Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 92-TC

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 1959

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VÀ QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN PHÚC THẨM HÀ NỘI, HẢI PHÒNG VÀ VINH

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP - CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các ông Chánh án các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh;
- Các ông Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh và thành phố thuộc quản hạt của các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh
- Các Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố thuộc địa hạt các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh

Ngày 14/8/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ra nghị định số 300-TTg tổ chức các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh. Nay Liên bộ giải thích và quy định chi tiết thi hành nghị định đó như sau:

A.VỊ TRÍ CỦA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN PHÚC THẨM HÀ NỘI, HẢI PHÒNG VÀ VINH.

Sau khi bỏ các Khu hành chính ở đồng bằng và trung du, hướng tổ chức của các Tòa án là: dần dần xây dựng Tòa án nhân dân huyện thành Tòa án nhân dân sơ thẩm, xây dựng Tòa án nhân dân tỉnh thành Tòa án nhân dân Phúc thẩm để đi tới bỏ các Tòa án nhân dân Phúc thẩm khu. Trong khi chưa xây dựng được các Tòa án nhân dân huyện thành Tòa án nhân dân sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh chưa trở thành Tòa án nhân dân Phúc thẩm thì vẫn cần phải giữ lại cấp Tòa án nhân dân Phúc thẩm hiện nay. Tuy nhiên để làm cho tổ chức của các Tòa án nhân dân Phúc thẩm được gọn và hợp lý, Thủ tướng Chính phủ đã ra nghị định dồn 6 Tòa án nhân dân Phúc thẩm cũ ở đồng bằng và trung du thành 3 Tòa án nhân dân Phúc thẩm đóng trụ sở ở Hà Nội, Hải Phòng và Vinh.

Các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải phòng và Vinh là một cấp Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố và Tòa án nhân dân Tối cao. Tuy nhiên, vị trí của các Tòa án nhân dân Phúc thẩm có điểm cần phải chú ý là: sau khi bỏ khu hành chính ở đồng bằng và trung du, các Tòa án nhân dân Phúc thẩm không có sự lãnh đạo của một cấp ủy ngang cho nên gặp khó khăn trong công tác; mặt khác, cần phải bước đầu đặt quan hệ trực tiếp giữa Trung ương và Tòa án nhân dân tỉnh; vì vậy cần phải thay đổi trách nhiệm của các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh, các Tòa án nhân dân Phúc thẩm này phải dựa chủ yếu vào Tòa án nhân dân Tối cao.

B. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN PHÚC THẨM HÀ NÔI, HẢI PHÒNG VÀ VINH.

Căn cứ vào đặc điểm của tổ chức các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng, và Vinh, điều 4 nghị định số 300-TTg ngày 14/8/1959 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định: “Nhiệm vụ chủ yếu của các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh là xử lại những án bị kháng nghị của các Tòa án nhân dân tỉnh và thành phố”. Như vậy có nghĩa:

- Một là Tòa án nhân dân Phúc thẩm chuyên trách công việc xử án, không phụ trách công việc lãnh đạo về chương trình kế hoạch, quản lý cán bộ, hướng dẫn về đường lối…

- Hai là trong việc xử án, thì chủ yếu là công việc xử Phúc thẩm.

Nhiệm vụ chỉ đạo công tác xét xử của các Tòa án nhân dân tỉnh và thành phố nay tập trung vào Tòa án nhân dân Tối cao, các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh chỉ có nhiệm vụ chỉ đạo một phần nào công tác xét xử của các Tòa án nhân dân cấp dưới.

Căn cứ vào nghị định của Thủ tướng Chính phủ, Liên bộ quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh như sau:

1. Nhiệm vụ chủ yếu của các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh là xử phúc thẩm những án bị kháng nghị của các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố. Để cho việc xét xử được tốt, các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh có nhiệm vụ nắm tình hình các địa phương để cho việc xét xử được sát với tình hình và yêu cầu của địa phương.

2. Trong công tác giám đốc xét xử, các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh có quyền hỏi các Tòa án nhân dân địa phương các hồ sơ, các bản án để nghiên cứu. Các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh có quyền xét những đơn khiếu nại của các người đương sự về những bản án của các Tòa án nhân dân cấp dưới. Đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án nhân dân cấp dưới mà phát hiện sai lầm cần phải xử lại, Tòa án nhân dân Phúc thẩm báo cáo ngay với Tòa án nhân dân Tối cao để Tòa án nhân dân Tối cao sẽ tiêu án và tùy trường hợp, tự mình xử lại hoặc giao cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Tòa án nhân dân Phúc thẩm xử lại.

3. Tòa án nhân dân Phúc thẩm sẽ không ra những chỉ thị, thông tư về đường lối xét xử chung cho Tòa án nhân dân cấp dưới nhưng sẽ góp phần vào việc chỉ đạo công việc xét xử của các Tòa án nhân dân tỉnh và thành phố bằng những hình thức sau đây:

a) Tòa án nhân dân Phúc thẩm chỉ đạo công việc xét xử của các Tòa án nhân dân cấp dưới thông qua án lệ của mình;

b) Tòa án nhân dân Phúc thẩm giúp Tòa án nhân dân địa phương nhận thức được đứng đắn pháp luật và các chính sách của Đảng và Chính phủ, phổ biến kinh nghiệm xét xử, uốn nắn những lệch lạc của các Tòa án nhân dân cấp dưới, trong khi tham gia dự hội nghị với các địa phương hoặc trong khi mời địa phương tham dự hội nghị tổng kết đường lối xét xử của Tòa án nhân dân Phúc thẩm hoặc trong những cuộc hội nghị của Tòa án nhân dân Tối cao ủy nhiệm triệu tập.

c) Nhắc nhở các địa phương thực hiện chương tình, kế hoạch công tác của ngành.

Nếu ở các tỉnh, thành phố xảy ra những vụ án quan trọng, Tòa án nhân dân Phúc thẩm có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ Tòa án nhân dân cấp dưới xét xử được nhanh chóng và đúng đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ.

4. Các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh không phải đặt chương trình, kế hoạch chung về công tác 3 tháng, 6 tháng, 1 năm cho các Tòa án nhân dân cấp dưới, nhưng có thể góp ý kiến để làm cho chương tình, kế hoạch của các Tòa án nhân dân cấp dưới được sát với chương trình, kế hoạch công tác của ngành và đáp ứng được tình hình và yêu cầu công tác của địa phương.

C. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN PHÚC THẨM HÀ NỘI, HẢI PHÒNG VÀ VINH VỀ MẶT HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP.

Các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh không có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo công tác hành chính tư pháp ở các Tòa án nhân dân cấp dưới. Việc chỉ đạo công tác hành chính tư pháp ở các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố nay tập trung vào Tòa án nhân dân Tối cao (về mặt chỉ đạo chính trị, nghiệp vụ và quản lý cán bộ) và Bộ Tư pháp (về mặt tổ chức, thẩm quyền, huấn luyện cán bộ, tuyên truyền phổ biến pháp luật, xây dựng và quản lý các tổ chức Hội thẩm nhân dân, luật sư, bào chữa viên, giám định viên, công chứng viên,v.v…).

Thông qua công tác với Tòa án nhân dân cấp dưới, nếu Tòa án nhân dân Phúc thẩm có những nhận xét gì về tổ chức hoặc cán bộ của các Tòa án nhân dân cấp dưới thì tùy trường hợp, sẽ phản ảnh với Tòa án nhân dân Tối cao hoặc Bộ Tư pháp theo sự phân công giữa hai cơ quan nói trên; đối với những thiếu sót nhỏ có thể sửa chữa được ngay thì Tòa án nhân dân Phúc thẩm góp ngay ý kiến với Tòa án nhân dân cấp dưới.

Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân Tối cao có thể ủy quyền cho các Tòa án nhân dân Phúc thẩm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc một số công tác hành chính tư pháp ở các Tòa án nhân dân cấp dưới.

D. MỘT SỐ ĐIỂM VỀ TỔ CHỨC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN PHÚC THẨM HÀ NỘI, HẢI PHÒNG VÀ VINH.

1. Muốn cho các Tòa án nhân dân Phúc thẩm làm tròn nhiệm vụ, cần phải tăng cường mối liên hệ giữa Tòa án nhân dân Phúc thẩm với Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp và với các Tòa án nhân dân, Ủy ban Hành chính và cấp ủy địa phương.

Ngoài việc học tập chính trị, chính sách trong khi sinh hoạt với các cơ quan đoàn thể địa phương, các cán bộ phụ trách Tòa án nhân dân Phúc thẩm sẽ được Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức để phổ biến cho biết thêm về tình hình của các địa phương, những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ cần thiết cho công tác xét xử và những đường lối, chủ trương công tác của Tòa án nhân dân Tối cao. Tòa án nhân dân Tối cao sẽ tổ chức những cuộc hội ý trong từng thời gian nhất định để chỉ đạo, giúp đỡ các Tòa án nhân dân Phúc thẩm công tác.

Các Tòa án nhân dân Phúc thẩm phải liên hệ mật thiết với Tòa án nhân dân, Ủy ban Hành chính và cấp ủy tỉnh, thành phố để nắm tình hình địa phương để cho công tác xét xử được tốt.

2. Tòa án nhân dân Phúc thẩm và Viện Công tố Phúc thẩm sẽ dần dần tách ra để trở thành những cơ quan riêng. Tuy nhiên lúc ấy 2 cơ quan (Viện Công tố và Tòa án nhân dân Phúc thẩm) sẽ có thể cùng chung một trụ sở và sử dụng một bộ phận quản trị chung. Trong khi chờ đợi, cần phân công giữa bộ phận Công tố và bộ phận Tòa án cho rõ ràng, khi gặp những việc quan trọng hoặc khó khăn thì 2 bộ phận phải thảo luận tập thể giúp đỡ lẫn nhau.

3. Lề lối làm việc chủ yếu của các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh là phải lưu động để xét xử và nắm tình hình ở các địa phương. Đối với những vụ án quan trọng, các Tòa án nhân dân Phúc thẩm cần phải liên hệ mật thiết với các Tòa án nhân dân , Ủy ban Hành chính và cấp ủy địa phương để làm cho đường lối xét xử của Tòa án nhân dân Phúc thẩm được thông suốt với các cơ quan nói trên, nếu có sự bất đồng ý kiến quan trọng giữa các Tòa án nhân dân Phúc thẩm với Ủy ban Hành chính hoặc cấp ủy địa phương thì Tòa án nhân dân Phúc thẩm báo cáo với Tòa án nhân dân Tối cao giải quyết.

4. Tất cả những báo cáo mà các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố phải gửi cho Tòa án nhân dân Tối cao thì cũng phải gửi cho Tòa án nhân dân Phúc thẩm một bản.

Đối với những vụ án phải thỉnh thị Tòa án nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh và thành phố phải lấy ý kiến của Tòa án nhân dân Phúc thẩm trước khi đi thỉnh thị. Sau khi đã cho ý kiến về vụ án thỉnh thị, Tòa án nhân dân Tối cao phải cho Tòa án nhân dân Phúc thẩm biết ý kiến của Tòa án nhân dân Tối cao.

Yêu cầu các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh và các Tòa án nhân dân trong quản hạt các Tòa án nhân dân Phúc thẩm nói trên thi hành thông tư này, sau Liên bộ sẽ rút kinh nghiệm và bổ sung thêm.

KT. CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN




Trần Công Tường

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP





Vũ Đình Hòe

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 92-TC năm 1959 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của các Tòa án nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Hải phòng và Vinh do Bộ Tư Pháp- Toà Án Nhân Dân tối cao ban hành.

  • Số hiệu: 92-TC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/11/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký: Trần Công Tường, Vũ Đình Hoè
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 45
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản