Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THỐNG KÊ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 815-TCTK/NN

Hà Nội, ngày 04 tháng 09 năm 1967

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH HỆ SỐ TÍNH ĐỔI HOA MÀU LƯƠNG THỰC RA THÓC

I. MỤC ĐÍCH VIỆC TÍNH ĐỔI HOA MÀU LƯƠNG THỰC RA THÓC

Việc tính đổi hoa màu lương thực ra thóc là nhằm phục vụ cho việc tính cân đối lương thực, làm căn cứ để xác định nhiệm vụ thu mua và phân phối lương thực. Nó còn giúp cho công tác kế hoạch và công tác thống kê trong việc tính toán nhiều chỉ tiêu tổng hợp và chỉ tiêu bình quân như: chỉ tiêu sản lượng lương thực quy ra thóc, chỉ tiêu sản lượng lương thực bình quân đầu người, chỉ tiêu sản lượng lương thực bình quân trên một hécta diện tích canh tác lương thực trong năm…

II. HỆ SỐ TÍNH ĐỔI HOA MÀULƯƠNG THỰC RA THÓC

Mấy năm gần đây, khi tính các chỉ tiêu về tổng sản lượng lương thực và sản lượng lương thực bình quân đầu người, các cơ quan kế hoạch và thống kê các cấp đã áp dụng hệ số:

1kg thóc = 0,7 kg ngô hạt = 2,3 kg khoai tươi và sắn tươi.

Nhưng khi tính cân đối lương thực và trong công tác thu mua lương thực, ngành lương thực lại áp dụng hệ số:

1kg thóc = 1 kg ngô hạt = 3 kg khoai tươi và sắn tươi.

Việc sử dụng 2 hệ số khác nhau trên đây trong việc tính toán các chỉ tiêu có liên quan đến tình hình sản xuất, thu mua và phân phối lương thực đã gây ra những khó khăn nhất định trong việc nghiên cứu và đánh giá tình hình.

Xuất phát từ tình hình trên;

Để việc quy định hệ số tính đổi hoa màu lương thực ra thóc căn cứ đầy đủ hơn dựa trên sựphân tích về các mặt giá trị và giá trị sử dụng các loại hoa màu lương thực; phù hợp với tập quán chế biến, bảo quản, trao đổi và sử dụng lương thực trong nhân dân; thuận tiệncho việc tính toán của nhân dân và của các cơ quan làm công tác thực tế; bảo đảm cho việc tính toán các chỉ tiêu tổng hợp trong công tác kế hoạch và công tác thống kê ăn khớp với việc tính toán trong công tác cân đối lương thực và thu mua lương thực; đồng thời phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích sản xuất và khuyến khích ăn thêm màu thay gạo.

Sau khi đã trao đổi ý kiến và nhất trí với ủy ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Nông nghiệp, Văn phòng nông nghiệp PhủThủ tướng, Ban Nông nghiệp Trung ương đảng và Tổng cục lương thực, trong phiên họp ngày 17 tháng 8 năm 1967;

Nay Tổng cục Thống kê quy định lại hệ số tính đổi hoa màu lương thực quy ra thóc như sau:

1kg ngô hạt khô

=

1kg thóc

3kg khoai tươi, sắn tươi

=

1 kg thóc

5 kg khoai riềng, khoai nước

=

1 kg thóc

(Đỗ các loại không tính vào cân đối lương thực, nên trong thông tư này không quy định tỷ lệ đổi đỗ các loại ra thóc)

Tỷ lệ trên đây phải được áp dụng thống nhất công tác kế hoạch, công tác thống kê, công tác thu mua lương thực và cân đối lương thực ở tất cả các ngành, các cấp, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong toàn miền Bắc.

III. GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ CÓ LIÊN QUANĐẾN VIỆC ĐIỀU CHỈNH HỆ SỐ TÍNH ĐỔI HOA MÀU LƯƠNG THỰC RA THÓC

Đối với công tác cân đối lương thực, thu mua và phân phối lương thực vì việc điều chỉnh hệ số này không gây trở ngại gì, vì trên thực tế, ngành lương thực từ trước đến nay đã sử dụng hệ số này để tính toán trong công tác nghiệp vụ của mình.

Đối với công tác kế hoạch, chỉ cần điều chỉnh vài chỉ tiêu của kế hoạch năm 1967, năm 1968 và kế hoạch 3 năm của địa phương, nếu các chỉ tiêu này chưa áp dụng theo hệ số mới.

Đối với số liệu thống kê các năm trước, trong các niên giám và các tài liệu thống kê khác sắp xuất bản, Tổng cục Thống kê và các chi cục thống kê phải điều chỉnh lại hai chỉ tiêu có liên quan trực tiếp đến hệ số tính đổi hoa màu lương thực ra thóc là chỉ tiêu “tổng sản lượng lương thực thực quy ra thóc” và “sản lượng lương thực bình quân đầu người”. Hai chỉ tiêu này, sau khi điều chỉnh theo hệ số mới, sẽ thấp hơn các số liệu đã công bố. Nhưng chỉ tiêu phản ánh thành tích phấn đấu về sản xuất lương thực qua các năm là chỉ tiêu “tốc độ phát triển sản lượng lương thực qua các năm” thì nói chung hoặc không thay đổi, hoặc thay đổi không nhiều. Đối với các chỉ tiêu khác căn cứ trên hai chỉ tiêu “tổng sản lượng thực quy ra thóc” và “sản lượng lương thực bình quân đầu người” để tính, thì phải tiếp tục điều chỉnh khi cần so sánh. Chỉ tiêu “giá trị tổng sản lượng nông nghiệp” không phải điều chỉnh, vì khi tính đã tính thẳng từ sản lượng từng loại hoa màu ra. Như vậy, ngành thống kê và các ngành có liên quan phải cố gắng khắc phục khó khăn để thực hiện.

Nhận được thông tư này, yêu cầu các Bộ, các ngành Trung ương có liên quan đến công tác tính toán sản lượng lương thực và các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu tự trị tổ chức phổ biến và hướng dẫn cho các cấp dưới thi hành, bảo đảm cho việc tính đổi hoa màu lương thực ra thóc có căn cứ hợp lý, hợp pháp và thống nhất.

TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC THỐNG KÊ




Nguyễn Đức Dương

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 815-TCTK/NN-1967 quy định hệ số tính đổi hoa màu lương thực ra thóc do Tổng cục Thông kê ban hành

  • Số hiệu: 815-TCTK/NN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/09/1967
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thống kê
  • Người ký: Nguyễn Đức Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản