Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 2 Thông tư 70/2022/TT-BTC quy định về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Mục 3. KIỂM TOÁN NỘI BỘ

Điều 14. Nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ

Nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ bao gồm:

1. Kiểm toán việc tuân thủ pháp luật, quy trình và quy chế nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.

2. Kiểm toán tính an toàn, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản và nguồn lực của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.

3. Kiểm toán tính chính xác, trung thực, hiệu quả của quy trình kiểm soát các thông tin tài chính và việc lập báo cáo tài chính.

4. Kiểm toán tính đầy đủ, chính xác, an toàn của hệ thống công nghệ thông tin và phần mềm nghiệp vụ.

5. Kiểm toán các nội dung khác theo yêu cầu của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài.

Điều 15. Nguyên tắc của kiểm toán nội bộ

1. Tính độc lập:

a) Tổ chức và hoạt động của bộ phận kiểm toán nội bộ phải độc lập với các bộ phận của tuyến bảo vệ thứ nhất và tuyến bảo vệ thứ hai;

b) Người làm công tác kiểm toán nội bộ không được đồng thời đảm nhận các công việc tại các bộ phận của tuyến bảo vệ thứ nhất và tuyến bảo vệ thứ hai;

c) Kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào trong quá trình xác định phạm vi và nội dung kiểm toán, khi thực hiện đánh giá và báo cáo kết quả kiểm toán.

2. Tính khách quan:

a) Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải bảo đảm tính khách quan, trung thực, công bằng, không định kiến;

b) Các ghi nhận trong báo cáo kiểm toán nội bộ phải được phân tích cẩn trọng và dựa trên cơ sở các dữ liệu, thông tin thu thập được;

c) Người làm công tác kiểm toán nội bộ không được thực hiện kiểm toán đối với quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình mà người này chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình đó;

d) Người làm công tác kiểm toán nội bộ không được tham gia kiểm toán các hoạt động, các bộ phận mà người này chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động hoặc quản lý bộ phận đó trong thời hạn 02 năm kể từ khi có quyết định không thực hiện hoạt động hoặc quản lý bộ phận đó;

đ) Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải kịp thời báo cáo cho Trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ các vấn đề có thể ảnh hưởng đến tính khách quan khi thực hiện hoạt động kiểm toán nội bộ. Trường hợp phát hiện người làm công tác kiểm toán nội bộ có thể không bảo đảm thực hiện nguyên tắc về tính khách quan trong hoạt động kiểm toán nội bộ, Trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ phải báo cáo cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài để có giải pháp phù hợp;

e) Kết quả thực hiện nhiệm vụ của Trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá.

3. Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm toán nội bộ trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

Điều 16. Quy chế, quy trình kiểm toán nội bộ

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải ban hành quy chế, quy trình kiểm toán nội bộ.

2. Quy chế kiểm toán nội bộ phải bao gồm các nội dung sau:

a) Mục tiêu, phạm vi hoạt động, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài và mi quan hệ với các bộ phận khác;

b) Các nguyên tắc cơ bản, yêu cầu về trình độ chuyên môn, việc bảo đảm chất lượng của kiểm toán nội bộ và các nội dung có liên quan khác.

3. Quy trình kiểm toán nội bộ hướng dẫn chi tiết các nội dung:

a) Phương thức đánh giá, phân loại mức độ rủi ro (thấp, trung bình, cao) làm căn cứ xây dựng kế hoạch kiểm toán nội bộ;

b) Phương thức lập kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm, cách thức thực hiện công việc kiểm toán, lập và gửi báo cáo kiểm toán, theo dõi thực hiện kiến nghị sau kiểm toán;

c) Cách thức lưu hồ sơ, tài liệu kiểm toán nội bộ.

Điều 17. Kế hoạch kiểm toán nội bộ

1. Bộ phận kiểm toán nội bộ xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm, bao gồm phạm vi kiểm toán, đối tượng kiểm toán, các mục tiêu kiểm toán, thời gian kiểm toán và việc phân bổ các nguồn lực.

2. Những bộ phận, nghiệp vụ có mức độ rủi ro cao theo đánh giá của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải được đưa vào kế hoạch kiểm toán hàng năm.

3. Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán nội bộ, bộ phận kiểm toán nội bộ phải dự phòng quỹ thời gian đủ để thực hiện các cuộc kiểm toán đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 18. Quyền hạn và trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ

1. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bộ phận kiểm toán nội bộ có các quyền sau đây:

a) Được cung cấp đầy đủ, kịp thời tất cả các thông tin, tài liệu, hồ sơ cần thiết cho công tác kiểm toán nội bộ;

b) Được tiếp cận, xem xét tất cả các quy trình nghiệp vụ, tài sản khi thực hiện kiểm toán nội bộ;

c) Được tiếp cận, phỏng vấn tất cả nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài về các vấn đề liên quan đến nội dung kiểm toán;

d) Được nhận tài liệu, văn bản, biên bản họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài có liên quan đến công việc của kiểm toán nội bộ.

2. Bộ phận kiểm toán nội bộ có các trách nhiệm sau:

a) Bảo mật tài liệu, thông tin theo đúng quy định pháp luật hiện hành, Điều lệ và quy chế nội bộ về kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài;

b) Báo cáo ngay cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài, Tổng giám đốc (Giám đốc) nếu trong quá trình kiểm toán phát hiện các sai phạm nghiêm trọng hoặc khi nhận thấy có nguy cơ rủi ro cao có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài;

c) Kịp thời lập, hoàn thành và gửi báo cáo kiểm toán cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài, Tổng giám đốc (Giám đốc) và bộ phận được kiểm toán sau khi kết thúc mỗi cuộc kiểm toán;

d) Giám sát, đánh giá và theo dõi các hoạt động sửa chữa, khắc phục, hoàn thiện đối với các vấn đề mà kiểm toán nội bộ đã ghi nhận và có khuyến nghị;

đ) Thông báo cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài trong trường hợp các tồn tại nêu trong báo cáo kiểm toán không được sửa chữa và khắc phục kịp thời;

e) Thực hiện lưu trữ hồ sơ, tài liệu kiểm toán nội bộ dưới dạng văn bản, theo trình tự để các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền khai thác.

Điều 19. Trách nhiệm của các bộ phận được kiểm toán

1. Cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của bộ phận kiểm toán nội bộ để thực hiện hoạt động kiểm toán.

2. Thông báo ngay cho bộ phận kiểm toán nội bộ khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.

3. Thực hiện kịp thời kiến nghị tại báo cáo kiểm toán nội bộ và chỉ đạo của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài, Tổng Giám đốc (Giám đốc) (nếu có).

Điều 20. Báo cáo kiểm toán nội bộ

1. Bộ phận kiểm toán nội bộ phải trình báo cáo kiểm toán nội bộ cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài trong thời hạn tối đa không quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc mỗi cuộc kiểm toán.

2. Báo cáo kiểm toán nội bộ phải trình bày rõ:

a) Nội dung kiểm toán, phạm vi kiểm toán;

b) Những đánh giá, kết luận về nội dung đã được kiểm toán và cơ sở đưa ra các ý kiến này;

c) Tồn tại, vi phạm, các ý kiến giải trình của đối tượng kiểm toán;

d) Kiến nghị các biện pháp sửa chữa, khắc phục sai sót và xử lý vi phạm; các biện pháp nhằm cải tiến quy trình nghiệp vụ, hoàn thiện chính sách quản lý rủi ro, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài (nếu có).

Thông tư 70/2022/TT-BTC quy định về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 70/2022/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/11/2022
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Cao Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 945 đến số 946
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH