Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 71/2020/TT-BTC về hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2021-2023 do Bộ Bộ Tài chính ban hành

Chương I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020 VÀ 05 NĂM GIAI ĐOẠN 2016-2020

Điều 1. Căn cứ đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020 và 05 năm giai đoạn 2016-2020

1. Các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020:

a) Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững (Nghị quyết số 07-NQ/TW);

b) Các Nghị quyết của Quốc hội: số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016-2020 (Nghị quyết số 142/2016/QH13), số 25/2016/QH14 ngày 09 tháng 11 năm 2016 về Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết số 25/2016/QH14), số 26/2016/QH14 ngày 10 tháng 11 năm 2016 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết số 26/2016/QH14), số 71/2018/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2018 về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết số 71/2018/QH14);

c) Các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của các cấp chính quyền địa phương.

2. Các Nghị quyết của Quốc hội, văn bản điều hành về dự toán NSNN năm 2020

a) Các Nghị quyết của Quốc hội: số 85/2019/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2019 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, số 86/2019/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2019 về dự toán NSNN năm 2020, số 87/2019/QH14 ngày 14 tháng 11 năm 2019 về phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2020 và số 122/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

b) Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp về giao dự toán NSNN, dự toán kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn NSNN, nguồn được để lại đầu tư chưa đưa vào cân đối năm 2020; các quyết định bổ sung ngân sách trong quá trình điều hành NSNN năm 2020.

c) Các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020 (Nghị quyết số 01/NQ-CP), số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 (Nghị quyết số 02/NQ-CP); số 30/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ hàng tháng.

d) Các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân, Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2020.

đ) Thông tư số 88/2019/TT-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2019 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2020; các Thông tư của Bộ Tài chính về giảm phí, lệ phí năm 2020.

3. Các văn bản chỉ đạo, điều hành NSNN năm 2020 của cấp có thẩm quyền liên quan đến đại dịch Covid-19, gồm:

a) Các Nghị định của Chính phủ: số 41/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, số 70/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2020 về quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020; các Nghị quyết của Chính phủ: số 37/NQ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 (Nghị quyết số 37/NQ-CP); số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết số 42/NQ-CP); số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (Nghị quyết số 84/NQ-CP);

b) Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 437/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2020 về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP trong phòng, chống dịch Covid-19 (Quyết định số 437/QĐ-TTg) và số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg).

c) Các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

4. Các văn bản khác:

a) Các văn bản của cấp có thẩm quyền về điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển; chính sách, chế độ thu thuế, phí, lệ phí và các chính sách về cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2020 (nếu có).

b) Các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng có liên quan đến hoạt động thu, chi NSNN.

Điều 2. Đánh giá tình hình thực hiện thu NSNN năm 2020 và 05 năm giai đoạn 2016-2020

1. Nguyên tắc chung

Thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN, quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí và các văn bản chỉ đạo, điều hành NSNN của cấp có thẩm quyền; không đánh giá vào thu NSNN các khoản thu phí đã chuyển sang giá dịch vụ theo quy định của Luật Phí và lệ phí, các khoản được khấu trừ đối với cơ quan nhà nước hoặc khoản trích lại phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện.

Căn cứ kết quả thực hiện thu NSNN 7 tháng đầu năm, trong đó tập trung xác định tác động của đại dịch Covid-19, diễn biến bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu (như mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn) và dự báo tình hình các tháng cuối năm; các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện rà soát, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến thu NSNN năm 2020, kiến nghị các giải pháp điều hành nhằm phấn đấu thực hiện cao nhất dự toán thu NSNN được Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định. Trên cơ sở đó, đánh giá thực hiện thu NSNN năm 2020, so sánh với dự toán được giao.

Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể về thu NSNN trong giai đoạn 05 năm 2016- 2020; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm.

2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2020:

a) Đánh giá, phân tích nguyên nhân tác động tăng, giảm thu NSNN năm 2020, chú ý làm rõ:

- Thuận lợi, khó khăn và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các nhân tố khác, đặc biệt là đại dịch Covid-19 tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong từng lĩnh vực; tình hình, xu hướng phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch; khả năng triển khai các dự án đầu tư mở rộng, đầu tư mới; các dự án đã hết thời gian ưu đãi thuế; sản lượng sản xuất và tiêu thụ, giá bán, lợi nhuận của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ yếu trên địa bàn; tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; diễn biến thị trường.

- Tác động của biến động giá dầu thô, nguyên nhiên vật liệu đầu vào, gạo và hàng hóa nông sản khác trên thị trường thế giới, trong nước; tác động của việc thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; các chính sách tiền tệ, tín dụng, thương mại, đầu tư, chính sách giá, cải cách thủ tục hành chính và các yếu tố khác đến nền kinh tế và kết quả thu NSNN trong 7 tháng đầu năm.

- Tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu; gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

b) Đánh giá tình hình triển khai các quy định về điều chỉnh chính sách thu năm 2020, trong đó:

- Điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo lộ trình đối với sản phẩm thuốc lá, bia, rượu theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế; chính sách sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết;

- Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

- Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác;

- Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH ngày 02 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân;

- Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020;

- Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP;

- Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất;

- Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài;

- Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất;

- Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;

- Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương giai đoạn 2019 - 2022;

- Các văn bản, chính sách, chế độ thu thuế, phí, lệ phí khác tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2020, trong đó bao gồm chính sách giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

c) Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp về quản lý thu NSNN theo Nghị quyết số 01/NQ-CP; kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý thu hồi nợ đọng thuế:

- Rà soát, xác định số nợ thuế đến ngày 31 tháng 12 năm 2019; việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN; công tác đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế, xử lý nợ thuế trong 7 tháng đầu năm 2020, dự kiến số nợ xử lý trong các tháng cuối năm 2020 (so với chỉ tiêu, kế hoạch được giao - nếu có); đánh giá dự kiến số nợ thuế đến ngày 31 tháng 12 năm 2020.

- Kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra, quyết định truy thu của cơ quan thuế các cấp trong việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật thuế.

d) Đánh giá tình hình kê khai, nộp thuế và hoàn thuế GTGT:

- Dự kiến số kinh phí hoàn thuế GTGT trong năm 2020 trên cơ sở đảm bảo đúng thực tế phát sinh, đúng chính sách chế độ;

- Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế GTGT, xử lý thu hồi tiền hoàn thuế GTGT sai quy định;

- Đề xuất các kiến nghị điều chỉnh cơ chế quản lý hoàn thuế GTGT, trường hợp cần thiết thì đề xuất điều chỉnh nguồn kinh phí hoàn thuế GTGT (bổ sung, tạm ứng, cắt giảm) để phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế xã hội trong các tháng cuối năm, đảm bảo hoàn trả chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

đ) Thực hiện hoàn trả các khoản thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo quy định của pháp luật (ngoài chi hoàn thuế GTGT):

- Đánh giá tình hình thực hiện theo các tiêu chí: số tiền hoàn trả, số bộ hồ sơ xem xét hoàn trả, số lần ra quyết định hoàn trả theo các quy định (Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; Nghị định số 14/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB;...);

- Vướng mắc, khó khăn phát sinh và kiến nghị giải pháp về cơ chế chính sách, về công nghệ quản lý, về tổ chức phối hợp trong quá trình triển khai, thực hiện.

e) Đánh giá tình hình thu ngân sách từ đất đai (thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) theo pháp luật về đất đai và thu ngân sách từ xử lý, sắp xếp nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (Nghị định số 167/2017/NĐ-CP), Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Nghị định số 69/2019/NĐ-CP) và quy định pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, đánh giá tình hình thu tiền sử dụng đất khi giảm đối tượng là hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất và bỏ quy định giảm 2%/năm tính trên số tiền sử dụng đất được ghi nợ trả trước thời hạn theo quy định tại Nghị định số 79/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.

g) Báo cáo kết quả phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong công tác quản lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thu NSNN, bán đấu giá tài sản Nhà nước, đấu giá quyền sử dụng đất và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ thuế, chống thất thu, chống chuyển giá; tồn tại, vướng mắc và giải pháp khắc phục.

h) Đánh giá tình hình thu phí và lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí (đánh giá số thu phí, lệ phí theo quy định; số thu phí nộp NSNN; số thu phí được để lại); thu xử phạt vi phạm hành chính, thu phạt, tịch thu và các khoản nộp NSNN khác trong năm 2020 theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.

i) Đánh giá các khoản thu không cân đối vào ngân sách, như: phí được để lại đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; thu học phí, giá dịch vụ y tế và các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công (không thuộc danh mục phí, lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí);

k) Đánh giá các khoản thu được để lại năm 2020 theo quy định đối với các cơ quan hành chính nhà nước được hưởng cơ chế đặc thù theo quy định của các cấp thẩm quyền, chi tiết nguồn NSNN, nguồn phí để lại, các khoản thu được quy định tại các Luật chuyên ngành khác hoặc quy định tại các văn bản pháp luật khác mà Luật NSNN, Luật phí và lệ phí chưa quy định cụ thể là nguồn thu NSNN (dưới đây gọi là thu nghiệp vụ), khoản trích qua công tác thanh tra, kiểm toán và số ước sử dụng năm 2020.

3. Đánh giá thực hiện nhiệm vụ thu NSNN 05 năm giai đoạn 2016-2020

a) Đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế về thu NSNN, các nhiệm vụ và biện pháp triển khai thực hiện quản lý thu NSNN; trong đó tập trung đánh giá những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị giải pháp về cơ chế, chính sách, quản lý thu NSNN trong thời gian tới.

b) Đánh giá thực hiện thu NSNN 05 năm giai đoạn 2016-2020 so với mục tiêu, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

c) Đánh giá kết quả thực hiện các khoản thu không cân đối vào NSNN thuộc các lĩnh vực sự nghiệp giai đoạn 2016-2020, chi tiết số thu phí theo từng lĩnh vực được để lại, giá dịch vụ và các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công không thuộc danh mục phí, lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí), số dự toán sử dụng và còn dư đến ngày 31 tháng 12 năm 2020.

d) Đánh giá kết quả thực hiện các khoản thu được để lại theo quy định đối với các cơ quan hành chính nhà nước được hưởng cơ chế đặc thù theo quy định của các cấp thẩm quyền, số dự toán sử dụng giai đoạn 2016-2020 và còn dư đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, chi tiết theo nguồn NSNN, nguồn phí để lại, các khoản thu nghiệp vụ, khoản trích qua công tác thanh tra, kiểm toán.

Điều 3. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển năm 2020 và 05 năm giai đoạn 2016-2020

1. Đánh giá việc triển khai và tổ chức thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển (ĐTPT) năm 2020

a) Tình hình bố trí và giao dự toán chi ĐTPT năm 2020:

- Thời hạn phân bổ và giao kế hoạch cho chủ đầu tư;

- Kết quả bố trí dự toán để thu hồi vốn ngân sách ứng trước và thanh toán nợ xây dựng cơ bản thuộc nguồn NSNN;

- Việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ĐTPT giữa các bộ, ngành, địa phương năm 2020;

- Khó khăn, vướng mắc và kiến nghị điều chỉnh cơ chế, chính sách; kiến nghị trong tổ chức thực hiện.

b) Tình hình thực hiện dự toán chi ĐTPT của NSNN năm 2020, gồm:

- Chi ĐTPT từ nguồn chi cân đối NSNN (bao gồm cả chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2020 theo quy định): Đánh giá vốn thanh toán đến hết quý II năm 2020, dự kiến đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020; tình hình giải ngân vốn ĐTPT năm 2020, chi tiết theo từng nguồn vốn (trong đó: đối với chi ĐTPT NSĐP, đề nghị chi tiết vốn cân đối NSĐP, vốn NSTW hỗ trợ có mục tiêu từ vốn ngoài nước, vốn trong nước); có biểu phụ lục chi tiết từng dự án, số liệu về tổng mức đầu tư được duyệt, vốn thanh toán lũy kế đến hết năm 2019, kế hoạch vốn năm 2020 - kể cả vốn bổ sung, điều chỉnh và ước thực hiện năm 2020, kèm theo thuyết minh).

Đối với chi ĐTPT từ nguồn tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền và chuyển mục đích sử dụng đất: báo cáo tình hình thu, nộp ngân sách và việc thực hiện dự toán chi ĐTPT năm 2020 từ nguồn thu này.

Đánh giá tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSNN và thu hồi vốn ứng nguồn NSNN (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2012, số 14/CT-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2013 và số 07/CT-TTg ngày 30 tháng 4 năm 2015): số nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng nguồn NSNN đến ngày 31 tháng 12 năm 2019; ước số xử lý trong năm 2020; dự kiến số nợ xây dựng cơ bản, số ứng chưa có nguồn thu hồi đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 (chi tiết từng dự án).

- Chi ĐTPT theo hình thức hợp tác công tư: Đánh giá tình hình thực hiện việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao theo Nghị định số 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ; khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, kiến nghị.

- Đánh giá việc chuyển đổi các nhiệm vụ đầu tư theo hình thức hợp tác công tác tư sang hình thức NSNN đầu tư trực tiếp 100% và tác động đến NSNN, việc bổ sung dự toán chi ĐTPT nguồn NSNN năm 2020 - nếu có.

- Ngoài các nội dung trên, các Bộ Y tế, Quốc phòng và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tình hình giao dự toán, phân bổ, thực hiện đầu tư, xây dựng 05 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tình hình triển khai các dự án, chương trình từ nguồn vay và trả nợ các nguồn vốn vay của địa phương (kể cả nguồn tạm ứng tồn ngân Kho bạc Nhà nước).

- Tình hình quyết toán dự án đầu tư hoàn thành, trong đó nêu rõ: số dự án đã được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành và số vốn còn lại chưa được bố trí để thanh toán so với giá trị quyết toán dự án hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt; số dự án đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán theo quy định đến hết tháng 6 năm 2020, dự kiến đến hết năm 2020; nguyên nhân và giải pháp xử lý.

c) Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ chi ĐTPT năm 2020 của các cơ quan hành chính nhà nước đang được hưởng cơ chế đặc thù theo quy định hiện hành năm 2020, chi tiết theo từng dự án và nguồn kinh phí (nguồn NSNN, nguồn phí được để lại, nguồn được trích lại qua công tác thanh tra, kiểm toán, nguồn thu nghiệp vụ); gửi cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, báo cáo cơ quan tài chính, đầu tư cùng cấp.

d) Đối với các lĩnh vực sự nghiệp: đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chi ĐTPT năm 2020 theo quy định hiện hành (chi tiết nguồn NSNN, nguồn thu sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn vay và nguồn hợp pháp khác của đơn vị) theo từng lĩnh vực sự nghiệp; gửi cơ quan quản lý cấp trên, tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp.

2. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chi ĐTPT của NSNN 05 năm giai đoạn 2016-2020

a) Đánh giá việc thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

b) Kế hoạch trung hạn được cấp có thẩm quyền giao giai đoạn 2016-2020 so với số đề xuất; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt - nếu có (chi tiết nguồn. NSNN, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn vay/vay lại ngoài nước, vốn vay chính quyền địa phương, nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư trung hạn NSTW - nếu có).

c) Lũy kế dự toán chi ĐTPT được giao hằng năm (kể cả số dự toán giao đầu năm; số dự toán bổ sung, điều chỉnh trong năm từ nguồn rà soát lại giữa các bộ, ngành, địa phương; nguồn dự phòng NSTW; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nếu có) so với kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó các địa phương chi tiết nguồn cân đối NSĐP, nguồn NSTW bổ sung có mục tiêu từ nguồn vốn ngoài nước và vốn trong nước.

d) Tình hình xử lý nợ xây dựng cơ bản trung hạn 2016-2020: Kế hoạch và vốn đã bố trí dự toán các năm 2016-2020 để xử lý; tổng số nợ xây dựng cơ bản còn lại đến hết năm 2020.

đ) Tình hình thu hồi vốn ứng trước đến hết kế hoạch năm 2020, làm rõ số ứng trước chưa bố trí được nguồn để thu hồi.

e) Tình hình bổ sung, giao dự toán, sử dụng nguồn dự phòng chi ĐTPT của bộ, ngành, địa phương đến hết năm 2020.

g) Lũy kế việc giải ngân, thực hiện các nhiệm vụ chi ĐTPT của NSNN so với dự toán được giao giai đoạn 2016-2020 (bao gồm cả 05 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh), chi tiết theo từng nguồn vốn.

h) Số dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2016- 2020; số dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa được bố trí vốn hằng năm; số dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025; chi tiết dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C.

i) Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ xử lý, sắp xếp nhà, đất theo quy định của pháp luật có liên quan; số thu, nộp ngân sách và lũy kế dự toán chi ĐTPT từ nguồn này được giao năm 2016-2020; số đã nộp đến hết năm 2020 chưa sử dụng; nhu cầu còn phải bố trí đối với các dự án đầu từ nguồn này đã được phê duyệt theo quy định; số dự án đã thực hiện, quyết toán đến hết năm 2020, nhưng chưa được ghi thu - ghi chi vào cân đối NSNN - nếu có.

3. Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ chi ĐTPT khác của NSNN năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020

Tình hình thực hiện kế hoạch tín dụng đầu tư ưu đãi của Nhà nước và tín dụng chính sách 7 tháng đầu năm, ước thực hiện cả năm 2020 (huy động vốn, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; tăng trưởng tín dụng, giải ngân, thu nợ gốc, dư nợ cho vay; NSNN cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý,...) và cả giai đoạn 2016-2020 (quy mô huy động theo các hình thức; tăng trưởng tín dụng bình quân; dư nợ đầu kỳ, số phát sinh vay và trả nợ trong kỳ; dư nợ cuối kỳ; tổng số cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đã được bố trí); việc cải cách hành chính trong thủ tục xét duyệt cho vay. Nhu cầu và số cấp bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2016-2020; số còn phải cấp bổ sung - nếu có.

4. Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ chi ĐTPT giai đoạn 2016- 2020 của các cơ quan hành chính nhà nước đang được hưởng cơ chế đặc thù theo quy định hiện hành, chi tiết theo từng dự án và nguồn kinh phí (nguồn NSNN, nguồn phí được để lại, nguồn được trích lại qua công tác thanh tra, kiểm toán, nguồn thu nghiệp vụ); xác định các nhiệm vụ chuyển tiếp; gửi cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, báo cáo cơ quan tài chính, đầu tư cùng cấp.

5. Đối với các lĩnh vực sự nghiệp: đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chi ĐTPT giai đoạn 2016-2020 theo quy định hiện hành (chi tiết nguồn NSNN, nguồn thu sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn vay và nguồn hợp pháp khác của đơn vị) theo từng lĩnh vực sự nghiệp; xác định các nhiệm vụ chuyển tiếp; gửi cơ quan quản lý cấp trên, tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính, đầu tư cùng cấp.

6. Tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách xã hội hóa năm 2020 và giai đoạn 2016-2020:

a) Đánh giá tình hình thực hiện năm 2020 về tổng nguồn lực và cơ cấu nguồn lực xã hội hóa đầu tư theo ngành, lĩnh vực; số lượng các cơ sở được đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa; kết quả đạt được.

b) Đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách xã hội hóa so với kế hoạch giai đoạn được giao (chi tiết tổng nguồn lực, cơ cấu nguồn lực xã hội hóa theo ngành, lĩnh vực; số lượng các cơ sở được đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa theo ngành, lĩnh vực) trong cả giai đoạn 2016-2020; kết quả đạt được; tồn tại, nguyên nhân và kiến nghị (nếu có).

Điều 4. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2020 và 05 năm giai đoạn 2016-2020

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên như sau:

1. Đánh giá tình hình triển khai phân bổ, giao dự toán và thực hiện dự toán NSNN 7 tháng đầu năm, dự kiến cả năm 2020 theo từng lĩnh vực chi được giao. Đánh giá tình hình triển khai thực hiện chính sách, biện pháp trong phòng chống, dịch Covid-19 (Nghị quyết số 37/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Quyết định số 437/QĐ-TTg, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020) và hỗ trợ kinh phí phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai (mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn), dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid -19).

2. Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, các chương trình, dự án lớn trong 7 tháng, dự kiến cả năm 2020; giai đoạn 2016-2020; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý về cơ chế, chính sách trong tổ chức thực hiện, cụ thể:

a) Đối với các chế độ, chính sách: Đánh giá tổng thể toàn bộ các chính sách, chế độ; rà soát, xác định các nhiệm vụ, chính sách, chế độ kết thúc; kiến nghị bổ sung, sửa đổi các nhiệm vụ, chính sách, chế độ không phù hợp với thực tế.

b) Đánh giá tình hình thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên do tác động của đại dịch Covid-19 (cắt giảm tối thiểu 70% dự toán kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại; 10% dự toán chi thường xuyên còn lại các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, bao gồm cả kinh phí thực hiện các đề án mua sắm chưa thực hiện) theo hướng dẫn của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ.

c) Thực hiện tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy: Kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm, ước cả năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020, chi tiết theo từng mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII (Nghị quyết số 18-NQ/TW), Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Ban Chấp hành Trung ương (Nghị quyết số 39-NQ/TW), Kết luận số 17-KL/TW ngày 11 tháng 9 năm 2017 của Bộ Chính trị (Kết luận số 17-KL/TW) và các văn bản liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó chi tiết:

- Số giảm biên chế, giảm đầu mối tổ chức bộ máy từng năm;

- Số kinh phí NSNN tiết kiệm được do giảm biên chế, giảm tổ chức bộ máy từng năm, trong đó chi tiết số đã sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương.

- Số kinh phí phải bố trí từng năm từ NSNN để thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 về chính sách tinh giản biên chế (Nghị định số 108/2014/NĐ-CP), Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế (Nghị định số 113/2018/NĐ-CP) và Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2015 quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

d) Thực hiện đổi mới khu vực sự nghiệp công:

- Kết quả sắp xếp, đổi mới hệ thống và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII (Nghị quyết số 19-NQ/TW), Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công (Nghị định số 16/2015/NĐ-CP) và các Nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực sự nghiệp cụ thể trong 7 tháng đầu năm, ước cả năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020, chi tiết theo từng mục tiêu, từng năm (báo cáo số lượng đơn vị sự nghiệp công lập từng lĩnh vực, theo từng mức độ tự chủ, từng năm; tổng số thu sự nghiệp công từng lĩnh vực, từng năm; số NSNN chi hỗ trợ từng lĩnh vực sự nghiệp, từng năm, từng đơn vị; tổng số biên chế theo từng lĩnh vực sự nghiệp, từng năm; số lượng biên chế hưởng lương từ NSNN từng lĩnh vực sự nghiệp, từng năm).

- Đánh giá tác động của việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao khả năng tự chủ đến NSNN theo từng lĩnh vực, từng năm (số kinh phí dành ra và việc sử dụng); số giảm chi từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp theo từng lĩnh vực (sự nghiệp y tế, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp...) và việc sử dụng số kinh phí NSNN dành ra từ việc nâng cao tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp, chi tiết từng năm; các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị.

đ) Đối với các chương trình, đề án, nhiệm vụ thường xuyên đã, đang thực hiện trong thời gian 2016-2020: Đánh giá việc phê duyệt, bố trí kinh phí, kết quả thực hiện so với mục tiêu, kế hoạch 05 năm giai đoạn 2016-2020, nhiệm vụ chuyển tiếp (nếu có); trong đó chi tiết theo từng nhiệm vụ, đề án theo quyết định giao nhiệm vụ và kinh phí thực hiện tương ứng; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị (nếu có).

e) Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2020 và cả giai đoạn 05 năm 2016-2020 của các cơ quan hành chính nhà nước đang được hưởng cơ chế đặc thù theo quy định hiện hành, chi tiết: quỹ lương (gồm lương ngạch bậc, các khoản đóng góp theo lương và lương đặc thù - nếu có), chi bộ máy, chi chuyên môn, nghiệp vụ; theo từng nguồn kinh phí (nguồn NSNN, nguồn phí được để lại, nguồn được trích lại qua công tác thanh tra, kiểm toán, nguồn thu nghiệp vụ); xác định các nhiệm vụ chi chuyên môn, nghiệp vụ chuyển tiếp - nếu có; gửi cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp.

g) Đối với các lĩnh vực sự nghiệp: đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2020 và cả giai đoạn 05 năm 2016-2020 theo quy định hiện hành (chi tiết nguồn NSNN, nguồn thu sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn vay và nguồn hợp pháp khác của đơn vị) theo từng lĩnh vực sự nghiệp; xác định các nhiệm vụ chi chuyên môn, nghiệp vụ chuyển tiếp; gửi cơ quan quản lý cấp trên, tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp.

Điều 5. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch và dự toán NSNN chi cho dự trữ quốc gia năm 2020 và 05 năm giai đoạn 2016-2020

Các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch và dự toán 7 tháng đầu năm, ước thực hiện cả năm 2020 và giai đoạn 2016- 2020 về tình hình thực hiện kế hoạch mua, bán, nhập, xuất, luân phiên đổi hàng, mức dự trữ quốc gia tồn kho cuối năm; thực hiện dự toán NSNN chi cho dự trữ quốc gia (vốn mua hàng, kinh phí chi nghiệp vụ dự trữ quốc gia); xây dựng, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia. So sánh kết quả đạt được với các chỉ tiêu, định hướng đã đề ra tại Quyết định số 2091/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.

Điều 6. Đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và chương trình, dự án khác sử dụng nguồn vốn ngoài nước năm 2020 và 05 năm giai đoạn 2016-2020

1. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu

a) Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu đánh giá tình hình phân bổ, giao, thực hiện dự toán chi năm 2020.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu có sử dụng nguồn vốn ngoài nước, báo cáo tình hình phân bổ, giải ngân (chi tiết theo vốn viện trợ ODA, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài) để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, các đề xuất kiến nghị (nếu có).

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, đánh giá cụ thể tình hình triển khai đối với các huyện, xã, thôn mới được bổ sung theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07 tháng 03 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh và đổi tên danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020.

b) Cơ quan chủ chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì dự án thành phần; cơ quan quản lý chương trình mục tiêu chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chương trình tổng hợp các nguồn lực thực hiện chương trình (NSTW, NSĐP, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, nguồn vốn vay, nguồn vốn huy động khác) và việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2020.

c) Trên cơ sở ước thực hiện năm 2020, tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình huy động, bố trí kinh phí, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016- 2020, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và vướng mắc.

2. Đối với các chương trình, dự án khác sử dụng nguồn vốn ngoài nước:

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đánh giá tình hình phân bổ, giao dự toán, thực hiện dự toán chi năm 2020, việc điều chỉnh, bổ sung năm 2020 (nếu có); lũy kế việc thực hiện đến hết năm 2020 so với mục tiêu kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020 được giao (nếu có)/hoặc kế hoạch thực hiện giai đoạn 2016-2020 theo Hiệp định, Thỏa thuận đã ký kết (bao gồm cả dự án ô), chi tiết theo từng nguồn vốn (vốn viện trợ ODA, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài); cơ chế tài chính, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị (nếu có).

Điều 7. Đánh giá tình hình thực hiện tạo nguồn cải cách tiền lương năm 2020

Các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đánh giá việc thực hiện tạo nguồn cải cách tiền lương gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 88/2019/TT-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2019 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2020.

Điều 8. Đánh giá thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngoài các yêu cầu chung nêu trên, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đánh giá thêm một số nội dung sau:

1. Công tác huy động các nguồn lực tài chính ở địa phương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị (nếu có).

2. Địa phương báo cáo cụ thể việc thực hiện dự toán chi ĐTPT năm 2020 (bao gồm cả việc điều chỉnh, bổ sung trong năm theo quy định), chi tiết: nguồn cân đối NSĐP (chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết, chi đầu tư từ nguồn bội chi NSĐP (nếu có)); nguồn bổ sung có mục tiêu từ NSTW năm 2020 từ nguồn vốn trong nước, nguồn vốn ngoài nước (gồm cả nguồn vốn vay và vốn viện trợ không hoàn lại); lũy kế việc thực hiện giai đoạn 2016-2020 so với mục tiêu kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2016-2020; trong đó:

a) Việc bố trí dự toán, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, số kế hoạch còn lại của giai đoạn 2016-2020 (nếu có) và số phát sinh đến năm 2020 chưa được đưa vào kế hoạch trung hạn 2016- 2020 (nếu có); đề xuất việc xử lý.

b) Tình hình giao, thực hiện, giải ngân chi ĐTPT nguồn cân đối NSĐP năm 2020 và lũy kế 05 năm giai đoạn 2016-2020 so với kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao;

c) Đánh giá việc giao, thực hiện, giải ngân chi ĐTPT nguồn bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho địa phương năm 2020 và 05 năm giai đoạn 2016-2020 (chi tiết nguồn trong nước, nguồn ngoài nước (nguồn vốn vay, vốn viện trợ));

d) Bội chi NSĐP từng năm và bình quân 05 năm 2016 - 2020; tình hình đầu tư từ nguồn bội chi này;

đ) Số tăng thu, tiết kiệm chi của NSĐP và việc sử dụng giai đoạn 2016-2020.

3. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn:

a) Đánh giá tình hình thực hiện đối với từng chính sách, có báo cáo cụ thể đối tượng (trong đó chi tiết đối với hộ nghèo thu nhập, nghèo đa chiều đối với từng tiêu chí thiếu hụt dịch vụ cơ bản), nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách năm 2020 (có thuyết minh cơ sở xác định, cách tính).

b) Tình hình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, biện pháp trong phòng chống, dịch Covid-19 (Nghị quyết số 37/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Quyết định số 437/QĐ-TTg, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020) và hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, chống hạn, sạt lở, xâm nhập mặn, nước biển dâng, thiên tai...

c) Báo cáo cụ thể việc bố trí ngân sách (bao gồm cả số NSTW hỗ trợ có mục tiêu cho NSĐP - nếu có) và sử dụng dự phòng NSĐP thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; tình hình sử dụng dự phòng NSĐP, quỹ dự trữ tài chính (nếu có) đến ngày 30 tháng 6 năm 2020, số dự kiến sử dụng trong 6 tháng cuối năm 2020: chi tiết tình hình thực hiện hỗ trợ kinh phí phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai (mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn), dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid-19).

4. Đối với các địa phương được phép điều chỉnh, bổ sung tăng biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế theo quyết định của cấp có thẩm quyền, phải chủ động bố trí chi NSĐP để đảm bảo kinh phí chi trả cho số biên chế tăng thêm; đối với nhu cầu tiền lương tăng thêm do tăng lương cơ sở, sau khi các địa phương sử dụng các nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương nhưng vẫn không đảm bảo đủ nhu cầu, NSTW hỗ trợ theo quy định về cải cách tiền lương hiện hành.

5. Nguồn cải cách tiền lương năm 2020, số còn dư (nếu có) sau khi đã đảm bảo đủ nhu cầu thực hiện tiền lương trong năm 2020, sử dụng để chi trả thay phần NSTW hỗ trợ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành (giảm tương ứng phần NSTW phải hỗ trợ theo chế độ), chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo quy định; đối với bổ sung đầu tư các dự án phát triển theo quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội (nếu có).

6. Tình hình phân bổ, giao dự toán chi NSNN từ nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng của địa phương, thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

7. Tình hình thu, chi, quản lý, sử dụng số thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đầu tư các công trình phúc lợi xã hội quan trọng của địa phương, trong đó tập trung đầu tư cho các công trình thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, hạ tầng nông nghiệp nông thôn, chương trình xây dựng chống biến đổi khí hậu theo quy định trong năm 2020.

8. Do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên cân đối NSTW năm 2020 khó khăn, vì vậy, trường hợp dự kiến thu NSĐP giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao trong khi vẫn phải chi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, địa phương phải chủ động xây dựng phương án điều hành sử dụng các nguồn lực của mình theo quy định để đảm bảo cân đối NSĐP theo hướng dẫn của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ.

9. Tình hình thực hiện vay và trả nợ các khoản vay của NSĐP, gồm:

a) Số dư nợ đầu năm, số vay đến ngày 30 tháng 6 năm 2020, ước số vay cả năm, chi tiết theo mục đích vay (vay trả nợ gốc, vay bù đắp bội chi) và theo từng nguồn vốn (phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo từng nhà tài trợ và chương trình, dự án; vay tín dụng ĐTPT của Nhà nước; vay tồn ngân kho bạc nhà nước; vay khác).

b) Nghĩa vụ trả nợ chi tiết chi trả nợ gốc, chi trả lãi và phí theo từng nguồn vốn vay tại điểm a khoản 9 Điều này.

c) Tình hình thực hiện trả nợ (lãi, phí) đến ngày 30 tháng 6 và ước cả năm 2020, chi tiết theo từng nguồn vốn nêu tại điểm a khoản 9 Điều này; trong đó, đối với nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ chi tiết theo từng chương trình, dự án.

d) Tình hình trả nợ gốc các khoản vay 6 tháng và ước cả năm 2020, chi tiết theo từng nguồn (vay mới trả nợ cũ, từ nguồn bội thu, tăng thu, tiết kiệm chi); trong đó, đối với nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ chi tiết theo từng chương trình, dự án.

đ) Dư nợ cuối năm theo kế hoạch và ước thực hiện, chi tiết theo từng nguồn vốn nêu tại điểm a khoản 9 Điều này; trong đó, đối với nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ chi tiết theo từng chương trình, dự án.

10. Tình hình thực hiện các kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan Thanh tra.

Điều 9. Đánh giá kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách năm 2020

Các bộ, cơ quan trung ương và các cơ quan, đơn vị ở địa phương được giao quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phải lập báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch thu - chi và các nhiệm vụ năm 2020, các khó khăn, vướng mắc phát sinh và kiến nghị giải pháp xử lý. Trên cơ sở đó, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thuộc phạm vi quản lý; xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu, không phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ hoặc không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với NSNN để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định tại Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thông tư 71/2020/TT-BTC về hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2021-2023 do Bộ Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 71/2020/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/07/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 831 đến số 832
  • Ngày hiệu lực: 30/07/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH