Hệ thống pháp luật

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ;BỘ LÂM NGHIỆP-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-LB/TT

Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 1993

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM, LÂM NGHIỆP, THỦY SẢN, TÀI CHÍNH, BAN TỔ CHỨC  CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ 02-LB/TT NGÀY 2 THÁNG 8 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 13-CP NGÀY 2-3-1993 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG

Căn cứ Nghị định số 15-CP ngày 02-3-1993 về nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Căn cứ Nghị định số 13-CP ngày 02-3-1993 ban hành bản Quy định về công tác khuyến nông.
Liên Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thủy sản, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. HỆ THỐNG TỔ CHỨC KHUYẾN NÔNG NHÀ NƯỚC:

1. Ở Trung ương:

Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm là cơ quan thường trực về công tác khuyến nông của Chính phủ, có nhiệm vụ:

- Xây dựng các chương trình, dự án khuyến nông Quốc gia có liên quan đến các ngành Nông, Lâm, Thủy sản trình Chính phủ phê duyệt.

- Theo dõi, đôn đốc, điều phối hoạt động khuyến nông và thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư của các ngành, tổng hợp tình hình báo cáo Chính phủ.

- Tham gia vào việc thẩm định các chương trình, dự án khuyến nông và xét duyệt kinh phí khuyến nông cho các ngành, các cấp.

a. Cơ quan Khuyến nông thuộc Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm:

Cục Khuyến nông thuộc Bộ Nông nghiệp và CNTP là cơ quan giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác khuyến nông về sản xuất - kinh doanh nông nghiệp trên phạm vi cả nước; Cục có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trụ sở của Cục đặt tại Hà Nội.

Cục Khuyến nông có nhiệm vụ sau đây:

- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chương trình dự án khuyến nông về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, thú y, bảo quản, chế biến nông sản ... theo từng lĩnh vực chuyên môn, từng vùng sinh thái trong phạm vi cả nước. Hướng dẫn các địa phương, các tổ chức khuyến nông tự nguyện xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông;

- Tham gia thẩm định các chương trình, dự án khuyến nông theo quy định của Bộ;

- Tổ chức chỉ đạo thực hiện việc phổ biến và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, những kinh nghiệm về điển hình sản xuất giỏi, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức kỹ thuật và quản lý kinh tế, thông tin về thị trường, giá cả cho nông dân;

- Quan hệ với các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài nước để thu hút nguồn vốn hoặc tham gia trực tiếp vào các hoạt động khuyến nông;

- Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi trong sản xuất;

- Quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, chất lượng thức ăn gia súc, phân bón... trên thị trường;

- Theo dõi, đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông.

Cục còn có trụ sở làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng, nhưng không tăng thêm biên chế, không có con dấu và tài khoản riêng.

b. Cơ quan Khuyến lâm thuộc Bộ Lâm nghiệp:

Giao Vụ Lâm sinh công nghiệp rừng giúp Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp quản lý Nhà nước về khuyến lâm trong phạm vi cả nước với các nhiệm vụ sau đây:

- Xây dựng các chính sách khuyến lâm để Bộ trưởng trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.

- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các trương trình, dự án khuyến lâm quốc gia về trồng cây, trồng rừng, tổ chức nông lâm kết hợp, hệ thống vườn rừng theo vùng sinh thái, bảo vệ rừng, bảo vệ sinh thái, chế biến lâm sản, hướng dẫn các địa phương, các tổ chức khuyến lâm tự nguyện xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án khuyến lâm, chuẩn bị ý kiến giúp Bộ trưởng phê duyệt dự án khuyến lâm;

- Hướng dẫn việc phổ biến và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về lâm nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức kỹ thuật và quản lý kinh tế, cung cấp các thông tin thị trường, giá cả lâm sản cho nông dân;

- Quan hệ với các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài nước để thu hút nguồn vốn hoặc tham gia trực tiếp vào các hoạt động khuyến lâm;

- Tham gia xây dựng quy trình, quy phạm về trồng, khai thác, chế biến lâm sản.

c. Cơ quan Khuyến ngư thuộc Bộ Thuỷ sản:

Giao Vụ Quản lý nghề cá giúp Bộ trưởng Thuỷ sản quản lý Nhà nước về khuyến ngư với các nhiệm vụ sau:

- Xây dựng các chính sách khuyến ngư để Bộ trưởng trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.

- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án khuyến ngư quốc gia về nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng dẫn các địa phương, các tổ chức khuyến ngư tự nguyện xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án khuyến ngư, chuẩn bị ý kiến giúp Bộ trưởng phê duyệt các dự án khuyến ngư;

- Hướng dẫn việc phổ biến và chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật về ngư nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức kỹ thuật và quản lý kinh tế, cung cấp các thông tin thị trường, giá cả cho ngư dân;

- Quan hệ với các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài nước để thu hút nguồn vốn hoặc tham gia trực tiếp các hoạt động khuyến ngư;

- Tham gia xây dựng quy trình, quy phạm nuôi trồng, khai thác, chế biến dịch vụ và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

- Theo dõi, đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án khuyến ngư.

2. Ở địa phương:

a. Ở những tỉnh 3 ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp tổ chức thành 1 Sở thì thành lập Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở.

Ở những tỉnh tổ chức thành 2 hoặc 3 Sở riêng biệt thì lập Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp (hoặc Nông-Lâm), còn nhiệm vụ khuyến lâm, khuyến ngư, giao cho đơn vị thích hợp thuộc Sở Lâm nghiệp, Thủy sản đảm nhiệm. Trong trường hợp này sẽ lập Ban điều phối khuyến nông tỉnh gồm đại diện Sở Nông nghiệp (hoặc Nông Lâm), Lâm nghiệp, Thủy sản do Sở Nông nghiệp (hoặc Nông Lâm) là cơ quan thường trực. Ban điều phối Khuyến nông tỉnh có nhiệm vụ điều hòa, phối hợp các hoạt động về khuyến nông trong tỉnh.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

b. Nhiệm vụ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh

- Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông trong tỉnh, từng tiểu vùng sinh thái, từng lĩnh vực công tác tại địa phương hướng dẫn các tổ chức khuyến nông (kể cả tổ chức tự nguyện), xây dựng và thực hiện chương trình, dự án khuyến nông.

- Phổ biến và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và những kinh nghiệm, điển hình sản xuất cho nông dân;

- Bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật, quản lý kinh tế và rèn luyện tay nghề cho cán bộ khuyến nông cơ sở, cung cấp cho nông dân các thông tin thị trường, giá cả nông, lâm, thủy sản;

- Quan hệ với các tổ chức trong và ngoài nước để thu hút nguồn vốn hoặc tham gia trực tiếp vào các hoạt động khuyến nông tại địa phương;

- Tham gia xây dựng và phổ biến cho nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi, lâm sinh và thuỷ sản;

- Tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông ở tỉnh.

Trên cơ sở những nhiệm vụ nêu trên đối với Trung tâm Khuyến nông, Sở Lâm nghiệp, Thủy sản quy định nhiệm vụ cụ thể cho bộ phận khuyến lâm, khuyến ngư thuộc mỗi Sở.

Trung tâm khuyến nông tỉnh được tổ chức các Trạm khuyến nông (bao gồm cả lâm - ngư) theo huyện, liên huyện hoặc cụm xã.

Trạm khuyến nông có các nhiệm vụ sau:

- Đưa những tiến bộ kỹ thuật theo các chương trình, dự án khuyến nông, lâm, ngư vào sản xuất đại trà trên địa bàn phụ trách;

- Xây dựng các mô hình trình diễn;

- Hướng dẫn kỹ thuật cho nông-lâm-ngư dân;

- Tổ chức tham quan học tập các điển hình tiên tiến;

- Bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ thuật, kinh tế, thị trường cho cán bộ khuyến nông cơ sở;

- Xây dựng các câu lạc bộ nông dân sản xuất giỏi hoặc nhóm hộ Nông-Lâm-Ngư cùng sở thích.

c. Ở cơ sở: Xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, liên thôn, liên xóm (gọi chung là cơ sở) xây dựng mạng lưới cán bộ khuyến nông cơ sở. Cán bộ khuyến nông cơ sở không thuộc biên chế Nhà nước, làm việc theo chế độ hợp đồng dài hoặc ngắn hạn. Cán bộ khuyến nông cơ sở thực hiện nhiệm vụ và quyền lợi theo quy định tại hợp đồng.

3. Về biên chế của hệ thống tổ chức khuyến nông ở Trung ương và địa phương.

Căn cứ vào khối lượng công việc thường xuyên để xác định biên chế thường xuyên của tổ chức khuyến nông các cấp theo tinh thần gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả; chủ yếu tiếp nhận những cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý hiện có trong biên chế Nhà nước. Số biên chế cụ thể của tổ chức khuyến nông Trung ương và địa phương nằm trong biên chế được giao cho Bộ và địa phương được Nhà nước phê duyệt hàng năm.

Những công việc không thường xuyên thì thực hiện hình thức hợp đồng với cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý của các viện nghiên cứu, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và các tổ chức cá nhân có chuyên môn nghiệp vụ khác. Trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Khuyến nông mà xác định lại chức năng, nhiệm vụ, biên chế và tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước của Sở cho phù hợp, tránh trùng lặp, một việc nhiều bộ phận cùng làm gây cản trở công việc chung.

II. TỔ CHỨC KHUYẾN NÔNG -LÂM -NGƯ TỰ NGUYỆN:

Tổ chức Khuyến nông tự nguyện là tổ chức khuyến nông của các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy đào tạo, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế xã hội, các cá nhân trong và ngoài nước lập ra để thực hiện một hay nhiều nội dung của công tác khuyến Nông, Lâm, Ngư và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động; cụ thể là:

Đối với tổ chức khuyến nông tự nguyện được lập ra trên địa bàn tỉnh thì do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp.

Đối với các tổ chức và cá nhân làm khuyến nông của nước ngoài ở Việt Nam và các tổ chức kinh tế của Trung ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và CNTP cấp.

Các tổ chức khuyến nông tự nguyện được tham gia hoạt động vào các chương trình dự án khuyến nông Nhà nước, được tham gia các chương trình đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, thông qua các hợp đồng với tổ chức khuyến nông Nhà nước.

Nguồn vốn hoạt động của tổ chức khuyến nông tự nguyện là nguồn vốn tự tạo, thu từ các hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khuyến nông hoặc từ nguồn vốn tài trợ của các tổ chức kinh tế xã hội tư nhân trong và ngoài nước.

Các tổ chức khuyến nông tự nguyện nếu hoạt động như một doanh nghiệp hoặc Công ty thì phải đăng ký kinh doanh và làm nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước theo luật định.

Trong quá trình hoạt động nếu tổ chức khuyến nông tự nguyện vi phạm nội dung đã đăng ký, gây phương hại cho nông dân thì phải bị truy cứu trách nhiệm và có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Những tổ chức khuyến nông tự nguyện hoạt động trước ngày 2-3-1993 nay tiếp tục hoạt động thì phải đăng ký lại.

III. CHÍNH SÁCH KHUYẾN NÔNG

Căn cứ vào Điều 7 và Điều 8 về vốn hoạt động cho công tác khuyến nông ban hành kèm theo Nghị định số 13-CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ, Liên Bộ hướng dẫn thực hiện cụ thể như sau:

1. Nguồn vốn cho hoạt động của công tác khuyến nông bao gồm:

a. Ngân sách Nhà nước cấp hàng năm;

b. Tài trợ của các tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức tư nhân và cá nhân trong và ngoài nước;

c. Thu một phần giá trị sản phẩm tăng thêm do áp dụng công tác khuyến nông theo quy định của Chính phủ.

2. Chi cho công tác khuyến nông của Nhà nước bao gồm:

a. Chi cho hoạt động bộ máy khuyến nông thường xuyên:

Theo biên chế được duyệt và định mức chi hành chính cho bộ máy quản lý Nhà nước. (Ngân sách Trung ương đối với tổ chức khuyến nông Trung ương; Ngân sách địa phương đối với tổ chức khuyến nông địa phương);

b. Chi cho đào tạo huấn luyện: Việc đào tạo huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ khuyến nông và nông dân bao gồm: Lớp học ngắn ngày: học tập tham quan đầu bờ, hội nghị, hội thảo chuyên đề .... chi phí bao gồm:

- Chi bồi dưỡng giảng viên theo chế độ hiện hành cho những giờ lên lớp.

- Chi phí việc tổ chức lớp học như: nơi nghỉ, hội trường, hiện trường, giáo án, giáo cụ, tài liệu...

- Chi hỗ trợ tiền ăn cho học viên ở cơ sở (tạm quy định 15.000 đ/ngày).

c. Chi phí cho việc thông tin tuyên truyền:

Gồm các mặt:

- In ấn các tài liệu, ấn phẩm, tờ tin, tờ bướm kỹ thuật.

- Xây dựng các chương trình khuyến nông - lâm - ngư trên báo, đài và truyền hình.

- Xây dựng áp phích pa nô quảng cáo tuyên truyền.

d. Chi cho việc xây dựng các điểm trình diễn kỹ thuật:

Căn cứ vào yêu cầu mở rộng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất trên các vùng sinh thái; căn cứ vào trình độ dân trí; căn cứ vào khả năng ngân sách của các cấp để xác định số lượng và quy mô các điểm trình diễn kỹ thuật, trên nguyên tắc tận dụng những cơ sở kỹ thuật hiện có.

Chi phí cho việc xây dựng các điểm trình diễn kỹ thuật bao gồm:

+ Chi phí thao tác trình diễn tiến bộ kỹ thuật mới, gồm vật tư, công cụ, chi phí vận chuyển, tiền công vận hành huấn luyện và các chi phí khác cần thiết cho công việc trình diễn.

+ Trong trường hợp đưa các tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây, giống con vào sản xuất mà nhu cầu đầu tư tăng thêm so với sản xuất bằng giống cây, giống con bình thường thì Nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch của một số vật tư chủ yếu như: Giống, phân bón, thức ăn tinh, thuốc bảo vệ cây trồng và thuốc thú y.

3. Kinh phí hoạt động của tổ chức khuyến nông tự nguyện do các tổ chức lập ra tự trang trải. Các nguồn tài trợ của các tổ chức kinh tế xã hội, tư nhân trong và ngoài nước giúp đỡ tổ chức khuyến nông tự nguyện được áp dụng theo các quy định hiện hành về tiếp nhận viện trợ của Nhà nước.

4. Khoản thu nói ở Điểm (c) Mục (1) trên đây (nếu có) nộp vào ngân sách Nhà nước.

IV. TRÌNH TỰ LẬP VÀ XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH KHUYẾN NÔNG VÀ CHI CHO CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG

1. Cùng với thời gian xây dựng kế hoạch kinh tế xã hội; hàng năm:

Các tổ chức khuyến nông phải xây dựng chương trình khuyến nông. Đối với các địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phải trình kế hoạch khuyến nông với Ủy ban nhân dân tỉnh xét duyệt (sau khi có ý kiến của các ngành chức năng của địa phương). Đối với tổ chức khuyến nông của các Bộ phải xây dựng kế hoạch khuyến nông có sự thamgia của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, trình với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Cùng với việc xây dựng kế hoạch khuyến nông:

Các tổ chức khuyến nông phải xây dựng kế hoạch tài chính cho công tác khuyến nông theo các nội dung thu chi ghi ở phần III Thông tư này. Tổ chức khuyến nông địa phương gửi Sở Tài chính tổng hợp kế hoạch ngân sách địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh; các tổ chức khuyến nông Trung ương gửi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính. Bộ Tài chính tổng hợp ghi cân đối kế hoạch Ngân sách Nhà nước trình Chính phủ phê duyệt.

3. Sau khi Chính phủ phê duyệt kế hoạch Ngân sách, cơ quan tài chính các cấp căn cứ vào kế hoạch được duyệt và tiến độ thực hiện để cấp phát cho các tổ chức khuyến nông.

Các đơn vị nhận kinh phí của Ngân sách có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích và quản lý chặt chẽ theo chế độ tài chính hiện hành.

4. Việc thanh quyết toán kinh phí khuyến nông được thực hiện theo chế độ thanh quyết toán hiện hành đối với đơn vị sự nghiệp. Hàng quý cơ quan khuyến nông phải báo cáo tiến độ thực hiện và tình hình sử dụng kinh phí quý trước thì ngành tài chính mới được cấp phát kinh phí quý sau.

5. Chính sách đối với cán bộ khuyến nông:

a. Cán bộ khuyến nông được quan tâm bồi dưỡng kỹ thuật và nghiệp vụ làm công tác khuyến nông.

b. Việc phụ cấp thêm cho cán bộ khuyến nông trong thời gian công tác ở cơ sở như sau:

- Căn cứ chế độ lương thiện hiện hành của Nhà nước để vận dụng thi hành theo nguyên tắc động viên các cán bộ khuyến nông công tác ở cơ sở.

- Cán bộ khuyến nông có thể ký hợp đồng kỹ thuật với nông dân và được nhận thưởng của nông dân theo hợp đồng ký kết.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có vấn đề gì vướng mắc các địa phương báo cáo kịp thời với Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thuỷ sản, Bộ Tài chính, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để giải quyết.

Thông tư này thực hiện kể từ ngày ban hành, những quy định và hướng dẫn trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Ngô Thế Dân

(Đã ký)

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)

 

Tô Tử Hạ

(Đã ký)

Trần Sơn Thuỷ

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 02-LB/TT năm 1993 hướng dẫn Nghị định 13-CP về công tác khuyến nông do Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ - Bộ Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm - Bộ Tài chính - Bộ Thuỷ sản ban hành

  • Số hiệu: 02-LB/TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 02/08/1993
  • Nơi ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Tài chính, Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: Ngô Thế Dân, Phạm Văn Trọng, Tô Tử Hạ, Trần Sơn Thuỷ, Võ Văn Trác
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/08/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản