Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 77-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 1960

THÔNG TƯ

TỔ CHỨC Y TẾ PHỤC VỤ NÔNG THÔN DỰA TRÊN CƠ SỞ PHONG TRÀO HỢP TÁC HÓA

Trong những năm vừa qua, ngành Y tế đã đào tạo được khá nhiều cán bộ y tế, hộ sinh, vệ sinh viên, tổ chức thành một lưới phòng bệnh rãi ở nông thôn để phục vụ sức khỏe nông dân, đẩy mạnh sản xuất. Hiện nay phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp đương phát triển mạnh. Yêu cầu của công tác phòng bệnh và chữa bệnh mỗi ngày một tăng. Để bảo đảm sức khỏe cho nông dân, ngư dân, thợ thủ công, góp phần tăng năng suất lao động và tăng thu nhập cho xã viên, củng cố và phát triển phong trào hợp tác hóa hơn nữa, nay Thủ tướng Chính phủ thông tư cho Ủy ban hành chính các cấp tiếp tục thực hiện chủ trương đào tạo, bổ túc cán bộ y tế, nữ hộ sinh, xây dựng túi thuốc ở nông thôn, theo những điều chỉ dẫn và quy định cho dưới đây:

1. Mỗi tổ đội công thường xuyên hoặc tổ lao động của hợp tác xã cần cử một vệ sinh viên để hàng ngày kiểm tra, đôn đốc các tổ viên và gia đình tổ viên làm đúng những điều quy định về vệ sinh phòng bệnh. Khi kiểm điểm công tác sản xuất thì kiểm điểm luôn công tác vệ sinh phòng bệnh. Người vệ sinh viên của tổ có thê là tổ phó tổ sản xuất hay tổ phó tổ lao động kiêm nhiệm.

2. Mỗi thôn có từ một hoặc hai hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp hoặc thủ công nghiệp thì cần cử một người trong các hợp tác xã, hoặc vệ sinh viên trong thôn lâu nay đã công tác tốt (có thể là xã viên hợp tác xã, tổ viên tổ đổi công hoặc người ngoài) để đi học thành cán bộ y tế. Thời gian học từ 1 đến 3 tháng; phí tổn đi học do quỹ các hợp tác xã và nông dân chưa vào hợp tác xã nông thôn đài thọ. Khi về, cán bộ y tế có nhiệm vụ phục vụ cho xã viên, gia đình các xã viên hợp tác xã và cả nhân dân trong thôn. Công tác chủ yếu là vệ sinh phòng bệnh, vì vậy cán bộ y tế đó không thoát ly sản xuất. Thôn nào có cán bộ y tế đã được đào tạo từ 3 đến 6 tháng rồi, thì các hợp tác xã không cần cử người đi học nữa, mà sử dụng cán bộ y tế đó để phục vụ cho hợp tác xã và nhân dân trong thôn.

3. Các xã miền núi, vì địa lý quá rộng, cho nên người cán bộ y tế trong các hợp tác xã của bản, mường phải kiêm cả hộ sinh; ngoài nhiệm vụ phòng bệnh, chữa bệnh thông thường ra, phải thăm thai, đỡ đẻ cho chị em trong bản, mường của mình. Cho nên nếu có thể thì lựa phụ nữ trung niên cho đi học để làm cán bộ y tế trong hợp tác xã miền núi. Việc đài thọ cho người đi học do ngân sách tỉnh chịu một phần và một phần do nhân dân đóng góp.

4. Trong mỗi thôn ở đồng bằng cũng như ở miền núi, cần xây dựng một túi thuốc gồm những thuốc viên thông thường để kịp thời bán cho người ốm bệnh thường trong các hợp tác xã và nhân dân trong thôn hoặc trong bản. Nếu trong thôn hoặc bản ấy, tất cả nông dân, ngư dân, thợ thủ công đều vào các hợp tác xã rồi, thì túi thuốc của thôn, bản có thể chuyển thành túi thuốc của các hợp tác xã của thôn, bản ấy.

5. Hiện nay, nhiều xã ở đồng bằng và một số xã ở miền núi đã thành lập trạm y tế, trạm hộ sinh xã theo hình thức dân lập (dựa vào sức đóng góp của dân để xây dựng trạm, mua sắm dụng cụ, thuốc men, nuôi cán bộ y tế phục vụ ở trạm). Đến nay nông dân ở đó đã vào hợp tác xã, thì hình thức dân lập ấy phải dựa vào hợp tác xã. Vì thế nếu xã nào tuyệt đại đa số nông dân, ngư dân, thợ thủ công đã vào các hợp tác xã, thì các hợp tác xã sẽ cùng đài thọ việc nuôi cán bộ, mua sắm phục vụ, thuốc men, tu sửa trạm (có thể do từng xã viên đóng góp hoặc trích các quỹ công ích của các hợp tác xã).

6. Mỗi hợp tác xã sản xuất nông nghệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp, tùy hoàn cảnh cụ thể của mình, cần tổ chức nhóm giữ trẻ (theo sự hướng dẫn của Hội Liên hiệp phụ nữ). Ngành Y tế có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn để giữ vệ sinh, phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và giải phóng sức sản xuất cho phụ nữ.

7. Công tác y tế trong hợp tác xã là một công tác phúc lợi của xã viên nhằm bảo vệ và nâng cao không ngừng sức khỏe cho xã viên và gia đình xã viên để tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho xã viên. Các Ủy ban hành chính các cấp, các Ban quản trị các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp có nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh thông tư này.

8. Bộ y tế hướng dẫn chi tiết thi hành thông tư này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 77-TTg năm 1960 về việc tổ chức y tế phục vụ nông thôn dựa trên cơ sở phong trào hợp tác hóa do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 77-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/03/1960
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 09/04/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản