Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/2020/TT-BTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

Căn cứ Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngày 16 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tòa án nhân dân các cấp, Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Kinh phí đảm bảo cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm nguồn ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định tại Điều 6 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Điều 4. Nội dung chi, mức chi trong thực hiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Chi tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng:

a) Chi tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại, Thư ký Tòa án phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và an toàn kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

b) Chi tổ chức đao tạo, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho Hòa giải viên: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (sau đây gọi là Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính);

c) Chi in chứng chỉ (đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng có cấp chứng chỉ): Thực hiện theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật và thực tế phát sinh.

2. Chi thực hiện công tác thông tin, truyền thông về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Căn cứ nội dung, nhiệm vụ truyền thông về hoạt động hòa giải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và giao nhiệm vụ theo quy định. Tòa án nhân dân các cấp chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, nội dung thông tin truyền thông đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Mức chi thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu mua sắm thường xuyên nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan, đơn vị của nhà nước.

3. Chi tổ chức các hội nghị, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm liên quan đến hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; chi kiểm tra, giám sát về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Thực hiện theo Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính.

4. Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án thực hiện theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và quy định chi tiết của Tòa án nhân dân tối cao.

5. Chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về đấu thầu.

6. Chi văn phòng phẩm, nước uống, các chi phí hành chính trực tiếp khác liên quan đến vụ việc hòa giải: Thực hiện theo thực tế phát sinh và hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

7. Chi tổ chức lựa chọn người đưa vào danh sách được tham gia đào tạo lấy chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Hòa giải viên và bổ nhiệm Hòa giải viên: Thực hiện theo nội dung và mức chi chế độ chi hội nghị theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính.

8. Chi thù lao cho Hòa giải viên: Mức chi thù lao cho Hòa giải viên thực hiện theo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý, sử dụng, chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thù lao Hòa giải viên tại Tòa án.

9. Chi làm thẻ cho Hòa giải viên: Thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu về mua sắm thường xuyên.

10. Chi phiên dịch (dịch nói) tiếng dân tộc thiểu số và ngược lại phục vụ hoạt động hòa giải; chi phiên dịch về ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật trong trường hợp cần thiết khi người được hòa giải là người khuyết tật nghe, nói: Mức thuê phiên dịch đáp ứng bằng mức thuê người dẫn đường kiêm nhiệm phiên dịch tiếng dân tộc quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia.

11. Chi mời người có uy tín (ngoài hệ thống Tòa án) tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Trường hợp người có uy tín được mời tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong trường hợp cần thiết theo quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, thì thanh toán chi phí đi lại, chi phí lưu trú (nếu có) theo mức chi công tác phí theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính và quy định cụ thể của Tòa án nhân dân tối cao.

Số lượng, tiêu chí lựa chọn người có uy tín tham gia hòa giải theo từng vụ việc thực hiện theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao.

12. Chi trả lương làm việc vào ban đêm, thêm giờ đối với Thẩm phán, Thư ký, người lao động thuộc Tòa án khi thực hiện các công việc hỗ trợ hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Việc chi tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động, các văn bản hướng dẫn và Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BTC-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

13. Chi phí thuê trang thiết bị, máy móc hoặc chi thuê đơn vị, tổ chức có chức năng (trong trường hợp cần thiết) để phục vụ xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản nằm trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở: Thực hiện theo quy định của các cơ quan, đơn vị của nhà nước và hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định.

Điều 5. Lập dự toán, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Việc lập, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Thông tư này hướng dẫn thêm như sau:

1. Lập dự toán ngân sách:

Hàng năm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, Tòa án nhân dân các cấp lập dự toán chi tiết kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổng hợp chung trong dự toán chi hoạt động thường xuyên của cơ quan Tòa án; gửi Tòa án nhân dân tối cao và tổng hợp chung trong dự toán chi thường xuyên gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao dự toán ngân sách hàng năm theo quy định. Việc lập dự toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về kế toán. Kinh phí phục vụ hoạt động hòa giải đối thoại tại Tòa án được tổng hợp chung trong quyết toán chi thường xuyên hàng năm của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

2. Khi các văn bản quy định về chế độ, định mức chi dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Đối với chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do các bên tham gia hòa giải đối thoại tại Tòa án phải chịu chi phí theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp, việc quản lý, sử dụng, chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thù lao Hòa giải viên tại Tòa án.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Tổng Bí thư; Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ HCSN (200b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 92/2020/TT-BTC về quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 92/2020/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 13/11/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: 25/12/2020
  • Số công báo: Từ số 1187 đến số 1188
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản