Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-1974/TT

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 1974

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC MỞ HAI CÔNG VỤ ĐẶC BIỆT MỚI VỀ BƯU PHẨM PHÁT RIÊNG, PHÁT TẬN TAY VÀ VIỆC MIỄN CƯỚC PHỤ VỀ CÔNG VỤ ĐẶC BIỆT

Thi hành điều 14 chương III và đoạn cuối điều 21 chương IV của Điều lệ gửi, nhận và chuyển, phát bưu phẩm, ban hành kèm theo Nghị định số 91-CP ngày 02-05-1973 của Hội đồng Chính phủ, Tổng cục quy định như sau.

A. Công cụ đặc biệt phát riêng.

1. Bưu phẩm phát riêng là bưu phẩm mà người gửi có yêu cầu cơ sở bưu điện đến cho công nhân viên riêng mang đi phát tận nơi ở trong khu vực phát của cơ sở, ngay sau khi đến.

2. Ngoài cước chính, mỗi bưu phẩm phát riêng còn phải chịu cước phụ về công vụ đặc biệt phát riêng quy định đồng loạt là một đồng bạc (1đ) thể hiện bằng tem dán trên bưu phẩm, không kể bưu phẩm thuộc loại nào và nặng bao nhiêu (cho đến mức khối lượng tối đa được quy định cho từng loại tại điều 1 của quyết định số 742-QĐ ngày 01-12-1973).

3. Trên phong bì hoặc gói bọc của bưu phẩm phát riêng, gần bên chỗ ghi tên cơ sở bưu điện đến, phải dán một miếng nhãn màu đỏ nhạt có in Phát riêng hoặc Expres. Nếu không có nhãn in, thì phải viết thật rõ ràng, bằng chữ cái viết hoa và bằng mực đỏ hay bút chì đỏ, chú dẫn Phát riêng hoặc Expres.

4. Những bưu phẩm phát riêng là bưu phẩm thường lấy ở bộ phận giao dịch, ở các hộp thư hoặc ở các chuyến thư đến để chuyển tiếp, được buộc thành những bó riêng có dán nhãn Phát riêng hoặc Expres. Bó này được buộc vào lá báo BV.21 của chuyến thư; nếu bó cồng kềnh không buộc được vào lá báo thì bó bưu phẩm Phát riêng hoặc Expres.

5. Trên lá báo BV.21, ở chỗ trống phía trên cũng phải dán nhãn đỏ hay viết bằng chữ đỏ Phát riêng hoặc Expres.

6. Những bưu phẩm phát riêng, nếu là bưu phẩm ghi số thì được ghi chung với các bưu phẩm ghi số khác vào phiếu chuyển BĐ-27; cuối dòng tương ứng phải ghi chú Phát riêng hoặc Expres; phía trên phiếu BĐ-27 phải dán nhãn đỏ hay viết bằng chữ đỏ Phát riêng hoặc Expres.

7. Ở cơ sở bưu điện đến, sau khi mở chuyến thư có bưu phẩm phát riêng nếu gặp ngay chuyến đi phát thường lệ như đã quy định tại mục III của Thông tư bưu chính số 1-1974 ngày 02-01-1794, thì bưu phẩm phát riêng được giao luôn cho bưu tá phụ trách chuyến đi phát thường lệ, bưu tá này phải tranh thủ phát bưu phẩm phát riêng trước những bưu phẩm khác. Nếu không gặp phát riêng phải được giao cho công nhân viên riêng mang đi phát như quy định chung ở điểm 1 trên.

8. Việc phát riêng tạm thời chỉ được thực hiện trong phạm vi khu vực phát bưu phẩm như quy định tại điểm a mục III của Thông tư bưu chính số 1-1974 theo những thể thức quy định cho từng đối tượng nói ở điều 27 và điều 47 của Điều lệ gửi, nhận và chuyển, phát bưu phẩm.

9. Những bưu phẩm không dán đủ cước chính và cước phụ về công vụ phát riêng thì chỉ được phát theo phương tiện thường lệ.

10. Thể thức phát riêng chỉ được áp dụng cho lần phát đầu tiên. Nếu lần phát này không có kết quả thì bưu phẩm được phát theo phương tiện thường lệ.

Trong những trường hợp phải chuyển tiếp bưu phẩm phát riêng đến địa chỉ mới của người nhận hoặc phải chuyển trả lại người gửi bưu phẩm không phát được thì bưu điện phải gạch bỏ nhãn đỏ hay ghi chú Phát riêng, Expres bằng hai gạch chéo đậm nét.

11. Người nhận có thể yêu cầu cơ sở bưu điện phát khi nhận được bưu phẩm để địa chỉ của mình, có ghi số hay không ghi số đều cho đi phát theo lối phát riêng. Trong trường hợp này, cước phát riêng sẽ được thu ngay lúc phát bưu phẩm và được thể hiện bằng tem thư do cơ sở đến dán trên bưu phẩm và hủy bằng nhật ấn.

B. Công cụ đặc biệt phát tận tay.

1. Bưu phẩm phát tận tay là bưu phẩm ghi số mà người gửi có yêu cầu cơ sở bưu điện đến đem phát đúng cho người nhận có họ tên ghi ở địa chỉ bưu phẩm.

Công vụ phát tận tay không áp dụng cho bưu phẩm gửi cho tổ chức, cơ quan.

2. Ngoài cước chính và cước ghi số, mỗi bưu phẩm phát tận tay còn phải chịu cước phụ về công vụ đặc biệt phát tận tay quy định đồng lọat là hai hào (0,20đ) thể hiện bằng tem dán trên bưu phẩm, không kể bưu phẩm thuộc loại nào và nặng bao nhiêu (cho đến mức khối lượng tối đa đã được quy định cho từng loại tại điều 1 của quyết định số 742-QĐ ngày 01-12-1973 của Tổng cục).

3. Trên phong bì hoặc gói bọc của bưu phẩm phát tận tay, ở mặt trước, ngay phía dưới lá nhãn về ghi số (có chữ BĐ hoặc R và số hiệu ghi số), cơ sở bưu điện gửi phải viết thật rõ ràng bằng mực đỏ hay bút chì đỏ, chú dẫn Phát tận tay hoặc Main propre.

4. Bưu phẩm phát tận tay được ghi chung với các bưu phẩm ghi số khác vào phiếu chuyển BĐ.27: cuối dòng tương ứng phải ghi chú Phát tận tay hoặc Main propre.

5. Việc phát tận tay cũng được thực hiện như đã quy định tại điểm a điều 47 của Điều lệ gửi, nhận và chuyển, phát bưu phẩm.

6.Những bưu phẩm phát tận tay đưa đi phát tại địa chỉ người nhận hai lần mà không giao được tận tay người có họ tên ghi trên bưu phẩm thì từ lần thứ ba có thể phát cho người được ủy quyền hợp lệ lĩnh thay.

Những bưu phẩm không dán đủ cước chính và cước phụ về ghi số, về phát tận tay, thì không được hưởng thể thức phát tận tay như nói trên.

C. Miễn cước phụ về công vụ đặc biệt ghi số.

Những bưu phẩm trong nước sau đây được miễn cước chính và cả cước phụ về ghi số (nếu có):

- Bưu phẩm gửi Chủ tịch nước Việt-nam dân chủ cộng hòa, Thủ tướng Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hòa, Bộ Chính trị trung ương Đảng lao động Việt-nam;

- Bưu phẩm đựng di vật tử sĩ, quà biếu cho gia đình liệt sĩ do các cơ quan gửi;

- Học phẩm cho người mù.

Công vụ đặc biệt phát riêng, phát tận tay là hai công vụ mới. Trung tâm bưu điện Hà-nội, Sở bưu điện Hải phòng và các Ty bưu điện tỉnh cần hướng dẫn sâu rộng đến các cơ sở bưu điện để thi hành đầy đủ và thống nhất kể từ ngày 01 tháng 12 năm 1974.

Thông tư này phải được niêm yết tại nơi giao dịch của tất cả các cơ sở bưu điện.

K.T. TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
TỔNG CỤC PHÓ




Nguyễn Văn Đạt

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 7-1974/TT quy định việc mở hai công vụ đặc biệt mới về bưu phẩm phát riêng, phát tận tay và việc miễn cước phụ về công vụ đặc biệt do Tổng cục Bưu diện ban hành

  • Số hiệu: 7-1974/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/10/1974
  • Nơi ban hành: Tổng cục Bưu điện
  • Người ký: Nguyễn Văn Đạt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 01/12/1974
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản