Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 83-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 1962

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC TIẾP TỤC KHEN THƯỞNG NHÂN DÂN CÓ CÔNG GIÚP ĐỠ CÁCH MẠNG TRƯỚC NGÀY TỔNG KHỞI NGHĨA

Để biểu dương những thành tích đấu tranh cách mạng của nhân dân ta và để tỏ lòng biết ơn đối với những người có công giúp đỡ Cách mạng, ngay sau khi thành lập nước Việt-nam dân chủ cộng hòa, Tổng bộ Việt-minh đã tặng bằng “Có công với nước” và kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” (đồng tiền vàng) cho những gia đình và cá nhân đã có công giúp đỡ cách mạng trong những lúc khó khăn nguy hiểm.

Nhưng vì tiêu chuẩn nêu ra chưa được rõ ràng và vì mới tiến hành được ở một số địa phương thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nên việc khen thưởng đã không thể tiếp tục được. Hiện nay còn nhiều người có công giúp đỡ Cách mạng mà chưa được khen; ở những nơi đã được khen trước đây có tình trạng người công lao ít đã được khen mà người có công nhiều thì chưa được khen.

Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ , Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn việc tiếp tục khen thưởng nhân dân có công giúp đỡ Cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG

Đối tượng khen thưởng là những thôn (làng cũ), xóm, những gia đình và những cá nhân có công giúp đỡ Cách mạng kể từ ngày có phong trào do Đảng Cộng sản Đông dương lãnh đạo (3-2-1930) đến ngày Tổng khởi nghĩa (19-8-1945); có thể tính ngược về trước năm 1930 một vài năm đối với những người có công giúp đỡ các tổ chức tiền thân của Đảng. Đối tượng khen thưởng chủ yếu là gia đình.

Gia đình và cá nhân nói ở đây là nhân dân và các hội viên các đoàn thể quần chúng. Những người trước khi vào Đảng hoặc trước khi đi làm cán bộ thoát ly mà có thời gian giúp đỡ Cách mạng thì cũng được xét khen thưởng.

Đối với kiều bào ở ngoài nước đã có công giúp đỡ Cách mạng, sẽ căn cứ vào tinh thần các tiêu chuẩn quy định trong thông tư này mà xét thưởng.

II. TIÊU CHUẨN VÀ ĐIỀU KIỆN KHEN THƯỞNG

1. Tiêu chuẩn:

Bằng “Có công với nước” và kỷ niệm chương “ Tổ quốc ghi công” tặng thưởng cho những thôn, xóm, gia đình, cá nhân đã có công giúp đỡ Cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa theo như quy định dưới đây:

a) Tặng thưởng kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” kèm theo bằng “Có công với nước” cho những thôn (làng cũ), xóm có thành tích sau đây:

- Là nơi có những cuộc hội nghị có tính chất lịch sử của Cách mạng và đồng thời là nơi có phong trào cách mạng;

- Đã có nhiều thành tích đấu tranh Cách mạng hoặc giúp đỡ Cách mạng trong những thời kỳ khó khăn và phải có đại đa số nhân dân tham gia;

- Vì giúp đỡ Cách mạng hoặc vì đấu tranh cách mạng mà bị đế quốc, phong kiến khủng bố dã man làm thiệt hại nhiều về người hoặc về của.

b) Tặng thưởng kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” kèm theo bằng “Có công với nước” cho những gia đình và cá nhân có thành tích sau đây:

- Trong những thời kỳ cách mạng bị đế quốc phong kiến khủng bố gắt gao kể từ năm 1930 đến năm 1935 và từ tháng 9-1939 đến ngày 09-3-1945 (thời gian này có thể xê dịch tuỳ theo tình hình phong trào cách mạng và sự khủng bố của đế quốc, phong kiến ở từng địa phương):

+ Đã cho mượn nhà để đặt cơ quan ấn loát, hoặc kho tàng của Cách mạng;

+ Đã nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ hoạt động chuyên nghiệp cho Cách mạng từ cấp trung ương đến địa phương, hoặc cho mượn nhà để đặt cơ quan, làm nơi liên lạc, hội họp của Cách mạng;

+ Phụ trách việc giao thông đưa đón cán bộ, chuyển thư, tín;

- Đã tham gia tổ chức chế tạo các thứ vũ khí chất nổ như: súng đạn, lựu đạn, bom, mìn hoặc đã có nhiều công lao trong việc tổ chức mua giúp vũ khí chất nổ cho Cách mạng;

- Đã có những hành động dũng cảm giúp cán bộ cách mạng thoát khỏi bị đế quốc phong kiến bắt, hoặc thoát khỏi nhà tù của đế quốc.

- Vì giúp đỡ Cách mạng mà bị đế quốc phong kiến khủng bố như: tra tấn dã man, bắt tù đầy, sát hại, đốt phá nhà cửa nhưng vẫn giữ được bí mật cho Cách mạng;

c) Tặng thưởng bằng “Có công với nước” cho những gia đình và cá nhân có thành tích sau đây:

- Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông-dương từ năm 1963 cho đến tháng 9 năm 1939 và trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (9-3-1945 đến 19-8-1945) ở những nơi phong trào cách mạng còn yếu, chính quyền của đế quốc và phong kiến còn mạnh:

+ Đã cho mượn nhà để đặt cơ quan ấn loát, hoặc kho tàng của Cách mạng;

+ Đã nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ hoạt động chuyên nghiệp cho Cách mạng từ trung ương đến địa phương, hoặc cho mượn nhà để đặt cơ quan, làm nơi liên lạc hội họp của Cách mạng;

+ Phụ trách việc giao thông đưa đón cán bộ, chuyển thư, tín.

- Đã tham gia tổ chức chế tạo vũ khí thô sơ như gươm giáo, dao găm, mã tấu… cho Cách mạng.

- Vì giúp đỡ Cách mạng hoặc có người nhà đi hoạt động Cách mạng mà bị đế quốc phong kiến bắt bớ, đánh đập nhưng vẫn giữ được bí mật cho Cách mạng.

d) Khi xét khen thưởng cần xem xét mức độ giúp đỡ Cách mạng của từng gia đình hoặc cá nhân để định mức khen thưởng cho thích đáng. Thí dụ: có người giúp đỡ Cách mạng ở thời kỳ đế quốc khủng bố gắt gao hoặc chế tạo vũ khí chất nổ cho Cách mạng nhưng công lao ít thì không được thưởng kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” mà chỉ được thưởng bằng “Có công với nước”, và ngược lại, nếu giúp đỡ Cách mạng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông dương (1936-1939) mà có những công lao lớn thì cũng có thể được thưởng kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”.

2. Điều kiện để được khen thưởng:

a) Người được khen thưởng phải là người thường xuyên có tinh thần giúp đỡ Cách mạng, trong thái độ và hành động luôn luôn có biểu hiện tốt với Cách mạng và từ sau Cách mạng tháng 8-1945 đến nay luôn luôn chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

b) Đối với những gia đình hoặc cá nhân đã có thời gian giúp đỡ Cách mạng nhưng sau vì dao động mà từ chối không tiếp tục giúp đỡ nữa thì có thể không khen thưởng hoặc khen thấp hơn.

c) Những người sau đây không được khen thưởng:

- Đã bị án tù hoặc bị tước quyền bầu cử, ứng cử hoặc bị quản chế dưới chế độ ta.

- Đã có những hành động phản bội, làm tay sai cho địch sau khi giúp đỡ Cách mạng.

III. ĐỐI VỚI NHỮNG TRƯỜNG HỢP TRƯỚC ĐÂY

ĐÃ ĐƯỢC KHEN THƯỞNG VỀ THÀNH TÍCH GIÚP ĐỠ CÁCH MẠNG.

1. Những người trước đây đã được tặng thưởng kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” (đồng tiền vàng) nay được tặng thêm bằng “Có công với nước”.

2. Những người đã được tặng khen bằng “Có công với nước” nay nếu xét thành tích xứng đáng được thưởng kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” thì được xét thưởng kỷ niệm chương.

3. Những người chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định mới thì vẫn được giữ các hình thức đã được khen tặng trước đây.

4. Những bằng “Có công với nước” và những kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” đã trao tặng trước đây nay được đổi lấy cái mới. Nếu bị mất thì đương sự phải khai lại thành tích để xin cái mới; việc quyết định cấp lại cái mới phải có căn cứ rõ ràng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hội đồng khen thưởng thành tích kháng chiến các cấp tiếp tục giúp Uỷ ban hành chính cùng cấp chỉ đạo thực hiện việc khen thưởng này.

Thành phần của Hội đồng cần được mở rộng để có thêm một vài cán bộ đã hoạt động lâu năm trước khởi nghĩa tham gia.

2. Việc xét thưởng, căn cứ vào tờ khai công lao thành tích, đồng thời dựa vào ý kiến của nhân dân và sự xác nhận của cán bộ hoạt động cách mạng trước đây.

Để tiến hành việc khen thưởng được tốt, không bỏ sót ai, các cán bộ cũ đã hoạt động từ trong thời kỳ bí mật, hiện công tác ở các cơ quan, các ngành, các cấp, có trách nhiệm báo cho Uỷ ban hành chính các địa phương nơi mình đã hoạt động biết những người đã có công giúp đỡ Cách mạng và thành tích cụ thể của mỗi người.

3. Uỷ ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh, được uỷ nhiệm thẩm xét lần cuối cùng các đề nghị khen thưởng bằng “Có công với nước”.

Việc tặng thưởng kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” do Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh đề nghị và Hội đồng Chính phủ quyết định.

Trong khi tiến hành, các địa phương thấy điểm nào chưa sát thì báo cáo ngay cho Phủ Thủ tướng biết để nghiên cứu bổ sung.

K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 83-TTg năm 1962 hướng dẫn tiếp tục khen thưởng nhân dân có công giúp đỡ Cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 83-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/08/1962
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản