Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 89-VH

Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 1986

THÔNG TƯ

CỦA BỘ VĂN HOÁ SỐ 89-VH NGÀY 14-4-1986 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 339-CT NGÀY 22-10-1985 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG MÁY VÀ BĂNG GHI HÌNH (VIDÉO CASSETTE).

Thời gian vừa qua, việc sử dụng máy và băng ghi hình (vidéo cassette) ở nhiều địa phương diễn ra rất hỗn loạn, tuỳ tiện, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng và thẩm mỹ, hơn nữa đã có tác hại xấu đến công tác quản lý tài chính.

Để khắc phục tình trạng trên và đưa dần vào hoạt động nề nếp, ngày 22-10-1985 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Chỉ thị số 339-CT.

Máy và băng ghi hình (vidéo cassette) là một phương tiện thông tin điện tử hiện đại. Chế độ hoạt động của các máy phát (vidéo) khác các máy thu vô tuyến truyền hình (télévision) ở chỗ nó sử dụng băng ghi hình đã in sẵn những chương trình nhất định để phát ra hình ảnh nên rất khó quản lý.

Máy và băng ghi hình là một công cụ rất lợi hại trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật và giải trí... vì vậy, việc tổ chức quản lý máy và băng ghi hình là một yêu cầu hết sức nghiêm ngặt với những quy định chặt chẽ, cụ thể.

Trong Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ghi rõ Bộ văn hoá là cơ quan quản lý việc sử dụng máy và băng ghi hình trong cả nước.

Nay Bộ văn hoá hướng dẫn cụ thể một số điểm cần tiến hành trong việc quản lý sử dụng máy và băng ghi hình (vidéo cassette) như sau:

I. CƠ QUAN QUẢN LÝ.

Bộ Văn hoá uỷ quyền cho Cục điện ảnh tổ chức, quản lý thống nhất việc sản xuất, phổ biến, xuất nhập khẩu băng ghi hình trong phạm vi cả nước (trừ hệ thống của Uỷ ban phát thanh và truyền hình Việt nam).

Các Sở văn hoá và thông tin (Công ty chiếu bóng cấp tỉnh) tổ chức quản lý việc phổ biến băng hình tại địa phương (bao gồm cả việc tổ chức đăng ký máy phát hình) trừ hệ thống của Uỷ ban phát thanh và truyền hình Việt Nam.

B ộ yêu cầu cơ quan văn hoá các cấp phải tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên.

II. ĐỐI TƯỢNG SỬ DỤNG.

Các đối tượng được sử dụng máy và băng ghi hình (Vidéo Cassette) , ngoài hệ thống của Uỷ ban phát thanh và truyền hình Việt Nam, được quy định như sau:

- Công ty sản xuất và dịch vụ băng ghi hình trực thuộc cục điện ảnh.

- Công ty xuất nhập khẩu và dịch vụ làm phim Việt Nam trực thuộc cục điện ảnh.

- Công ty phát hành phim trung ương và các công ty phát hành phim khu vực (thuộc cục điện ảnh).

- Các Công ty chiếu bóng cấp tỉnh và cấp huyện (trong đó bao gồm các rạp chiếu bóng và các đơn vị chiếu bóng hoạt động ở những nơi xa xôi hẻo lánh, biên giới và hải đảo).

- Các nhà văn hoá thuộc hệ thống của ngành văn hoá và của các đoàn thể.

- Các câu lạc bộ ở những nơi xa rạp chiếu bóng và đài truyền hình.

- Các khách sạn du lịch, các điểm du lịch dùng để phục vụ khách tham quan, du lịch.

- Trường đại học và trung học chuyên nghiệp dùng để phục vụ công tác giảng dạy.

- Các cơ quan nghiên cứu khoa học - kỹ thuật dùng để phục vụ nghiên cứu khoa học - kỹ thuật.

- Các tư nhân dùng vào việc sinh hoạt văn hoá riêng tại gia đình (trong điều kiện kinh tế đất nước hiện nay, không khuyến khích tư nhân sử dụng máy phát hình riêng).

III. TỔ CHỨC QUẢN LÝ MÁY VÀ BĂNG GHI HÌNH.

1. Máy và băng ghi hình là mặt hàng hiện nay hoàn toàn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chỉ thị của chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quy định bộ văn hoá chịu trách nhiệm tập hợp nhu cầu về máy, phụ tùng thay thế và băng ghi hình trong cả nước (ngoài hệ thống của Uỷ ban phát thanh và truyền hình Việt Nam). Bộ văn hoá yêu cầu các địa phương, các ngành và cơ quan (ngoài hệ thống của Uỷ ban phát thanh và truyền hình Việt Nam), hàng năm phải lập kế hoạch nhu cầu về máy, phụ tùng thay thế và băng ghi hình của đơn vị mình gửi về Bộ văn hoá để trình Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn.

2. Các đối tượng được sử dụng máy và băng ghi hình nhất thiết phải đang ký và có giấy phép sử dụng do các Sở văn hoá và thông tin (công ty chiếu bóng cấp tỉnh) cấp.

Cứ 6 tháng một lần các Sở văn hoá và thông tin (Công ty chiếu bóng cấp tỉnh) phải báo cáo về Cục điện ảnh tình hình và số lượng máy đã đăng ký ở địa phương mình.

Các đối tượng có giấy phép sử dụng máy và băng ghi hình không thuộc cơ quan, tổ chức có chức năng doanh thu đều không được sử dụng máy và băng vào mục đích kinh doanh.

3. Việc sử dụng máy ghi hình (caméra) sẽ có quy định cụ thể riêng.

4. Tổ chức xét duyệt nội dung băng ghi hình:

Tất cả các băng ghi hình nhập từ nước ngoài vào dưới bất cứ hình thức nào và con đường nào đều phải qua sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan công an, hải quan và phòng quản lý văn hoá phẩm tại các cửa khẩu theo đúng luật lệ của Nhà nước, sau đó phải chuyển giao cho Sở văn hoá và thông tin (Công ty chiếu bóng cấp tỉnh) sở tại.

a) Sở văn hoá và thông tin được phép tổ chức xét duyệt (mời ban tuyên huấn và ban văn hoá - văn nghệ cùng tham gia và giao cho công ty chiếu bóng cấp tỉnh làm thường trực) và cấp giấy phép sử dụng cho:

- Những băng ghi hình của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể quần chúng (chủ yếu là những chương trình phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, thể thao) dùng để phổ biến cho đối tượng riêng của mình.

- Những băng ghi hình thuộc sở hữu tư nhân dùng riêng trong gia đình.

Các Sở văn hoá và thông tin chỉ được cấp giấy phép sử dụng cho những băng dùng trong nội bộ trong cơ quan hoặc trong sinh hoạt giải trí riêng của gia đình, không được phép in nhân bản, chiếu rộng rãi ngoài phạm vi quy định và tổ chức chiếu có bán vé thu tiền.

Việc xét duyệt băng ghi hình phải được tiến hành một cách chặt chẽ, nghiêm túc và kỹ lưỡng cả về hình và tiếng, tránh tình trạng chỉ xét duyệt hình ảnh mà coi nhẹ việc duyệt tiếng nói trong các băng ghi hình.

b) Việc cấp giấy phép được phổ biến rộng rãi, in nhân bản hàng loạt và tổ chức chiếu có doanh thu đối với tất cả các băng ghi hình được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài (trừ các băng của Uỷ ban phát thanh và truyền hình Việt Nam) thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét duyệt trung ương.

Hội đồng xét duyệt Trung ương do Bộ văn hoá chủ trì, cục điện ảnh thường trực, đặt trụ sở tại cơ quan cục điện ảnh.

Các đơn vị, cá nhân có băng ghi hình các chương trình phim của nước ngoài (trừ các chương trình đã được phép phổ biến rộng rãi trên mạng lưới chiếu bóng) nhất thiết phải gửi đến cục điện ảnh hoặc Sở văn hoá và thông tin (Công ty chiếu bóng cấp tỉnh) sở tại và sau khi được cấp giấy phép lưu hành theo các mức quy định ở trên mới được phép sử dụng. Lâu nay nhiều địa phương đã cho lưu hành một số băng ghi hình chưa qua sự xét duyệt của trung ương. Nhận được Thông tư này, các Sở văn hoá và thông tin cần báo cáo ngay danh sách các băng hiện có trên địa bàn lãnh thổ của mình về cục điện ảnh để trình Hội đồng xét duyệt trung ương xét duyệt và cấp giấy phép phổ biến.

Địa chỉ gửi băng ghi hình để xét duyệt:

Phòng quản lý vidéo cassette cục điện ảnh 62 Hoàng Hoa Thám Hà Nội.

Do việc có thể nhiều nơi cùng có những băng ghi một loạt chương trình, tiết mục giống nhau, để tránh phiền hà, từ nay cứ 3 tháng một lần, Hội đồng xét duyệt trung ương các băng ghi hình sẽ thông báo danh mục những băng ghi hình của nước ngoài được phép phổ biến rộng rãi để các cơ quan hữu trách tiện việc theo dõi.

Những băng ghi hình nằm trong danh mục đã được Hội đồng xét duyệt Trung ương công bố cho phép phổ biến thì đơn vị sở hữu có thể xin ngay giấy phép sử dụng tại Sở văn hoá và thông tin địa phương mà không cần gửi đến Hội đồng xét duyệt Trung ương nữa.

Tất cả các loại băng ghi hình (ngoài những băng do hệ thống Uỷ ban phát thanh và truyền hình sản xuất và nhập khẩu) nếu không có giấy phép sủ dụng do các cơ quan có thẩm quyền đã nói ở trên đều coi là bất hợp pháp.

IV. TỔ CHỨC SẢN XUẤT VÀ PHỔ BIẾN BĂNG GHI HÌNH

1. Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng đã ghi rõ "Bộ văn hoá tổ chức sản xuất chủ yếu các chương trình văn hoá, nghệ thuật và điện ảnh".

Nay Bộ văn hoá (Cục điện ảnh) giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị sau đây:

- Công ty sản xuất và dịch vụ băng ghi hình trực thuộc cục điện ảnh tổ chức việc sản xuất in nhân băng ghi hình, sửa chữa, bảo dưỡng và cung ứng phụ tùng thay thế cho các máy phát hình phục vụ mạng lưới chiếu bóng ghi hình thuộc ngành văn hoá quản lý và phục vụ công tác xuất khẩu các chương trình băng ghi hình.

- Công ty phát hành phim Trung ương trực thuộc Cục điện ảnh tổ chức việc phát hành băng ghi hình và thực hiện việc kinh doanh băng ghi hình trong cả nước.

- Công ty xuất nhập khẩu và dịch vụ làm phim Việt Nam trực thuộc Cục điện ảnh tổ chức việc nhập và xuất khẩu băng ghi hình.

Ngoài 3 tổ chức nói trên, cục điện ảnh được Bộ văn hoá uỷ quyền quyết định cho phép các đơn vị khác trong và ngoài ngành điện ảnh được sản xuất, in nhân băng ghi hình.

Ngoài ra không một cơ quan tổ chức và cá nhân nào khác được phép sản xuất, in nhân băng, phát hành và tổ chức kinh doanh băng ghi hình.

2. Mạng lưới chiếu băng ghi hình nói chung (trừ hệ thống Uỷ ban phát thanh và truyền hình Việt Nam) và mạng lưới chiếu băng ghi hình có doanh thu do cục điện ảnh thống nhất quản lý trong cả nước. Phương thức hoạt động chủ yếu là đặt máy cố định tại điểm chiếu đã được quy định. Các đơn vị có xe chuyên dùng chiếu băng ghi hình và các đội chiếu băng ghi hình lưu động phải hoạt động theo kế hoạch, chương trình đã được quy định, chú trọng những nơi chưa có đài truyền hình và rạp chiếu bóng. Công ty chiếu bóng tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng quy hoạch điểm chiếu băng ghi hình tại địa phương mình. Cục điện ảnh có trách nhiệm xây dựng quy hoạch tổng thể trong cả nước về các điểm chiếu băng ghi hình và quy định cụ thể những đơn vị chiếu băng ghi hình được phép doanh thu. Các đơn vị chiếu băng ghi hình có doanh thu chỉ được phép sử dụng nguồn băng ghi hình do công ty phát hành phim Trung ương cung cấp.

Các điểm chiếu băng ghi hình (cố định hoặc lưu động) phải bảo đảm có chỗ ngồi và các điều kiện vệ sinh, trật tự an toàn xã hội cho người xem. Những nơi có điều kiện thì tăng cường thêm các tiện nghi phục vụ người xem.

Mỗi buổi chiếu không được quá 50 người xem đối với loại máy có màn ảnh dưới 23 inh và không được quá 100 người xem đối với loại màn ảnh trên 23 inh. Đối với loại máy có màn ảnh từ 45 inh trở lên, được phép phục vụ cho một số lượng người xem tương đương với một rạp chiếu bóng loại nhỏ (từ 200 đến 300 ghế).

Các buổi chiếu băng ghi hình có bán vé thu tiền phải được thực hiện theo nguyên tắc giá vé các buổi chiếu chuyên đề các phim thời sự, tài liệu, khoa học, hoạt hình bằng một nửa giá vé các buổi chiếu phim truyện. Trong các buổi chiếu phim truyện nhất thiết phải chiếu kèm theo ít nhất là 10 phút phim thời sự, tài liệu, khoa học hoặc hoạt hình.

Bộ văn hoá sẽ ban hành biểu giá xem và thuê băng ghi hình thống nhất trong cả nước sau khi được sự thoả thuận của Uỷ ban vật giá Nhà nước.

Trong khi chờ đợi ban hành giá vé thống nhất trong cả nước, đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương quy định tạm thời giá vé xem và thuê băng ghi hình tại địa phương theo nguyên tắc phục vụ các nhiệm vụ chính trị nhưng không coi nhẹ doanh thu để thu hồi vốn cho Nhà nước.

Các khách sạn du lịch, các điểm du lịch có thể tổ chức chiếu có thu tiền để bù chi phí, nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi khách lưu trú, không được tổ chức chiếu rộng rãi theo mục đích kinh doanh thông thường. Trường hợp muốn tận dụng khả năng của máy móc để phục vụ người xem rộng rãi ngoài khách sạn thì phải được phép của công ty chiếu bóng sở tại và tuân thủ đầy đủ các quy định chung.

3. Tổ chức tuyên truyền, quảng cáo các chương trình băng ghi hình:

Việc tổ chức tuyên truyền, quảng cáo rộng rãi các chương trình băng ghi hình được phép phát hành nhằm phát huy tác dụng tích cực của nội dung các chương trình đó và nhằm lội cuốn, thu hút đông đảo người xem là một công tác không thể thiếu được trong việc tổ chức phổ biến các chương trình băng ghi hình.

Nay quy định:

a) Khi tổ chức các buổi chiếu băng ghi hình phục vụ quần chúng nhân dân đều phải tiến hành công tác tuyên truyền, quảng cáo một cách nghiêm túc.

b) Tại các điểm chiếu băng ghi hình đều phải có hoạt đông tuyên truyền, quảng cáo đúng nội dung chương trình chiếu của từng buổi chiếu.

c) Công ty phát hành phim trung ương thuộc cục điện ảnh sản xuất và cung ứng các tài liệu tuyên truyền, quảng cáo chương trình băng ghi hình đáp ứng nhu cầu của mạng lưới chiếu băng ghi hình thuộc ngành văn hoá quản lý.

d) Công ty xuất nhập khẩu và dịch vụ làm phim Việt Nam trực thuộc Cục điện ảnh chịu trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, quản cáo phục vụ công tác xuất khẩu băng ghi hình.

V. TỔ CHỨC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CÔNG NHÂN.

Máy phát hình (vidéo) là một phương tiện thông tin điện tử hiện đại mới có ở nước ta. Đội ngũ cán bộ công nhân hiện chưa được đào tạo bồi dưỡng theo một hệ thống chính quy. Do vậy, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là phải tổ chức bồi dưỡng, bổ túc nghề nghiệp cho đội ngũ này.

Trong khi chờ đợi xây dựng quy hoạch đào tạo theo một hệ thống thống nhất trong cả nước, tận dụng những cơ sở vật chất - kỹ thuật và đội ngũ cán bộ, công nhân hiện có, Bộ văn hoá giao trách nhiệm cho cục điện ảnh.

- Biên soạn giáo trình giảng dạy ngắn hạn về kỹ thuật máy phát hình (vidéo).

- Tập hợp đội ngũ giảng viên và mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng máy phát hình, công nhân sửa chữa kỹ thuật máy phát hình và bổ túc nghề nghiệp chuyên môn cho cán bộ kỹ thuật máy phát hình trong cả nước (trừ hệ thống Uỷ ban phát thanh và truyền hình Việt Nam).

Bộ sẽ chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để nhanh chóng đưa vào hệ thống đào tạo của các trường điện ảnh Việt Nam khoa kỹ thuật máy phát hình và băng ghi hình sau khi được sự thoả thuận của bộ đại học và trung học chuyên nghiệp.

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Bộ văn hoá giao trách nhiệm cho cục điện ảnh và các sở văn hoá thông tin các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc phổ biến các chương trình băng ghi hình, phối hợp với các ngành công an, hải quan kiểm tra, kiểm soát việc nhập và sử dụng các máy phát hình, máy ghi hình và băng ghi hình trong phạm vi cả nước theo đúng luật lệ của Nhà nước.

Cục điện ảnh có trách nhiệm xây dựng quy chế phổ biến băng ghi hình trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bao gồm cả việc quy định thể lệ đăng ký sử dụng máy phát hình và máy ghi hình (caméra), xây dựng các quy chế, tiêu chuẩn quy trình, quy phạm về kỹ thuật vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành các máy phát hình, các quy định về bảo quản băng hình. Sau khi được Bộ chính thức ban hành, Cục điện ảnh có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy chế, quy định đó.

Đối với những đơn vị hoặc cá nhân vi phạm những quy định như lưu hành những băng hình không có giấy phép sử dụng hoặc sử dụng không đúng quy định trong giấy phép; tổ chức kinh doanh dưới bất cứ hình thức nào đối với những băng ghi hình không có giấy phép của Hội dồng xét duyệt Trung ương hoặc tổ chức chiếu có doanh thu không đúng điểm chiếu đã quy định; tổ chức phổ biến những băng hình có nội dung không lành mạnh hoặc có phương hại đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vi phạm 5 điều kỷ luật tuyên truyền của đảng và Nhà nước... thì tuỳ theo mức độ nặng, nhẹ và tác hại của nó mà tiến hành xử lý từ tịch thu băng, đình chỉ hoạt động, tịch thu máy đến việc truy tố trước pháp luật.

Trên đây là hướng dẫn thực hiện một số điểm cơ bản về quản lý và sử dụng máy và băng ghi hình mà Chỉ thị số 339 -CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã quy định và giao trách nhiệm cho Bộ Văn hoá.

Đề nghị các địa phương và các ngành hữu quan tổ chức thi hành Thông tư này và phản ánh những điều còn vướng mắc trong quá trình thực hiện để Bộ Văn hoá kịp thời nghiên cứu giải quyết.

Nguyễn Văn Hiếu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 89-VH-1986 hướng dẫn thi hành Chỉ thị 339-CT năm 1985 về việc quản lý và sử dụng máy và băng hình (Video Casette) do Bộ Văn hóa ban hành

  • Số hiệu: 89-VH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/04/1986
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá
  • Người ký: Nguyễn Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản