BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 102/1999/TTLT-BTC-BNNPTNT | Hà Nội , ngày 21 tháng 8 năm 1999 |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 354/CP-NN ngày 9 tháng 4 năm1999 về việc cho phép lực lượng Kiểm lâm được lập quỹ chống chặt phá rừng và gian lận thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Quỹ chống chặt phá rừng và gian lận thương mại (sau đây gọi là "Quỹ chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép") được lập trên cơ sở trích từ số tiền thu được do xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo quy định tại Nghị định số 77/CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
2. Đối tượng được trích lập quỹ chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép là các Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm, Hạt phúc kiểm lâm sản (sau đây gọi là Hạt Kiểm lâm) được giao nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nêu tại điểm 1, phần A của Thông tư này.
3. Việc trích lập quỹ phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
- Chỉ được trích lập quỹ sau khi đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và không có khiếu nại trong thời gian pháp luật quy định. Trường hợp có khiếu nại thì chỉ được trích lập quỹ sau khi quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực.
- Chỉ được trích lập quỹ trên số tiền thực thu được theo quy định của pháp luật đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính - Vật giá mở tại Kho bạc Nhà nước.
4. Quỹ chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép chỉ được lập ở cấp tỉnh và theo dõi chi tiết cho từng đơn vị Kiểm lâm. Cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ theo quy định của pháp luật.
1- Các khoản thu về chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép bao gồm:
- Các khoản tiền phạt do các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản nộp theo quyết định xử phạt hoặc quyết định xử lý khiếu nại (nếu có) của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Tiền bán lâm sản trái phép, tang vật, phương tiện bị tịch thu theo quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2- Toàn bộ các khoản thu trên đây phải được tập trung vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước địa phương nơi phát sinh. Trường hợp có các vụ việc diễn ra tại nhiều địa phương hoặc tại các địa bàn giáp ranh thì lấy địa điểm bắt giữ để làm căn cứ giải quyết.
3- Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh để tập trung các khoản thu do lực lượng Kiểm lâm kiểm tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý. Đối với các vụ việc được xử lý tại địa bàn cách xa nơi mở tài khoản tạm giữ thì các khoản tiền thu được phải nộp vào Kho bạc Nhà nước quận, huyện. Kho bạc Nhà nước quận, huyện có trách nhiệm tập trung toàn bộ số thu được về tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính - Vật giá tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.
1. Nguồn thu về chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép nêu tại điểm 1, mục I, phần B của Thông tư này được sử dụng để trang trải các khoản chi phí sau đây:
- Chi phí điều tra, xác minh, bắt giữ vụ vi phạm bao gồm các khoản xăng, dầu cho phương tiện, phụ cấp làm đêm, thêm giờ, chi khác ( trừ những đối tượng đã được cân đối trong dự toán ngân sách của đơn vị ).
- Chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, kiểm định, tổ chức bán tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu.
- Chi phí sơ cứu, chăm sóc động vật trước khi thả vào rừng, chi phí tổ chức thả động vật rừng trở lại rừng.
Cơ quan Kiểm lâm nêu tại điểm 2, phần A Thông tư này có trách nhiệm lập dự toán và quyết toán hàng quý với Sở Tài chính - Vật giá về các nội dung chi liên quan đến nguồn thu. Sở Tài chính - Vật giá chịu trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí này khi lực lượng kiểm lâm tập hợp được đầy đủ chứng từ theo chế độ quy định.
Tuỳ thuộc điều kiện cụ thể của từng địa phương, Giám đốc Sở Tài Chính - Vật giá có thể uỷ nhiệm cho phòng Tài chính quận, huyện thực hiện giám sát việc thu và tập trung các khoản thu về tài khoản tạm giữ; thanh toán các khoản chi phí nói trên của các Hạt Kiểm lâm đóng tại địa bàn huyện đối với những vụ việc có nguồn thu nhưng phải báo cáo về Sở Tài chính - Vật giá để theo dõi, quản lý chung.
2. Số tiền thu về chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép còn lại sau khi trừ các khoản chi phí nêu trên (coi như 100%) được xử lý như sau:
2.1. Trích lập quỹ chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép: 30% (ba mươi phần trăm);
2.2. Số còn lại 70% (bảy mươi phần trăm) nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
3. Quỹ chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép được quản lý và sử dụng như sau:
3.1. Dành 30% để chi bồi dưỡng, chi khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, như: chi tuyên truyền, tổng kết, thưởng cho người có công tố cáo, phát hiện vụ việc; chi bồi dưỡng trong thời gian điều trị, chi viện phí cho cá nhân bị tai nạn, bị "lâm tặc" gây thương tích trong trường hợp không có chế độ bảo hiểm y tế; chi trợ cấp cho những gia đình có người thân bị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thưởng cụ thể cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong khuôn khổ nguồn tiền thưởng được trích để phù hợp với tình hình thực tế và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Trên cơ sở quy định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm xem xét, quyết định việc phân phối tiền thưởng một cách công khai, dân chủ tùy thuộc tính chất phức tạp của vụ việc và mức độ tham gia của từng đơn vị, cá nhân.
3.2. Dành 60% (sáu mươi phần trăm) để mua sắm bổ sung trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; chi hỗ trợ cho hoạt động chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép đối với các vụ vi phạm do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý nhưng không có nguồn thu.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm lập kế hoạch tuần tra, kiểm tra, truy quét, kế hoạch mua sắm bổ sung trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của Chi cục và các đơn vị trực thuộc từ nguồn kinh phí này gửi cho Sở Tài chính - Vật giá xét duyệt. Việc chi mua sắm bổ sung trang thiết bị, phương tiện phải theo đúng chế độ quản lý chi ngân sách nhà nước hiện hành.
3.3. Dành 10% nộp lên cấp trên trực tiếp chỉ đạo công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, được xử lý như sau:
3.3.1. Dành 5% nộp lên cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp ở địa phương để chi cho việc chỉ đạo công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ quan chức năng (Chi cục Kiểm lâm hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi đóng trụ sở để theo dõi, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí này.
3.3.2. Dành 5% nộp lên cấp trên trực tiếp chỉ đạo công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ở Trung ương để lập quỹ ngành. Giao cho Cục Kiểm lâm mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi đóng trụ sở để theo dõi, quản lý và sử dụng cho mục đích chi bổ sung cho các hoạt động thuộc chức năng nhiệm vụ của Cục Kiểm lâm và phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường năng lực chỉ đạo, kiểm tra của Cục đối với các đơn vị Kiểm lâm địa phương, cơ sở.
Việc quản lý, sử dụng quỹ ngành phải đảm bảo tuân thủ chế độ lập dự toán, quyết toán theo quy định của pháp luật. Cục trưởng Cục Kiểm lâm quyết định việc sử dụng quỹ ngành và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Số dư cuối năm của quỹ chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép (kể cả Quỹ ngành) được kết chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp.
4. Số tiền thu về chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép nộp Ngân sách Nhà nước (nêu tại điểm 2.2 mục này) được để lại toàn bộ cho ngân sách địa phương và được sử dụng theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, ưu tiên cho các mục tiêu sau đây:
4.1. Bổ sung nguồn vốn đầu tư trở lại cho rừng theo các chương trình, mục tiêu của Nhà nước và kế hoạch của địa phương;
4.2. Bổ sung vốn xây dựng cơ bản và mua sắm phương tiện phục vụ công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của lực lượng Kiểm lâm địa phương;
4.3. Bổ sung vốn xây dựng cơ bản cho các công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội trên địa bàn;
4.4. Hỗ trợ cho các chi phí liên quan đến việc phối hợp trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, như: chi cho giáo dục, tuyên truyền, sơ kết, tổng kết...
4.5.- Căn cứ vào tình hình thực tế ở các huyện và khoản tiền thực tế được để lại cho ngân sách địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định hỗ trợ thêm kinh phí cho các huyện, thị thực hiện nhiệm vụ phối hợp chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép, đặc biệt đối với các huyện vùng giáp ranh giữa các tỉnh, các huyện vùng biên giới.
Việc chi đầu tư trở lại cho rừng, chi mua sắm phương tiện trang bị cho lực lượng làm nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, chi xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội phải đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý chi tiêu ngân sách, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành của Nhà nước.
III.- CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ HẠCH TOÁN
Các đơn vị Kiểm lâm được trích thưởng từ nguồn thu chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép phải mở sổ sách, lưu giữ chứng từ và thực hiện việc hạch toán, kế toán theo quy định hiện hành.
Hàng quý và kết thúc năm, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả kiểm tra, xử lý, kết quả thu từ xử phạt vi phạm hành chính, việc trích lập và sử dụng quỹ chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép.
Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị quản lý sử dụng ngân sách thực hiện việc lập dự toán và báo cáo quyết toán theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.
Số tiền bán lâm sản trái phép, tang vật, phương tiện tịch thu, nộp vào ngân sách nhà nước được hạch toán vào chương tương ứng loại 10, khoản 10, mục 052 tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể mức tiền thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ hoạt động chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép để lại cho ngân sách địa phương theo quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những vụ việc đã phát hiện nhưng chưa xử lý tính đến ngày Thông tư này có hiệu lực thì được giải quyết theo quy định tại Thông tư này.
Các cơ quan Kiểm lâm được trích lập quỹ chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép không được thanh toán các khoản chi phí và tiền bồi dưỡng quy định tại Thông tư số 52 TC/CSTC ngày 12 tháng 9 năm 1996 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu và sử dụng tiền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các ngành, các cấp kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung.
Nguyễn Văn Đẳng (Đã ký) | Phạm Văn Trọng (Đã ký) |
- 1Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995
- 2Thông tư 52-TC/CSTC-1996 hướng dẫn thu và sử dụng tiền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính do Bộ Tài chính ban hành
- 3Nghị định 77-CP năm 1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
- 4Quyết định 152/1999/QĐ-BNN-KL về Quy chế sử dụng quỹ chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Thông tư liên bộ 102/1999/TTLT-BTC-BNNPTNT hướng dẫn trích lập, quản lý và sử dụng quỹ chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép do Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 102/1999/TTLT-BTC-BNNPTNT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 21/08/1999
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Văn Đẳng, Phạm Văn Trọng
- Ngày công báo: 15/10/1999
- Số công báo: Số 38
- Ngày hiệu lực: 05/09/1999
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định