Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-TT/LB

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 1959 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC GẶP KHÓ KHĂN TÚNG THIẾU NĂM 1959.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi:

- Các Bộ,
- Các Ủy ban Hành chính, khu, thành phố, tỉnh,
- Các cơ quan, đoàn thể trung ương,
- Các Khu, Sở, Ty, Phòng Lao động, Liên hiệp Công đoàn các địa phương

 

Sau khi cải tiến và tăng lương năm 1958, đồng thời thi hành một số chính sách khác như: bình ổn vật giá thị trường, thu xếp việc làm cho một số người thiếu việc, v.v…, mức sinh hoạt của cán bộ, công nhân, viên chức đã được cải thiện hơn trước. Nhưng hiện nay còn một số người vì đông con, phải nuôi cha mẹ già hoặc vì gia đình có người ốm đau, thiếu việc làm, v.v…mà tiền lương lại ít thì sinh hoạt còn thấp và đời sống hàng ngày còn khó khăn chật vật.

Để chiếu cố đến hoàn cảnh khó khăn túng thiếu của cán bộ, công nhân, viên chức nói trên, ngày 17-6-1959, Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Liên bộ Lao động- Nội vụ “trích một số tiền trong quỹ xã hội để trợ cấp tạm thời cho những cán bộ, công nhân, viên chức đời sống còn khó khăn, nhằm giúp anh chị em có thêm khả năng giải quyết một phần về sinh hoạt để anh chị em phấn khởi công tác và sản suất”.

Thi hành chủ trương của Chính phủ và sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Ngân hàng trung ương, Liên bộ Lao động-Nội vụ ra thông tư hướng dẫn thi hành chế độ trợ cấp như sau:

I. BIỆN PHÁP CỤ THỂ

A. NGUYÊN TẮC.

1. Có khó khăn mới trợ cấp và có phân biệt người khó khăn thường xuyên hay tạm thời để áp dụng trợ cấp cho thích đáng.

2. Mức sinh hoạt của những người sau khi được trợ cấp không thể cao hơn mức sinh hoạt của những người không được trợ cấp mà cùng một cương vị công tác ở cùng một cơ quan hay xí nghiệp.

B. ĐỐI TƯỢNG TRỢ CẤP

1. Tất cả cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế (cả lực lượng cố định ở công trường) thuộc khu vực sản xuất và các cơ quan Dân, Chính, Đảng từ cấp huyện trở lên thuộc khu vực hành chính sự nghiệp.

2. Tất cả cán bộ, công nhân, viên chức và quân nhân chuyển ngành được giới thiệu đi học ở các trường chuyên nghiệp, bổ túc công nông, phổ thông lao động, đại học, chính trị và nghiệp vụ trong và ngoài nước, nếu gặp khó khăn thì đều được xét trợ cấp.

3. Những công nhân viên ngoài biên chế đã làm việc thường xuyên liên tục từ 6 tháng trở lên hưởng mức lương trong các thang lương do Chính phủ Trung ương ban hành và các mức lương do Hội đồng tiền công của các địa phương quy định và những công nhân bốc vác ở Cảng Hải phòng nếu đã làm việc thường xuyên liên tục từ 6 tháng trở lên, nếu gặp khó khăn đều được xét trợ cấp.

Những người làm việc chưa được 6 tháng, có việc làm thì làm, không có việc làm thì nghỉ (tạm thời) và những người hưởng theo giá cước bốc vác ở các ga, bến, kho, xưởng… (trừ Cảng Hải phòng), hưởng lương theo giá khoán tự do, khoán gia công… hoặc những người hưởng sinh hoạt phí như giáo viên dân lập, học nghề… thì không thuộc đối tượng của thông tư này.

C. TIÊU CHUẨN TRỢ CẤP

Hoàn cảnh khó khăn túng thiếu của cán bộ, công nhân, viên chức năm nay so với những lần trợ cấp gạo năm 1956-1957 có khác vì: Tình hình kinh tế ngày càng phát triển thì yêu cầu sinh hoạt của mọi người ngày càng được nâng lên, nên tình trạng khó khăn túng thiếu của cán bộ, công nhân, viên chức hiện nay không đến nỗi trầm trọng như năm 1956 do nạn thất nghiệp của địch để lại và cũng không quá túng thiếu như năm 1957 khi chưa tăng lương hoặ giá cả thị trường không ổn định. Nhưng trường hợp khó khăn túng thiếu hiện nay phổ biến là có đủ ăn, nhưng thiếu mặc hoặc có những gia đình lâm vào tình trạng “ăn trước trả sau” và do đó mức sống bình thường không ổn định. Có quan niệm đúng mức như vậy thì mới giải quyết thích đáng được yêu cầu của quần chúng gặp khó khăn túng thiếu hiện nay.

Nhưng vì khả năng tài chính có hạn và mức sinh hoạt của nhân dân lao động còn thấp, do đó mà khi xét trợ cấp cho cán bộ, công nhân, viên chức, cũng cần nhìn đến tương quan chung, không nên đẩy mức sinh hoạt của cán bộ, công nhân, viên chức quá chênh lệch, với nông dân và nhân dân lao động nói chung ở địa phương và có như vậy mới bảo đảm được số tiền Nhà nước quy định chi cho khoản trợ cấp này.

Sau đây là 3 loại tiêu chuẩn quy định cho từng trường hợp khó khăn:

Loại 1: - Gồm những người gặp khó khăn thường xuyên như gia đình đông con, trực tiếp nuôi cha mẹ già, em nhỏ, vợ bận con nhỏ không đi làm được mà tiền lương bản thân ít, vì những nguyên nhân trên mức sinh hoạt về ăn mặc quá thiếu tốn, đã nợ nần từ lâu chưa trả, nay vay mượn không được thì đời sống càng khó khăn chật vật hơn.

Loại 2: - Gồm những người gặp khó khăn tạm thời như gia đình đông người, có người chưa có việc làm hoặc làm thất thường, đông con nên sinh hoạt phải hạn chế và thỉnh thoảng lại phải chu cấp ít nhiều nuôi cha mẹ già hoặc phải đóng góp những chỉ tiêu khác trong gia đình, nay phải vay nợ mà khả năng không có trả hoặc muốn trả dần thì thiếu ăn mặc.

Loại 3- Gồm những người gặp khó khăn đột xuất như: bị cháy nhà, gia đình có người chết, có người bị bệnh nặng bất ngờ hoặc gặp những việc đột xuất khác mà phải chi mất nhiều tiền (không chi không được) nên phải vay nợ nay trả dần, làm mức sinh hoạt gia đình thay đổi đột ngột quá thấp.

D. MỨC TRỢ CẤP VÀ CÁCH ÁP DỤNG.

Mức trợ cấp cho mỗi lần bằng tối thiểu 20đ và tối đa 40đ và trợ cấp làm hai đợt, một đợt vào tháng 7 năm 1959 và một đợt vào khoảng tháng 9, tháng 10 năm 1959.

Tùy theo mức độ khó khăn của từng người thuộc từng loại tiêu chuẩn, có thể chia khoảng cách giữa tối thiểu với tối đa làm hai, ba mức nữa để trợ cấp cho thích hợp với hoàn cảnh từng đơn vị, từng địa phương, nhưng tránh xé lẻ quá vụn vặt và bỏ không mức tối đa.

Căn cứ vào mức độ khó khăn của từng loại tiêu chuẩn nói trên, quy định mức trợ cấp cho từng loại tiêu chuẩn đó từ nay đến hết tháng 12 năm 1959 như sau:

- Những người thuộc tiêu chuẩn loại 1 được trợ cấp hai lần, một lần vào tháng 7-1959 và một lần vào tháng 9 hay 10-1959. Nhưng nếu sau khi trợ cấp lần thứ nhất người đó đã giải quyết được khó khăn rồi thì thôi, không nhất thiết phải trợ cấp hết lần thứ hai.

- Những người thuộc tiêu chuẩn loại 2 được trợ cấp một lần vào tháng 7-1959, nhưng nếu sau khi trợ cấp một lần mà chưa giải quyết được khó khăn hoặc mới xảy ra trường hợp khó khăn đột xuất thì được trợ cấp lần thứ hai vào tháng 9 hay 10-1959.

- Những người thuộc tiêu chuẩn loại 3 được trợ cấp một lần vào bất kể ngày nào trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 12-1959. Nếu có trường hợp cá biệt xẩy ra việc đột xuất khác quá khó khăn thì có thể được xét và phạm vi khả năng quỹ trợ cấp còn thì mới được trợ cấp lần thứ hai.

II. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH

1. Số tiền chi cho khoản trợ cấp này thuộc quỹ xã hội của hai khu vực hành chính sự nghiệp và sản xuất. Những thủ tục thanh toán và cấp phát do Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương hướng dẫn theo chế độ hiện hành về quỹ xã hội ở hai khu vực.

2. Khi xét trợ cấp tuy dựa vào tình trạng sinh hoạt của từng người nhưng cũng cần đối chiếu với mức thu nhập bình quân trong gia đình để việc xét cấp được chính xác hơn.

3. Khoản trợ cấp này áp dụng chung cho cả những xí nghiệp có quỹ thưởng và xí nghiệp, cơ quan không có quỹ thưởng (quỹ tiền thưởng do điều lệ tạm thời số 133/TTg ngày 4-4-1957 của Thủ tướng phủ quy định). Riêng đối với những xí nghiệp có quỹ tiền thưởng, ngoài phạm vi khả năng khoản trợ cấp quy định chung trong thông tư này (tức là số tiền trong quỹ trợ cấp quy định chung chưa giải quyết hết được các trường hợp khó khăn) vẫn có quyền được trích từ 10% đến 15% trong quỹ thưởng để trợ cấp cho những người gặp khó khăn mà chế độ chung chưa giải quyết hết (vẫn theo tinh thần thể lệ tạm thời 133/TTg của Thủ tướng phủ và Thông tư số 3 ngày 20-1-1959 của Bộ Lao động).

4. Nhận được thông tư này, các ngành, các cấp nên tiến hành thật khẩn trương, không nên kéo dài thời gian ảnh hưởng đến sản xuất, công tác và không đáp ứng kịp thời yêu cầu của những người đang gặp khó khăn túng thiếu trong sinh hoạt.

Trong lúc tiến hành có thể có những trường hợp cùng hòan cảnh khó khăn như nhau mà cơ quan, xí nghiệp này trợ cấp nhiều; cơ quan, xí nghiệp kia trợ cấp ít hoặc không trợ cấp để gây hiện tượng thiếu đoàn kết trong nội bộ cán bộ, công nhân, viên chức nên:

- Về phía lãnh đạo, tuy việc làm phải khẩn trương nhưng không vì thế mà thiếu thận trọng, cân nhắc trước khi quyết định.

- Về phía anh chị em, cũng cần thông cảm những khó khăn của lãnh đạo và kịp thời phát hiện những trường hợp không hợp lý, để lãnh đạo bổ sung hoặc giải thích cho rõ, không nên suy bì thắc mắc để ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và công tác.

5. Để bảo đảm sự chỉ đạo thực hiện tốt, rút kinh nghiệm những lần trợ cấp gạo trước đây thì các ngành, các địa phương tiến hành theo những điểm sau đây:

- Ở các xí nghiệp, cơ quan, là cơ sở trực tiếp xét trợ cấp nên làm nhẹ nhàng nhưng phải bảo đảm tốt và đoàn kết nội bộ. Việc xét trợ cấp là do chuyên môn phối hợp với công đoàn xét và thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp quyết định; nhưng để việc xét cấp được đúng, sát hơn thì tập thể lãnh đạo nói trên khi xét cấp nên lấy ý kiến tham gia của các tổ trưởng Công đòan và nếu có trường hợp quá khó khăn trong lúc xét cấp thì tổ trưởng công đoàn nên thăm dò ý kiến một số quần chúng trong tổ, tránh dùng phương pháp tổ bình nghị.

- Ở các địa phương, việc chỉ đạo thực hiện là do Ủy ban Hành chính tỉnh phối hợp với Liên hiệp công đoàn lãnh đạo chặt chẽ các ngành thuộc địa phương mình bảo đảm thời gian trợ cấp và giữ tương quan tốt giữa ngành này với ngành khác trong địa phương và bảo đảm tỷ lệ được trợ cấp do Trung ương phân phối cho địa phương mình.

Để giúp cho Ủy ban chỉ đạo được đúng, sát và kịp thời, mỗi địa phương có thể chỉ định một số cán bộ trực tiếp theo dõi chỉ đạo việc thực hiện của các ngành thuộc địa phương mình. Thành phần gồm có một ủy viên hành chính đại diện cho Ủy ban và một cán bộ Lao động, một cán bộ Liên hiệp công đoàn. Bộ phận này có nhiệm vụ giúp đỡ Ủy ban trong việc theo dõi tình hình để uốn nắn và phản ánh kịp thời những hiện tượng lệch lạc ở các xí nghiệp và cơ quan thuộc địa phương mình.

III. HIỆU LỰC THI HÀNH

Khoản trợ cấp này thi hành kể từ ngày ban hành cho đến hết tháng 12 năm 1959. Những trường hợp trợ cấp ngoài thời gian quy định trên sẽ không thanh tóan.

Trong khi tiến hành gặp khó khăn  mắc mứu gì, mong các ngành, các cấp phản ảnh cho Liên bộ biết kịp thời giải quyết.

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
 



Phan Kế Toại

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
 


 
Nguyễn Văn Tạo