Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 83/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2009

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC BAN HÀNH BIỂU THUẾ NHẬP KHẨU ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT CỦA VIỆT NAM ĐỂ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN ASEAN-NHẬT BẢN GIAI ĐOẠN 2008-2012

Căn cứ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt là ASEAN) và Nhật Bản ký ngày 3 tháng 4 năm 2008 tại Bru-nây Đa-ru-sa-lam, ngày 7 tháng 4 năm 2008 tại Cam-pu-chia, ngày 31 tháng 3 năm 2008 tại In-đô-nê-xi-a, ngày 04 tháng 4 năm 2008 tại Lào, ngày 14 tháng 4 năm 2008 tại Ma-lay-xi-a, ngày 10 tháng 4 năm 2008 tại My-an-ma, ngày 02 tháng 4 năm 2008 tại Phi-líp-pin, ngày 26 tháng 3 năm 2008 tại Sing-ga-po, ngày 11 tháng 4 năm 2008 Thái Lan, ngày 01 tháng 4 năm 2008 tại Việt Nam và ngày 28 tháng 3 năm 2008 tại Nhật Bản và được Thủ tướng Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê duyệt tại công văn số 1346/TTg-QHQT ngày 15 tháng 8 năm 2008;
Căn cứ Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 tháng 2008 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 quy định chi tiết quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản như sau:

Điều 1: Ban hành kèm theo Thông tư này Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2008-2012 (thuế suất áp dụng viết tắt là thuế suất AJCEP), áp dụng cho tờ khai hải quan nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan từ ngày 01 tháng 12 năm 2008.

+ Cột “Mã hàng hóa” và cột “Mô tả hàng hóa”, được xây dựng trên cơ sở AHTN 2007 và phân loại theo cấp độ 12 số;

+ Cột “Thuế suất AJCEP”, mức thuế suất áp dụng cho các giai đoạn khác nhau, bao gồm:

- 01/12/2008-31/3/2009: thuế suất áp dụng từ ngày 01 tháng 12 năm 2008 đến ngày 31 tháng 3 năm 2009;

- 01/4/2009-31/3/2010: thuế suất áp dụng từ ngày 01 tháng 4 năm 2009 đến ngày 31 tháng 3 năm 2010;

- 01/4/2010-31/3/2011: thuế suất áp dụng từ ngày 01 tháng 4 năm 2010 đến ngày 31 tháng 3 năm 2011;

- 01/4/2011-31/3/2012: thuế suất áp dụng từ ngày 01 tháng 4 năm 2011 đến ngày 31 tháng 3 năm 2012.

Điều 2: Hàng hóa nhập khẩu để được áp dụng thuế suất AJCEP phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước mà Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản đã có hiệu lực, cụ thể như sau:

STT

Tên nước

Thời điểm áp dụng thuế suất AJCEP

1

Bru-nây Đa-ru-sa-lam

Ngày 01 tháng 01 năm 2009

2

Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào

Ngày 01 tháng 12 năm 2008

3

Ma-lay-xi-a

Ngày 01 tháng 02 năm 2009

4

Liên bang My-an-ma

Ngày 01 tháng 12 năm 2008

5

Công hoà Sing-ga-po

Ngày 01 tháng 12 năm 2008

6

Nhật Bản

Ngày 01 tháng 12 năm 2008

Danh sách bổ sung các nước được áp dụng thuế suất AJCEP theo văn bản thông báo của Bộ Tài chính;

c) Được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu, quy định tại Điểm (b) mục này, đến Việt Nam, theo quy định của Bộ Công Thương;

d) Thỏa mãn các quy định về xuất xứ hàng hóa ASEAN-Nhật Bản, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ASEAN-Nhật Bản (viết tắt là C/O mẫu AJ) theo quy định của Bộ Công Thương.

Điều 3: Những hàng hoá thuộc các tờ khai hải quan hàng nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan trước ngày có hiệu lực thi hành của Thông tư này, nếu đảm bảo đủ các điều kiện để áp dụng mức thuế suất quy định tại Điều 2 của Thông tư này, được nộp bổ sung C/O Mẫu AJ và các chứng từ liên quan khác để làm căn cứ tính lại số thuế phải nộp và xử lý tiền thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) nộp thừa theo quy định của Thông tư này.

1. Hồ sơ đề nghị tính lại thuế bao gồm:

a. Công văn yêu cầu tính lại thuế phải nộp trong đó nêu rõ loại hàng hoá, số tiền thuế, lý do yêu cầu tính lại thuế, Tờ khai hải quan. Trường hợp có nhiều loại hàng hoá thuộc nhiều Tờ khai hải quan khác nhau thì phải liệt kê các Tờ khai hải quan yêu cầu tính lại thuế; cam kết kê khai chính xác, cung cấp đúng hồ sơ đề nghị tính lại thuế (01 bản chính);

b. Tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu đã làm thủ tục hải quan (01 bản photocopy và xuất trình bản chính để đối chiếu);

c. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O Mẫu AJ, quy định tại điểm (d) Điều 2 của Thông tư này (bản chính);

d. Chứng từ nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) (01 bản photocopy và xuất trình bản chính để đối chiếu) trong trường hợp đã nộp thuế;

e. Hợp đồng nhập khẩu (01 bản photocopy và xuất trình bản chính để đối chiếu);

g. Hợp đồng uỷ thác, nếu là nhập khẩu uỷ thác (01 bản photocopy và xuất trình bản chính để đối chiếu);

h. Bảng kê danh mục tài liệu của hồ sơ yêu cầu xem xét tính lại thuế.

2. Trách nhiệm của cơ quan Hải quan

Cục Hải quan địa phương có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ để kiểm tra và xem xét tính lại số tiền thuế phải nộp; xử lý số tiền thuế được hoàn trong trường hợp đã nộp thừa theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và các quy định hiện hành khác có liên quan.

3. Trách nhiệm của người nộp thuế

Người nộp thuế có trách nhiệm tự khai, tính lại thuế, nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cơ quan Hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa và chịu trách nhiệm về nội dung, hồ sơ đã nộp, cung cấp cho cơ quan Hải quan.

Điều 4: Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính có hướng dẫn bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát NDTC, Tòa án NDTC;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra Văn bản-Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính;
- Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố;
- Công báo;
- Website Chính phủ, Website Bộ Tài chính
- Lưu: VT, Vụ HTQT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 83/2009/TT-BTC ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Asean-Nhật Bản giai đoạn 2008-2012 do Bộ Tài Chính ban hành

  • Số hiệu: 83/2009/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/04/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: 14/05/2009
  • Số công báo: Từ số 239 đến số 240
  • Ngày hiệu lực: 12/06/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 01/04/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản