Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 59/2012/TT-BNNPTNT về Quy định quản lý sản xuất rau, quả và chè an toàn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương III

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG SẢN XUẤT, SƠ CHẾ, CHẾ BIẾN RAU, QUẢ; SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN CHÈ

Điều 6. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến rau, quả; sản xuất, chế biến chè

1. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được cấp đối với từng cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến rau, quả; sản xuất, chế biến chè (sau đây gọi tắt là cơ sở), trừ các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

2. Cơ sở đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 3, 4, 5 của Thông tư này được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến rau, quả; sản xuất, chế biến chè.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền cấp, cấp lại hoặc ủy quyền cho cơ quan chuyên ngành thuộc Sở cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến rau, quả; sản xuất, chế biến chè (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận).

4. Giấy chứng nhận có hiệu lực 03 (ba) năm.

Trước 06 (sáu) tháng tính đến ngày giấy chứng nhận hết hạn, cơ sở phải gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại giấy chứng nhận thực hiện theo quy định Điều 9 của Thông tư này.

5. Mẫu giấy chứng nhận quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận lưu tại cơ quan cấp giấy chứng nhận và cơ sở xin cấp giấy chứng nhận.

7. Đối với cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP có thể thay thế giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận.

Điều 7. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận

1. Nộp hồ sơ:

a) Cơ sở xin cấp giấy chứng nhận nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

b) Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ hồ sơ

c) Kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ trong thời gian hai (02) ngày làm việc. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định thì tiếp nhận hồ sơ. Nếu không đầy đủ, hợp lệ thì yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

2. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận:

a) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản thuyết minh điều kiện sản xuất, sơ chế, chế biến rau, quả; sản xuất, chế biến chè an toàn theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bản sao chụp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập;

d) Bản sao chụp Chứng chỉ tập huấn về an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến rau, quả, chè của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp (mang theo bản chính để đối chiếu) hoặc bản sao có chứng thực;

đ) Giấy chứng nhận sức khỏe của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp (chỉ áp dụng đối với cơ sở sơ chế, chế biến).

3. Thẩm định và cấp giấy chứng nhận

a) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thành lập đoàn kiểm tra từ 2-5 người để tiến hành thẩm định, đánh giá các cơ sở xin cấp giấy chứng nhận.

b) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo cho cơ sở kế hoạch kiểm tra trước thời điểm tiến hành thẩm định đánh giá ít nhất là 05 (năm) ngày làm việc. Kế hoạch kiểm tra nêu rõ nội dung, thời gian, thành phần đoàn và yêu cầu kiểm tra.

c) Nội dung, phương pháp kiểm tra

Đoàn kiểm tra tiến hành thẩm định, đánh giá sự phù hợp của cơ sở với các điều kiện quy định hiện hành bằng các phương pháp kiểm tra thực tế; kiểm tra hồ sơ, tài liệu và phỏng vấn (nếu cần), khi cần thiết có thể lấy mẫu đất, nước, mẫu sản phẩm để thử nghiệm. Việc lấy mẫu được thực hiện theo các tiêu chuẩn hoặc các văn bản quy định có liên quan.

Biên bản kiểm tra phải được thông báo tại cuộc họp kết thúc kiểm tra, ghi đầy đủ các nội dung kiểm tra và có chữ ký xác nhận của đại diện cơ sở và trưởng đoàn kiểm tra. Trường hợp chưa đủ điều kiện, đoàn kiểm tra nêu rõ trong biên bản những chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu và thời hạn để cơ sở khắc phục.

Trong trường hợp không đồng ý kết quả kiểm tra của đoàn, đại diện cơ sở có quyền ghi kiến nghị của mình vào cuối biên bản trước khi ký tên và đóng dấu xác nhận. Biên bản kiểm tra có giá trị pháp lý trong trường hợp đại diện cơ sở không ký tên vào biên bản.

Mẫu Biên bản kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn đánh giá cơ sở sản xuất rau, quả, chè; sơ chế rau, quả tại Phụ lục 4, 5, 6, 7 ban hành kèm theo Thông tư này; biểu mẫu đánh giá, thống kê cơ sở chế biến rau, quả theo quy định tại Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản; biểu mẫu đánh giá, thống kê cơ sở chế biến chè theo quy định tại Thông tư số 53/2011/TT-BNNPTNT ngày 02/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT bổ sung Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản.

d) Cấp giấy chứng nhận

Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra hoặc ngày có kết quả thử nghiệm mẫu của đoàn kiểm tra, cơ sở đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận.

Trường hợp chưa đủ điều kiện đã được nêu rõ trong biên bản kiểm tra. Sau khi nhận được báo cáo khắc phục, cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá các báo cáo khắc phục (nếu cần thiết sẽ cử đại diện kiểm tra lại). Nếu đạt yêu cầu, trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận báo cáo khắc phục của cơ sở hoặc có kết quả kiểm tra lại, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

Trường hợp không cấp giấy chứng nhận, cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 8. Cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận

1. Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận

a) Giấy chứng nhận gốc vẫn còn hiệu lực nhưng bị mất, thất lạc;

b) Giấy chứng nhận gốc vẫn còn hiệu lực nhưng bị hư hỏng, không thể tiếp tục sử dụng;

c) Khi phát hiện có sai sót trên giấy chứng nhận do lỗi của cơ sở đề nghị cấp giấy chứng nhận hoặc lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

d) Khi cơ sở đề nghị cấp giấy chứng nhận có thay đổi hoặc bổ sung thông tin liên quan đến cơ sở trong giấy chứng nhận.

đ) Khi giấy chứng nhận hết hiệu lực;

e) Khi bị thu hồi giấy chứng nhận được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều này.

2. Thu hồi giấy chứng nhận

a) Các trường hợp bị thu hồi theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

b) Trường hợp quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 14 của Thông tư này.

3. Thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận có thẩm quyền thu hồi.

Điều 9. Trình tự, thủ tục cấp lại giấy chứng nhận

1. Nộp hồ sơ

a) Cơ sở đề nghị cấp lại giấy chứng nhận gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bằng các hình thức: Gửi trực tiếp; đường bưu điện; gửi qua fax, email, mạng điện tử (sau đó gửi hồ sơ bản chính).

b) Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ hồ sơ

c) Kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ trong thời gian 01 (một) ngày làm việc. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định thì tiếp nhận hồ sơ. Nếu không đầy đủ, hợp lệ thì yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

2. Hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận:

a) Đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế, chế biến rau, quả; sản xuất, chế biến chè an toàn theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản thuyết minh điều kiện sản xuất, sơ chế, chế biến rau, quả; sản xuất, chế biến chè (nếu thay đổi so với đăng ký lần đầu);

c) Bản sao chụp Chứng chỉ tập huấn về an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến rau, quả, chè của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp (mang theo bản chính để đối chiếu) hoặc bản sao có chứng thực (đối với những người mới được bổ sung);

d) Giấy chứng nhận sức khỏe của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp (áp dụng đối với cơ sở sơ chế, chế biến trong các trường hợp quy định tại Điểm d, đ,e, Khoản 1, Điều 8 của Thông tư này).

đ) Báo cáo khắc phục (đối với trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 14 của Thông tư này);

e) Giấy chứng nhận đã được cấp (đối với các trường hợp quy định tại Điểm b, c, Khoản 1, Điều 8 của Thông tư này);

g) Biên bản kiểm tra, đánh giá định kỳ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến rau, quả; sản xuất, chế biến chè của các cơ quan chức năng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nếu có).

3. Thẩm định và cấp lại giấy chứng nhận

a) Đối với các trường hợp quy định tại Điểm a, b, c, Khoản 1, Điều 8 của Thông tư này, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xem xét, đối chiếu hồ sơ gốc tại cơ quan cấp giấy chứng nhận. Thời hạn xem xét cấp lại là 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Ngày cấp và thời hạn hiệu lực theo giấy chứng nhận gốc và đóng dấu “Bản cấp lại”.

b) Đối với các trường hợp quy định tại Điểm d, đ, e, Khoản 1, Điều 8 của Thông tư này, thời gian, trình tự, thời hạn cấp lại giấy chứng nhận thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 của Thông tư này.

Trong trường hợp cơ sở có kết quả kiểm tra định kỳ hàng năm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt loại A, thời hạn xem xét và cấp lại giấy chứng nhận là 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy chứng nhận không thành lập đoàn kiểm tra.

c) Trường hợp không cấp lại giấy chứng nhận, cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 10. Quy định về lấy mẫu, chi phí lấy mẫu và thử nghiệm

1. Phương pháp lấy mẫu và phương pháp thử nghiệm để xác định kim loại nặng, vi sinh vật gây hại trong đất, nước được áp dụng theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và thực hiện tại phòng thử nghiệm theo Thông tư số 54/2011/TT-BNNPTNT ngày 03/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu năng lực phòng thử nghiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và muối.

2. Cơ sở xin cấp giấy chứng nhận chịu chi phí lấy mẫu và thử nghiệm mẫu đất, nước; chi phí lấy mẫu và thử nghiệm mẫu sản phẩm; chi phí chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến rau, quả; sản xuất, chế biến chè trừ trường hợp ngân sách nhà nước hỗ trợ.

3. Chi phí lấy mẫu và thử nghiệm mẫu trong hoạt động kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến rau, quả, chè an toàn do cơ quan kiểm tra chi trả; trường hợp cơ quan kiểm tra kết luận cơ sở vi phạm quy định thì cơ sở phải trả chi phí lấy mẫu, thử nghiệm mẫu và chi phí thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thông tư 59/2012/TT-BNNPTNT về Quy định quản lý sản xuất rau, quả và chè an toàn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 59/2012/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/11/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Bá Bổng
  • Ngày công báo: 27/11/2012
  • Số công báo: Từ số 667 đến số 668
  • Ngày hiệu lực: 24/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH