Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG NGHIỆP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 01-NN-HTH | Hà Nội, ngày 17 tháng 09 năm 1964 |
VỀ VIỆC TỔ CHỨC VÀ SỬ DỤNG ĐỘI LÀM THỦY LỢI TRONG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP
Thi hành Thông tư số 93-TTg ngày 16-9-1963 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức đội làm thủy lợi trong hợp tác xã nông nghiệp, tính đến tháng 6 năm 1964 các tỉnh đã tổ chức được 14,265 đội ở đồng bằng, trung du và 85 đội ở miền núi, với 302.291 người tham gia, đạt 79% kế hoạch cả năm. Nhờ vậy mà công tác thủy lợi đã dần dần khắc phục được khó khăn về nhân lực và đã đạt được khối lượng lớn với năng suất lao động cao hơn trước đồng thời lại bảo đảm sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp tốt hơn trước. Song, trong việc tổ chức và sử dụng đội làm thủy lợi ở nhiều nơi cũng còn có nhiều khuyết điểm tồn tại như đội thủy lợi to hoặc nhỏ quá, thành phần thanh niên nhiều hoặc ít quá, biến đội làm thủy lợi thành phi sản xuất nông nghiệp, làm thủy lợi thuê thay cho cả các hợp tác xã khác; việc tính toán công điểm giữa người đi làm thủy lợi và người ở nhà sản xuất chưa thỏa đáng, không chiếu cố thích đáng đến người đi hoặc người ở nhà; lương thực cấp cho người đi làm thủy lợi nhiều quá hoặc không đủ, trích quỹ hợp tác xã mua sắm cho đội thủy lợi không đúng tinh thần cho vay mua sắm dụng cụ phục vụ sản xuất.
Những thiếu sót trên đã ảnh hưởng phần nào đến công việc trên công trường hoặc đến đến sản xuất của hợp tác xã, đến quan hệ giữa các xã viên với nhau, đến tiền vốn của hợp tác xã.
Để chấm dứt tình trạng ấy, nay liên Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi quy định một số điểm cụ thể nhằm quán triệt thêm tinh thần Thông tư số 93-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức và sử dụng đội làm thủy lợi như sau:
1. Nhiệm vụ của đội làm thủy lợi:
Đội làm thủy lợi là một tổ chức lao động tập thể do hợp tác xã nông nghiệp lập ra để đi dân công nghĩa vụ thủy lợi thay cho những người có nghĩa vụ đi làm dân công của hợp tác xã mình hàng năm. Những người tham gia đội thủy lợi không thoát ly sản xuất nông nghiệp, không có trách nhiệm đi làm thay cho hợp tác xã khác hoặc người ngoài hợp tác xã. Khi hợp tác xã nào không làm kịp nghĩa vụ thủy lợi cần hợp tác xã đã làm xong giúp đỡ thì phải thương lượng với hợp tác xã đã làm xong và hợp tác xã này phải bàn bạc với đội thủy lợi của mình. Nếu hợp tác xã này xét thấy không có ảnh hưởng gì đến kế hoạch sản xuất của mình và được tập thể đội viên đội thủy lợi đồng ý thì có thể ký hợp đồng nhận làm thay cho một số công việc thuộc phần hợp tác xã khác, hai bên phải thanh toán sòng phẳng trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Để sử dụng hợp lý khả năng lao động của những người trong đội thủy lợi, ngoài công tác đại, trung thủy nông do tỉnh, huyện huy động; khi hợp tác xã làm công tác tiểu thủy nông thì tùy trường hợp, Ban quản trị giao cho đội thủy lợi làm hoặc huy động đông đảo xã viên làm và sử dụng đội viên đội thủy lợi làm nòng cốt.
Để tiện cho việc lãnh đạo, phân công thống nhất, mỗi hợp tác xã chỉ nên tổ chức một đội (trừ hợp tác xã quy mô toàn xã hoặc liên thôn có thể tổ chức đội thủy lợi theo đơn vị thôn). Mỗi đội có một ban chỉ huy đội gồm đội trưởng và một hay hai đội phó. Đội thủy lợi thống nhất đặt dưới sự lãnh đạo của xã, Chi bộ Đảng và Ban quản trị hợp tác xã.
Quy mô đội to hay nhỏ là tùy theo tình hình cụ thể của từng hợp tác xã và số người phải làm nghĩa vụ nhiều hay ít với nguyên tắc là “đảm bảo cả nghĩa vụ của hợp tác xã mình trên công trường lẫn sản xuất của hợp tác xã và một số công tác của địa phương”. Ở những nơi hợp tác xã có nhiều ruộng đất, nhiều công việc hoặc năng suất lao động làm thủy lợi cao thì một người có thể thay từ 5 đến 6 người có nghĩa vụ dân công. Nơi ít ruộng đất, ít công việc hoặc năng suất lao động làm thủy lợi chưa cao thì số người thay có thể ít hơn (một người thay ba người), để cho đội thủy lợi có nhiều người lên công trường làm được nhanh chóng, đồng thời điều hoà được công việc giữa các xã viên, làm cho thu nhập của họ không quá chênh lệch.
Về thành phần, đội phải bao gồm những người khỏe mạnh trong đó có những người có kinh nghiệm đào, đắp, nề mộc v.v…có nam, có nữ, có thanh niên và những người đứng tuổi. Lứa tuổi thanh niên nên có tỷ lệ thích đáng để bảo đảm công việc thủy lợi, đồng thời bảo đảm công việc sản xuất của hợp tác xã và các công việc khác của địa phương. Nói chung thanh niên nên chiếm vào khoảng từ 30 đến 50% tổng số đội viên và không quá 30% tổng số thanh niên có mặt trong hợp tác xã. Tuyển đội viên nên rãi ra đều ở các đội sản xuất để khỏi ảnh hưởng đến sản xuất của đội này hoặc thu nhập của đội kia và nên nhằm vào gia đình có nhiều lao động để đội viên khi đi công trường dài ngày cũng yên tâm, không lo lắng công việc gia đình. Đối với những cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên môn của hợp tác xã, như chủ nhiệm, kế toán trưởng, cán bộ kỹ thuật, mẫu giáo v.v… không nên lấy vào đội thủy lợi. Tổ chức đội thủy lợi cần ổn định không nên thay đổi luôn, trừ trường hợp có lý do chính đáng như có người đi công tác thoát ly, yếu sức v.v…
Cần đặc biệt chú ý vấn đề tăng cường lãnh đạo để tạo điều kiện cho đội đoàn kết thi đua tăng năng suất ở công trường đồng thời giữ quan hệ tốt với hợp tác xã. Cho nên đội trưởng cần chọn một ủy viên có năng lực trong Ban quản trị (trừ chủ nhiệm).
3. Tính thù lao cho người đi làm thủy lợi
Giữa những người có nghĩa vụ làm thủy lợi nhưng ở nhà với những người đi thay phải thanh toán công điểm với nhau đảm bảo nguyên tắc hai bên cùng có lợi, người đi làm thủy lợi cũng có lợi, người có nghĩa vụ nhưng ở nhà cũng có lợi. Muốn vậy, trước hết phải thực hiện chế độ khoán việc cho đội thủy lợi và công việc làm thủy lợi phải có định mức lao động, xếp bậc công việc và định tiêu chuẩn tính công làm thủy lợi. Mức lao động thì theo mức của công trường (cứ một định xuất là mức của một ngày). Xếp bậc công việc làm thủy lợi vào bậc nào trong hợp tác xã phải căn cứ vào tính chất nặng nhọc, tính chất kỹ thuật, tính chất quan trọng nhiều hay ít so với các công việc khác trong hợp tác xã và xét đến sự chênh lệch về thu nhập giữa đi làm thủy lợi với sản xuất ở địa phương. Xếp bậc công việc làm thủy lợi nên cao hơn bậc trung bình tiêu chuẩn tính công thủy lợi ở nơi có nghề tự do kiếm lời tốt nên cao một chút, ngược lại ở nơi ít việc, thu nhập về nghề phụ gia đình lại kém thì không nhất thiết phải cao hơn. Cứ hoàn thành một định xuất của công trường được coi là hoàn thành mức lao động làm thủy lợi một ngày và được tính sổ công điểm ở bậc đã xếp. Hoàn thành khối lượng công việc tính theo định mức của 25 ngày tiêu chuẩn dân công là hoàn thành nghĩa vụ, không kể số ngày thực tế làm nhiều hay ít. Đứng về nguyên tắc thì cứ bảo đảm khối lượng nghĩa vụ thủy lợi bao nhiêu ngày là đội thủy lợi tính công điểm với những người được người khác đi thay bấy nhiêu ngày. Nhưng phong trào cải tiến công cụ hiện nay đang trên đà phát triển, do đó năng suất lao động trên công trường cũng ngày càng tăng. Để gây quan hệ tốt giữa người có nghĩa vụ ở nhà được người khác đi thay với đội thủy lợi, nên có sự châm chước trong trường hợp năng suất lao động trên công trường tăng nhiều. Châm chước (giảm) bao nhiêu là tùy theo hoàn cảnh cụ thể từng hợp tác xã và phải do hợp tác xã bàn bạc với đội, trên cơ sở tự nguyện tự giác. Phần giảm phải chia đều cho những người có nghĩa vụ ở nhà.
Công điểm giữa đội làm thủy lợi và người làm nghĩa vụ phải đóng góp và công bố rõ ràng, thanh toán vào từng kỳ tạm chia trong hợp tác xã, đến cuối năm sẽ thanh toán chính thức (vào dịp chia chính thức). Đội viên làm công tác thủy lợi được chia theo ngày công cả rơm, rạ và các sản phẩm phụ khác như mỗi người xã viên khác không có gì phân biệt.
4. Giải quyết lương thực cho người đi làm công tác thủy lợi.
Để chiếu cố đến tình hình làm đất nặng nhọc những người làm công tác thủy lợi trên công trường cần đảm bảo được ăn với mức cao hơn người ở nhà (tối đa là từ 7 đến 8 lạng gạo một ngày kể cả hoa mầu quy ra gạo). Mức lương thực ấy do những người đi làm thủy lợi mang đi theo mức ăn của mình mà hợp tác xã phân phối, cộng với phần của công trường bán thêm theo định xuất.
5. Những công cụ sản xuất và những đồ dùng sinh hoạt tập thể cho đội.
Những công cụ sản xuất và những đồ dùng sinh hoạt tập thể như xe vận chuyển, mai, cuốc, nồi niêu, soong, chảo v.v… lúc đầu đội chưa có điều kiện mua sắm, hợp tác xã cần trích quỹ một phần và một phần vay Ngân hàng mua sắm cho đội. Trong việc mua sắm phải ưu tiên cho công cụ sản xuất. Đội có trách nhiệm phải trích từ 20 đến 25% phần thù lao bằng tiền mà công trường thanh toán để trả dần cho hợp tác xã trong một thời gian nhất định (khoảng từ một đến ba năm). Đối với những đồ dùng sinh hoạt cá nhân từng người phải tự sắm lấy, tuyệt đối không được trích quỹ cho vay để sắm như một vài nơi đã làm.
Những công cụ sản xuất và những đồ dùng sinh hoạt tập thể đều thuộc sở hữu công cộng, bất cứ trong trường hợp nào cũng không được phân tán. Những công cụ đó do đội thủy lợi quản lý. Đội thủy lợi phải có nội quy sử dụng, bảo quản cho tốt. Khi hợp tác xã muốn sử dụng vào công việc sản xuất của hợp tác xã thì phải tính trả hao mòn.
6. Giải quyết một số quyền lợi khác cho người đi làm thủy lợi.
Phần thù lao bằng công điểm cũng như bằng tiền và các khoản khác thanh toán, nói chung người đi làm thủy lợi được hưởng với nguyên tắc “ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít”. Riêng khoản thù lao bằng tiền trích khoảng 20% đến 25% tổng số thu nhập để mua dụng cụ sản xuất và khoảng từ 2% đến 5% bỏ vào quỹ công ích. Hợp tác xã phải chú ý săn sóc đến sức khỏe của những đội viên làm thủy lợi bằng cách khi đội viên đi làm thủy lợi trên công trường về bị ốm đau v.v… ngoài chế độ ở công trường cấp ra, hợp tác xã cũng cần có sự giúp đỡ thêm (tùy theo khả năng quỹ công ích có nhiều hay ít).
Đối với quyền lợi: học tập văn hoá, chính trị, quân sự của anh chị em, hợp tác xã và đội thủy lợi cũng phải có trách nhiệm tổ chức bảo đảm cho anh chị em được đều đặn.
Để đảm bảo công tác lãnh đạo làm thủy lợi được tốt, Uỷ ban hành chính các cấp khu, tỉnh, thành cùng bàn bạc với Ty Thủy lợi và cơ quan phụ trách công tác hợp tác hoá nông nghiệp và có kế hoạch hướng dẫn cho huyện, xã, hợp tác xã trong việc tổ chức lãnh đạo, giải quyết các quyền lợi về kinh tế, chính trị, tính công điểm giữa người có nhiệm vụ ở nhà và người đi làm thay thế có quan hệ tốt. Ty Thủy lợi còn có trách nhiệm đào tạo và bồi dưỡng cho đội trưởng, đội phó về kỹ thuật chuyên môn.
Ban chỉ huy công trường có trách nhiệm giúp tỉnh, thành về các mặt tổ chức và sử dụng lao động trên công trường, thi hành chính sách dân công và bảo đảm các chế độ cho đúng, đồng thời giúp đỡ các đội cải tiến công cụ, cải tiến kỹ thuật, trực tiếp giao khoán và thanh toán với đội để làm tốt công trình.
Trên đây là một số quy định của liên Bộ có tính chất nguyên tắc, liên Bộ nêu lên để các địa phương nghiên cứu áp dụng, trong khi thi hành có gặp khó khăn hoặc kinh nghiệm gì tốt thì báo cáo về Bộ.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ LỢI | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP |
- 1Quyết định 202-CP năm 1970 về việc tạm thời quy định cụ thể một số chế độ đãi ngộ đối với đội thủy lợi trong hợp tác xã nông nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 37-TL-TT-1964 về việc tổ chức huấn luyện đội trưởng, đội phó và đội viên đội thủy lợi trong hợp tác xã nông nghiệp do Bộ Thủy lợi ban hành
- 1Quyết định 202-CP năm 1970 về việc tạm thời quy định cụ thể một số chế độ đãi ngộ đối với đội thủy lợi trong hợp tác xã nông nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 37-TL-TT-1964 về việc tổ chức huấn luyện đội trưởng, đội phó và đội viên đội thủy lợi trong hợp tác xã nông nghiệp do Bộ Thủy lợi ban hành
Thông tư liên bộ 01-NN-HTH năm 1964 tổ chức và sử dụng đội làm thủy lợi trong hợp tác xã nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Bộ Thuỷ lợi ban hành.
- Số hiệu: 01-NN-HTH
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 17/09/1964
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp, Bộ Thuỷ lợi
- Người ký: Phan Mỹ, Lê Quang Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 36
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra