Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/2016/TT-BQP

Hà Nội, ngày 08 tháng 06 năm 2016

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỨC LƯƠNG CƠ SỞ ĐỐI VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐANG HƯỞNG LƯƠNG HOẶC PHỤ CẤP QUÂN HÀM TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRONG CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Nghị định số 47/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng.

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính Bộ Quốc phòng,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng.

2. Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và học viên cơ yếu hưởng phụ cấp sinh hoạt phí (sau đây viết gọn là học viên cơ yếu).

3. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết gọn là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP).

Điều 3. Cách tính mức lương, phụ cấp và trợ cấp

Mức lương, phụ cấp quân hàm (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu, nếu có) và phụ cấp, trợ cấp của các đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này từ ngày 01 tháng 5 năm 2016 được tính như sau:

1. Công thức tính mức lương và mức phụ cấp quân hàm

a) Công thức tính mức lương

Mức lương thực hiện từ 01/5/2016

=

Mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng

x

Hệ số lương hiện hưởng

b) Công thức tính mức phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu

Mức phụ cấp quân hàm thực hiện từ 01/5/2016

=

Mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng

x

Hệ số phụ cấp quân hàm hiện hưởng

2. Công thức tính mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có)

Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu thực hiện từ 01/5/2016

=

Mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng

x

Hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng (nếu có)

3. Công thức tính mức phụ cấp lương

a) Đối với các Khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở

- Đối với người hưởng lương

Mức phụ cấp thực hiện từ 01/5/2016

=

Mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng

x

Hệ số phụ cấp được hưởng theo quy định

- Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu

Mức phụ cấp thực hiện từ 01/5/2016

=

Mức phụ cấp quân hàm binh nhì, tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng

x

Hệ số phụ cấp được hưởng theo quy định

b) Các Khoản phụ cấp tính theo tỷ lệ %

- Đối với người hưởng lương

Mức phụ cấp thực hiện từ 01/5/2016

=

Mức lương thực hiện từ 01/5/2016

Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện từ 01/5/2016

Mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ 01/5/2016

x

Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định

- Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu

Mức phụ cấp thực hiện từ 01/5/2016

=

Mức phụ cấp quân hàm hiện hưởng, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng

x

Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định

4. Công thức tính các Khoản trợ cấp theo mức lương cơ sở

Mức phụ cấp thực hiện từ 01/5/2016

=

Mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng

x

Số tháng được hưởng trợ cấp theo quy định

5. Các Khoản phụ cấp, trợ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể, giữ nguyên theo quy định hiện hành.

6. Các mức lương, phụ cấp chức vụ, phụ cấp quân hàm của sĩ quan, người hưởng lương cấp hàm cơ yếu, quân nhân chuyên nghiệp, người hưởng lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu, hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu theo cách tính quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều này, Danh Mục bảng lương, nâng lương và phụ cấp được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Đối với công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì áp dụng cách tính mức lương, phụ cấp và mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định tại Điểm a Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều này hoặc thực hiện theo Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở của Bộ Nội vụ.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ vào nội dung hướng dẫn tại Thông tư này các cơ quan, đơn vị lập danh sách cấp phát tiền lương, phụ cấp cho các đối tượng được hưởng.

Trường hợp đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Thông tư này có quyết định Điều động công tác sang cơ quan, đơn vị khác trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành, thì cơ quan, đơn vị tiếp nhận đối tượng căn cứ vào hồ sơ, yếu tố ghi trong “Giấy giới thiệu cung cấp tài chính” hoặc “Giấy thôi trả lương” của đơn vị cũ, lập danh sách cấp phát truy lĩnh phần chênh lệch theo quy định từ ngày 01 tháng 5 năm 2016.

2. Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang vận dụng thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương do Nhà nước quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước, được áp dụng mức lương cơ sở quy định tại Điều 3 Nghị định số 47/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương và mức phụ cấp lương làm căn cứ tính đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động cho các đối tượng được hưởng.

3. Khi cấp phát tiền lương cho các đối tượng được hưởng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải tính thu các Khoản phải nộp theo quy định của pháp luật hiện hành (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thuế thu nhập cá nhân - nếu có). Lập các báo cáo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này, gửi về Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính Bộ Quốc phòng) trước ngày 30 tháng 6 năm 2016.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 7 năm 2016, thay thế Thông tư số 129/2013/TT-BQP ngày 18 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01 tháng 5 năm 2016.

3. Đối với công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, có hệ số lương từ 2,34 trở xuống đã được hưởng tiền lương tăng thêm quy định tại Nghị định số 17/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (sau đây viết gọn là Nghị định số 17/2015/NĐ-CP), nếu tổng tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh cộng các Khoản phụ cấp lương (nếu có) tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng của tháng 5 năm 2016 thấp hơn tổng tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, các Khoản phụ cấp lương (nếu có) và tiền lương tăng thêm theo Nghị định số 17/2015/NĐ-CP tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng của tháng 4 năm 2016 thì được hưởng chênh lệch cho bằng tổng tiền lương đã hưởng của tháng 4 năm 2016. Mức hưởng chênh lệch này không dùng để tính đóng hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các loại phụ cấp lương.

Điều 6. Điều Khoản tham chiếu

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định được dẫn chiếu để áp dụng trong Thông tư này (cả Phụ lục ban hành kèm theo) được sửa đổi, bổ sung hay thay thế bằng các văn bản quy phạm pháp luật mới thì các nội dung được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật mới đó.

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh về Cục Tài chính để nghiên cứu, báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 77/2016/TT-BQP hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng

  • Số hiệu: 77/2016/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/06/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Trần Đơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 403 đến số 404
  • Ngày hiệu lực: 25/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản