Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 68/2004/TT-BTC

Hà Nội, ngày 08 tháng 07 năm 2004

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, THANH TOÁN VÀ CẤP PHÁT KINH PHÍ CHO HỌC VIÊN VIỆT NAM ĐÀO TẠO TẠI LIÊN BANG NGA TỪ NGUỒN CHUYỂN ĐỔI “NỢ THÀNH VIỆN TRỢ” THEO HIỆP ĐỊNH XỬ LÝ NỢ NGÀY 13 THÁNG 09 NĂM 2000

Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về xử lý nợ của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên bang Nga đối với các khoản tín dụng đã cung cấp trước đây (Hiệp định xử lý nợ) ngày 13/09/2000 và Thỏa thuận bổ sung Hiệp định ký ngày 13/09/2000;
Căn cứ Thoả thuận quy trình thanh toán và kế toán giữa ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên Xô (Vnesheconombank) ký ngày 12/01/2001, Phụ lục số 1 của thỏa thuận ký ngày 10/04/2003;
Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Việt Nam về đào tạo công dân Việt Nam tại các trường và cơ sở đào tạo đại học của Liên bang Nga ký ngày 09/7/2002;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, thanh toán và cấp phát kinh phí cho học viên Việt Nam đào tạo tại Liên bang Nga từ nguồn chuyển đổi “Nợ thành Viện trợ” theo Hiệp định xử lý nợ ngày 13/09/2000 như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng đào tạo:

Các đối tượng được đào tạo tại Liên bang Nga bằng nguòn chuyển đổi “nợ thành Viện trợ” theo Hiệp định xử lý nợ ngày 13/9/2000 được quy định tại Hiệp định ngày 09/7/2002 giữa hai Chính phủ Liên bang Nga về đào tạo công dân Việt Nam tại các trường và cơ sở đào tạo đại học của Liên bang Nga, cụ thể gồm các công dân Việt Nam được đào tạo theo bậc đại học, sau đại học, thực tập sinh các ngành nghề (dưới đây gọi tắt là học viên Việt Nam) do Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam thỏa thuận với Bộ Giáo dục Liên bang Nga.

Học viên Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn và cử đi học theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Các khoản chi từ nguồn tiền chuyển đổi “Nợ thành Viện trợ”:

2.1. Đào tạo tiếng Nga tại Việt Nam trước khi sang Liên bang Nga cho các học viên Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tuyển chọn và cử đi học tại Liên bang Nga.

2.2. Đào tạo tiếng Nga tại Liên Bang Nga cho các học viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn và cử đi học tại Liên ban Nga.

2.3. Tiền vé máy bay cho học viên Việt Nam từ Việt Nam sang Liên bang Nga và ngược lại.

2.4. Chi phí đón và tiễn học viên Việt Nam từ sân bay quốc tế tại Liên bang Nga đến nơi học và ngược lại.

2.5. Chi bảo hiểm y tế cho học viên Việt Nam trong quá trình học tập tại Liên bang Nga (trừ bảo hiểm y tế đối với các bệnh mãn tính và làm răng giả).

2.6. Học phí toàn bộ khóa học tại trường và cơ sở đào tạo đại học của Liên bang Nga.

2.7. Tiền sinh hoạt phí cho học viên Việt Nam trong quá trình học tập tại Liên bang Nga.

2.8. Các chi phí khác trong trường hợp bất khả kháng xảy ra trên lãnh thổ Liên bang Nga đối với học viên Việt Nam như gửi về nước những trường hợp học viên có sự chỉ định về y tế, bị bệnh hoặc tử vong.

II. CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. CÁC KHOẢN THANH TOÁN CHO CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO CỦA LIÊN BANG NGA

1. Nội dung thanh toán:

Các chi phí cho việc đào tạo các công dân Việt Nam được phía Việt Nam thanh toán cho các cơ sở đào tạo tại Liên bang Nga theo Hợp đồng được ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam gồm:

- Tiền vé máy bay đi và về của học viên Việt Nam được sử đi đào tạo tại Liên bang Nga.

- Học phí đào tạo, chi đón và tiễn học viên Việt Nam tại Liên bang Nga được thanh toán cho cơ sở đào tạo của Liên bang Nga theo mức ghi trong đồng đào tạo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký với cơ sở đào tạo của Liêng bang Nga.

- Bảo hiểm y tế cho học viên Việt Nam thanh toán cho cơ sở đào tạo của Liên bang Nga theo Hợp đồng ký kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với các cơ sở đào tạo của Nga. Mức bảo hiểm y tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với các cơ sở đào tạo Liên bang Nga.

- Sinh hoạt phí được cấp cho học viên Việt Nam tại Liên bang Nga: gồm tiền ăn, ở, chi phí đi lại, tiền tài liệu và đồ dùng học tập theo mức quy định chung cho lưu học sinh Việt Nam trong thời gian học tập tại Liên bang Nga tại Thông tư liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Ngoại giao số 88/2001/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 06/11/2001. Mức sinh hoạt phí được cấp thông qua các cơ sở đào tạo của Liên bang Nga cho học viên Việt Nam từ nguồn chuyển đổi “Nợ thành Viện trợ” áp dụng theo mức quy định của Chính phủ Việt Namđối với các sinh viên Việt Nam được đào tạo tại Liên bang Nga theo các chương trình đào tạo khác do Ngân sách Nhà nước đài thọ.

Các chi phí nêu trên được cấp định kỳ (một năm 1 lần) theo quy định của Hợp đồng đào tạo ký giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và các cơ sở đào tạo của Liên bang Nga.

2. Trình tự thanh toán:

a) Tiền vé máy bay:

Trên cơ sở số lượng học viên Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi đào tạo tại Liên bang Nga theo các Hợp đồng đã ký giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với các cơ sở đào tạo tại Nga, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt vé với Hãng hàng không Nga (hiện là hãng AEROFLOT) để học viên Việt Nam sang Nga hoặc ngược lại. Khi có báo giá của hãng hàng không Nga và công văn đề nghị tạm ứng tiền vé máy bay của Bộ Giáo dục và Đào tạo kèm Quyết định cử học viên đi học ở Nga, Bộ Tài chính sẽ ứng tiền từ tài khoản viện trợ cho đào tạo để chuyển cho Hãng hàng không Nga và gửi bản sao Lệnh chuyển tiền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau khi có học viên Việt Nam sang Nga hoặc về nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chuyển bản sao các chứng từ đi lại có xác nhận của Bộ cho Vnesheconombank. Vnesheconombank kiểm tra tính hợp lệ của chứng từ đi lại phù hợp với các Hợp đồng đào tạo đã ký giữa các trường đại học Nga và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và chỉ địnhVnesheconombank thanh toán. Khi nhận được chỉ định của Vnesheconombank, Vietcombank ghi nợ tài khoản Viện trợ cho Đào tạo của Liên bang Nga đồng thời gửi thông báo cho Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở nhận được thông báo của Vietcombank về việc ghi Nợ Tài khoản “Viện trợ cho đào tạo”, Bộ Tài chính sẽ thanh toán khoản tiền đã ứng mua vé trước đó.

Trường hợp số lượng học viên thực tế Việt Nam sang học tại Nga thấp hơn số lượng học viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt vé với Hãng hàng không Nga thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có trách nhiệm làm việc với Hãng hàng không Nga để hoàn lại số tiền vé máy bay này cho Bộ Tài chính vào Tài khoản Viện trợ cho đào tạo.

b) Chi phí đào tạo, đón và tiễn sinh viên Việt Nam, các dịch vụ, bảo hiểm y tế và sinh hoạt phí:

- Trên cơ sở Hóa đơn về chi phí đào tạo, chi phí đón và tiễn học viên Việt Nam tại Liên bang Nga và các dịch vụ phải trả trong chương trình đào tạo, bảo hiểm y tế và sinh hoạt phí do các trường đại học của Nga gửi, Vnesheconombank sẽ gửi bản gốc hóa đơn cho Vietcombank để Vietcombank ghi Nợ Tài khoản Viện trợ đào tạo.

- Sau khi nhận được Thông báo gửi Vnesheconombank, Vietcombank gửi Công văn kèm Thông báo nói trên và bản gốc các chứng từ, hóa đơn do cơ sở đào tạo Nga phát hành cùng danh sách các học viên Việt Nam cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ tài chính.

- Khi nhận được các chứng từ trên do Vietcombank gửi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận bằng văn bản về số tiền trên Thông báo của Vnesheconombank và trên hoá đơn của sở đào tạo Nga là đúng với Hợp đồng đào tạo đã ký giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các cơ sở đào tạo của Liên bang Nga bang Nga gửi Bộ tài chính và Vietcombank.

- Trên cơ sở văn bản xác nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo nói trên, Bộ Tài chính phát hành lệnh chi tiền yêu cầu Vietcombank trích chuyển tiền từ Tài khoản viện trợ cho đào tạo thanh toán cho các cơ sở đào tạo tại Nga theo đúng chỉ định của Vnesheconombank và ghi Nợ Tài khoản Viện trợ đào tạo của Liên bang Nga tại Vietcombank.

Trong trường hợp số lượng học viên thực tế sang Nga thấp hơn số lượng học viên đã ký hợp đồng đào tạo thì Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào văn bản xác nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo để cấp tiền thanh toán cho số học viên này. Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam có trách nhiệm ký thoả thuận sửa đổi với cơ sở đào tạo của Nga để điều chỉnh số lượng học viên trong Hợp đồng đúng với số học viên thực tế sang Nga học và gửi bản sao sửa đổi Hợp đồng đào tạo cho Bộ tài chính và Vietcombank để phối hợp thực hiện.

- Sau khi chuyển tiền cho Vnesheconombank để thanh toán cho các cơ sở đào tạo của Liên bang Nga, Vietcombank gửi bản sao Điện chuyển tiền cho Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đối với chi phí khác bao gồm chi cho trường hợp bất khả kháng xảy ra trên lãnh thổ Liên bang Nga đối với học viên Việt Nam như gửi về nước những trường hợp học viên có sự chỉ định về y tế, bị bệnh hoặc tử vong… sẽ được thanh toán từ tiền “Viện trợ cho đào tạo” tùy theo từng trường hợp và chứng từ cụ thể.

B. CÁC KHOẢN THANH TOÁN TRONG NƯỚC

Các thủ tục thanh toán đối với các chi phí định đào tạo tiếng Nga trong nước sẽ được quy định bổ sung sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo hai nước và hai ngân hàng Vnesheconombank và Vietcombank thỏa thuận cụ thể các quy định về phần đào tạo tại Việt Nam.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN

1. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Hàng năm, trước khi ký hợp đồng đào tạo với các trường của Nga, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi cho Bộ Tài chính dự kiến tên các trường, số lượng sinh viên, kế hoạch kinh phí đào tạo chi trong năm đó, bao gồm cả số chi cho các học viên đã cử đi các năm trước và năm đó, để Bộ tài chính chuẩn bị nguồn tiền thanh toán và thông báo cho Bộ tài chính Liên bang Nga.

- Ký hợp đồng đào tạo với các cơ sở đào tạo của Liên bang Nga.

- Tuyển chọn và ra Quyết định cử các học viên sang học tại Liên bang Nga.

- Gửi cho Bộ tài chính và Vietcombank bản chính các Quyết định cử các học viên Việt Nam sang đào tạo tại Liên bang Nga, bản sao có dấu “Sao y bản chính” các hợp đồng đào tạo ký với Bộ Giáo dục Liên bang Nga và với các cơ sở đào tạo của Liên bang Nga.

- Xác nhận và gửi bản sao các chứng từ đi lại của các học viên Việt Nam cho Vnesheconombank kiểm tra và thanh toán lại cho phía Việt Nam.

- Xác nhận bộ chứng từ đòi tiền mà Vnesheconombank gửi qua Vietcombank để Bộ tài chính thanh toán chi phí đào tạo cho Liên bang Nga.

- Trước khi cấp thanh toán cho năm học mới, Ban quản lý lưu học sinh tại Liên bang Nga - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm đối chiếu, kiểm tra số tiền đã thanh toán qua Vnesheconombank cho các cơ sở đào tạo của Nga với số tiền các cơ sở đào tạo của Liên bang Nga đã nhận, đồng thời tổng hợp báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng số tiền này và chịu trách nhiệm quyết toán số tiền đã cấp với Bộ Tài chính.

- Định kỳ hàng quý Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Vietcom bank đối chiếu số tiền cấp ra từTài khoản Viện trợ cho đào tạo với số tiền các cơ sở đào tạo của Liên bang Nga đã nhận và số tiền lương ứng đã trừ nợ với Liên bang Nga và báo cáo cho Bộ Tài chính.

- Quy định về việc quản lý học viên Việt Nam đào tạo tại Nga trong khuôn khổ Đề án sử dụng tiền từ nguồn chuyển đổi Nợ thành viện trợ đào tạo.

- Định kỳ hàng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Hiệp định đào tạo công dân Việt Nam tại các trường và các cơ sở đào tạo đại học của Liên bang Nga ký ngày 09/7/2002.

2. Trách nhiệm của Vietcombank:

- Gửi thông báo Vnesheconombank cùng hóa đơn của các trường đào tạo của Nga cho Bộ giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính.

- Trích và chuyển tiền theo Lệnh chi tiền của Bộ Tài chính từ khoản “Viện trợ cho đào tạo” để thanh toán cho các cơ quan đào tạo của Nga trong 2 ngày làm việc.

- Ghi nợ Tài khoản “Viện trợ cho đào tạo” của Liên bang Nga tại Vietcombank và gửi Điện báo thanh toán cho Vnesheconombank.

- Gửi sao kê hàng tháng cho Vnesheconombank và đối chiếu số liệu đã thanh toán cũng như số dư trên tài khoản “Viện trợ cho đào tạo” với Vnesheconombank theo quy định tại thỏa ước Ngân hàng ký ngày 12/01/2001 giữa hai ngân hàng, đồng thời gửi Bộ Tài chính 01 liên các sao kê này.

3. Trách nhiệm của Bộ Tài chính:

- Hàng năm, thông báo cho Bộ tài chính Liên bang Nga tổng số tiền dự kiến thanh toán cho các cơ sở đào tạo của Nga từ Tài khoản “Viện trợ chođào tạo” trên cơ sở báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự kiến kinh phí đào tạo cho năm học đó. Thống nhất với Bộ Tài chính Liên bang Nga về lịch đào tạo học viên Việt Nam theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Làm thủ tục thanh toán chi phí đào tạo, đón tiễn học viên Việt Nam tại Liên bang Nga bang Nga, các dịch vụ, bảo hiểm y tế và sinh hoạt phí từ Tài khoản “Viện trợ cho đào tạo” cho các cơ sở đào tạo của Nga trên cơ sở xác nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bộ chứng từ đòi tiền Vnesheconombank gửi thông qua Vietcombank.

- Tiến hành kiểm tra, đối chiếu việc quyết toán của Bộ giáo dục và Đào tạo đối với khoản tiền đã cấp và sử dụng cho việc đào tạo học viên Việt Nam tại Nga từ khoản “Viện trợ cho đào tạo” của Liên bang Nga.

- Đối chiếu với Vietcombank về số tiền đã thanh toán với số tiền đã ghi Nợ Tài khoản viện trợ của Liên bang Nga hàng năm.

- Định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cấp phát và thanh toán cho học viên Việt Nam tại Liên bang Nga từ nguồn chuyển đổi “Nợ thành Viện trợ” theo Hiệp định xử lý nợ ký ngày 13/9/2000.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có gì vướng mắc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp ý kiến, phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để cùng giải quyết kịp thời./.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Lê Thị Băng Tâm

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 68/2004/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thanh toán và cấp phát kinh phí cho học viên Việt Nam đào tạo tại Liên bang Nga từ nguồn chuyển đổi Nợ thành Viện trợ theo Hiệp định xử lý nợ ngày 13/09/2000 do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 68/2004/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/07/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Lê Thị Băng Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 31 đến số 32
  • Ngày hiệu lực: 03/08/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản