Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
TỔNG CỤC KHAI HOANG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-TT-LB

Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 1963 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY KHAI HOANG CỦA ĐỊA PHƯƠNG

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC KHAI HOANG – BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh.

Căn cứ Nghị định số 17-CP ngày 21 tháng 02 năm 1963 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục khai hoang, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ vận động nhân dân khai hoang của Đảng và Nhà nước đã đề ra, Tổng cục khai hoang và Bộ Nội vụ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy khai hoang của tỉnh, thành phố, như sau:

1. Tổ chức chuyên trách khai hoang cấp tỉnh là cơ quan quản lý toàn bộ công tác nhân dân khai hoang trong tỉnh: chịu sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính tỉnh và chịu trách nhiệm trước Ủy ban hành chính tỉnh trong việc vận động, tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác nhân dân khai hoang ở địa phương theo đường lối, chủ trương, kế hoạch của Đảng và Nhà nước đồng thời chịu sự chỉ đạo của Tổng cục khai hoang về chuyên môn.

2. Tổ chức chuyên trách khai hoang cấp tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Bảo đảm thực hiện đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Thông tư, chỉ thị, quyết định của Ủy ban hành chính địa phương và của Tổng cục khai hoang về công tác nhân dân khai hoang.

b) Căn cứ vào kế hoạch của Tổng cục khai hoang và yêu cầu phát triển sản xuất trong địa phương, xây dựng và thực hiện kế hoạch nhân dân khai hoang, thực hiện công tác định cư, định canh (những nơi còn du cư, du canh) hoặc chuyển cư, chuyển vùng canh tác (những nơi đất hẹp người đông), cụ thể là:

- Điều tra tình hình đất đai bỏ hoang, bỏ hóa, xác định phương hướng sản xuất thích hợp với từng vùng kinh tế, phân bổ hợp lý lực lượng sản xuất của địa phương: tổ chức và chỉ đạo hợp tác xã sản xuất nông nghiệp của nhân dân khai hoang (ở những tỉnh tự tổ chức khai hoang trong địa phương).

- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương mình về bình quân diện tích ruộng đất sản xuất, về mật độ dân số, cùng với địa phương nhận người đến khai hoang xác minh tình hình đất đai dành cho nhân dân khai hoang, lập kế hoạch vận động, tổ chức đưa người đi khai hoang. Theo dõi, tổng hợp tình hình giải quyết các vấn đề liên quan đến người đi khai hoang (tài sản, quyền lợi trong hợp tác xã cũ…), cùng với địa phương nhận người đến khai hoang nhanh chóng ổn định tổ chức cơ sở khai hoang, tạo điều kiện để bàn giao cơ sở sản xuất mới cho địa phương nhận người đến khai hoang và tiếp tục ổn định tư tưởng nhân dân đi khai hoang (ở những tỉnh, thành phố đưa người đi khai hoang).

- Điều tra tình hình đất đai, tài nguyên, lao động, xác định phương hướng sản xuất, lập kế hoạch tiếp nhận người đến khai hoang. Kết hợp với các ngành, vận động nhân dân giúp đỡ những người ở địa phương khác đến khai hoang; giải quyết các vấn đề thiết yếu về thủy lợi, về giao thông, về cơ sở vật chất và kỹ thuật sản xuất… tổ chức và chỉ đạo ngay từ đầu những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp khai hoang, những cơ sở sản xuất khác trong khu vực nhân dân khai hoang và chú ý giúp đỡ nhân dân đi khai hoang xen kẽ (ở những tỉnh nhận người đến khai hoang).

c) Quản lý cán bộ, biên chế, lao động, tiền lương, tài sản, tài vụ, vật tư của ngành khai hoang theo sự ủy nhiệm của Ủy ban hành chính tỉnh.

d) Yêu cầu các ngành và các cơ quan cấp dưới báo cáo tình hình và những số liệu cần thiết về công tác nhân dân khai hoang.

3. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đã quy định trên, căn cứ tính chất việc tổ chức nhân dân khai hoang và khối lượng công tác của từng địa phương. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố thành lập Ty khai hoang hoặc Phòng khai hoang trực thuộc Ủy ban hành chính và định số biên chế của cơ quan ấy theo nguyên tắc và thủ tục do Hội đồng Chính phủ quy định. Ủy ban Hội đồng tỉnh cần phân công một ủy viên Ủy ban chuyên trách công tác nhân dân khai hoang.

Thông tư này quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy khai hoang của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu Hồng Quảng và khu vực Vĩnh Linh. Riêng hai Ủy ban hành chính khu Tây Bắc và khu Việt Bắc cần có cán bộ trong văn phòng Ủy ban chuyên trách theo dõi, giúp Ủy ban hành chính khu nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc các tỉnh thực hiện công tác nhân dân khai hoang.

Sau khi quy định nhiệm vụ cụ thể của tổ chức khai hoang, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu Hồng Quảng và khu vực Vĩnh Linh căn cứ vào nhiệm vụ, khối lượng và tính chất công tác nhân dân khai hoang, vào đặc điểm tình hình của địa phương, theo nguyên tắc tổ chức bộ máy gọn, nhẹ, có hiệu lực mà quyết định bộ máy và biên chế khai hoang cho hợp lý.

Công tác khai hoang ở cấp huyện, cấp xã do Ủy ban hành chính huyện, Ủy ban hành chính xã chịu trách nhiệm. Căn cứ vào tính chất công tác nhân dân khai hoang của từng địa phương. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn cho bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách công tác nhân dân khai hoang ở huyện, xã. Ủy ban hành chính huyện cần phân công một ủy viên Ủy ban hành chính phụ trách và bố trí cán bộ chuyên trách.

Thi hành thông tư này gặp khó khăn gì, đề nghị các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố báo cáo cho Tổng cục khai hoang và Bộ Nội vụ biết.

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC KHAI HOANG




Lê Quảng Ba

BỘ NỘI VỤ

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 01-TT-LB năm 1963 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy khai hoang của địa phương do Tổng cục Khai hoang và Bộ Nội vụ ban hành.

  • Số hiệu: 001-TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 07/03/1963
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Tổng cục Khai hoang
  • Người ký: Lê Quảng Ba
  • Ngày công báo: 20/03/1963
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 22/03/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản