Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 95-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 1960

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CHỌN HỌC SINH GỬI ĐI HỌC CHUYÊN MÔN Ở CÁC NƯỚC ANH EM.

Kính gửi:

- Các Bộ và các Uỷ ban Nhà nước, các Cơ quan trung ương
- Các Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh, các Trường Đại học

Hiện nay, nhiệm vụ đào tạo cán bộ của ta rất lớn và rất cấp bách. Trước hết cần ra sức đào tạo những cán bộ công nông, cán bộ chính trị và học sinh tốt thành một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ chuyên môn tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa xã hội, hết lòng hết sức phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà.

Căn cứ tình hình lưu học sinh đã gửi đi học ở các nước anh em trong những năm vừa qua và tình hình đào tạo cán bộ ở các trường Đại học và chuyên nghiệp trong nước, Thủ tướng thấy rằng từ nay hàng năm cần phải mạnh dạn gửi thêm nhiều cán bộ và học sinh ra nước ngoài học tập.

Để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ nói trên, Thủ tướng phủ quy định những điểm sau đây để hướng dẫn việc tuyển lựa và gửi cán bộ, học sinh đi học ở nước ngoài cho năm học 1960-1961 và các năm học sau:

I. HƯỚNG GỬI LƯU HỌC SINH

Cần gửi lưu học sinh đi học ở các nước anh em theo những hướng dưới đây:

1. Học tại các trường Đại học.

2. Học theo chế độ bổ túc chuyên môn ngắn hạn trong các trường Đại học.

3. Học theo chế độ nghiên cứu sinh.

4. Học các ngành chuyên nghiệp trung cấp mà trong nước chưa có trường đào tạo.

Phần lớn lưu học sinh sẽ được gửi đi học tại Liên-xô và Trung -quốc. Đối với các nước anh em khác, chỉ gửi học sinh đi học ở những nước nào có những nước nào có những ngành ta cần phải học (nghĩa là chỉ ở nước đó mới có hoặc nước đó giỏi về ngành ấy hơn cả) và theo hiệp định trao đổi văn hoá đã ký giữa ta với các nước đó.

II. TIÊU CHUẨN LỰA CHỌN LƯU HỌC SINH

Về tiêu chuẩn lựa chọn lưu học sinh, nay quy định như sau:

1. Tiêu chuẩn về chính trị:

a) Đối với cán bộ:

- Trung thành với cách mạng (lập trường, tư tưởng, thái độ công tác và học tập tốt);

- Lý lịch rõ ràng, không phạm sai lầm nghiêm trọng;

- Về quan hệ gia đình, không có vấn đề phản cách mạng. (Xét điều kiện bản thân người được lựa chọn là chủ yếu; nhưng không thể xem nhẹ quan hệ gia đình; khi xét quan hệ gia đình phải điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, xác minh rõ ràng, kết luận thận trọng).

b) Đối với học sinh:

Cũng như tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ, nhưng khi xét chọn phải thận trọng hơn. Cần chú ý lựa chọn con em nhân dân lao động (công nhân, nông dân, quân nhân cách mạng, cán bộ, công chức cách mạng), quan hệ gia đình tốt, học tập và lao động tích cực, có ý thức tổ chức và kỷ luật.

2. Tiêu chuẩn về văn hoá

a) Đối với lưu học sinh đi học Đại học:

Nếu là cán bộ thì phải học hết chương trình cấp 3 trường phổ thông hoặc sức học tương đương với cấp 3 trường phổ thông hiện nay.

Nếu là học sinh trường phổ thông thì phải tốt nghiệp lớp 10 hoặc tốt nghiệp cấp 3 trường bổ túc công nông.

b) Đối với lưu học sinh đi học chuyên nghiệp trung cấp:

Nếu là cán bộ thì phải học hết chương trình cấp 2 trường phổ thông.

Nếu là học sinh thì phải tốt nghiệp lớp 7 trường phổ thông.

c) Đối với lưu học sinh đi học theo chế độ nghiên cứu sinh:

Phải tốt nghiệp Đại học hoặc đã có trình độ chuyên môn tương đương với trình độ Đại học.

d) Đối với lưu học sinh đi học bổ túc chuyên nghiệp:

Phải có trình độ văn hoá và chuyên môn tương đương với cấp định được đi bổ túc.

3. Điều kiện về tuổi:

- Cán bộ thì tối đa là 35 tuổi.

- Học sinh thì từ 18 đến 25 tuổi.

- Cán bộ đi học theo lối nghiên cứu sinh hoặc bổ túc chuyên môn thì tối đa là 40 tuổi.

4. Điều kiện về sức khoẻ:

Phải khỏe mạnh, đủ sức đi học lâu năm ở xứ lạnh, không mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh kinh niên.

Người nào thiếu một trong bốn điều nói trên thì không được lựa chọn đi học.

III. SỐ LƯỢNG LƯU HỌC SINH VÀ NGUỒN TUYỂN LỰA LƯU HỌC SINH

1. Số lượng.

Số lượng lưu học sinh sẽ gửi đi hàng năm theo kế hoạch do Hội đồng Chính phủ xét duyệt.

2. Nguồn tuyển lựa.

a) Về cán bộ:

- Chọn cán bộ tốt, trẻ ở trong biên chế Nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Chính, Quân, Đoàn thể ở trung ương và các địa phương (kể đến huyện).

- Cán bộ ngoài biên chế Nhà nước (cán bộ đang công tác ở xã, cán bộ đang sản xuất ở các tập đoàn) thi đỗ vào năm thứ nhất của các trường Đại học.

b) Về học sinh:

- Học sinh tốt nghiệp lớp 10 trường phổ thông, học sinh tốt nghiệp cấp 3 trường bổ túc công nông và học sinh thi đỗ vào năm thứ nhất của các trường Đại học.

IV. PHƯƠNG CHÂM TUYỂN LỰA LƯU HỌC SINH

1. Cố gắng chọn nhiều cán bộ trước. Trong cán bộ thì chọn cán bộ kháng chiến trước, nếu không có hoặc thiếu thì sẽ chọn cán bộ mới tuyển từ sau khi hòa bình được lập lại. Chọn cán bộ mới tuyển sau khi hoà bình được lập lại thì chú ý chọn đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động.

2. Chọn học sinh thì chú ý chọn đoàn viên thanh niên lao động tốt, con công nông, con liệt sĩ, con gia đình cán bộ, bộ đội và con em những gia đình có công với cách mạng.

3. Trong khi xét chọn cán bộ cũng như học sinh, phải chú ý chọn người miền Nam, dân tộc thiểu số, phụ nữ.

4. Cán bộ của Bộ nào gửi đi học ở nước ngoài thì do Bộ ấy chọn và được Bộ Giáo dục thẩm tra về các tiêu chuẩn.

5. Cán bộ các ngành không có kế hoạch gửi lưu học sinh, cán bộ các đoàn thể cách mạng, cán bộ ngoài biên chế Nhà nước (cán bộ xã, cán bộ đang sản xuất ở các tập đoàn) đã thi đỗ vào năm thứ nhất của các trường Đại học trong nước, thì sẽ được Bộ Giáo dục chú ý chọn trước học sinh tốt nghiệp trường phổ thông.

6. Việc tuyển lựa lưu học sinh sẽ do Bộ Giáo dục phụ trách phối hợp với các trường và các địa phương.

V. CƠ QUAN PHỤ TRÁCH VIỆC TUYỂN LỰA LƯU HỌC SINH.

Các ngành, các cấp có liên quan đến việc tuyển và gửi lưu học sinh đi học nước ngoài đều có trách nhiệm nghiên cứu kế hoạch thi hành chỉ thị này. Thủ tướng phủ phân công như sau:

- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Văn phòng Tuyên giáo Thủ tướng phủ nghiên cứu về số lượng và ngành học cụ thể cho từng ngành, từng Bộ đệ trình Thủ tướng phủ xét duyệt và công bố cho các Bộ, các ngành thi hành.

- Bộ Giáo dục phụ trách nghiên cứu kế hoạch chiêu sinh, hướng dẫn các ngành, các cấp tuyển lựa và xét duyệt cán bộ và học sinh cho đúng tiêu chuẩn. Tổng hợp danh sách học sinh trình Thủ tướng phủ xét duyệt, tổ chức cho học sinh học tập ngoại ngữ và chính trị, phân phối ngành học, chuẩn bị về vật chất, kiểm tra lại văn hoá và sức khỏe lần cuối cùng và tổ chức gửi lưu học sinh đi.

- Các Bộ, các ngành có kế hoạch gửi lưu học sinh chịu trách nhiệm xét duyệt về mặt tư tưởng, chính trị, thẩm tra lý lịch, kiểm tra văn hoá, sức khỏe lần đầu và bổ túc văn hoá cho cán bộ trong ngành trước khi Bộ Giáo dục tập trung những lưu học sinh ấy.

- Bộ Công an chịu trách nhiệm thẩm tra lý lịch học sinh theo yêu cầu của các Bộ.

- Bộ Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra sức khoẻ của học sinh.

- Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục để nghiên cứu chính sách và chế độ đối với lưu học sinh.

- Bộ Ngoại giao và Vụ Trao đổi văn hoá với nước ngoài phụ tránh việc đàm phán với các nước anh em để gửi lưu học sinh đi, sau khi đã được Thủ tướng phủ thông qua kế hoạch.

VI. THỜI GIAN TIẾN HÀNH

Hàng năm Bộ Giáo dục căn cứ theo thông tư này hướng dẫn kế hoạch chiêu sinh để đảm bảo thời gian tập trung học sinh học ngoại ngữ và tổ chức việc gửi lưu học sinh đi học.

Thông tư này sẽ áp dụng cho năm học 1960-1961 và các năm học sau, kể từ ngày được ban hành. Nếu trong khi thi hành gặp khó khăn, trở ngại gì, hoặc có điểm nào chưa rõ thì các cấp, các ngành báo cáo cho Thủ tướng phủ biết để cho ý kiến giải quyết hoặc có thông tư bổ sung sau.

K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Trường Chinh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 95-TTg năm 1960 về việc chọn học sinh gửi đi học chuyên môn ở các nước anh em do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 95-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 13/04/1960
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trường Chinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 13/04/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản