Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN VÀ TRUYỀN THANH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-057-TT/LB

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 1963 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

QUY ĐỊNH MỘT SỐ NGUYÊN TẮC VỀ CẤP VỐN VÀ CHO VAY TRONG ĐỊNH MỨC VỐN LƯU ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP BƯU ĐIỆN 

Thi hành Quyết định 054-TTg ngày 19-02-1959 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay trong định mức vốn lưu động đối với các xí nghiệp vận tải quốc doanh và Bưu điện, liên Bộ Ngân hàng Nhà nước, Tài chính và Giao thông Bưu điện đã ban hành Thông tư số 362-TDCTN ngày 27-8-1959 quy định những nguyên tắc chung trong việc cấp vốn lưu động của Nhà nước và việc cho vay trong định mức vốn lưu động của Ngân hàng Nhà nước. Sau một thời gian thi hành, Liên Bộ nhận thấy cần thay đổi một số điểm trong việc quy định tỷ lệ cấp vốn của Nhà nước và vốn vay của Ngân hàng trong định mức để thích ứng với đặc điểm hoạt động kinh tế, tài vụ của các Sở, Ty Bưu điện hiện nay và phát huy hơn nữa những nguyên tắc tín dụng ngắn hạn xã hội chủ nghĩa.

Sau đây là những điểm quy định cụ thể:

1. Bắt đầu từ năm 1963, đối với các Sở, Ty Bưu Điện, Ngân hàng Nhà nước chỉ tham gia cho vay trong định mức vốn lưu động những yếu tố định mức dự trữ vật tư có tính chất luân chuyển thường xuyên trong giai đoạn dự trữ sản xuất, mà không tham gia cho vay các yếu tố khác như “vật liệu dự trữ đặc biệt” (dự trữ có tính chất dài hạn hoặc đề phòng công tác đột xuất), “phí tổn sản xuất”, “Nợ bưu điện phí”. Còn các xí nghiệp sản xuất công nghiệp và các tổ chức cung tiêu đã được phân cấp hạch toán kinh tế độc lập không thuộc phạm vi thi hành thông tư này, mà vẫn áp dụng theo thể lệ biện pháp cho vay công nghiệp quốc doanh và cung tiêu của Ngân hàng Nhà nước hiện hành.

2. Những yếu tố định mức vốn lưu động của xí nghiệp mà Ngân hàng không tham gia cho vay trong định mức thì Nhà nước cấp trực tiếp 100% vốn lưu động định mức, còn những loại vật tư thuộc đối tượng Ngân hàng cho vay thì Nhà nước sẽ cấp trực tiếp cho xí nghiệp 60%, số còn lại Ngân sách Nhà nước chuyển sang Ngân hàng để cho vay trong định mức theo thể lệ biện pháp hiện hành.

3. Với cách cho vay mới này, có thể có những xí nghiệp đã chuyển nộp vốn sang Ngân hàng cho vay trong định mức từ trước đến nay thừa so với mức Ngân hàng tham gia cho vay trong định mức mới thì tinh thần chung là: không đặt vấn đề Ngân hàng trả lại vốn thừa cho từng xí nghiệp, mà việc đó sẽ do Ngân hàng cùng với cơ quan chủ quản xí nghiệp giải quyết trên nguyên tắc: Nếu tổng các số vốn đã chuyển sang Ngân hàng để cho vay đối với tất cả các xí nghiệp thuộc cơ quan chủ quản từ trước tới nay so với tổng số vốn Ngân hàng tham gia cho vay trong định mức đối với tất cả các xí nghiệp thuộc cơ quan chủ quản trong năm 1963 nhiều hơn thì Ngân hàng trả lại số thừa đó từ tài khoản 1.07 cho cơ quan chủ quản để cấp trả lại trực tiếp cho xí nghiệp, ngược lại ít hơn thì cơ quan chủ quản chuyển thêm sang Ngân hàng.

Việc tính toán trả lại số vốn thừa hoặc chuyển thêm vốn thiếu sẽ tiến hành ngay sau khi cơ quan chủ quản xét duyệt xong toàn bộ vốn lưu động định mức cho các xí nghiệp thuộc cơ quan của mình. Song, đối với những xí nghiệp đã được duyệt vốn năm 1963, mức độ tham gia cho vay của Ngân hàng thấp hơn năm 1962, do đó, lúc đầu xí nghiệp có thể thiếu vốn vì cơ quan chủ quản chưa kịp cấp thì Ngân hàng tạm thời vẫn giữ mức cho vay và cách cho vay cũ hạn cuối cùng cho đến hết tháng 4-1963 nhằm tạo điều kiện cho cơ quan chủ quản có thời gian giải quyết việc cấp số vốn thiếu trực tiếp cho xí nghiệp. Còn đối với những xí nghiệp khác không có tình hình trên, việc cho vay theo biện pháp mới và theo mức mới được tiến hành ngay sau khi cơ quan chủ quản xét duyệt xong vốn lưu động định mức cho xí nghiệp và sau khi Ngân hàng địa phương nhận được thông báo chỉ tiêu cho vay trong định mức của Ngân hàng trung ương gửi về.

4. Việc cho vay trên định mức vốn lưu động đối với các Sở, Ty Bưu điện cũng vẫn áp dụng biện pháp hiện hành như đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, nhưng chỉ cho vay những yếu tố thuộc đối tượng cho vay trong định mức (trừ vật rẻ tiền mau hỏng).

Thông tư này sẽ thay thế cho Thông tư liên Bộ số 362-TD-CTN ngày 27-8-1959. Căn cứ vào nội dung của thông tư này, tùy theo sự cần thiết mỗi Bộ sẽ có chỉ thị hướng dẫn chi tiết cho ngành mình thi hành.

 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Q. TỔNG GIÁM ĐỐC

 
 

Tạ Hoàng Cơ

TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN VÀ TRUYỀN THANH
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC PHÓ

 

 
Ngô Huy Văn

BỘ TÀI CHÍNH
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG 



 
Trịnh Văn Bính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 02-057-TT/LB năm 1963 quy định nguyên tắc cấp vốn và cho vay trong định mức vốn lưu động đối với các xí nghiệp Bưu điện do Ngân hàng nhà nước, Tổng cục Bưu điện và truyền thanh và Bộ Tài chính ban hành.

  • Số hiệu: 02-057-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 16/01/1963
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh
  • Người ký: Tạ Hoàng Cơ, Trịnh Văn Bính, Ngô Huy Văn
  • Ngày công báo: 13/03/1963
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 31/01/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản