Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16-LB/TT | Hà Nội , ngày 29 tháng 5 năm 1992 |
Thực hiện Quyết định số 113/HĐBT ngày 4-7-1988 của Hội đồng Bộ trưởng, Quyết định số 112-LĐTBXH/QĐ ngày 4-4-1991 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức chương trình quốc gia nước sinh hoạt nông thôn và Thông tư số 03/HCVX ngày 16-2-1989 của Bộ Tài chính quy định tạm thời chế độ quản lý tài chính đối với cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp; để việc tiếp nhận, sử dụng thiết bị, vật tư và ngoại tệ viện trợ thuộc chương trình này có hiệu quả, đúng cam kết và phù hợp với hoàn cảnh thực tế của nước ta; Liên Bộ Tài chính - Lao động thương binh và Xã hội hướng dẫn chế độ quản lý tài chính chương trình quốc gia nước sinh hoạt nông thôn do tổ chức UNICEF viện trợ như sau:
1. Chương trình quốc gia nước sinh hoạt nông thôn (gọi tắt là chương trình nước các cấp) gồm 2 bộ phận:
- Bộ phận quản lý chương trình ở Trung ương (gọi tắt là chương trình nước Trung ương).
- Bộ phận quản lý chương trình ở các địa phương (gọi tắt là chương trình nước địa phương).
2. Tất cả thiết bị, vật tư và ngoại tệ do tổ chức UNICEF viện trợ cho chương trình phải được quản lý thống nhất như mọi tài sản khác trong nước theo chế độ quản lý tài sản hiện hành.
3. Chương trình nước các cấp thực hiện quản lý chặt chẽ các nguồn thu, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả cho các hoạt động của chương trình trên nguyên tắc triệt để tiết kiệm và đúng mục đích đã được quy định.
I- CHƯƠNG TRÌNH NƯỚC TRUNG ƯƠNG
Thực hiện quản lý tài chính chương trình với những nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Công tác kế hoạch:
a) Cùng UNICEF tại Hà Nội xác định kế hoạch chuyển giao thiết bị, vật tư, ngoại tệ viện trợ dài hạn và hàng năm để có căn cứ thông báo cho các địa phương xây dựng kế hoạch.
b) Lập và thông báo kế hoạch tiếp nhận, phân phối thiết bị, vật tư, ngoại tệ viện trợ (theo các hợp đồng đặt hàng trong nước và nước ngoài của UNICEF) cho các địa phương dưới sự chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và sự tham gia của Bộ Tài chính (Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế).
c) Lập và tổng hợp kế hoạch thu, chi tài chính hàng năm và từng quý của chương trình báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính (Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế) để tổng hợp vào kế hoạch Ngân sách Nhà nước.
d) Kế hoạch thu, chi tài chính của chương trình bao gồm:
Kế hoạch thu:
+ Thu về giá trị thiết bị, vật tư, ngoại tệ do UNICEF viện trợ.
+ Thu tương ứng với 2% giá trị của thiết bị, vật tư, ngoại tệ viện trợ do chương trình nước các địa phương tiếp nhận trong năm.
+ Thu từ các hoạt động dịch vụ về lập quy hoạch tổng thể nước sinh hoạt trên địa bàn, xây dựng và thực hiện các giải pháp xử lý nước theo yêu cầu của các cơ sở, thực hiện các hợp đồng nghiên cứu khoa học v.v...
+ Thu về các khoản ngoại tệ do UNICEF tài trợ cho đào tạo, hội thảo, v.v... cho chương trình.
Kế hoạch chi:
+ Kế hoạch phân phối giá trị thiết bị, vật tư, ngoại tệ do UNICEF viện trợ cho các địa phương.
+ Chi cho bộ máy quản lý chương trình bao gồm: lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ quản lý chương trình, các khoản chi phí quản lý khác đảm bảo cho bộ máy hoạt động.
+ Chi cho hoạt động của chương trình: bao gồm chi cho đào tạo, tập huấn, tổ chức tuyên truyền, vận động nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học; hội nghị tổng kết và đánh giá theo định kỳ.
+ Chi khác phục vụ chương trình (đón tiếp, làm việc với chuyên gia, tổ chức hội thảo, v.v...)
+ Chia mua sắm thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho các hoạt động dịch vụ và các khoản thuế phải nộp của các hoạt động này theo luật thuế hiện hành.
e) Xây dựng và thông báo các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, mức thu cụ thể của từng loại hoạt động dịch vụ, định mức các khoản chi khác để các địa phương làm căn cứ xây dựng kế hoạch giá thành bình quân một nguồn nước từng loại gửi chương trình nước Trung ương.
h) Với sự tham gia của Liên Bộ, xét duyệt và thông báo cho các địa phương giá thành bình quân hợp lý của một nguồn nước từng loại (trên cơ sở kế hoạch của địa phương gửi lên) để địa phương làm căn cứ xây dựng kế hoạch thu, chi tài chính của chương trình trên địa bàn.
i) Phối hợp với các cơ quan tổng hợp, các ngành liên quan (Giáo dục, Y tế...) cùng với tổ chức quốc tế thiết kế, xây dựng các chương trình lồng ghép với chương trình nước để thông báo cho địa phương thực hiện trên địa bàn.
2. Chỉ đạo thực hiện:
a) Khi có thông báo nhận thiết bị, vật tư, ngoại tệ viện trợ (kể cả thiết bị, vật tư sản xuất trong nước) Chương trình nước Trung ương đến Bộ Tài chính (Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế) làm thủ tục xác nhận, tiếp nhận và phân phối thiết bị, vật tư cho các địa phương; đồng gửi kế hoạch phân phối cho Sở Tài chính theo dõi quản lý trên địa bàn.
Chương trình nước Trung ương thông báo và cấp lệnh giao thiết bị, vật tư khi các địa phương thực hiện đúng các quy định lập và xét duyệt kế hoạch nêu trên.
b) Quy định và kiểm tra việc thu các khoản tiền (vận chuyển, lưu kho...) của các địa phương nơi gần cảng được uỷ nhiệm nhận và giao thiết bị, vật tư cho các địa phương khác.
c) Thường xuyên hướng dẫn và phối hợp với chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới tại hiện trường, giám sát việc thi công các công trình để đảm bảo tiến độ và chất lượng các nguồn nước được xây dựng.
d) Tổ chức đào tạo và tập huấn cho các địa phương về khảo sát, xây dựng kế hoạch, khoan giếng lắp đặt hệ thống tự chảy, công tác bảo dưỡng... theo đúng kế hoạch chi hàng năm, hàng quý nhằm không ngừng nâng cao trình độ cho các địa phương trong việc thực hiện chương trình viện trợ của UNICEF.
e) Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động dân cư về thói quen sử dụng nước sạch, có ý thức sử dụng nguồn nước và tự giác đóng góp xây dựng các công trình. Quan hệ chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Nhà nước nhằm tranh thủ và khai thác thêm nguồn viện trợ để bổ sung xây dựng các công trình, giảm bớt sự đóng góp của nhân dân.
h) Thường xuyên nghiên cứu, lựa chọn để kế thừa các giải pháp kỹ thuật cung cấp nước dân gian bằng công nghệ xử lý đơn giản, dễ quản lý, giá thành hạ; tận dụng nguyên vật liệu trong nước nhằm giảm giá thành công trình và mở rộng diện tích cấp nước cho nhân dân nông thôn.
i) Thường xuyên tổng kết, đánh giá đúc rút kinh nghiệm trên các mặt công tác để đảm bảo hiệu quả của chương trình.
3. Báo cáo, quyết toán và kiểm tra:
a) Thường xuyên phối hợp với cơ quan tài chính địa phương kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc huy động và quản lý các nguồn thu, việc sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả thiết bị, vật tư, tiền vốn đã được duyệt trong kế hoạch của chương trình nước các địa phương.
b) Hướng dẫn nghiệp vụ tài chính kế toán cho các địa phương, tổng hợp tình hình phân phối, sử dụng thiết bị vật tư, ngoại tệ viện trợ và báo cáo, quyết toán toàn bộ chương trình nước các cấp hàng quý, hàng năm với Bộ Lao động thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.
c) Cùng với đại diện của UNICEF, thực hiện việc thanh toán vật tư cho các địa phương theo đúng kế hoạch và địa bàn được duyệt
d) Tổng hợp và quyết toán với Bộ Tài chính (Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế) hàng năm, hàng quý về giá trị thiết bị, vật tư, ngoại tệ viện trợ thực nhận và phân phối cho các địa phương.
II- CHƯƠNG TRÌNH NƯỚC ĐỊA PHƯƠNG
Thực hiện quản lý tài chính chương trình với những nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Công tác kế hoạch:
a) Hàng năm, trên cơ sở thông báo của chương trình nước Trung ương, lập kế hoạch tiếp nhận và sử dụng thiết bị vật tư, ngoại tệ viện trợ.
b) Xây dựng kế hoạch giá thành bình quân của nguồn nước từng loại gửi chương trình nước Trung ương.
Giá thành bình quân của một nguồn nước bao gồm các khoản mục như sau:
- Nhiên liệu, vật liệu và công cụ lao động: khoản mục này do UNICEF trợ giúp. Chỉ tính thêm vào khoản mục này chi phí mua vật liệu trong nước (cát, đá, sỏi).
- Chi phí tiếp nhận, vận chuyển thiết bị, vật tư đến chân công trình.
- Chi phí nhân công: tiền lương và các khoản phải trả cho công nhân trực tiếp thi công công trình.
- Chi phí quản lý chương trình nước địa phương.
- Chi phí quản lý chương trình nước Trung ương (phần trích nộp 2%)
c) Trên cơ sở giá thành bình quân hợp lý của một nguồn nước đã được chương trình nước Trung ương và Liên Bộ xét duyệt, hàng năm và từng quý lập và tổng hợp dự toán thu, chi tài chính của chương trình trên địa bàn gửi chương trình nước Trung ương và Sở Tài chính để tổng hợp vào kế hoạch Ngân sách địa phương.
d) Kế hoạch thu, chi tài chính của chương trình bao gồm:
+ Kế hoạch thu:
- Thu về giá trị thiết bị, ngoại tệ do UNICEF viện trợ trên địa bàn.
- Thu trên giá thành hợp lý của các nguồn nước (huy động đóng góp của dân cư) đã được chương trình nước Trung ương và Liên Bộ xét duyệt.
- Thu về các hoạt động dịch vụ do xây dựng và thực hiện các giải pháp xử lý nước, bảo dưỡng theo yêu cầu của từng hộ dân cư.
- Thu do Ngân sách địa phương cấp để xây dựng cơ sở ban đầu (nếu có).
+ Kế hoạch chi:
- Chi cho bộ máy quản lý chương trình bao gồm: chi lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ quản lý chương trình, các khoản chi phí quản lý khác đảm bảo cho bộ máy của chương trình hoạt động.
- Chi cho hoạt động của chương trình: chi cho công tác tuyên truyền, vận động...
- Chi nộp 2% lên chương trình nước Trung ương.
- Chi để xây dựng các nguồn nước chi phí về nguyên nhiên liệu và công cụ lao động; chi phí tiếp nhận, vận chuyển thiết bị, vật tư; chi phí nhân công.
- Chi mua sắm thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, phục vụ cho các hoạt động dịch vụ và các khoản thuế phải nộp của các hoạt động này theo luật thuế hiện hành.
- Chi phí xây dựng cơ sở ban đầu (kho xưởng) nếu có.
2. Tổ chức thực hiện:
a) Khi có thông báo của chương trình nước Trung ương, tiến hành việc tiếp nhận thiết bị, vật tư, ngoại tệ viện trợ (kể cả thiết bị, vật tư sản xuất trong nước) và quản lý theo thông tư số 45-TC/VT ngày 18-8-1991 của Bộ Tài chính.
b) Trên cơ sở giá thành bình quân hợp lý của một nguồn nước được duyệt, thực hiện việc huy động đóng góp của dân cư theo định mức đối với các khoản mục ngoài nhiên liệu, vật liệu và công cụ lao động do UNICEF trợ giúp để xây dựng nguồn nước theo kế hoạch.
c) Tổ chức giám sát, điều hành các đội, công ty và xí nghiệp thực hiện việc khoan, lắp đặt giếng và thi công các công trình nước theo kế hoạch, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình trên các địa bàn đã được phê duyệt.
d) Khi kết thúc công trình, lập hội đồng (có đại diện của cơ quan tài chính đồng cấp tham gia) kiểm kê, đánh giá và chuyển giao cho chính quyền địa phương quản lý theo chế độ quản lý tài chính hiện hành.
e) Tiến hành các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu của dân cư trong việc xử lý và bảo dưỡng nguồn nước, thường xuyên hướng dẫn việc bảo dưỡng cho các cơ sở.
h) Duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động rộng rãi đối với dân cư trên địa bàn các huyện, xã có ý thức sử dụng và tự giác đóng góp xây dựng các công trình trên địa bàn.
Ngoài ra, phối hợp với các Ban, ngành trên địa bàn, thực hiện các chương trình lồng ghép theo kế hoạch của chương trình nước Trung ương.
3. Báo cáo quyết toán và kiểm tra:
a) Tổ chức kế toán chuyên trách để ghi chép, phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời mọi khoản thu, chi thực tế của chương trình. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ gửi chương trình nước Trung ương (báo cáo tiến độ thực hiện, tình hình tài chính và các mặt liên quan khác đến chương trình).
Hàng quý, hàng năm tổng hợp toàn bộ tình hình tiếp nhận, sử dụng thiết bị, vật tư, ngoại tệ viện trợ và báo cáo quyết toán gửi chương trình nước Trung ương và Sở Tài chính.
b) Báo cáo và thanh quyết toán chi phí xây dựng cơ sở ban đầu (nếu có) khi công trình hoàn thành với Sở Tài chính.
c) Giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra của cơ quan tài chính và chương trình nước Trung ương đối với việc thực hiện kế hoạch của mình.
III- QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI CÁC KHOẢN THU, CHI
1. Các khoản thu trong giá thành một nguồn nước:
Việc quy định giá thành bình quân một nguồn nước phải xem xét đến nhu cầu dùng nước và điều kiện kinh tế, xã hội của từng vùng một cách hợp lý để đảm bảo huy động đóng góp phù hợp với khả năng thực tế của nhân dân.
Chương trình nước địa phương chỉ được huy động đóng góp của nhân dân trên cơ sở giá thành bình quân hợp lý của một nguồn nước đã được chương trình nước Trung ương và Liên Bộ xét duyệt.
Nghiêm cấm việc huy động đóng góp vượt định mức quy định dưới mọi hình thức.
2. Thu từ các hoạt động dịch vụ:
Chương trình nước Trung ương phải quy định cụ thể và thống nhất mức thu của từng loại hoạt động dịch vụ trên các địa bàn để các địa phương thực hiện. Cấm thu ngoài quy định và sử dụng không đúng mục đích.
Các hoạt động dịch vụ có khoản chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các loại thuế theo chế độ hiện hành) chương trình nước các cấp được sử dụng như sau:
- 60% được trích vào quỹ của đơn vị dùng vào việc khen thưởng và phúc lợi.
- 40% để bổ sung kinh phí hoạt động của chương trình Ngân sách Nhà nước (Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương) không cấp bù lỗ cho các hoạt động dịch vụ của chương trình nước các cấp.
3. Chi phí quản lý và các khoản chi phí khác:
- Chi phí mua vật liệu dùng trong nước (cát, đá, sỏi) phải được tính toán chặt chẽ, tận dụng tối đa vật liệu còn dôi thừa của các công trình khác đã hoàn thành, đảm bảo định mức khối lượng và các tiêu chuẩn kỹ thuật đã quy định.
- Chi phí tiếp nhận và vận chuyển vật tư, thiết bị đến chân công trình phải theo đúng định mức quy định đảm bảo vận chuyển đầy đủ kịp thời vật tư, thiết bị cho việc thi công công trình.
- Chi phí nhân công: tiền lương và các khoản phải trả cho công nhân trực tiếp thi công công trình phải theo đúng các thang, bảng lương hiện hành của Nhà nước, đồng thời có xem xét đến từng vùng trên cơ sở xét duyệt hàng năm của Bộ Lao động thương binh và Xã hội.
- Chi phí xây dựng cơ sở ban đầu (kho xưởng): Ngân sách địa phương chỉ cấp phần chi phí này cho những địa phương lần đầu thực hiện chương trình trên địa bàn theo đúng các quy định tại Nghị định số 385/HĐBT ngày 7-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng.
- Chi phí quản lý của chương trình các cấp phải theo đúng chế độ và định mức hiện hành.
Tiền lương và các khoản phải trả cho cán bộ quản lý của chương trình phải trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được duyệt hàng năm của chương trình nước các cấp.
Các khoản chi cho hội nghị, kiểm tra và đánh giá hiệu quả của chương trình phải theo đúng các quy định tại Thông tư số 43-TC/HCVX ngày 8-11-1991 , số 09-TC/HCVX và số 10-TC/HCVX ngày 26-2-1991 của Bộ Tài chính; đồng thời có xét đến đặc thù của chương trình viện trợ và các điều cam kết với tổ chức viện trợ để thực hiện cho phù hợp.
Trường hợp thu không đủ chi, chương trình nước các cấp phải tự điều chỉnh hoặc bổ sung từ nguồn lãi của các hoạt động dịch vụ được để lại (40%). Ngân sách Nhà nước không cấp bù.
Trường hợp ngược lại, chương trình nước các cấp được dùng số kinh phí thừa để bổ sung kinh phí quản lý của chương trình năm sau. Khi kết thúc tài khoá, kinh phí quản lý vẫn còn thừa, chương trình nước các cấp phải nộp toàn bộ vào Ngân sách Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, chương trình nước các cấp phản ánh về Liên Bộ để bổ sung, sửa đổi kịp thời.
Các văn bản từ trước trái với Thông tư này không có giá trị thi hành.
Nguyễn Thị Hằng (Đã ký) | Phạm Văn Trọng (Đã ký) |
Thông tư liên bộ 16-LB/TT năm 1992 hướng dẫn chế độ quản lý tài chính chương trình quốc gia nước sinh hoạt nông thôn do tổ chức UNICEF viện trợ do Bộ Tài chính - Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành
- Số hiệu: 16-LB/TT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 29/05/1992
- Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Thị Hằng, Phạm Văn Trọng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra