Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN-BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ VẬT TƯ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03-TT

Hà Nội, ngày 07 tháng 08 năm 1972 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 193-TTG NGÀY 08/10/1970 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC QUẢN LÝ THAN TRONG KHÂU TIẾP NHẬN VẬN CHUYỂN, SỬ DỤNG NHẰM CHỐNG ĂN CẮP, MUA BÁN, SỬ DỤNG THAN TRÁI PHÉP

Để nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị số 193-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý than theo kế hoạch Nhà nước, từ các đầu mối giao nhận đến các đơn vị cung ứng, tiêu dùng, nhằm chống ăn cắp, mua bán, sử dụng than trái phép, liên Bộ Vật tư – Giao thông vận tải – Công an ra thông tư quy định một số điểm như sau:

A. TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THAN NGAY TỪ CÁC NƠI GIAO NHẬN ĐẦU MỐI VÀ TRONG KHI VẬN CHUYỂN, BỐC DỠ.

Chỉ thị số 193-TTg đã quy định các mỏ sản xuất than và các cơ quan, xí nghiệp được Nhà nước giao nhiệm vụ sản xuất, vận chuyển, cung ứng và tiêu dùng than, chỉ được phép mua bán giao nhận, vận chuyển, tiêu dùng than theo kế hoạch Nhà nước. Mọi việc mua bán, giao nhận vận chuyển than ngoài kế hoạch đều là trái phép và bị nghiêm cấm.

Để thực hiện điều quy định trên, cần nắm vững nguyên tắc:

Ngoài số than dành cho sản xuất, tòan bộ số than còn lại do các mỏ sản xuất ra (kể cả số than sản xuất vượt kế hoạch) đều phải do Nhà nước thống nhất quản lý. Bộ Vật tư được Nhà nước giao trách nhiệm thống nhất việc thu mua, tiếp nhận, điều động, phân phối và tổ chức cung ứng than theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.Việc giao nhận, vận chuyển mua bán than trong nội địa đều phải có giấy tờ hợp lệ của cơ quan quản lý cung ứng vật tư, thuộc Bộ Vật tư và phải chấp hành đúng những điều quy định cụ thể như sau:

1. Khi tiếp nhận than ở các ga, bãi cảng, ở bến giao nhận phải nghiêm chỉnh chấp hành các chế độ, thể lệ của Nhà nước và hợp đồng thỏa thuận, có đủ các giấy tờ hợp lệ như phiếu xuất kho, hóa đơn, hoặc giấy giới thiệu của cơ quan vật tư, giấy vận chuyển hoặc giấy giao nhận hàng của cơ quan vận tải.

Mọi trường hợp giao nhận than không đủ các giấy tờ trên đều coi là trái phép.

2. Khi giao nhận ở những nơi đã có cân, phải kiểm nhận về khối lượng qua cân đong thực tế; nếu không có cân, hai bên giao nhận có thể tạm thời giao nhận theo trọng tải xe, hoặc thể tích của đống than rồi tính ra khối lượng theo tỷ trọng của than. Riêng đối với phương tiện vận tải đường thủy thì giao nhận theo mớn nước (phải đo mớn nước trước và sau khi bốc dỡ than);

Nguyên tắc chung khi giao nhận than (gồm chủ giao, chủ nhận và chủ phương tiện vận tải là nhận theo phương pháp nào thì giao trả cũng theo phương pháp đó.

3. Giao nhận phải đúng địa điểm đã ghi trong hợp đồng, phiếu gửi hàng, giấy vận chuyển, giấy giao hàng. Trường hợp đặc biệt phải đổi địa điểm (do không có loại than phù hợp để giao, do bãi không còn chỗ chứa, hoặc do phương tiện không có đường vào…) thì các bên giao nhận phải cùng trao đổi, quy định nơi giao nhận thuận tiện và phải tiến hành giao nhận thuận tiện và phải tiến hành giao nhận kịp thời, tuyệt đối không để hư hao, mất mát than cũng như không để đình trệ việc bốc dỡ, giao nhận.

4. Chỉ thị số 193-TTg quy định … “Các đơn vị vận tải (bằng đường thủy, đường sắt, bằng phương tiện của Trung ương và của địa phương) nghiêm chỉnh thực hiện các điều quy định trong điều lệ vận tải hàng hóa, số than vét được ở trên các phương tiện vận chuyển, đơn vị vận tải giao trả lại cho chủ hàng”.

Để chấp hành đúng quy định trên, phải thực hiện các điểm cụ thể sau đây:

a) Trong qúa trình vận chuyển than, kể cả vận chuyển cho cơ quan cung ứng hay đơn vị sử dụng, bên chủ hàng phải tổ chức bốc dỡ khẩn trương, giải phóng nhanh phương tiện vận tải. Bên vận tải có trách nhiệm bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch vận chuyển than theo hợp đồng đã ký, trông nom, bảo vệ than trong khi vận chuyển (khi đi đường cũng như khi dừng lại bốc dỡ) không để kẻ gian xâm phạm, không để cho công nhân viên của mình (hoặc xã viên hợp tác xã vận tải) lấy than dùng. Nếu để mất than thì chủ phương tiện vận tải phải đền bù theo quy định trong điều lệ vận tải hàng hóa.

b) Mỗi khi vận chuyển than phải có:

- Giấy vận chuyển hoặc giấy giao nhận hàng của cơ quan vận tải;

- Phiếu gửi hàng, hóa đơn… của cơ quan vật tư.

Tất cả các trường hợp vận chuyển than không có đủ các giấy tờ nói trên đều coi là trái phép và bị xử lý theo pháp luật Nhà nước.

Cơ quan công an các cấp, lực lượng bảo vệ chuyên trách và cơ quan quản lý vật tư, căn cứ vào quy định trên để kiểm soát việc giao nhận vận chuyển than. Nếu không có đủ giấy tờ hợp lệ thì có quyền lập biên bản tạm giữ số than đó lại, báo cáo với cơ quan công an và cơ quan quản lý vật tư có thẩm quyền để giải quyết.

c) Trong qúa trình giao nhận, vận chuyển nếu phát hiện than bị thừa, thiếu thì chủ hàng, chủ phương tiện vận tải phải lập biên bản, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của mỗi bên và phải cùng ký vào biên bản. Biên bản này gửi cho:

- Bên giao, bên nhận, chủ phương tiện vận tải,

- Hội đồng trọng tài Bộ chủ quản của các bên có liên quan;

- Cơ quan chính quyền, công an địa phương xem xét thất cần thiết.

d) Việc bốc dỡ than ở các ga, bãi cảng thuộc ngành nào quản lý thì do lực lượng bốc dỡ của ngành đó đảm nhiệm.

Trong khi bốc dỡ, kiểm nhận, người đại diện bên giao, bên nhận và chủ phương tiện vận tải phải có mặt để đối chiếu, xác nhận về khối lượng, chất lượng than và ký nhận vào giấy giao nhận hoặc biên bản.

Những người có trách nhiệm bốc dỡ than như công nhân lái máy ủi, máy xúc, lái cầu, công nhân xếp dỡ các ga, bãi, cảng… hết sức hạn chế số than vương vãi, vỡ vụn; phải bốc, vét hết than ở thùng xe, lòng thuyền, sà lan và giao đầy đủ cho chủ hàng, nhưng không vì thế mà gây chậm trễ trong việc giải phóng phương tiện vận tải. Để làm tốt việc này, chủ phương tiện vận tải phải tạo điều kiện cho công nhân xếp dỡ thu hồi hết số than lọt dưới ván của xà lan thuyền để giao trả chủ hàng. Nghiêm cấm lợi dụng số than đem trao đổi, mua bán trái phép.

B. QUẢN LÝ THAN TẠI CÁC KHO, BÃI:

1. Kho bãi để than của các đơn vị cung ứng, tiêu dùng, hay ở các ga, bến trung chuyển của cơ quan giao thông vận tải phải có tổ chức và nội quy bảo vệ, không để kẻ gian lấy cắp than, phải để ở những nơi cao, chống được lũ lụt, mưa trôi.

Khách hàng, chủ phương tiện vận tải khi vào kho lấy than phải xuất trình giấy tờ hợp lệ đã quy định ở điểm 1, mục A và phải theo sự hướng dẫn của thủ kho và chỉ được phép đưa vào kho số phương tiện vận tải thực sự cần thiết.

2. Thủ kho là người chịu trách nhiệm chung về việc bảo vệ, bảo quản than ở kho bãi do mình phụ trách, cụ thể là:

- Căn cứ vào giấy tờ hợp lệ, bảo đảm xuất nhập than đúng khối lượng, chủng loại;

- Mở sổ sách ghi chép, theo dõi chặt chẽ việc xuất nhập than, báo cáo kịp thời theo quy định và phải lưu trữ đầy đủ các chứng từ (giấy giới thiệu, phiếu xuất kho, hóa đơn…); xuất trình các chứng từ đó khi cơ quan có trách nhiệm tới kiểm tra;

- Tổ chức tuần tra, giữ gìn, bảo vệ than, chống kẻ gian xâm phạm;

- Tổ chức thu nhặt than rơi vãi…

Thủ kho được liên hệ với chính quyền, công an địa phương để phối hợp công tác và tranh thủ sự giúp đỡ bảo vệ than.

3. Cơ quan công an các cấp có nhiệm vụ phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, xí nghiệp có quản lý, sử dụng than trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ than như: bố trí kho tàng, tổ chức lực lượng bảo vệ, tuần tra canh gác, kiểm soát việc giao nhận, vận chuyển than, nắm được tình hình và ngăn chặn kịp thời mọi hành động ăn cắp, mua bán than trái phép…

4. Ủy ban hành chính các cấp, các cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức quần chúng ở các địa phương có đặt kho, bãi than, một mặt cần tăng cường giáo dục nhân dân, cán bộ, công nhân viên và các cháu thiếu nhi về ý thức tôn trọng, bảo vệ của công, phối hợp với cơ quan quản lý vật tư và đơn vị sử dụng than, bảo vệ các kho, bãi than trong địa phương mình; mặt khác cần có hình thức kỷ luật chính đáng hoặc đưa ra truy tố với những kẻ có hành động ăn cắp, mua bán than trái phép.

C. TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THAN TRONG KHÂU SỬ DỤNG.

1. Các công ty vật tư phải sức phấn đấu cung ứng đầy đủ than trong các đơn vị sử dụng theo đúng chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước.

2. Các cơ quan, xí nghiệp, công trường và hợp tác xã được phân phối than phải sử dụng đúng mục đích quy định trong kế họach phân phối than của Nhà nước. Nếu không sử dụng hết, hoặc có loại than không sử dụng được thì phải báo cho Công ty vật tư trực tiếp cung ứng than cho mình biết để điều phối cho nơi khác, tuyệt đối không được tự ý bán lại hoặc đem trao đổi lấy vật tư, hàng hóa khác.

Số than sử dụng nội bộ ở các mỏ cũng phải theo đúng chỉ tiêu phân phối của Nhà nước.

3. Hàng tháng, các đơn vị sử dụng than phải báo cáo với Công ty vật tư phụ trách quản lý cung ứng than cho mình biết về tình hình xuất, nhập, tồn kho và tình hình sử dụng than ở đơn vị mình, mặt khác phải tích cực giúp đỡ và tạo điều kiện thuận tiện cho cơ quan cung ứng vật tư kiểm tra sử dụng.

Khi kiểm tra, nếu đơn vị sử dụng có thành tích trong bảo quản, bảo vệ, giảm hao hụt, sử dụng tiết kiệm than thì Công ty vật tư báo cáo với cơ quan chủ quan của đơn vị sử dụng và với Bộ vật tư để biểu dương, khen thưởng. Nếu phát hiện thấy sử dụng than không đúng kế hoạch, trái với chủ trương, chính sách của Nhà nước thì Công ty vật tư lập biên bản báo cáo lên Bộ Vật tư và cơ quan cấp trên của đơn vị được kiểm tra để báo cáo với Nhà nước. Trường hợp phát hiện có sự tham ô, móc ngoặc, lấy cắp than thì có thể đề nghị truy tố trước tòa án.

Quản lý chặt chẽ theo chế độ, nguyên tắc là một việc khó khăn, phức tạp, nhưng cũng là yêu cầu rất cấp thiết, nhằm giữ gìn vật tư, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào việc thực hiện kế hoạch Nhà nước.

Nhận được thông tư này, liên Bộ yêu cầu các cơ quan đơn vị nghiên cứu, phổ biến rộng rãi cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân biết, đồng thời phải khẩn trương tổ chức sự phối hợp giữa các ngành có liên quan để bảo đảm thực hiện tốt thông tư này. Trong qúa trình thực hiện nếu có mắc mứu, các đơn vị phản ánh với Bộ Vật tư để Bộ Vật tư phối hợp với các Bộ liên quan, kịp thời giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ VẬT TƯ
THỨ TRƯỞNG
 


 
Trần Trung

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG
 


 
Dương Bạch Liên

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
 


 
Trần Quyết

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 03-TT năm 1972 hướng dẫn thi hành Chỉ thị 193-TTg về việc quản lý than trong khâu tiếp nhận vận chuyển, sử dụng nhằm chống ăn cắp, mua bán, sử dụng than trái phép do Bộ Giao thông vận tải - Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 03-TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 07/08/1972
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Vật tư
  • Người ký: Dương Bạch Liên, Trần Quyết, Trần Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 22/08/1972
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản