Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 8-TT/LB

Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 1987

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 8-TT/LB NGÀY 19-5-1987 QUY ĐỊNH SỰ PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA CHÍNH QUYỀN VÀ CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC CÁC CẤP TRONG NGÀNH GIÁO DỤC

Để quán triệt một bước đường lối của Đảng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra, để phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của cán bộ, giáo viên, công nhân, nhân viên ngành Giáo dục và quyền tham gia quản lý của Công đoàn giáo dục các cấp góp phần làm chuyển biến nhà trường, gắn mục tiêu và kế hoạch đào tạo với mục tiêu kinh tế, xã hội và quốc phòng, nhằm làm tốt nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ theo Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam quy định sự phối hợp công tác giữa chính quyền và Công đoàn giáo dục các cấp trong ngành Giáo dục như sau:

1. Quan hệ giữa chính quyền và Công đoàn giáo dục các cấp.

Cần xác định rõ chính quyền và Công đoàn giáo cục các cấp đều là thành viên của hệ thống chuyên chính vô sản, hoạt động theo cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ tập thể, Nhà nước quản lý, quan hệ công tác giữa chính quyền và công đoàn các cấp là bình đẳng, hợp tác, nhất trí, tôn trọng tính độc lập của nhau, chủ động tạo điều kiện để phát huy chức năng của mỗi tổ chức, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu và kế hoạch đào tạo; xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục xã hội chủ nghĩa.

2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước của ngành.

a) Thủ trưởng các cơ quan quản lý giáo dục và hiệu trưởng các trường học có trách nhiệm phối hợp với Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp tổ chức tốt hội nghị cán bộ giáo viên (hội nghị công nhân viên chức) hoặc hội nghị đại biểu mỗi năm một lần vào đầu năm học hoặc đầu năm dương lịch để cán bộ, giáo viên, công nhân, nhân viên trong các cơ quan quản lý giáo dục và các trường học tham gia ý kiến vào dự thảo của đơn vị.

b) Dự thảo kế hoạch của đơn vị cơ sở phải được thảo luận từ khi mới sơ thảo một cách dân chủ, nếu có chỗ chưa nhất trí cần báo cáo cấp trên cân nhắc.

c) Khi kế hoạch đã được duyệt, thủ trưởng đơn vị phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị cán bộ giáo viên (hoặc hội nghị đại biểu) bàn biện pháp thực hiện kế hoạch ký hợp đồng tập thể giữa thủ trưởng đơn vị và ban chấp hành công đoàn. Việc thực hiện bản hợp đồng tập thể phải được thường xuyên kiểm điểm trong các hội nghị liên tịch chính quyền, công đoàn và thông báo công khai cho quần chúng biết kết quả.

3. Tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua "2 tốt", "3 cải tiến".

a) Thủ trưởng các cấp quản lý giáo dục từ Bộ đến các trường học là người quản lý kế hoạch, quản lý chuyên môn nghiệp vụ, phải có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo các phong trào thi đua của ngành và của đơn vị. Phong trào thi đua "2 tốt", "3 cải tiến" phải góp phần làm chuyển biến nhà trường, thực hiện có hiệu quả mục tiêu và kế hoạch đào tạo, duy trì và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Trên cơ sở thảo luận với Ban chấp hành công đoàn cùng cấp sau khi đã thống nhất ý kiến, thủ trưởng đơn vị quyết định mục tiêu và các biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua; tạo điều kiện cần thiết để duy trì, củng cố, phát triển phong trào thi đua, tiến hành sơ kết, tổng kết, kịp thời khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng các đơn vị, cá nhân đạt các tiêu chuẩn danh hiệu thi đua của Nhà nước đã ban hành.

b) Công đoàn giáo dục có trách nhiệm phối hợp với thủ trưởng cơ quan quản lý giáo dục cùng cấp tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua, động viên giáo dục quần chúng hăng hái đăng ký thi đua phát huy sức lao động sáng tạo của mỗi người để thực hiện các mục tiêu thi đua đã đề ra; tổ chức các hội nghị chuyên đề để trao đổi kinh nghiệm chỉ đạo phong trào thi đua; phổ biến và vận động quần chúng áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm có giá trị khoa học và có tính phổ biến; họp mặt biểu dương, cổ vũ kịp thời các cá nhân và đơn vị tiên tiến.

4. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên.

a) Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, công nhân, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng với yêu cầu của cải cách giáo dục, là trách nhiệm của thủ trưởng các cấp quản lý giáo dục và là một nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức công đoàn các cấp. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cùng cấp trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ, công nhân, nhân viên; Công đoàn giáo dục các cấp có trách nhiệm tham gia chỉ đạo các đợt sinh hoạt chính trị của ngành, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục, chỉ thị năm học kinh nghiệm của các đơn vị giáo dục tiên tiến v.v...

b) Thủ trưởng các cấp quản lý giáo dục có trách nhiệm phối hợp với công đoàn tổ chức các hoạt động giáo dục mang tính chất quần chúng như đẩy mạnh phong trào tự học, tự rèn luyện, trước hết là đẩy mạnh cuộc vận động mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo, vận động mỗi giáo viên học thêm một nghề kỹ thuật; phát triển các hoạt động câu lạc bộ, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt và nâng cao đời sống tinh thần, đời sống văn hoá của quần chúng.

5. Thực hiện các chính sách, chế độ và chăm lo đời sống cán bộ giáo viên, công nhân, nhân viên.

a) Thủ trưởng các cấp quản lý giáo dục có trách nhiệm phổ biến và thực hiện đầy đủ, kịp thời những chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành đối với cán bộ, giáo viên, công nhân, nhân viên, kịp thời kiến nghị với cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhân dân địa phương chăm lo đời sống giáo viên, cán bộ, công nhân, nhân viên theo Nghị quyết số 73-HĐBT ngày 12-7-1983 của Hội đồng Bộ trưởng.Việc thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước có liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên, cán bộ, công nhân, nhân viên, nhất thiết phải có sự tham gia của Ban chấp hành công đoàn cùng cấp như thực hiện chế độ nâng bậc lương hàng năm, khen thưởng, kỷ luật, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên, cán bộ, công nhân, nhân viên; chuyển đổi công tác, cử người đi đào tạo ngắn hạn, dài hạn v.v... chú ý quan tâm đến các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ nữ và chế độ lao động nữ trong ngành theo Chỉ thị 44 ngày 7-6-1984 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 176a-HĐBT ngày 24-12-1984 của Hội đồng Bộ trưởng. Các cấp quản lý giáo dục phối hợp với Công đoàn cùng cấp, chăm lo tổ chức tốt đời sống vật chất tinh thần của giáo viên, cán bộ, công nhân, nhân viên, kể cả người đã về nghỉ hưu, kiên quyết bảo vệ danh dự, nhân phẩm và những quyền lợi chính đáng của giáo viên khi bị xâm phạm.

b) Công đoàn giáo dục các cấp có trách nhiệm cùng với các cơ quan quản lý giáo dục phổ biến các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành đối với giáo viên, cán bộ, công nhân, nhân viên và kiểm tra, giám sát việc thực hiện, chăm lo giáo dục quần chúng có lối sống lành mạnh, trong sáng của các nhà giáo phù hợp với tình hình thực tế của đất nước; vận động giáo viên, cán bộ, công nhân, nhân viên quán triệt công tác giáo dục dân số, thực hiện công tác kế hoạch hoá gia đình và tự tổ chức tốt đời sống tinh thần vật chất ở khu vực tập thể và gia đình.

c) Công đoàn giáo dục các cấp thành lập Uỷ ban kiểm tra theo Điều lệ công đoàn Việt Nam. Thủ trưởng các cấp quản lý giáo dục có trách nhiệm phối hợp chỉ đạo tốt công tác thanh tra nhân dân trong các trường học và các cơ quan quản lý giáo dục; phối hợp chặt chẽ với công đoàn kịp thời giải quyết các đơn, thư khiếu nại của quần chúng. Thủ trưởng các cấp quản lý giáo dục cùng với công đoàn cùng cấp có trách nhiệm thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với giáo viên, công nhân, nhân viên, bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng chính sách, công bằng, công khai và theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

6. Xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức công đoàn giáo dục các cấp.

a) Thủ trưởng các cấp quản lý giáo dục có trách nhiệm phối hợp với công đoàn giáo dục cùng cấp xây dựng quy hoạch cán bộ công đoàn với xây dựng quy hoạch cán bộ chuyên môn. Từng năm học, thủ trưởng đơn vị phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cùng cấp sắp xếp bố trí lực lượng cán bộ chủ chốt làm công tác công đoàn ở đơn vị cơ sở, phối hợp và tạo điều kiện để Ban chấp hành công đoàn trường học thực hiện tốt Quy chế tổ chức và hoạt động công đoàn trường học, xây dựng công đoàn cơ sở trường học vững mạnh.

b) Các trường bồi dưỡng cán bộ quản lý của ngành (trung ương và địa phương) cần đưa vào chương trình giảng dạy nội dung công tác công đoàn cho cán bộ quản lý theo tài liệu biên soạn của Công đoàn giáo dục Việt Nam.

c) Khi điều động cán bộ công đoàn không chuyên trách, đã được quần chúng bầu vào Ban chấp hành công đoàn giáo dục các cấp sang công tác nơi khác, thủ trưởng các cấp quản lý giáo dục phải trao đổi và được sự nhất trí của Ban chấp hành công đoàn cấp đó. Đối với Thư ký công đoàn phải được sự thoả thuận của Công đoàn cấp trên liền cấp. Gặp trường hợp không nhất trí được thì thủ trưởng đơn vị và thư ký công đoàn phải báo cáo lên thủ trưởng đơn vị cấp trên và Ban thường vụ công đoàn cấp trên để xem xét và giải quyết.

d) Khi cán bộ chuyên trách công đoàn không có điều kiện tiếp tục làm công tác công đoàn, thì thư ký công đoàn phải cùng bàn với thủ trưởng đơn vị để có trách nhiệm bố trí về công tác chuyên môn theo đúng năng lực, phảm chất và sự cống hiến của anh chị em.

e) Thi hành Luật Công đoàn của Nhà nước đã ban hành, các cấp quản lý giáo dục có trách nhiệm cung cấp những phương tiện cần thiết để công đoàn có điều kiện hoạt động theo đúng những chế độ, nguyên tắc, thể lệ hiện hành đối với từng cấp. Thủ trưởng đơn vị và công đoàn sẽ họp bàn cụ thể để cơ quan quản lý giáo dục có kế hoạch cung cấp trong khả năng ngân sách của Nhà nước, sát với thực tế tình hình chung.

g) Trong điều kiện kinh phí hoạt động công đoàn có hạn, thủ trưởng đơn vị tạo điều kiện để công đoàn tổ chức đoàn viên lao động sản xuất, tổ chức các hoạt động kinh tế theo đúng các chính sách Nhà nước đã ban hành nhằm có thêm kinh phí phục vụ phong trào quần chúng và hoạt động công đoàn.

7. Xây dựng nề nếp phối hợp giữa chính quyền và công đoàn giáo dục các cấp.

Thủ trưởng các cấp quản lý giáo dục phối hợp với công đoàn giáo dục cùng cấp quy định thời gian các hội nghị liên tịch thường kỳ để thông báo, đánh giá tình hình về các chủ trương công tác của mỗi tổ chức và thống nhất chương trình công tác chung. Ở trường học và quận, huyện mỗi tháng họp một lần. Ở tỉnh, thành phố, đặc khu và các đơn vị trực thuộc ba tháng họp 1 lần. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Công đoàn giáo dục Việt Nam sáu tháng họp 1 lần. Mỗi bên khi triệu tập hội nghị hoặc mời họp cần gửi trước chương trình, đề án công tác cho nhau để có đủ thời gian nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến và cử người đến họp.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và ban hành.

Các cấp quản lý giáo dục phối hợp với Công đoàn giáo dục cùng cấp có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành Thông tư này.

Đinh Văn Phiếu

(Đã ký)

Phạm Minh Hạc

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 8-TT/LB-1987 quy định sự phối hợp công tác giữa Chính quyền và Công đoàn Giáo dục các cấp trong ngành Giáo do Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 8-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/05/1987
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Đinh Văn Phiếu, Phạm Minh Hạc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 19/05/1987
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản