Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP-BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 683/HCTP

Hà Nội, ngày 09 tháng 04 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TRANG BỊ PHÒNG NGỪA VÀ PHỤ CẤP CHO CÁN BỘ KHÁM TỬ THI

LIÊN BỘ TƯ PHÁP – TÀI CHÍNH

Kính gửi:

-Các Tòa án nhân dân khu, thành phố và tỉnh
-các Sở Tài chính khu, thành phố và Ty Tài chính

Tiếp theo Thông tư số 2795-HCTP ngày 12/12/1956 của Liên Bộ Tư pháp – Y tế quy định tổ chức và thủ tục giám định pháp y này sau khi lấy ý kiến của Bộ Công an và Bộ Y tế. Liên bộ quy định sau đây việc trang bị phòng ngừa nhiễm độc nhiễm trùng và phụ cấp cho cán bộ có trách nhiệm khám tử thi.

1) Trang bị phòng ngừa.

Các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố, các Ty Công an tỉnh và Sở Công an thành phố được dự trù và sắm cho đơn vị mình một bộ gồm áo choàng, mũ và khẩu trao vải trắng, khi cần thiết có thể mua rượu cồn 900 xà phòng và thuốc phòng nhiễm trùng, độc dùng khi khám tử thi. Đối với Ty Y tế tỉnh và sở Y tế thành phố, nếu nơi nào chưa sắm áo choàng và găng tay cao su dùng khi mổ xẻ thì có thể sắm một bộ.

Các khoản chi tiêu trên sẽ do dự toán mỗi ngành đài thọ.

2) Phụ cấp.

A. - Khám tử thi.

Tử thi người chết còn trong 48 giờ:

Y sĩ, Bác sĩ, mỗi lần

1.000đ

Tử thi người chết đã qúa 48 giờ hay khai quật:

Y sĩ, Bác sĩ, mỗi lần

1.500đ

Cán bộ công an phụ trách căn cước lấy dấu vết hình dạng, vết thương của tử thi mỗi lần

800đ

B. - Khám có mổ tử thi.

Tử thi người chết còn trong 48 giờ:

Y sĩ, Bác sĩ, mỗi lần

Y tá hay hộ lý giúp việc

2.000đ

500đ

Tử thi người chết đã quá 48 giờ hay khai quật:

Y sĩ, Bác sĩ, mỗi lần

Y tá hay hộ lý giúp việc

4000đ

1.000đ

3) Nếu cần có người giúp việc khai quật, khuân vác chôn cất lại tử thi sau khi khám nghiệm thì theo thời giá của địa phương và tính chất công việc mà thương lượng thỏa thuận với người giúp việc mà trả tiền công hợp lý vừa phải.

Phụ cấp cho cán bộ và phí tổn nhân công nói trên sẽ do tòa án nhân dân địa phương dự chi và thanh toán vào khoản nghiệp vụ phí của ngành Tư pháp. Khoản quy định về phụ cấp được áp dụng bắt đầu từ ngày ký Thông tư này. Đối với các y sĩ, bác sĩ đã khám tử thi trước ngày này, nhưng chưa được lĩnh phụ cấp theo quy định của Thông tư số 1089-BYTTT ngày 18/12/1956 của Bộ Y tế đình chỉ thi hành tháng 6/1957 thì được truy lĩnh phụ cấp khám tử thi theo quy định mới của Thông tư này.

Như trên đã quy định, trong công tác khám nghiệm tử thi thì người chết khả nghi, vấn đề chủ yếu là bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người cùng tiếp xúc với tử thi bằng cách trang bị phòng nhiễm độc, trùng. Còn về phụ cấp thì chỉ giải quyết cho những cán bộ, nhân viên trực tiếp sờ mó vào xác chết tương đối lâu. Do đó chỉ giải quyết phụ cấp cho các bác sĩ, y sĩ giám định viên, y tá hay hộ lý giúp việc mổ xẻ và cán bộ công an phụ trác căn cước. Tính chất phụ cấp là thù lao cho một công tác có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng đối với bác sĩ và y sĩ giám định viên thì trong mức phụ cấp có tính đến công sức nghiên cứu xét nghiệm khoa học của các vị này.

K. T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính

BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP




Vũ Đình Hòe

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 683/HCTP năm 1958 về việc trang bị phòng ngừa và phụ cấp cho cán bộ khám tử thi do Bộ Tư pháp- Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 683/HCTP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/04/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp
  • Người ký: Trịnh Văn Bính, Vũ Đình Hoè
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 24/04/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản