Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-TT/LB

Hà Nội , ngày 05 tháng 08 năm 1959 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ CHẾ ĐỘ MAI TÁNG PHÍ VÀ TRỢ CẤP CHO GIA ĐÌNH CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC CHẾT KHÔNG DO CÔNG TÁC.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi:

Thủ tướng Phủ,
Các Bộ,
Các cơ quan, đoàn thể Trung ương,
Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố,
Các Khu, Sở, Ty, Phòng lao động.

 

Chế độ mai táng phí và trợ cấp cho gia đình cán bộ, công nhân, viên chức chết không do tai nạn lao động, không phải vì nhiệm vụ, hiện đương thi hành, có nhiều điểm không thống nhất giữa hai khu vực sản xuất và hành chính; đối với công nhân, viên chức phù động, tạm tuyển ngoài biên chế lại chưa có chế độ, nên các cơ quan, xí nghiệp đã gặp nhiều mắc mứu, khó giải quyết và làm cho cán bộ, công nhân, viên chức thắc mắc.

Trong khi chờ đợi Chính phủ ban hành chế độ tiền tuất, để giải quyết ngay những mắc mứu hiện tại của các cơ quan, xí nghiệp, sau khi được Thủ tướng Phủ đồng ý, Liên bộ Lao động, Nội vụ tạm thời ban hành văn bản này nhằm mục đích thống nhất chế độ mai táng phí và trợ cấp cho gia đình cán bộ, công nhân, viên chức chết không do tai nạn lao động, không phải vì nhiệm vụ ở cả hai khu vực như sau:

1. Mai táng phí:

Từ nay sẽ lấy chế độ mai táng phí hiện đương thi hành ở khu vực hành chính sự nghiệp để áp dụng thống nhất cho mọi cán bộ, công nhân, viên chức ở trong biên chế không phân biệt là công nhân viên chức kháng chiến, lưu dụng hay tuyển dụng sau hòa bình ở tất cả các cơ quan, doanh, xí nghiệp, công, nông, lâm trường cụ thể gồm có:

- Áo quan loại gỗ trung bình, theo giá địa phương,

- 6 mét vải liệm (vải diềm bâu),

- Tiền thuê người chôn cất (tiền thuê người khâm liệm, tiền thuê người đào huyệt nếu có),

- Tiền thuê xe tang (nếu ở thành phố),

- Tiền thuê đất ở nghĩa trang (nếu  có),

- Tiền mua hương, nến, một vòng hoa,

- Tiền mua một tấm bia đá (bề cao 0m40, bề ngang 0m25) theo giá địa phương.

Riêng đối với cán bộ, công nhân, viên chức miền Nam do hoàn cảnh đặc biệt, (ở xa quê hương, không có thân nhân săn sóc phần mộ) nên ngoài chế độ chung như trên, còn có thêm:

- Tiền xây mộ bằng gạch, chi theo giá địa phương (bề dài 2 mét, bề ngang 1m20, bề dày 0m40, bề cao 0m60: 0m40 trên mặt đất, 0m20 chân).

- Tiền thuê thợ chụp ảnh (2 bức ảnh 6x9, 1 bức chụp lúc chưa khâm liệm, một bức chụp lúc hạ huyện hoặc cử hành lễ tang) nếu có điều kiện.

Trường hợp cán bộ, công nhân, viên chức chết tại cơ quan, xí nghiệp, công trường… thì đơn vị có trách nhiệm chôn cất và được chi tiêu các khoản như trên theo thực chi.

Trường hợp cán bộ, công nhân, viên chức chết ở gia đình, do gia đình lo liệu chôn cất thì đơn vị cũng cấp tiền mai táng phí như trên, tính theo giá hiện vật ở địa phương nơi chôn  cất.

2. Trợ cấp cho gia đình người chết:

- Chế độ trợ cấp cho gia đình cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế chết từ nay cũng thi hành thống nhất ở cả 2 khu vực như chế độ hiện hành ở khu vực hành chính sự nghiệp, cụ thể là:

Khi một cán bộ, công nhân, viên chức chết không do tai nạn lao động, không phải vì nhiệm vụ thì thân nhân (chồng, vợ, các con, hoặc cha mẹ) được hưởng một khoản trợ cấp tính theo số năm làm việc, mỗi năm bằng 1 tháng lương kể cả các khoản phụ cấp. Số tiền trợ cấp không được quá 6 tháng lương kể cả các khoản phụ cấp. Khi tính những tháng lẻ thì cứ 6 tháng trở xuống tính nửa năm, trên 6 tháng trở lên tính cả năm.

Riêng đối với công nhân, viên chức lưu dụng, nếu đã được xếp vào các thang lương chung thì cũng trợ cấp tính theo lương cấp bậc như trên. Nếu chưa xếp bậc, thì tùy theo hoàn cảnh gia đình từng người, và tùy theo thời gian đã cống hiến cho Chính phủ ta, mà cơ quan, xí nghiệp xét cho hưởng trợ cấp trong khoản từ 1 đến 6 tháng lương (theo nguyên lương), không nhất thiết mỗi năm một tháng lương, để giữ được tương quan tốt giữa người đã được xếp lương và chưa được xếp lương.

3. Đối với công nhân viên ngoài biên chế:

- Công nhân viên phù động, tạm tuyển (ngoài biên chế) đã làm việc thường xuyên liên tục trên 1 năm, do khó khăn nào đó, chưa đưa vào biên chế được, nếu chết (không do tai nạn lao động, không phải vì nhiệm vụ) cũng được áp dụng chế độ mai táng phí và trợ cấp cho gia đình như cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế nói ở phần trên.

Còn đối với công nhân viên tạm tuyển, phù động (ngoài biên chế) mới làm việc một thời gian ngắn, từ một vài tháng đến dưới 1 năm, thì áp dụng như sau:

a) Mai táng phí. - Nếu chết ở cơ quan, xí nghiệp, công trường, … thì đơn vị có trách nhiệm chôn cất và thanh toán theo chế độ mai táng phí chung đã nói ở phần trên.

- Nếu chết ở gia đình, thì gia đình lo liệu chôn cất, cơ quan, xí nghiệp không cấp mai táng phí.

b) Trợ cấp cho gia đình. - Nếu đã làm việc được từ 1 đến 6 tháng, tùy theo hoàn cảnh gia đình từng người, thân nhân có thể được trợ cấp từ 10 đến 15 ngày lương kể cả phụ cấp khu vực (nếu có).

- Nếu đã làm việc được từ 6 tháng đến 1 năm tùy theo hoàn cảnh gia đình từng người, thân nhân có thể được trợ cấp từ 15 ngày đến 1 tháng lương kể cả phụ cấp khu vực (nếu có).

- Nếu người chết đã được đơn vị cấp mai táng phí và chôn cất chu đáo rồi thì thân nhân không được lĩnh khoản trợ cấp này nữa.

- Cách tính lương tháng  ra lương ngày thì lấy lương tháng chia cho 25 ngày rưỡi. Nếu lĩnh lương khoán thì tính theo lương ngày hay lương tháng của người cùng làm việc, năng lực tương đương.

Những người làm khoán tự do, có việc thì làm không có việc thì nghỉ và được tự do đi làm nơi khác, những người làm theo lối gia công không thuộc đối tượng được hưởng các chế độ nói trên.

Các chế độ trên đây là để áp dụng cho trường hợp cán bộ, công nhân, viên chức chết không do tai nạn lao động. Còn trường hợp chết do tai nạn lao động vẫn áp dụng như chế độ hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ban hành. Các chế độ quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG

 
 


Tô Quang Đẩu

BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG

 


 
Nguyễn Văn Tạo

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 16-TT/LB năm 1959 chế độ mai táng phí và trợ cấp cho gia đình cán bộ, công nhân, viên chức chết không do công tác do liên bộ Bộ Lao Động- Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 16-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 05/08/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo, Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 31
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản