Hệ thống pháp luật

ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
*******

Số: 77-UB/CQL

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 1961

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN KẾT CẤU THIẾT BỊ VÀ TIỆN NGHI CÁC NGÔI NHÀ DÂN DỤNG

Trong công tác thiết kế các ngôi nhà dân dụng hiện nay mặc dù đã được quy định một số tiêu chuẩn theo công văn số 1359-UB/CQL ngày 26/6/1959 của Ủy ban kế hoạch Nhà nước, nhưng vì chưa có tiêu chuẩn kết cấu và tiện nghi nên có tình trạng thiết kế không phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay của ta, không phù hợp với vật liệu trong nước, mặt khác không đảm bảo giá thành xây dựng khống chế và làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch kiến thiết cơ bản.

Để khắc phục tình trạng nói trên và trước mắt nhằm mục đích hạ giá thành xây dựng của các công trình dân dụng tối thiểu 5% - 10% so với tình hình hiện tại, Ủy ban kế hoạch Nhà nước quyết định cho ban hành trong phạm vi toàn quốc bản “Quy định về tiêu chuẩn kết cấu thiết bị và tiện nghi các ngôi nhà dân dụng”.

Về nội dung bản quy định này, cụ thể hóa và bổ sung thêm bản “Quy định về tiêu chuẩn thiết kế các ngôi nhà dân dụng” chuẩn bị cho việc ban hành bản “Tiêu chuẩn và quy phạm thiết kế kiến trúc” bắt đầu từ việc phân cấp lại các công trình theo niên hạn sử dụng, trên cơ sở đó quy định mức kết cấu và tiện nghi cho các công trình một cách toàn diện hơn.

Kể từ ngày ký Thông tư này tất cả các ngôi nhà dân dụng thuộc 8 loại đã được ghi trong bản quy định số 76-UB/CQL ngày 17 tháng 8 năm 1961 mà thiết kế chưa được cấp có thẩm quyền xét duyệt thì phải tiến hành áp dụng cho đúng những quy định tiêu chuẩn kết cấu thiết bị và tiện nghi kèm theo Thông tư này.

Riêng đối với các cấp phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế từ nay khi phê chuẩn cần ghi rõ trong văn bản phê chuẩn “số cấp” của từng ngôi nhà để cơ quan thiết kế có căn cứ tiến hành thiết kế đúng với tiêu chuẩn.

KT. CHỦ NHIỆM
ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Côn

QUY ĐỊNH

VỀ TIÊU CHUẨN KẾT CẤU THIẾT BỊ VÀ TIỆN NGHI CÁC NGÔI NHÀ DÂN DỤNG

I. TIÊU CHUẨN KẾT CẤU THIẾT BỊ VÀ TIỆN NGHI NHÀ DÂN DỤNG CẤP IV

1. Niên hạn sử dụng: 10 – 15 năm

2. Số tầng: 1 tầng.

3. Móng và nền móng: Móng xây bằng gạch, đá trên lớp lót móng bằng gạch vỡ hay bê tông gạch võ.

Nền móng nếu cần gia cố bằng cọc tre hay cát và chiều sâu của móng, phải do yêu cầu của tính toán và phải được cơ quan quản lý thiết kế cơ bản xét duyệt thiết kế kỹ thuật về phần tính toán này.

Cọc tre chỉ dùng ở chỗ đất nền quanh năm có nước ngầm.

4. Nền nhà: Nền nhà chủ yếu đắp bằng đất pha cát.

Độ cao nền nhà so với mặt đất nền khu vực chung quanh không cao hơn 30cm.

Ở những nơi bị ngập nước thì cao hơn mực nước ngập cao nhất là 20cm.

5. Tường: Gạch nung mác dưới 75, đá ong, gạch mộc, đất nện, toóc-si (torchis), gỗ cây, tre bương,… tùy vật liệu địa phương.

Tường chịu lực là tường ngang xây gạch hay đá ong dày 22cm lên hồi thay vì kèo; tường ngoài nếu xây gạch thì dày 11cm, nếu dùng vật liệu khác thì dùng chiều dày tối thiểu.

Tường trong không chịu lực có thể dùng đất nện, toóc-si (torchis), gỗ cây, gạch mộc,…

6. Trụ, cột: Gỗ tròn, xây gạch hay đá ong… tùy vật liệu địa phương.

7. Lát nền: Lát gạch chỉ, trên 1 lớp cát dày 5cm đã đầm kỹ.

8. Tường lan can: Ở hiên không làm tường lan can nếu nền nhà không cao quá 30cm.

9. Cửa: Cửa dùng gỗ hồng sắc loại B.

Cánh cửa bằng gỗ ván ép nẹp bên trong, cửa đi lại và cửa sổ trong tường xây gạch thì không có khung mà dùng vữa ciment, gắn các chân bản lề goòng vào trong tường qua các miếng bê tông hay gỗ.

10. Lanh tô: Chiều rộng của cửa trên 120cm mới làm lanh tô gỗ còn thì vỉa gạch, vữa ceiment.

11. Mái hắt: Không làm mái hắt mà chỉ làm gờ gạch hay ngói gắn.

12. Trần: Loại nhà phụ thuộc không có trần, các nhà khác đều có trần bằng cót đan nong đôi hay vôi rơm (la-ti bằng tre ngâm, gỗ) tùy vật liệu địa phương.

13. Sê-nô (Chéneau): Không làm sê-nô, không làm máng nước.

14. Mái: Mái dốc lợp ngói hay fibro-ciment. Những nhà không làm tường ngăn thì vì kèo bằng gỗ hồng sắc loại A nhóm V.

15. Xí, tắm: Nhà y viện, bệnh xá mới được bố trí tắm rửa trong nhà.

Tường trát vữa ciment đánh màu cao 160cm ở phòng tắm và cao 100cm ở phòng xí.

Chậu rửa, hố xí, máng đái xây gạch trát ciment đánh màu.

16. Ánh sáng và diện tích cửa sổ: Các phòng đều lấy ánh sáng thiên nhiên trực tiếp.

Phòng tắm, kho đồ đạc có thể lấy ánh sáng gián tiếp.

Diện tích cửa sổ mở ra ngoài nhà so với diện tích sàn:

- Phòng làm việc, học tập: 1/6 – 1/5

- Phòng ở, tiếp khách, giải trí: 1/8 – 1/7

- Phòng phụ: 1/12 – 1/10

17. Thông hơi: Thông hơi tự nhiện và trực tiếp.

18. Điện: Đường dây điện cho đi nổi, dùng bóng đèn thường, sử dụng ánh sáng đèn trực tiếp.

19. Nước: Không thiết kế trong ngôi nhà.

II. TIÊU CHUẨN KẾT CẤU THIẾT BỊ VÀ TIỆN NGHI NHÀ DÂN DỤNG CẤP III

1. Niên hạn sử dụng: 20 – 50 năm.

2. Số tầng: 1 – 2 tầng.

3. Móng nền và nền móng: Móng xây chủ yếu bằng gạch đá trên lớp lót móng bằng gạch vỡ hay bê tông gạch vỡ. Không dùng bê tông cốt thép.

Nền móng nếu cần gia cố bằng cọc tre hay cát và chiều sâu của móng, phải do yêu cầu của tính toán và phải được cơ quan quản lý thiết kế cơ bản xét duyệt thiết kế kỹ thuật về phần tính toán này.

Nếu dùng móng cọc cũng phải được cơ quan quản lý kiến thiết cơ bản xét duyệt về phần thiết kế kỹ thuật của móng.

4. Nền nhà: Nền nhà chủ yếu đắp bằng đất pha cát. Độ cao nền nhà so với mặt đất nền khu vực chung quanh không cao hơn 30cm nếu là một tầng và 60cm nếu là nhà 2 tầng.

5. Tường: Gạch mác 50 - 75, đá ong, đá hộc… tuỳ vật liệu địa phương.

Tường ngoài xây đá ong, gạch nung dày 22cm, xây đá hộc dày 40cm.

Tường trong tường ngang xây gạch hay đá ong dày 22cm, lên hồi thay vì kèo; tường không chịu lực nếu xây gạch thì dày 11cm. Nếu dùng vật liệu khác thì lấy bề dày tối thiểu cần thiết.

6. Trụ, cột: Xây gạch, đối với nhà 2 tầng mới được xây tạch cốt thép nhưng phải hạn chế trong phạm vi tính toán thấy cần.

7. Lát nền: Nền và sàn lát gạch lá nem hay láng ciment đánh màu.

8. Cầu thang: Nên làm cầu thang ngoài nhà cho nhà ở (trừ trụ sở cơ quan) và xây bằng gạch đá.

Nếu làm cầu thang trong nhà thì sàn đợt 1 của cầu thang xây gạch, đá

Nhịp thang và chiếu nghỉ cầu thang láng ciment.

9. Tường lan can: Tường lan can hàng hiên xây gạch dày 11cm làm thành các lỗ hoa, bổ trụ 22cm bay gắn hoa đất nung.

Nhà ở một tầng ở hiên không làm tường lan can nếu nền-nhà không cao quá 30cm.

10. Ban công, lô-gi-a (logia): Không làm.

11. Cửa: Cánh cửa dùng gỗ hồng sắc loại B. Các cửa không có khung, trừ cửa chính ngôi nhà trong trường hợp cửa này to quá khuôn khổ bình thường. Cửa ra vào: panô, cửa sổ kính chớp, các cửa đều không được làm cửa hãm phía trên (imposte) mà chỉ làm các lỗ thông hơi.

12. Lanh tô: Chiều rộng của cửa trên 120cm mới làm lanh tô gỗ còn thì vỉa gạch.

13. Mái hắt: Nhà một tầng không làm mái hắt. Nhà 2 tầng có thể làm mái hắt nhưng mái hắt không rộng quá 60cm.

Phòng phụ xí, tắm không làm mái hắt

14. Trần: Trần vôi rơm la-ti bằng tre ngâm hay gỗ tùy vật liệu địa phương.

15. Sê-nô (Chéneau): Không làm sê-nô đưa ra ngoài, có thể làm máng bằng tôn.

16. Mái: Mái dốc lợp ngói máy, fibro-ciment, ngói ống.

Những nhà không làm tường ngăn thì vi kèo bằng gỗ hồng sắc các loại A. Nhóm IV-V.

17. Xí, tắm: Đưa ra ngoài nhà hoặc bố trí ở tầng dưới.

Chậu rửa và hố xí tiểu bằng gạch trát vữa ciment đánh màu.

Phòng tắm có hương sen và vòi nước.

Tường trát vữa ciment đánh màu cao 160cm ở phòng tắm và cao 100cm ở phòng xí.

Các nhà khách sạn, nghỉ mát, y viện có thể dùng chậu rửa trát granito, hố tiểu ốp gạch men sứ.

18. Ánh sáng và diện tích cửa sổ: Các phòng đều lấy ánh sáng thiên nhiên trực tiếp.

Phòng tắm, kho đồ đạc có thể lấy ánh sáng gián tiếp.

Diện tích cửa sổ mở ra ngoài nhà so với diện tích sàn:

- Phòng làm việc, học tập: 1/6 – 1/5.

- Phòng ở, tiếp khách, giải trí: 1/8 – 1/7.

- Phòng phụ: 1/12 – 1/10.

19. Thông hơi: Thông hơi tự nhiên và trực tiếp.

20. Điện: Đường dây điện cho đi nổi, dùng bóng đèn thường, sử dụng ánh sáng đèn trực tiếp.

21. Nước: Đặng ống nổi. Chỉ có hệ thống nước lạnh.

III. TIÊU CHUẨN KẾT CẤU THIẾT BỊ VÀ TIỆN NGHI NHÀ DÂN DỤNG CẤP II.

1. Niên hạn sử dụng: Trên 50 năm đến 100 năm.

2. Số tầng: 2 – 5 tầng.

3. Móng và nền móng: Móng xây chủ yếu bằng gạch, đá hay bê tông thường trên lớp lót móng bằng gạch vỡ hay bê tông gạch vỡ.

Móng cọc, móng dài bằng bê tông cốt thép và chiều sâu của móng phải do yêu cầu của tính toán và phải được cơ quan quản lý kiến thiết cơ bản xét duyệt thiết kế kỹ thuật về phần tính toán này.

Cọc tre chỉ dùng ở chỗ đất nền quanh năm có nước ngầm.

4. Nền nhà: Nền chủ yếu đắp bằng đất pha cát. Độ cao nền nhà so với mặt đất nền khu vực chunh quanh không cao hơn 60 – 80cm.

5. Tường: Gạch mác 75 – 100, tấm bê tông nhẹ, bờ lốc (bloc) gạch, đá hộc.

6. Trụ cột: Xây gạch hay gạch cốt thép.

Trường hợp do yêu cầu của tính toán mới làm bằng bê tông cốt thép.

7. Lát nền sàn: Các nhà công cộng như nhà văn hóa, trụ sở, cơ quan, trường học, y viện, cửa hàng, khách sạn v.v… thì nền và sàn lát gạch ciment đồng màu từ các phòng tiếp khách, phòng họp lớn có thể lát gạch hoa hay granito.

Các loại nhà ở, ký túc xá, nhà phụ thuộc nền sàn láng ciment đánh màu.

8. Ốp gạch chân tường: Nói chung không làm. Nhưng ở các phòng tiếp khách, đại sảnh cần trang trí đặc biệt có thể ốp gạch ciment hay granito tùy theo vật liệu lát nền và sàn.

9. Cầu thang: Nhịp thang và chiếu nghỉ cầu thang láng ciment thường. Thành vịn xây gạch đổ cốt thép trát vữa ciment, tay vịn bằng gỗ hoặc bằng trát granito.

Các nhà công cộng như nhà khách sạn, văn hóa, trụ sở cơ quan, Dân chính Đảng từ cấp tỉnh trở lên y viện hiện đại, trường đại học cầu thang có thể trát granito.

10. Tường lan can: Xây gạch làm thành các lỗ hoa hay xây gạch gắn hoa đất nung.

11. Ban công, lô-gi-a (logia): Nhà ở không được thiết kế ban công có thể làm lô-gi-a.

Các loại nhà khác có thể thiết kế ban công với tính chất trang trí cho ngôi nhà những không phải nhất luật phòng nào cũng có.

12. Cửa: Cánh cửa dùng gỗ hồng sắc loại B. Cửa tường ngoài là cửa kính hay kính chớp, cửa tường ngăn panô.

Những nhà hành lang bố trí về hướng tây mới được làm cửa chớp che hành lang.

Các cửa đều không được làm cửa hãm phía trên (imposte) mà chỉ làm các lỗ thông hơi.

Các cửa không có khung, trừ cửa chính ngôi nhà to quá khuôn khổ bình thường.

13. Lanh tô: Chiều rộng của cửa trên 120cm mới làm lanh tô bê tông cốt thép còn thì vỉa gạch (Có cốt thép hay không).

14. Mái hắt: Mái hắt không rộng quá 60cm, mái hiên các cửa hàng không được rộng quá 120cm.

Phòng phụ và xí tắm không làm mái hắt.

15. Trần: Nhà mái dốc trần bằng vôi rơm (la-ti bằng gỗ) hay gỗ dán, tấm bê tông.

Nhà mái bằng không làm trần mà cách nhiệt mái bằng một lớp vật liệu cách nhiệt.

16. Sê-nô (Chéneau): Nhà mái dốc hay mái bằng được làm sê-nô nhưng không đưa ra ngoài quá 40cm.

17. Mái: Mái dốc lợp ngói máy, tấm bê tông đúc sẵn, hay mái bằng. Vì điều kiện gỗ hiện nay chưa đảm bảo cung cấp đầy đủ nên cho phép làm mái bê tông đối với nhà có 3 tầng trở lên xây dựng trong các thành phố hay đối với những nhà khẩu độ rộng không có tường ngang, còn thì làm mái ngói.

Nhà mái bằng không làm cầu thang lên mái (không sử dụng mái làm sân phơi hoặc sân chơi) trừ trường hợp có nhu cầu về nghiệp vụ có quy định rõ trong lúc phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế.

Những nhà mái ngói không làm tường ngang thì vì kèo bằng gỗ hồng sắc loại A hay gỗ tứ thiết.

Những nhà phải làm vì kèo có khẩu độ trên 9m thì vì kèo làm bằng bê tông cốt thép hay hỗn hợp gỗ thép và có thể lợp fibro ciment, hoặc làm vòm mỏng bằng bê tông.

18. Xí, tắm: Nhà tập thể xí, tắm xây thành khu tập trung sử dụng cho mỗi tầng.

Phòng tắm có hương sen và vòi nước, chậu rửa bằng bê tông ốp gạch men sứ hay granito.

Hố xí, tiểu bằng gạch trát vữa ciment đánh màu. Tường trát vữa ciment đánh màu cao 160cm ở phòng tắm và cao 100cm ở phòng xí.

Các nhà khách sạn quốc tế (loại phổ thông) và y viện hiện đại thì chậu rửa, hố xí, tiểu làm bằng sứ, tường ốp gạch men sứ cao 165cm ở phòng tắm và cao 90cm ở phòng xí.

19. Ánh ánh và diện tích cửa sổ: Các phòng đều lấy ánh sáng thiên nhiên trực tiếp.

Phòng tắm, kho đồ đạc có thể lấy ánh sáng gián tiếp.

Diện tích cửa sổ ra ngoài so với diện tích sàn:

- Phòng làm việc, học tập: 1/6 – 1/5

- Phòng ở, tiếp khách, giải trí: 1/8 – 1/7

- Phòng phụ: 1/12 – 1/10

20. Thông hơi: Thông hơi tự nhiên và trực tiếp

Phòng phụ có thể có hệ thống thông hơi gián tiếp.

21. Điện: Đường dây điện cho đi nổi.

Dùng bóng đèn thường, sử dụng ánh sáng đèn trực tiếp.

Các phòng họp lớn, phòng biểu diễn văn nghệ, tiền sảnh, đại sảnh hoặc phòng làm việc do yêu cầu về nghiệp vụ, mới dùng đèn nê-ông hay sử dụng ánh sáng đèn gián tiếp.

22. Nước: Đặt ống nổi, chỉ có hệ thống nước lạnh.

Khách sạn quốc tế (loại phổ thông) bệnh viện hiện đại mới có 2 hệ thống nước nóng và lạnh.

GHI CHÚ:

1. Viện phân cấp nhà trong bản quy định này dựa theo bản dự thảo quy phạm thiết kế kiến trúc thay thế cho cách phân cấp cũ: bán kiên cố, kiên cố…

Trong bản này không quy định tiêu chuẩn cho cấp I hiện nay thuộc loại đặc biệt, sẽ tùy theo yêu cầu riêng mà thiết kế.

2. Các loại gỗ dùng trong bảng này căn cứ vào bản “Quy định tạm thời về sử dụng gỗ” ban hành kèm theo Thông tư số 10-CP ngày 26 tháng 4 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ về chế độ tiết kiệm gỗ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 77-UB/CQL năm 1961 về tiêu chuẩn kết cấu thiết bị và tiện nghi các ngôi nhà dân dụng do Ủy ban kế hoạch Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 77-UB/CQL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/08/1961
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Côn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản