Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 65/BC

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 1995

THÔNG TƯ

CỦA BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN SỐ 65/BC NGÀY 6 THÁNG 10 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH 133/HĐBT VỀ HỌP BÁO

Căn cứ Nghị định 81/CP ngày 8/11/1993, của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Văn hoá - Thông tin;
Căn cứ Điều 9 Nghị định 133/HĐBT, ngày 20 tháng 4 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hoạt động báo chí của Bộ Văn hoá - Thông tin;
Được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn chi tiết thi hành Điều 18 Nghị định 133/HĐBT ngày 20 tháng 4 năm 1992 về họp báo như sau:

1- Họp báo được hiểu là:

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân mời đại diện, phóng viên cơ quan báo chí họp để công bố, giải thích, tuyên bố một vấn đề thuộc thẩm quyền, có liên quan lợi ích của mình.

2- Các cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và các cơ quan tổ chức, cá nhân người nước ngoài họp báo đều có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

3- Các cơ quan, tổ chức, công dân có nhu cầu họp báo phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động báo chí ít nhất trước 12 giờ. Nội dung thông báo gồm: Mục đích, nội dung, chương trình, thành phần mời, thời gian, địa điểm, người chủ trì.

Cuộc họp báo chỉ được tổ chức sau khi có sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước.

Nếu sau 6 giờ, kể từ khi nhận được Thông báo, cơ quan quản lý không có văn bản trả lời xem như đã thoả thuận.

4- Các cơ quan, tổ chức cấp Trung ương có nhu cầu họp báo phải thông báo bằng văn bản cho các cơ quan:

- Ở khu vực Hà nội, thông báo bằng văn bản cho Bộ Văn hoá - Thông tin (Vụ Báo chí).

- Ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh thông báo bằng văn bản cho Văn phòng Đại diện Vụ Báo chí Bộ Văn hoá - Thông tin tại TP Hồ Chí Minh.

- Các cơ quan, tổ chức Trung ương có nhu cầu tổ chức họp báo ở các tỉnh, thành phố khác phải thông báo cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở Văn hoá - Thông tin) nơi định tổ chức họp báo.

5- Cơ quan, tổ chức từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở xuống, công dân có nhu cầu họp báo phải thông báo bằng văn bản cho UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương (Sở Văn hoá - Thông tin) nơi định tổ chức họp báo.

6- Các cơ quan đại diện, tổ chức quốc tế, các tổ chức kinh doanh, hợp tác cá nhân người nước ngoài có nhu cầu họp báo ở khu vực đại phương nào phải thông báo bằng văn bản cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại phương đó (Sở Văn hoá - Thông tin).

7- Các cơ quan đại diện ngoại giao, các đoàn khách thăm chính thức Việt Nam có nhu cầu họp báo thực hiện theo quy chế của Bộ VHTT và Bộ Ngoại giao.

8- Bộ VHTT,UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền không chấp nhận hoặc đình chỉ cuộc họp báo nếu thấy có dấu hiệu vi phạm Luật báo chí, các quy định của Nghị định 133/HĐBT ngày 20 tháng 4 năm 1992 và Thông tư này.

9- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có vi phạm các quy định về họp báo sẽ bị xử phạt hành chình hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

10- Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Trần Hoàn

(Đã ký)

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 65/BC năm 1995 hướng dẫn Nghị định 133/HĐBT về họp báo do Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành

  • Số hiệu: 65/BC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/10/1995
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá-Thông tin
  • Người ký: Trần Hoàn, Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/10/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản