Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 61-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 1963

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI THỂ LỆ BÁO BÃO

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Quy chế báo bão ban hành trong Thông tư số 64-TTg ngày 11 tháng 6 năm 1962 quy định thể lệ về việc báo bão, cách thức báo tin bão và nhiệm vụ của các ngành, các Ủy ban hành chính các cấp đã có tác dụng tốt trong việc tổ chức dự báo bão và truyền tin bão, nhưng cần cải tiến thêm để làm cho việc dự báo và truyền tin bão phát huy được nhiều tác dụng hơn nữa giúp cho việc chỉ đạo phòng chống có nhiều kết quả. Thủ tướng Chính phủ thấy cần sửa đổi và bổ sung một số quy định trong quy chế báo bão như sau:

CHẾ ĐỘ DỰ BÁO BÃO

1. Về mục A “Phân biệt các loại bão”.

Nay xóa bỏ các điểm 1, 2, 3 và sửa lại như sau:

Căn cứ vào sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm bão để phân biệt:

1. Bão: sức gió ở gần trung tâm mạnh từ cấp 6 đến cấp 9 (từ 40 đến 90 cây số một giờ) có thể làm đổ nhà cửa, đắm thuyền bè.

2. Bão to: sức gió ở gần trung tâm rất mạnh từ cấp 10 trở lên (trên 90 cây số một giờ) có sức phá hoại rất lớn.

2. Về mục B “phân biệt các loại tin bão”.

Nay xóa bỏ điểm 3 và điểm 6 và sửa lại như sau:

Điểm 3 “tin bão khẩn cấp”, khi vùng gió bão từ cấp 6 trở lên còn cách xa bờ biển miền Bắc Việt Nam dưới 500 cây số thì phát tin bão khẩn cấp chung cho tất cả các tỉnh miền Bắc.

Điểm 6 tin bão cho miền Nam, khi có bão đe dọa miền Nam không ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc, thì phát “tin bão cho miền Nam”. Trong trường hợp bão đổ bộ vào miền Nam, mà có ảnh hưởng hoặc ít hoặc nhiều đến miền Bắc, thì phát “tin bão gần” hoặc “tin bão khẩn cấp” cho cả hai miền.

3. Về mục C “nội dung bản tin bão”.

Nay xóa bỏ toàn bộ và sửa lại như sau:

Trong mỗi bản tin bão phải ghi rõ:

- Loại tin bão.

- Giờ, ngày, tháng.

- Vị trí trung tâm của cơn bão ở ngoài bể thì ghi bằng kinh độ, vĩ độ (với số lẻ 1/10 độ) và khoảng cách từ tâm bão đến bờ biển nước ta bằng cây số, ở trong đất liền thì ghi bằng tên tỉnh, huyện hay thị trấn.

- Sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm ghi bằng cấp gió (có giải thích thêm bằng cây số giờ) và phạm vi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên (bán kính của vùng gió bão cho bằng km), tình hình sóng biển.

- Hướng và tốc độ di chuyển của bão. Khi bão tới gần nếu Nha Khí tượng dự đoán được khu vực và thời gian bão tới đất liền thì sẽ ghi thêm trong bản tin nhận định về thời gian và khu vực sẽ có gió từ cấp 6 trở lên, dự đoán khu vực trung tâm bão đi qua.

CÁCH THỨC BÁO TIN BÃO VÀ NHIỆM VỤ CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN

1. Về mục A “nhiệm vụ Nha Khí tượng”:

Nay xóa bỏ đoạn “đối với tin bão khẩn cấp” và sửa lại như sau:

Đối với bão sắp đổ bộ: khi bão sắp tiến vào đất liền, Nha Khí tượng báo “tin bão khẩn cấp” chung cho các cơ quan trung ương (bảng II) và các khu, tỉnh toàn miền Bắc (bảng B) mà không báo riêng “tin bão khẩn cấp” cho từng khu vực như trước.

Thời gian phát tin:

Nha Khí tượng sẽ phát tin báo bão vào các thời gian như sau:

- Khi có bão xa: phát 4 tin trong một ngày, vào lúc 4-5 giờ, 10 – 11 giờ, 16 – 17 giờ, 21 – 22 giờ.

- Khi có bão gần: phát 4 tin trong một ngày vào các thời gian như trên, ngoài ra còn có thể có tin bổ sung thêm.

- Khi có bão sắp đổ bộ, phát 8 tin trong một ngày (3 giờ một lần) vào lúc 1 – 2 giờ, 4 – 5 giờ, 7 – 8 giờ, 10 – 11 giờ, 13 – 14 giờ, 16 – 17 giờ, 19 – 20 giờ, 22 – 23 giờ.

Ngoài ra có thể có tin bổ sung vào khoảng cách giữa hai bản tin.

2. Về mục B “Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam”.

Nay xóa bỏ ba hàng đầu của mục B và sửa lại như sau:

Khi nhận được tin bão của Nha Khí tượng, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam phải cho phát thanh ngay.

Ngoài ra khi có tin bão sắp đổ bộ Nha Khí tượng sẽ có những buổi phát thanh đặc biệt vào lúc 2 giờ, 9 giờ và 15 giờ.

3. Về mục H “Ủy ban hành chính và Ban chỉ huy chống bão, lụt các cấp”.

Nay bổ sung thêm tiếp cuối điểm thứ 5, điểm “khi nhận được tin bão xa” và đầu điểm 6, điểm khi nhận được “tin bão gần” một đoạn như sau:

Khi nhận được “tin bão khẩn cấp” các Ủy ban và Ban chỉ huy chống bão lụt các cấp phải nghiên cứu cụ thể nội dung và bản tin bão xem địa phương mình nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nhiều hay ít để có kế hoạch phòng chống cho sát hợp với tình hình.

CÁC BẢNG PHỤ LỤC

Bảng II

Thêm số 29: Tổng cục Khai hoang.

Bảng A

Bỏ: Ty Bưu điện Kiến An, Ủy ban hành chính tỉnh Kiến An.

Bảng B

a) Bỏ:

4. Ty Bưu điện Kiến An, Ủy ban hành chính tỉnh Kiến An.

13. Ty Bưu điện Bắc Ninh.

- Ủy ban hành chính tỉnh Bắc Ninh.

- Đài khí tượng Bắc Ninh.

b) Sửa lại:

số 15: Bắc Giang thành Hà Bắc.

c) Thêm:

26. Ủy ban hành chính tỉnh Sơn La, trước là Đài Khí tượng khu tự trị Thái – Mèo.

27. Ty Bưu điện Lai Châu.

- Ủy ban hành chính tỉnh Lai Châu.

- Đài Khí tượng Lai Châu.

28. Ty Bưu điện Nghĩa Lộ.

- Ủy ban hành chính tỉnh Nghĩa Lộ.

- Đài Khí tượng Nghĩa lộ.

Bảng tín hiệu, cờ hiệu, pháo hiệu: Ở cột ý nghĩa tín hiệu, pháo hiệu và cờ truyền tin, đổi ba câu dầu như sau:

Sắp có bão (gió mãnh cấp 6, 7 từ 40 đến 60 cây số một giờ) có thể làm đắm thuyền, làm đổ nhà tranh.

Sắp có bão (gió mãnh cấp 8,9 từ 60 đến 90 cây số một giờ) có thể làm hư hại nhà cửa, làm đắm tàu thủy.

Sắp có bão to (gió mạnh từ cấp 10 trở lên tức là trên 90 cây số một giờ) có sức phá hoại rất lớn.

Những điểm khác quy định trong Thông tư số 64-TTg vẫn có hiệu lực như cũ.

Nhận được thông tư này, các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh cần phổ biến ngay cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các huyện, xã những điểm sửa đổi cần thiết. Trong mùa bão, cần tổ chức thường trực chặt chẽ nghe tin bão, ban ngày và ban đêm, theo dõi sát tình hình để chỉ đạo việc phòng chống được kịp thời và có hiệu quả.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 61-TTg năm 1963 sửa đổi thể lệ báo bão do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 61-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/06/1963
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 12/07/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản