Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 95/1999/TT-BTC | Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 1999 |
Thời gian qua Bộ Tài chính nhận được phản ánh của một số đơn vị về các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện việc quản lý thu thuế theo quy định tại Thông tư 169/1998/TT-BTC ngày 22/12/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thuế đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không thuộc các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Để việc thực hiện thống nhất, Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung Thông tư số 169/1998/TT-BTC như sau:
1. Về địa điểm kê khai, nộp thuế của Nhà thầu, Nhà thầu phụ xây lắp nước ngoài:
Trường hợp các Nhà thầu, Nhà thầu phụ xây lắp nước ngoài có trụ sở điều hành ở một địa phương nhưng có công trình thi công ở địa phương khác thì các Nhà thầu, Nhà thầu phụ phải kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế địa phương nơi có công trình xây dựng.
Trường hợp các Nhà thầu, Nhà thầu phụ xây lắp nước ngoài không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam (nộp thuế theo phương pháp trực tiếp) thì Bên Việt Nam ký hợp đồng thực hiện kê khai, đăng ký về hoạt động của Nhà thầu, Nhà thầu phụ nước ngoài tại Việt Nam theo mẫu 02 NT-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 169/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính với cơ quan thuế địa phương nơi đóng trụ sở để theo dõi, đồng thời Bên Việt Nam ký hợp đồng đăng ký, kê khai, nộp thuế thay các Nhà thầu, Nhà thầu phụ nước ngoài với cơ quan thuế địa phương nơi có công trình xây dựng.
Sau khi ký Hợp đồng giao bớt một phần công việc của mình cho Nhà thầu phụ Việt Nam, các Nhà thầu, Nhà thầu phụ xây lắp nước ngoài phải gửi bản sao Hợp đồng đã ký cho chủ đầu tư để chủ đầu tư làm thủ tục kê khai, đăng ký với cơ quan thuế địa phương theo quy định.
Định kỳ khi thanh toán với chủ đầu tư, Nhà thầu, Nhà thầu phụ nước ngoài phải phân tích rõ giá trị từng phần công việc các Nhà thầu, Nhà thầu phụ thực hiện trong đó tách riêng giá trị công việc mà các Nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện theo hợp đồng đã ký. Trên cơ sở đó chủ đầu tư tính toán kê khai số thuế phải nộp của các Nhà thầu, Nhà thầu phụ nước ngoài với cơ quan thuế địa phương nơi có công trình đối với phần giá trị công trình do Nhà thầu, Nhà thầu phụ nước ngoài trực tiếp thực hiện; đồng thời khấu trừ, nộp thay Nhà thầu, Nhà thầu phụ nước ngoài số thuế phải nộp này vào ngân sách Nhà nước theo hướng dẫn tại Mục C, Thông tư số 169/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Số thuế giá trị gia tăng đã nộp thay cho các Nhà thầu, Nhà thầu phụ nước ngoài là số thuế giá trị gia tăng đầu vào của bên Việt Nam ký hợp đồng và được khấu trừ theo hướng dẫn tại Điểm 2, Mục II, Phần C, Thông tư số 169/1998/TT-BTC. Chứng từ để xác định số thuế đầu vào được khấu trừ của Bên Việt Vam là biên lai nộp thuế giá trị gia tăng hoặc giấy nộp tiền vào Ngân sách có xác nhận của Kho bạc Nhà nước về số thuế đã nộp.
Các Nhà thầu phụ Việt Nam trực tiếp kê khai nộp thuế với cơ quan thuế theo quy định.
- Trường hợp Bên Việt Nam chịu trách nhiệm hạch toán chung và các bên tham gia Hợp đồng theo phương thức chia lợi nhuận thì Bên Việt Nam tiến hành kê khai, nộp và quyết toán thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định trên toàn bộ doanh thu thu được, đồng thời tiến hành hạch toán theo dõi riêng từng Hợp đồng.
- Trường hợp các bên tham gia Hợp đồng theo phương thức chia sản phẩm, hoặc cùng nhau liên danh nhận thầu công việc nhưng mỗi bên tham gia hợp đồng thực hiện một phần công việc riêng biệt, các bên tự phát hành hoá đơn đối với phần doanh thu thu được của mình khi bán hàng hoá hoặc thực hiện phần công việc theo hợp đồng thì các bên tự chịu trách nhiệm kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần doanh thu mà mình thu được. Các bên tự đăng ký phương pháp nộp thuế và thực hiện việc kê khai, nộp và quyết toán thuế với cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế theo quy định.
- Trường hợp các bên tham gia Hợp đồng theo phương pháp chia doanh thu nhưng không phân chia thành các phần công việc riêng biệt thì Bên Việt Nam ký hợp đồng (trường hợp có nhiều bên Việt Nam cùng tham gia hợp đồng thì các Bên phải cử ra một đại diện chịu trách nhiệm hạch toán chung) chịu trách nhiệm phát hành hoá đơn cho khách hàng, đồng thời kê khai, nộp và quyết toán thuế giá trị gia tăng với cơ quan thuế trên toàn bộ doanh thu.
Khi thanh toán tiền cho các Bên liên quan, các Bên liên quan phải phát hành hoá đơn giá trị gia tăng để làm cơ sở khấu trừ thuế đầu vào cho bên Việt Nam ký hợp đồng. Các bên đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế trên doanh thu được chia của mình.
- Trường hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài (Nhà thầu) áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp thì bên Việt Nam ký hợp đồng chịu trách nhiệm khấu trừ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trước khi thanh toán hoặc chuyển tiền cho họ. Số thuế giá trị gia tăng đã nộp thay cho các Nhà thầu, Nhà thầu phụ nước ngoài là số thuế đầu vào của bên Việt Nam ký hợp đồng và được khấu trừ theo hướng dẫn tại Điểm 2, Mục II, Phần C, Thông tư số 169/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính.
4. Thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá, vật tư nhập khẩu cung cấp cho công trình xây dựng:
Chủ đầu tư nhập khẩu vật tư, hàng hoá rồi giao lại cho các Nhà thầu, Nhà thầu phụ (kể cả trường hợp Nhà thầu nhận hợp đồng chìa khoá trao tay hoặc trường hợp Nhà thầu nước ngoài cung cấp vật tư cho công trình) phải nộp thuế giá trị gia tăng đối với vật tư, nguyên liệu nhập khẩu theo thông báo thuế của cơ quan Hải quan. Số thuế giá trị gia tăng đã nộp được xác định là số thuế đầu vào của chủ đầu tư và được khấu trừ đối với thuế đầu vào của tài sản cố định theo hướng dẫn tại Mục III, Phần B, Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính.
Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam kinh doanh hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam thông qua các Đại lý là tổ chức, cá nhân Việt Nam thì:
Sau khi ký hợp đồng đại lý, các tổ chức, cá nhân Việt Nam làm Đại lý phải khai báo với cơ quan thuế và đăng ký nộp thuế theo quy định tại Thông tư số 169/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Khi bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ, các Đại lý phải sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng. Trường hợp các Đại lý nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp thì sử dụng hoá đơn bán hàng. Trong cả hai trường hợp nêu trên, các tổ chức, cá nhân Việt Nam làm Đại lý phải theo dõi riêng phần doanh thu này và chỉ hạch toán vào thu nhập của mình phần hoa hồng được hưởng.
Trước khi chi trả thu nhập cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, các Đại lý có trách nhiệm khấu trừ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và kê khai, nộp ngân sách Nhà nước thay cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Việc khấu trừ thuế của các tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện như sau:
a. Đối với các Đại lý nộp thuế theo phương thức khấu trừ:
Thuế giá trị gia tăng: thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm 2, Mục II, Phần C, Thông tư số 89/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính. Số thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu mà Đại lý đã nộp thay các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam được trừ khi tính toán số thuế giá trị gia tăng phải nộp. Cụ thể:
Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra - Thuế GTGT đầu vào
Trong đó:
- Thuế GTGT đầu ra: là thuế giá trị gia tăng ghi trên hoá đơn khi bán hàng.
- Thuế GTGT đầu vào: là thuế giá trị gia tăng của hàng hoá đã nộp khâu nhập khẩu.
Thuế thu nhập doanh nghiệp: thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm 2, Mục I, Phần C, Thông tư số 169/TT-BTC của Bộ Tài chính.
b. Đối với các Đại lý nộp thuế theo phương pháp trực tiếp:
Các Đại lý khấu trừ và kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp thay các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định tại Mục I, Phần C, Thông tư số 169/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính. Số thuế giá trị gia tăng mà Đại lý đã nộp khi nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam không được khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết kịp thời.
Phạm Văn Trọng (Đã ký) |
- 1Quyết định 40/2005/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành đã hết hiệu lực pháp luật, bị bãi bỏ hoặc có văn bản thay thế do Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ tài chính ban hành
- 2Thông tư 05/2005/TT-BTC hướng dẫn chế độ thuế áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- 1Quyết định 40/2005/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành đã hết hiệu lực pháp luật, bị bãi bỏ hoặc có văn bản thay thế do Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ tài chính ban hành
- 2Thông tư 169/1998/TT-BTC hướng dẫn chế độ thuế áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không thuộc hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- 3Thông tư 05/2005/TT-BTC hướng dẫn chế độ thuế áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
Thông tư 95/1999/TT-BTC sửa đổi Thông tư 169/1998/TT-BTC hướng dẫn chế độ thuế đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không thuộc các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 95/1999/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 06/08/1999
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Phạm Văn Trọng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 34
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra