc sửa đổi tên phố, vườn hoa, quảng trường ở hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng: Ủy ban hành chính thành phố xét và thông qua dự kiến của bộ phận chuyên trách rồi đưa ra Hội đồng nhân dân cung cấp thảo luận và quyết định. Sau đó, Ủy ban hành chính thành phố lập hồ sơ gửi về Bộ Nội vụ, để Bộ Nội vụ nghiên cứu và chuẩn bị đưa ra Ủy ban phụ trách xét duyệt của Trung ương phê chuẩn.
Hồ sơ về việc này gồm có các tài liệu sau đây:
a) Danh sách các phố, vườn hoa, quảng trường đã được Hội đồng nhân dân thành phố quyết định sửa đổi tên (theo mẫu số 1) ([1]).
b) Danh sách toàn bộ các phố, vườn hoa, quảng trường của thành phố, xếp theo khu phố hay theo thứ tự ABC.
c) Một bản đồ thành phố có ghi các tên hiện nay của các phố, vườn hoa, quảng trường.
d) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố.
2. Về việc sửa đổi tên xã và thị trấn: Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét và thông qua dự kiến của bộ phận chuyên trách rồi đưa về lấy ý kiến của Ủy ban hành chính huyện và kiến nghị của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính xã , thị trấn sở quan.Sau đó, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cung cấp quyết định, rồi lập hồ sơ gửi lên Bộ Nội vụ để xét duyệt.
Hồ sơ gồm có các tài liệu sau đây:
a) Danh sách các xã, thị trấn đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định sửa đổi tên (theo mẫu số 2).
b) Kiến nghị của Hội đồng nhân dân các xã và thị trấn sở quan, đề nghị sửa đổi tên xã và thị trấn.
c) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với việc sửa đổi tên xã và thị trấn tại các khu tự trị, thì ngoài những thủ tục và giấy tờ nói trên, còn cần phải có sự đồng ý của Ủy ban hành chính khu tự trị.
3. Về việc sửa đổi tên phố, vườn hoa, quảng trường ở các thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn: các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét và thông qua dự kiến của bộ phận chuyên trách, rồi đưa xuống các Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn thảo luận và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, sau đó, Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn lập hồ sơ, trình Ủy ban hành chính tỉnh, hoặc thành phố trực thuộc Trung ương phê chuẩn.
Hồ sơ gồm có các tài liệu sau đây:
a) Danh sách các phố đã được Hội đồng nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn quyết định sửa đổi tên. (mẫu số 3).
b) Một bản đồ thành phố, thị xã, thị trấn có ghi tên hiện nay của các phố, vườn hoa, quảng trường.
c) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn.
4. về việc sửa đổi và khôi phục lại các tên thôn, bản, xóm: Ủy ban hành chính huyện gửi dự kiến về các xã, sở quan để lấy ý kiến của Ủy ban hành chính và kiến nghị của Hội đồng nhân dân. Sau đó, Ủy ban hành chính huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định rồi lập hồ sơ trình Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê chuẩn.
Hồ sơ gồm có:
a) Danh sách các thôn, bản, xóm đã được Hội đồng huyện quyết định sửa đổi tên (mẫu số 4).
b) Kiến nghị của Hội đồng nhân dân và đề nghị của Ủy ban hành chính xã sở quan.
c) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện.
Bước 3. Trong tháng 12-1963: Sau khi Ủy ban phụ trách xét duyệt của Trung ương đã phê chuẩn việc sửa đổi tên các phố, vườn hoa, quảng trường tại hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng, sau khi Bộ Nội vụ đã phê chuẩn việc sửa đổi tên các xã và thị trấn, và sau khi Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã phê chuẩn việc sửa đổi tên thôn, bản, xóm và việc sửa đổi tên phố, vườn hoa, quảng trường ở các thị trấn thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Ủy ban hành chính địa phương sẽ tổ chức phổ biến trong các cuộc họp của nhân dân khu phố, xã, thị trấn sở quan và trên các báo và bản tin của địa phương, lý do sửa đổi tên phố, vườn hoa, quảng trường, tên xã, thôn, bản, xóm và thị trấn. Sau đó sẽ thực hiện việc dùng tên mới.
Đối với việc sửa đổi tên phố, vườn hoa, quảng trường, ở các thị trấn, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong khu tự trị, và việc sửa đổi tên xã, thôn, bản, xóm, hoặc thị trấn trong khu, Ủy ban hành chính khu tự trị hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh trong khu nghiên cứu, thực hiện đúng thời hạn và phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương.
Sau khi Ủy ban phụ trách xét duyệt của Trung ương đã phê chuẩn việc sửa đổi tên phố, vườn hoa, quảng trường tại hai thành phố Hà Nội, Hải Phòng, sau khi Bộ Nội vụ đã phê chuẩn việc sửa đổi tên xã, và thị trấn và sau khi Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương đã phê chuẩn việc sửa đổi tên phố vườn hoa, quảng trường tại các thành phố thuộc tỉnh, thị xã và tên các thôn, bản, xóm, các Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương sẽ gửi bản liệt kê các tên phố, vườn hoa, quảng trường tại các thành phố, thị xã, thị trấn, và bản liệt kê các tên xã, thị trấn cho Bộ Nội vụ. Riêng đối với tên xã, trong bản liệt kê, cần ghi thêm số thôn và tên từng thôn của mỗi xã và có kèm theo bản tiểu sử sơ lược của mỗi xã về quá trình phần hợp xã và thay đổi tên xã thôn và tên từng thôn của mỗi xã và có kèm theo bản tiểu sử sơ lược của mỗi xã về quá trình phân hợp xã và thay đổi tên xã thôn từ 1945 đến nay (Mẫu số 5 và số 6). Các tài liệu này cần làm xong trước ngày 30-12-1963. Riêng về tiểu sử các xã thì có thể gia hạn đến ngày 30-03-1964.
Sau khi nhận được thông tư này, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phân công ngay Ủy ban phụ trách, chỉ định cán bộ có khả năng đảm nhiệm công tác này và sử dụng tốt cán bộ của Sở, Ty văn hóa, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện thực hiện việc sửa đổi và đặt tên phố, vườn hoa, quảng trường tại các thành phố, thị xã, thị trấn và việc sửa đổi tên các thị trấn, xã, thôn, xóm, ở các huyện được gọn và tốt, không gây trở ngại cho công tác hành chính và sản xuất. Trong quá trình tiến hành công tác này, nếu gặp khó khăn gì, các Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố cần báo cáo với Bộ Nội vụ, hoặc cử cán bộ trực tiếp đến Bộ Nội vụ để tranh thủ ý kiến giải quyết, nhằm hoàn thành công tác này trước thời hạn đã quy định trong chỉ thị của Phủ Thủ tướng.
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA | BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
([1]) Chú thích: Mẫu số 1, 2, 3, 4, 5, 6, không đăng Công báo. |
|
Thông tư liên bộ 17-LB-NV-VH năm 1963 hướng dẫn Chỉ thị 23-TTg về việc sửa đổi và đặt tên phố, vườn hoa, quảng trường, tên xã, thôn và thị trấn do Bộ Nội vụ - Bộ Văn hóa ban hành
- Số hiệu: 17-LB-NV-VH
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 02/08/1963
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Văn hoá
- Người ký: Ung Văn Khiêm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 29
- Ngày hiệu lực: 17/08/1963
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra